[dropcap]Đ[/dropcap]ây là một bài viết khái quát, sơ lược về thể loại và lịch sử của Indie Game. Ngày nay Indie game đã là một hiện tượng toàn cầu rồi. Nhưng thực tế còn có rất nhiều câu hỏi thắc mắc xung quanh Indie Game. Vậy thì bài viết này ra đời nhằm trả lời một số câu hỏi? Bài viết dựa trên kiến thức hạn hẹp của mình nên nếu anh em thấy sai sót ở chỗ nào hãy cứ mạnh dạn góp ý.
I. THẾ NÀO LÀ INDIE GAME ?
Xin thưa không có một khái niệm nào đúng nhất để nói rõ cái gì là “INDIE GAME”. Được thừa hưởng khả năng vận động, biến đổi, phát triển của con người, Indie Game là một khái niệm đã, đang và sẽ phát triển. Hãy tạm gác câu chuyện về tương lai xa xôi có thể có của Indie Game trong một bài viết khác, hôm nay ta hãy nói về Indie Game của hiện tại. Indie Game hiện nay phổ biến đến nỗi nó len lỏi trong mọi ngóc ngách của bất kỳ thể loại hay có mặt trên bất kỳ nền tảng nào mà một videogame có. Trước hết hãy làm the cách phổ thông nhất vẫn dùng: Cắt nghĩa câu chữ ! Indie là từ viết tắt cho Indepedent nghĩa là ‘ĐỘC LẬP” trong Tiếng Việt. Điều quan trọng là nó “độc lập” như thế nào? và nó “độc lập” với cái gì?
Câu trả lời là “Indie” đại biểu cho sự độc lập so với “Số đông”. “Số đông” mà tôi muốn nói ở đây là những cái tên đã quá đỗi quen thuộc với chúng ta trong cái vòng lặp về sự độc quyền trong hơn 20 năm đổ về trước, những “địa chủ” trong ngành sản xuất game như EA, Ubisoft, Konami, Sega, DeNA..v..v… Tiếp đến là “Indie” “độc lập” với cái gì. Hãy ví von một cách đơn giản “Indie Game” là những sản phẩm handmade thủ công 100% từ bàn tay của những nhà phát triển độc lập (Indie developer) và họ làm game chỉ vì mục đích của bản thân. chứ không phải những công ty khổng lồ như đã kể trên. Có thể nói Nhà phát triển game độc lập là những con người tay trắng muốn gây dựng nên hoành đồ bá nghiệp.
II. ĐIỀU GÌ LÀM NÊN THÀNH CÔNG CỦA INDIE GAME
Làm game indie là một con đường chông gai mà ta không thể tưởng tượng nổi nếu ta không trải nghiệm. Thiếu thốn đủ thứ: nhân lực, tiền bạc, vật lực….. cộng thêm áp lực hữu hình và vô hình khác. Nhưng có những thứ mà Indie không bao giờ thiếu và chính những điều đó làm indie game thành công và tỏa sáng hơn bao giờ hết: Sáng tạo, khéo léo và đam mê không ngừng nghỉ. Bạn nào có nhu cầu tìm hiểu thêm về lĩnh vực này, bạn có thể xem video sau đây. Indie Game: The Movie là một video tư liệu quý giá mà mình tìm thấy. Nếu có điều kiện mong các bạn mua ủng hộ tác giả. Video này do nhóm anh Hùng Vũ bỏ nhiều công sức ra thực hiện sub.
Hãy quay trở lại với đối tượng mà ta đem ra so sánh: những game mainstream, những “ông lớn” trong làng game. Những game dòng mainstream hay còn được gọi với cái tên AAA là những sản phẩm hoành tráng, to lớn, đồ họa đẹp được thiết kế bởi những trang bị thiết kế tối tân và những bộ óc tài ba nhất. Để đạt được những thứ kể trên đều cần đến thứ mà mọi người đau đầu nhất: TIỀN. Nguồn tiền này là dòng chảy của các cổ đông trong các “ông lớn”. Và hãy nói họ là những thương nhân tham lam với chỉ 1 mục đích: đồng tiền bỏ ra phải sinh ra nhiều tiền hơn nữa. Chính những nhân tố tưởng chừng như tuyệt vời nhất hoàn hảo nhất lại là điểm yếu chí mạng của họ. Hãy nhìn những bộ óc thiên tài được thuê, lực lượng đông đảo người thiết kế, phát triển, mọi thứ trở nên hỗn loạn và không ăn khớp cho dù có xuất sắc đến mấy. Kể cả khi những ý tưởng trở nên hòa hợp thì nó cũng bị vướng mắc rào cản rất lớn tạo ra nó chính là ý muốn của cổ đông và của người chơi. Chất xám bị bóp nghẹt và những trò chơi chỉ như những con rối vô hồn tạo ra với mục đích “làm tiền” của nó.
Trở lại với diễn viên chính của chúng ta: Indie game. Không như những người đồng nghiệp của nó. Chúng ta không phủ nhận việc Indie game được làm ra để bán nhưng khởi nguồn nguyên thủy nhất của nó là thứ không có giới hạn, tự do như những chú ưng trên tầng trời này: ĐAM MÊ SÁNG TẠO. Một ví dụ điển hình cho indie game là Super Meat Boy một game indie retro 2d platform nói về chuyến phiêu lưu của anh chàng “cục thịt” giải cứu cô bạn băng gạc của mình khỏi tên tiến sĩ xấu xa. Những đam mê sáng tạo này tạo nên từ những ý tưởng hay ham muốn rất riêng của cha đẻ nó. Đó là những động cơ thuần khiết xuất phát từ trái tim, ý chí và cảm xúc khao khát làm cho nó trở nên đời thường hơn, gần gũi hơn nhiều cảm xúc hơn và đôi khi vĩ đại hơn bao giờ hết. Kiên trì bền bỉ sẽ là nhân tố giúp san bằng mọi khó khăn còn lại.

Những nhân tố độc nhất vô nhị trong gameplay, cốt truyện, đồ họa…. đó là những thứ không có giới hạn mà bạn có thể tưởng tượng khi nói về indie game. Indie game đang phát triển từng giây phút trên con đường độc lập của riêng nó. Nó là 1 thứ gì đó khác biệt hơn, vượt khỏi phạm trù của cái gọi là “ngành công nghiệp”. Hãy nói nó vẫn luôn tiến bước trên con đường vận động độc lập của riêng mình.
III. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA INDIE GAME
Thập niên 70 của thế kỷ trước: Thật là phấn khích khi nói về con đường gập ghềnh mà indie game phải trải qua. Hãy quay về cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Đó là thuở ban sơ của videogame nói chung. Lúc đó việc làm ra một video game là một trăn trở lớn lao. Các nhà làm game lớn nhất thời đó thậm chí còn chưa đạt nổi tiêu chuẩn phổ thông nhất hiện nay của một nhà làm game độc lập bây giờ. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau những mồng mấm của indie sớm bị đẩy lùi khi các tập đoàn lớn nhìn thấy “mảnh đất phì nhiêu” của lĩnh vực làm game này.
Tựa game cổ nhất được coi như thủy tổ của Indie theo mình tìm hiểu thì là SpaceWar năm 1977.
Đến thập niên 80, máy tính bắt đầu phát triển hỗ trợ và tạo tiền đề cho game xuất hiện nhiều hơn trên máy tính. Một số con máy huyền thoại lúc bấy giờ có thể kể đến như ZX spectrum, C64 hay Amiga. Đó là khởi nguyên của các ông lớn bây giờ trong thế giới game. Dù vậy có một số bằng chứng cho thấy indie game đã ra đời từ thời gian này trong những chiếc máy tính tại gia. Chẳng qua việc đó quá hiếm gặp nên thực sự indie game không coi là phát triển. Một số lập trình viên có xuất phát điểm từ đây để đi trên con đường indie game sau này.
Cuối những thập niên 80, đầu 90: Shareware, Demoware
Quãng thời gian này indie game có sự chuyển biến tích cực và thú vị. Thay vì được bán ra, các tiền thân của game indie được phổ biến rộng rãi bởi những phần mềm dùng thử(demoware) và phần mềm chia sẻ miễn phí (shareware). Hướng đi này ít và hầu như không đem lại chút lợi nhuận nào để tạo kinh phí cho việc phát triển của indie game nhưng nó là tiền đề quý giá mài dũa các kỹ năng cần thiết để tạo nên 1 game của các lập trình viên. Một số sản phẩm chia sẻ lúc bấy giờ thực sự nổi bật và nó là cơ hội tuyển dụng cho 1 số tài năng gây được sự chú ý thời bấy giờ làm việc cho các “ông lớn” thời bấy giờ. Cuối thập niên 80 cho đến cuối thập niên 90 cũng là giai đoạn tích lũy về “lượng” cho cú nhảy vọt về “chất” biến của indie game trong thiên niên kỷ mới. Một loạt các nền tảng, phần mềm giúp thiết kế và phát triển game được ra đời là minh chứng cho điều đó: C64 game editor (1985), ZZT (1991), RPG Maker (1992), Click team (1994), Game maker (1999) ..v.v…
Nền tảng console thời bấy giờ không có không gian phát triển cho indie game khi mà các “ông lớn” trong nền tảng console đưa ra những quy trình khắt khe, đắt tiền. Sự bóp nghẹt này dẫn đến hệ quả ảm đạm của game indie trên nền tảng lúc bấy giờ và cần đến hơn 1 thập niên để indie game thực sự khởi sắc trên nền tảng này.
Đầu những năm 2000 – Bước chuyển mình mạnh mẽ
Indie game thực sự đột phá và phát triển như bây giờ nhờ 1 thứ vô cùng quan trọng, đó là INTERNET.
Internet là cú hích và là nguồn lực trợ giúp, hỗ trợ phát triển mạnh mẽ cho Indie game. Hãy ví Internet ra đời như một vụ nổ Big bang đối với Indie game. Mọi thứ không còn tăm tối, manh mún, thiếu thốn và nhỏ lẻ nữa. Chi phí phát hành và sản xuất giảm đi, dễ tiếp cận các công cụ mới tân tiến hơn.v..v.. Lấy ví dụ điển hình như các nền tảng tạo game như Flash hay XNA Game Studio.
Dù vậy có sự ủng hộ to lớn của Internet nhưng “Indie game” vẫn chưa phát triển được như hiện nay. Các team làm game indie thời bấy giờ còn khá phân tán và “độc lập” với nhau theo nghĩa đen. Mãi đến năm 2005, một số team làm game indie đã mạnh dạn thương mại hóa sản phẩm của họ với công chúng. Uplink và Darwinia của Chris Delay là hai “Đại biếu quốc hội” thời bấy giờ. Cha đẻ của 2 game này đã tự gọi mình bằng cái tên lạ lùng vào thời điểm đó: “Những nhà phát triển độc lập” (indie developer). Mọi người, thậm chí chính Chris Delay cũng không nghĩ cái tên anh tự gọi mình sau đó đã trở thành một đĩnh nghĩa mà nhiều người thán phục, ngưỡng mộ và ước ao phấn đấu vài năm sau đó. Cũng trong năm đó cái tên Cave Story là tiếng thét dài gây chấn động thế giới gaming. Lúc này thế giới mới giật mình với những điều mọi người nghĩ là không thể về chuyện 1,2 người nào đó làm ra một videogame. Những nhà phát triển độc lập dần được hé lộ tài năng của họ cho thế giới được biết đến.
Nhưng kể cả vậy, thật khó để thấy sự liên kết chặt chẽ của thế giới indie game, các diễn đàn indie game nhỏ lẻ và thiếu liên kết. Để có được hiện trạng như bây giờ, “Indie game” và những fan hâm mộ “Indie game” nên cảm ơn 2 cái tên: TimW và Jordan Magnuson.
- TimW là một fan ruột mê mẩn indie game và anh lập một blog của riêng mình để tạo ra một ngôi nhà mới cho những game indie khi “người tiền nhiệm” Home of Under dog (1 trang web cập nhật và giới thiệu các sản phẩm indie game đến người dùng) từ bỏ sự phấn đấu trong việc gây dựng cộng đồng indie game mạnh mẽ và phát triển. Sau này website “cây nhà lá vườn” Indiegames.com của TimW là một trong những địa chỉ tin cậy cho những người hứng thú với Indie game.
- TIGSource của Jordan Magnuson ra đời năm 2005 cũng là một cộng đồng “cây đa cây đề” nổi tiếng làm nền tảng bước đầu và chỗ dựa vững chắc xuyên suốt cho cộng đồng Indie game sau này.
Như thường lệ, có một số nhà phát triển độc lập tiếp tục bước đi gian khó của mình trên con đường mơ mộng thì cũng có những giấc mơ phai màu theo năm tháng. Một số nhà phát triển độc lập khác chuyển hướng đi và là tiền thân của các “ông lớn” của thời đại mới.
Ngày nay
bài viết quá hay ạ !!!!
Đọc lại bài viết rùi sau đợt offline với tác giả càng quý lão hơn. Lão ơi tui đọc lại bài này 3 lần rùi đó
Cám ơn bạn nhiều. Lâu lâu có hứng làm được một bài cũng khá hay và tâm huyết =)).