The Tale of The Princess Kaguya – Phải chăng chúng ta đều là những “nàng công chúa ống tre”?

Khách mới

  

Ngày xửa ngày xưa…

Chuyện công chúa Kaguya (The tale of the Princess Kaguya – Kaguya-hime no Monogatari) đã bắt đầu một cách truyền thống như thế. Hình ảnh của bộ phim cũng không gây được ấn tượng với mình. À, nói đúng hơn là mình có chú ý đến nó, nhưng theo kiểu thế này: “Trời, art phim của Ghibli mà nhạt nhòa vậy.” Và vì vậy dù đã xem Vùng đất linh hồn, Lâu đài di động của Howl… đến trên dưới chục lần, mình vẫn không buồn bấm vào bộ phim nhìn-có-vẻ-không-hay-lắm này.

Vậy mà có một hôm mình buồn thiệt. Mình quyết định xem Chuyện công chúa Kaguya cho vui.

Ai ngờ xem xong buồn hơn. Ủa?

Được dựa trên truyện cổ tích Nàng tiên ống tre, The tale of the Princess Kaguya mở đầu với Okina Miyatsuko – một ông lão đốn tre để kiếm sống. Ngày nọ, Okina bắt gặp một búp măng tỏa ra ánh sáng kì lạ. Ông đến gần và ngạc nhiên làm sao, từ trong đó xuất hiện một bé gái tí hon chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay ông. Tin rằng đây là món quà trời ban, Okina mang đứa trẻ về và cùng vợ mình – bà Ona – nuôi dưỡng cẩn thận. Cô bé lớn lên nhanh như một thổi và hồn nhiên như một búp măng. Đó cũng là tên những đứa trẻ trong làng thân thiết gọi Kaguya.

Ngày nọ, Okina tìm thấy rất nhiều vàng và quần áo đẹp trong lùm tre, như cách ông tìm thấy Kaguya. Ông coi chúng như một minh chứng cho nguồn gốc thần thánh của Kaguya và tin rằng số mệnh của cô là phải trở thành nàng công chúa thật sự. Ông quyết định chuyển nhà đến kinh thành, buộc Kaguya phải rời xa bạn bè, xa cả Sutemaru – người anh trưởng thành nhất trong nhóm. Kể từ đó, cô ở trong một căn nhà rộng lớn cùng với rất nhiều người hầu và được giáo dục để trở thành một công chúa quý tộc. Tuy Kaguya luôn tỏ ra ương bướng khi được dạy dỗ những quy củ, nhưng khi cha đến, cô lại làm rất thành thục. Nhờ sự tài sắc của mình, Kaguya chính thức được nhận danh vị Công chúa Kaguya. Nhân dịp này, Okina tổ chức một bữa tiệc mừng linh đình kéo dài ba ngày ba đêm với rất nhiều khách khứa là quý tộc chốn kinh thành.

– Đây là một bữa tiệc ăn mừng việc đặt tên của ta?

– Tất nhiên rồi, thưa Công chúa.

– Nhưng ta chỉ ngồi một chỗ ở đây. Lẽ ra ta cũng không nên ngồi ở đây.

Bữa tiệc ấy là lần đầu tiên Kaguya thật sự cảm thấy mình không thuộc về nơi này. Những vị khách sau khi ăn uống no say đã cao hứng đòi xem mặt Kaguya, và cha cô cho rằng điều này không hợp với phong tục. Nhưng đối với họ, lễ nghi chỉ dành cho con gái quý tộc, không phải một “công chúa” có xuất thân thường dân như Kaguya.

Nghe những lời khiếm nhã như vậy, sức chịu đựng của cô gái chạm mức giới hạn. Kaguya bóp nát cái chén trong tay và chạy mãi, chạy mãi cho đến khi về được ngôi làng thưở bé của mình. Nhưng trái với khung cảnh xanh tươi êm đềm lúc xưa, nơi đây chỉ còn lại sự tiêu điều. Nó hoàn toàn tương đồng với Kaguya lúc này: những lớp y phục đắt đỏ, cầu kì như-một-công-chúa đã rơi trên đường, chỉ còn lại một bộ quần áo rách nát. Người đàn ông làm than sống trên núi cho cô biết rằng mọi người đã đi đến một nơi khác để khai thác gỗ, cho vùng đất này cơ hội hồi sinh. Họ sẽ trở về ít nhất là sau mười năm nữa.

– Nhưng nếu ngọn núi thật sự đã chết thì sao?

– Nó không chết đâu. Bây giờ, cây đang chờ cho mùa xuân trở lại.

Kaguya quay về kinh thành sau đoạn hội thoại đó. Cô ngoan ngoãn sống tiếp cuộc đời của một nàng công chúa đã được sắp đặt. Cô chấp nhận mùa đông để đợi mùa xuân đến. Giữa khao khát cuộc sống tự do và bổn phận của mình, Kaguya đã chọn bổn phận. Ngay từ khi chập chững biết đi, giữa tiếng kêu “Búp Măng” của đám trẻ trong làng, và tiếng gọi “Công Chúa” của cha, Kaguya đã chọn cha mình.

Liệu cuộc sống có thật sự đơn giản như người ta vẫn nói? Hay vốn dĩ chúng ta từ lúc sinh ra đã vướng vào những ràng buộc chồng chéo lên nhau? Tình cảnh của Kaguya lúc này là điều mà chúng ta ai cũng từng một lần trải qua trong đời: mang trong lòng những ước mơ mâu thuẫn với thực tại, những giấc mộng mà ta biết rõ sẽ chẳng bao giờ thành.

Nàng công chúa đã kiên nhẫn đợi mùa đông qua. Mùa xuân cuối cùng cũng đến, người anh cô yêu quý Sutemaru đã trở về. Nhưng lúc này, thời gian ở trần thế của Kaguya đã hết. Phút giây thật sự được sống, được yêu và được tự do của cô tựa như một giấc mơ trưa. Cuộc sống đôi khi quá nghiệt ngã, và trong nhiều mảnh đời, ngày buồn thì quá dài, còn ngày vui lại đến muộn màng như thế.


Có một điều nữa khiến mình suy nghĩ ở phân đoạn Kaguya gặp Sutemaru và đám trẻ trong làm trở về. Đó là Sutemaru lúc này đã có vợ con. Hóa ra những ký ức về ngày đã cũ, dù có tươi đẹp đến đâu cũng chỉ là quá khứ. Ta có thể hối tiếc, ta có thể lưu luyến, ta có thể mong muốn biết bao cơ hội được trở lại. Nhưng có thể trong lòng đối phương, đó chỉ là một câu chuyện đã cũ chẳng mảy may đáng giá. Họ sẽ sống tiếp mà không có ta.

– Nhưng nếu ngọn núi thật sự đã chết thì sao?

Đến lúc này chúng ta đều hiểu, ngọn núi vẫn sống, mùa xuân vẫn trở lại, nhưng mùa xuân của Kaguya đã chết. Khát khao rằng sau những ngày tháng buồn bã, niềm hạnh phúc sẽ đến chẳng qua chỉ là hy vọng ngây thơ của con người trần thế. Đời người thật sự không dài như Kaguya nghĩ, không dài như chúng ta nghĩ. Không như ngọn núi, chúng ta chẳng thể tái sinh, càng không thể đợi được mùa xuân trở về. Điều đó gợi nhớ mình đoạn thơ trong bài Vội vàng của Xuân Diệu:

“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…”

Mặc cho Kaguya có khao khát được ở lại như thế nào, đoàn người nhà trời vẫn sẽ đến đưa cô trở về mặt trăng. Đám rước đưa cô đi trong tiếng kèn vui tươi hòa cùng tiếng khóc thảm thiết của cha mẹ cô. Một tiên nữ khoác tấm áo choàng lên người Kaguya nói: “Trong sự thuần khiết của Cung Trăng, hãy bỏ lại phía sau nỗi buồn và sự ô uế của thế gian này.” Đến lúc này mình mới nhận ra, đây là hình ảnh ẩn dụ cho một đám tang, và việc “trở về cung trăng” thật ra là cái chết.

Khi biết con gái mình sẽ bị đưa đi, Okina đã làm mọi cách để giữ cô ở lại. Ông thuê rất nhiều quân lính, biến nhà mình thành pháo đài, hòng bảo vệ cô khỏi những người nhà trời. Nhưng họ vẫn đến và đưa Kaguya đi một cách nhẹ nhàng. Cũng như cái chết vốn dĩ là điều thuộc về tự nhiên, nó nằm ngoài tầm kiểm soát của những con người bé nhỏ. Điều chúng ta có thể làm, có chăng là sống cho trọn vẹn quỹ thời gian được ban tặng.


Đáng tiếc thay, người ta chỉ thật sự sống khi biết mình đã không còn nhiều thời gian. Và những người xung quanh ta, họ chỉ nghĩ muốn ta được hạnh phúc một cách trọn vẹn nhất khi ta đã có cuộc hẹn với thế giới bên kia. Kaguya tiếc nuối vì mình đã ước được đưa đi và thoát khỏi số phận đang giam giữ lấy cô. Cha Kaguya hối hận vì đã không để cô sống cuộc đời mà cô muốn. Tất cả đều trở nên quá đỗi muộn màng. Cái chết làm con người ta thức tỉnh, nhưng chỉ vậy thôi. Nó không mang đến cơ hội để làm lại hay thời gian để sửa chữa những lỗi sai. Ta đôi khi mong ước được từ bỏ thế giới, nhưng đó chưa từng là cách giải quyết tốt nhất. Cái chết chỉ là dấu chấm hết đột ngột ở giữa đoạn văn. Nó sẽ không bao giờ có thể trở thành một hồi kết tốt đẹp.

Rõ ràng, The tale of the Princess Kaguya không phải một bộ phim về chuyến phiêu lưu đến trần gian của một nàng tiên, nó phản chiếu cuộc đời của mỗi con người. Chúng ta sinh ra với sự hồn nhiên và hạnh phúc, để rồi lớn lên lại vướng vào những vòng xoáy bi kịch. Có người cả đời chạy theo tiếng gọi của danh vọng, nhìn lại chẳng còn nhận ra mình là ai. Có người cả đời mắc kẹt trong thứ gọi số mệnh, như Kaguya. Hằng hà sa số những đau khổ khiến ta quên mất đi sự tươi đẹp của thế giới này cho đến khi sự sống nói với ta rằng nó sắp rời bỏ ta. Đời người đến rồi đi, nhanh hơn chúng ta nghĩ. Một câu nói đã trở thành kinh điển, nhưng chưa bao giờ mất đi giá trị: Hãy sống sao cho trọn vẹn để có thể ra đi mà không phải hối tiếc điều gì.

Chim, bọ, thú

Cỏ, cây, hoa

Nở hoa, ra trái và chết

Cuộc sống luôn luôn luân hồi…

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


6 cụng ly

  • BTS - 09.02.2022

    Mình thích giọng văn của bạn. Cảm ơn vì bài viết này nhé =)))


    • Tranh - 07.02.2023

      Mình cảm ơn bạn nha


  • Nguyễn Xuân Tài - 10.02.2022

    Anh thích câu “người ta chỉ thật sự sống khi biết mình đã không còn nhiều thời gian” – nó làm anh nghĩ đến:
    “Every man has two lives, and the second starts when he realizes he has just one” — Confucius
    Câu này có thể hiểu theo nhiều nghĩa, nhưng anh chọn vế trái cho anh là:
    “When you are sacrificing happiness by choosing the wrong options.”


  • Tranh - 10.02.2022

    @Nguyễn Xuân Tài yayyyy em thích liên tưởng của anh =))


  • Tùng - 06.02.2023

    Bạn có tài văn quá. Nhiều lúc mình cũng ngẫm nghĩ nhưng viết ra đc mạch lạc khó quá. Trong bài viết có 1 đoạn ấn tượng với mình. Đó là ta biết quý thời gian khi ta không còn nhiều thời gian. Nó giống như ta chỉ xóa hiểu biết khi ta đã sai, mà có cái sai sẽ đem lại tiếc nuối. Nhất là với những bài học lớn, ta chỉ học đc khi đã đổ vỡ, thất bại, gây hậu quả k cứu vãn đc, ta ước mình có thể nhận ra sớm hơn, biết sớm hơn. Vậy là tiếc nuối chẳng lẽ không thể tránh khỏi.


    • Tranh - 07.02.2023

      Mình cảm ơn bạn. Bạn cmt bài viết vào đúng lúc gia đình mình có tang sự, những ngày này mình càng thấm thía những ẩn ý về cái chết trong phim.