Gundam Thực Ra Là Gì? (P.1)

Khách quen

  

Tân binh của thương hiệu Gundam trứ danh, Gundam: The Witch from Mercury thực sự là một bất ngờ lớn của mùa anime Thu 2022. Không chỉ cốt truyện cuốn hút, hình ảnh trau chuốt, mà The Witch from Mercury còn ghi dấu với khán giả bằng những khoảnh khắc ấn tượng. Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ người viết đang nói tới cảnh Suletta ngồi trên ghế hát “chúc mừng sinh nhật” phải không? Cho đến giờ, đó đúng là khoảnh khắc ấn tượng và ám ảnh nhất seri, nhưng người viết muốn nới tới đoạn Prospera tuyên bố rằng “Aerial không phải là Gundam”, để rồi bị phản bác lại rằng “Thứ đó là Gundam”.

Chào mừng đến với câu lạc bộ trông-thì-giống-nhưng-không-phải-Gundam… Mà khoan, có cái gì đó sai sai?

Nhiều người có lẽ sẽ không để tâm lắm, nhưng khi đó, phát biểu của bà cô mặt nạ đã khiến người viết sực nghĩ: chính xác thì điều gì định nghĩa một Gundam? Được điều khiển bởi (các) nhân vật chính? Sở hữu một hệ thống hay khả năng vượt trội nào đó so với những chiếc MS quần chúng khác? Nếu là một người mới bước chân vào thế giới của Gundam, có lẽ chỉ nhìn lướt qua là thấy ngay: “Có 2 mắt với cặp sừng chữ V thì nhất định là Gundam rồi!”. Tuy nhiên khi đào sâu vào vũ trụ của những cỗ máy hình người cao cả chục mét này, mọi thứ càng ngày càng trở nên mơ hồ và rối rắm. Đó là lúc mà bạn nhận ra rằng có lẽ cần phải xem xét lại ấn tượng ban đầu của mình.

Với nhiều seri diễn ra trong nhiều dòng thời gian khác nhau, một lẽ tất yếu là định nghĩa Gundam cũng liên tục thay đổi. Tuy nhiên chung quy lại, phần lớn Gundam đều có điểm chung là những cỗ máy tân tiến hiệu suất cao, thường được chế tạo với khả năng vượt trội so với những mẫu sản xuất hàng loạt. Chúng thường được trang bị với những công nghệ thử nghiệm tân tiến nhất đương thời. Tên gọi Gundam thường là tên viết tắt cho một cụm từ nhất định, mặc dù trong nhiều trường hợp đó không phải là tên gọi chính thức của chúng trong lore. MS của nhân vật chính thường được gọi là Gundam. Phần lớn những cỗ máy này có màu trắng-xanh dương là chủ đạo, được phối thêm màu vàng và đỏ, và có ít nhất là một cặp ăng-ten (hay còn được gọi dân dã là “sừng”) chữ V màu trắng hoặc vàng trên đầu.

5 cỗ Gundam thừ Thời Đại Thảm Họa xuất hiện trong anime Gundam: Iron-Blooded Orphans

Ngoài những chi tiết kể trên, trong một số seri thì khái niệm Gundam còn được cụ thể hóa hơn. Ví dụ như trong Gundam Iron-Blooded Orphans, thuật ngữ “Gundam” dùng để chỉ những MS được chế tạo theo một cấu trúc được gọi là “Gundam Frame”. Có hai điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa những Gundam Frame và Mobile Suit Frame khác: chỉ có Gundam Frame được trang bị với hai lò phản ứng Ahab (trong khi những MS Frame thông thường chỉ có một), và tất thảy 72 chiếc Gundam được đặt tên theo các con quỷ trong Ars Goetia. Thậm chí trong Gundam AGE, cách phân biệt chúng còn đơn giản hơn: Gundam là những mẫu MS hiệu suất cao VÀ được phát triển dựa theo dữ liệu từ hệ thống AGE – tức là chỉ cần thỏa mãn hai vế này thì MS đó chính là Gundam.

CỖ MÁY CHIẾN TRANH, HAY HIỆN THÂN CỦA LÝ TƯỞNG?

Đương nhiên không phải mọi khái niệm Gundam đều tường minh như vậy. Như trường hợp của Gundam XTurn A Gundam, nguồn gốc thuật ngữ Gundam không hề được nhắc tới; chúng được gọi là Gundam chỉ bởi vì các nhân vật trong anime gọi chúng như thế. Hay trong seri Gundam Wing, định nghĩa Gundam khá mù mờ. Ban đầu các những mobile suit được chế tạo từ vật liệu Gundanium thì được gọi là Gundam, như trong đoạn trao đổi giữa các sĩ quan tháp tùng và Zechs sau lần đầu chạm trán với Heero. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những cỗ máy khác được chế tạo từ cùng loại vật liệu như Vayeate và Mercurius trở về sau, khiến cách hiểu này không còn thực sự chuẩn xác. Dần dà, Gundam trong dòng thời gian After Colony không còn được coi là tên gọi của một lớp MS, mà thay vào đó nó trở thành một hiện thân cho lý tưởng của phe phái vận hành chúng.

Wing Gundam Zero/Heero đối đầu Epyon Gundam/Milliardo Peacecraft

Xét về điểm này, điều tương tự có lẽ cũng áp dụng cho Gundam 00. Trong dòng thời gian Anno Domini, Gundam ban đầu là những MS được chế tạo và sử dụng bởi tổ chức bán quân sự Celestial Being, mặc dù cũng có vài ngoại lệ. Khác với những MS khác cùng dòng thời gian, các Gundam vận hành bằng một lò phản ứng cận vĩnh cửu được gọi là GN Drive (và sau này là cả GN Drive Tau), đem lại cho chúng thời gian hoạt động (gần như) không giới hạn. Các GN Drive sản sinh ra một loại hạt đặc biệt tên là GN Particles với vô số ứng dụng, bao gồm sản sinh năng lượng, lực đẩy, ứng dụng trong vũ khí (cả tấn công lẫn phòng thủ), gây nhiễu radar, vân vân. Nhờ loại hạt này và các hệ thống vận hành bằng chúng mà Gundam sở hữu hiệu suất vượt trội so với những mẫu MS thông thường khác. Ngoài ra, Gundam còn có thể hoạt động trong nhiều loại môi trường như trên không, trên bộ và dưới nước mà không cần tới bất cứ điều chỉnh kỹ thuật nào.

Nhưng với sự xuất hiện của GN Drive Tau – phiên bản kém hơn của GN Drive, định nghĩa về Gundam trên hoàn toàn bị đảo lộn. Không nói tới hiệu suất thua kém lẫn những nhược điểm khác so với GN Drive “chính chủ”, GN Drive Tau cho phép bất cứ MS nào được trang bị chúng sở hữu khả năng gần như ngang ngửa với Gundam. Và cần phải nói thêm rằng thậm chí một số Gundam thuộc cả Celestial Being lẫn đối phương đều sử dụng lò phản ứng này, khiến định nghĩa Gundam như trên trong Gundam 00 càng về sau càng lỗi thời.

Reborns Gundam, dù chỉ với GN Drive Tau, vẫn là đối thủ cực kỳ khó nhằn với 00 Raiser

Đến đây chắc mọi người đã bắt đầu nhận ra rồi phải không? Nếu áp dụng quy tắc “Gundam là những MS được chế tạo và sử dụng bởi Celestial Being, VÀ được trang bị với GN Drive/GN Drive Tau”, thì sẽ có rất nhiều nghịch lý nảy sinh. Đầu tiên là bộ ba Gundam Throne: dù được trang bị với GN Drive Tau, chúng KHÔNG HỀ được sản xuất bởi Celestial Being; bất chấp điều đó, chúng vẫn được coi là Gundam. Nhưng rồi ta có dòng GNX sản xuất hàng loạt cũng có chung đặc điểm như trên, nhưng không hề được gọi là Gundam dù chỉ một lần. Và kể cả nếu bỏ đi phần “thuộc Celestial Being” và thay bằng “là mẫu MS sản xuất giới hạn/độc nhất”, thì vẫn có những ngoại lệ không hề là Gundam dù đáp ứng các điều kiện trên: chiếc GNX-509T Throne Varanus, GNMS-XCVII Alvaaron và GNX-U02X Masurao/GNX-Y901TW Susanowo.

Giờ đây khi mà khía cạnh kỹ thuật rõ ràng không phải là đáp án, đã đến lúc chuyển sang lời giải thích còn lại: lý tưởng. Các fan Gundam chắc hẳn không còn xa lạ gì với câu nói đã làm nên thương hiệu của nhân vật Setsuna F. Seiei: “Ta/Tôi là Gundam” – đúng là tại thời điểm season 1 thì cậu đang ở độ tuổi trẻ trâu thật, nhưng rõ ràng là cậu không hề lên cơn Chuunibyou. Và nếu ai còn nhớ, thì trong trận chiến với nhóm Trinity, Setsuna đã nói rằng “Các người không phải là Gundam”. Với Setsuna, Gundam là hiện thân cho lý tưởng chấm dứt mọi cuộc xung đột, và sau này là xóa bỏ sự lạc lối của thế giới, thay vì đơn thuần chỉ là một thứ vũ khí. Điều này có thể cũng trùng khớp với lý tưởng của nhà sáng lập Celestial Being, Aeolia Schenberg, như trong lời nhắn cuối cùng của ông với các Gundam Meister khi hệ thống Trans-Am được mở khóa:

Gửi tới những người đang nắm giữ GN Drive: ta không biết liệu các bạn sẽ kế thừa ý chí của ta hay không, nhưng dẫu vậy, ta giao phó lại cho các bạn hi vọng cuối cùng của ta, sức mạnh thực sự của những GN Drive. Ta mong rằng các bạn sẽ tận dụng chúng để chiến đấu hết mình, nhằm chấm dứt xung đột và mang lại nền hòa bình mới. Không phải vì Celestial Being, mà là vì chính ý chí của các bạn, những chủ nhân của Gundam.

(còn tiếp…)

Vu Khanh

Khách quen

  
Là một con nghiện lâu năm thể loại mecha nói chung và Gundam nói riêng; thích tìm hiểu lore những seri giả tưởng; không mộng mơ, không thích màu hường nhưng thích vanilla và romcom; thích nghe tiếng lách cách khi ráp mô hình và soi đồ figure nữ. Tựu chung là hơi bệnh.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện