BATMAN: ARKHAM ORIGINS – SỰ KHỞI NGUỒN CỦA KỊ SĨ BÓNG ĐÊM

Khách quen

  

Giới thiệu:

Sau sự thành công của Batman Arkham Asylum, Batman Arkham City thì hãng phát triển Rocksteady đã lui về sau và nhường phần tiếp theo cho Warner Bros Games Montréal để tiếp tục phát triển series đình đám đầy hứa hẹn này. Vậy để trả lời cho câu hỏi liệu nhà phát triển mới này sẽ tạo ra một tựa game hoàn chỉnh hay sẽ đi theo chiều hướng ngược lại? Dưới đây sẽ là bài phân tích của tôi về tựa game này sau 14 tiếng đồng hồ để hoàn thành game (Mặc dù chưa hoàn toàn là hoàn thành 100% vì game có các achievements, tuy nhiên điều đó không ảnh hưởng đến trải nghiệm chính của game).

Batman: Arkham Origins là game phiêu lưu – hành động thế giới mở (open world action-adventure) ra mắt vào năm 2013 được phát triển bởi Warner Bros Games Montréal và phát hành bởi Warner Bros. Interactive Entertainment dành cho các nền tảng Microsoft Windows, PlayStation 3, Xbox 360, và Wii U. Dựa trên nhân vật siêu anh hùng Batman của DC Comics, là phần thứ ba trong series Batman: Arkham (hai phần đầu bao gồm Batman: Arkham Asylum (2009) và Batman: Arkham City (2011)). Game được phát hành chính thức vào ngày 25 tháng 10 năm 2013.

Bối cảnh:

Để tránh spoiler thì tôi sẽ chỉ nói sơ lược về bối cảnh của game chứ không đi phân tích sâu vào cốt truyện nên các bạn có thể thoải mái xem mà không sợ ảnh hưởng đến trải nghiệm sau này nhé!

Không như 2 phần trước chúng ta đã thấy một Batman quyết đoán, đầy kinh nghiệm chiến đấu cũng như suy luận, thì ở phần game này, đúng như cái tựa “Origin”, game lấy bối cảnh ngược thời gian hai phần trước khi Batman còn chân ướt chân ráo mới hành nghề lần đầu tiên giáp mặt Joker. Lúc này mọi người vẫn chưa biết chính xác Batman là nhân vật có thật hay không, còn Sở Cảnh sát Thành phố Gotham (Gotham City Police Department hay GCPD) thì xếp anh vào dạng tội phạm nguy hiểm cần truy nã. Địa điểm trong game là Thành phố Gotham (Gotham City) dưới sự quản lý của một chính quyền tham nhũng thối nát tiếp tay cho bọn tội phạm hoành hành. Quyết không để Batman cản mũi thêm lần nào nữa, Mặt Nạ Đen (Black Mask) đã thuê 8 sát thủ hàng đầu đó là Deathstroke, Deadshot, Bane, Copperhead, Electrocutioner, Firefly, Lady Shiva và Killer Croc để hạ Batman ngay trong đêm Giáng Sinh. Đây cũng sẽ là những con boss mà chúng ta (hay Batman) sẽ phải đối đầu trong game.

Những tên tội phạm khét tiếng trong game

Những tên tội phạm khét tiếng trong game

Có thể nói là tôi khá ấn tượng với kịch bản này, ban đầu tôi đã tự hỏi rằng một Batman mới vào nghề và chưa nhiều kinh nghiệm trong mọi chuyện sẽ phải đối đầu với những tên tội phạm khét tiếng này như thế nào trong tình trạng đang bị săn đuổi gắt gao. Nó khiến tôi phải tò mò và muốn chơi tiếp và chơi tiếp để mở ra những câu trả lời trên.

Các tình tiết trong Batman: Arkham Origins diễn ra với tốc độ vừa phải và luôn ẩn chứa bên trong những bí ẩn, kích thích sự tò mò cho người chơi. Rồi từ đó dần dần những âm mưu đen tối mở ra rồi cho đến phút cuối khi mà Joker – kẻ thù truyền kiếp của Batman xuất hiện, mọi thứ dường như bùng nổ. Quả thật khoảnh khắc đó tôi nhưng muốn ồ lên vì sự xuất hiện đầy ngoạn mục đó. Just… Wow!

Các nút thắt, mở trong cốt truyện kết hợp rất nhịp nhàng với các màn hành động khiến nguời chơi có cảm giác như mình đang xem một bộ phim “bom tấn” về Batman trên màn bạc và sẽ cuốn hút bạn đến tận phút cuối cùng. Game khéo léo lồng ghép những đoạn cutscene được đầu tư cực kì kĩ lưỡng và mang đậm tính điện ảnh cao!

Hình ảnh:

Về cốt truyện đã rất “gút chóp” như vậy rồi, ta sẽ bàn đến đồ họa. Sử dụng engine Unreal 3 cổ điển nhưng hợp thời, tuy dùng chung Engine nhưng có thể thấy rõ phần game này có đồ họa nhỉnh hơn hẳn hai phần trước. Warner Bros Games Montreal đã tạo nên một thành phố Gotham cực kì bóng bẩy và chi tiết. Quang cảnh Gotham trong đêm Giáng Sinh toát lên vẻ lạnh lẽo và đầy rẫy hiểm nguy, các khu vực nhỏ trong game cũng được nhà phát triển thiết kế cẩn thận. Những ngôi nhà có phần mục nát và chìm trong tuyết trắng, đến cả tuyết cũng được làm rất công phu… Bạn có thể nhận thấy rằng khi Batman đi đến đâu thì dấu chân hằn trên tuyết xuất hiện đến đó, điều đó cho thấy rằng nhà phát triển đã rất trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ. Cử động nhân vật cũng nhịp nhàng, mượt mà, điều đó cũng hợp lý cho tựa game có lối combat tốc độ như thế này vì nó cần có sự mượt mà để phản đòn nhạy hơn, tuy nhiên chúng ta sẽ bàn về mảng combat sau.

Thành phố Gotham chìm trong sương mù và tuyết

Vết chân hằn trên tuyết

Tuy đồ họa hoành tráng như vậy nhưng game đòi hỏi một cấu hình không hề cao và những máy tính hay laptop hạng trung đều có thể cân được mượt mà, và hơn hết là game hiếm khi xuất hiện tình trạng giật lag hay bị sụt FPS.

Thành phố Gotham trong Batman: Arkham Origins đã được mở rộng ra với quy mô lớn gần gấp đôi so với Batman: Arkham City nhưng vẫn giữ được mức độ chi tiết đáng ngạc nhiên. Ngoài việc làm nhiệm vụ chính bạn có thể bay lượn trên không để ngắm các tòa nhà đồ sộ, hay làm achievements phụ như tìm các dấu chấm hỏi của The Riddler hay đi vô hiệu hóa những quả bom được Anarky đặt rải rác trong thành phố,…

À kể cả tạo hình của Batman cũng khác hai phần trước, không còn mặc bộ đồ vải và sịp bên ngoài nữa mà lần này Batman của chúng ta được trang bị hẳn một bộ giáp cực kì hoành tráng và cực kì đẹp mắt. Đó là chưa kể trong Batcave của anh còn có nguyên cả một tủ những bộ giáp khác để ta có thể thoải mái lựa chọn một bộ mà mình thích, tuy nhiên chỉ sau khi bạn hoàn thành phần chơi campaign của game thì cơ chế này mới được mở khóa.

Bộ giáp của Batman

Âm thanh:

Song hành với hình ảnh đẹp là mảng âm thanh cũng “đỉnh” không kém, dù diễn viên lồng tiếng cho Batman và Joker không còn là cặp bài trùng Kevin Conroy và Mark Hamill, nhưng Warner Bros Games Montreal đã chọn được cặp đôi khác cũng xuất sắc không kém đó là Roger Craig Smith và Troy Baker. Cả hai đều đã truyền tải được hết cái hồn của hai nhân vật thuộc hàng đại thụ làng giải trí. Các diễn viên khác cũng đã hoàn thành rất tốt phần việc của mình. Ai ai cũng thể hiện được cái hồn cho nhân vật của mình mà không hề có sự gượng gạo hay “đơ” gì cả. Mảng âm nhạc trong game cũng là một thế mạnh khi game lồng vào những bài nhạc sôi động trong những trận combat đỉnh cao thực sự sẽ khiến cho adrenaline của bạn tăng vọt!

Gameplay:

Giờ chúng ta sẽ bàn về gameplay, đây là phần gây tranh cãi khi gameplay vẫn giữ nguyên lối chơi của hai phiên bản tiền nhiệm, đó là phiêu lưu – hành động trong thế giới mở kết hợp với hành động lén lút ở góc nhìn thứ ba. Batman có thể dùng áo choàng (cape) bay lượn và sử dụng súng móc sắt (grapnel gun) móc vào rìa tường hoặc cột đèn. Trên người Batman có các dụng cụ (gadgets) hữu ích giúp anh chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ, một số có sẵn ngay từ đầu, một số khác Batman thu lượm được trong suốt quá trình chơi. Ta có thể thấy điều này không hề có sự đổi mới và vẫn bám sát vào quy tắc an toàn của lối chơi 2 phần trước vốn đã tạo nên thương hiệu của game. Điều đó sẽ có phần làm game thủ hơi ngán ngẫm.

Tuy nhiên game cũng có thêm vào một vài Gadgets mới như Sonic Batarang gây ra âm thanh khó chịu khiến đối phương bị nhiễu không tập trung vào trận chiến, Cryptographic Sequencer dùng để hack các hệ thống an ninh và liên lạc, Remote Batarang giúp Batman có thể điều khiển chiếc Batarang được ném ra để len lỏi vào những góc Batman không chạm tới được, Grapnel Accelerator giúp Batman tiếp tục bay khi đã móc nối được vào một điểm nào đó, Concussion Detonator lấy từ Động dơi giúp anh gây choáng (stun) một nhóm đối phương, Remote Claw lấy được của Deathstroke có thể chăng dây nối 2 điểm lại với nhau giúp Batman vượt các địa hình khó dễ dàng hơn đồng thời cũng giúp anh kéo 2 đối phương lại với nhau và dễ dàng hạ gục chúng, Disruptor lấy được của GCPD dùng để phá hủy hệ thống gây nhiễu cũng như súng ống và mìn, Glue Grenade do Alfred chế tạo sẽ đóng băng khi gặp nước hoặc hơi nước, Grapnel Boost là bản nâng cấp của Grapnel Accelerator, và Shock Gloves lấy được từ xác chết của Electrocutioner có thể tiếp điện cho các hệ thống và giúp Batman hạ gục đối phương dễ dàng hơn trong chiến đấu.

Gadgets mà Batman sử dụng trong game

Game vẫn giữ nguyên một cơ chế quen thuộc đó là cơ chế Detective Vision quen thuộc của series giúp Batman quét toàn bộ không gian xung quanh, từ đó xác định được bước đi tiếp theo một cách hợp lý, khi ở hiện trường phá án chế độ này tự động chuyển về góc nhìn thứ nhất. Xuyên suốt quá trình chơi người chơi phải sử dụng đến Detective Vision để thực hiện mission điều tra và suy luận những tình tiết, những vụ án trong game, ngoài ra còn để tìm và phát hiện các item achievement ẩn trong game.


Game lần đầu ra mắt một cơ chế mới đó là “fast travel”, cho phép Batman di chuyển nhanh giữa các địa điểm dựa vào máy bay (Batwing) bởi vì thành phố Gotham trong phần game này rất rộng và chia ra nhiều khu vực, nếu không có cơ chế này sẽ rất bất tiện. Tuy nhiên Batman cần phải đánh sập hệ thống tháp truyền thông (do Enigma/ The Riddler hack và chiếm giữ) ở từng khu vực để unlock chức năng này ở khu vực đó, một số tháp cần phải có những dụng cụ cần thiết mới có thể vô hiệu hóa được.

Biểu tượng máy bay màu trắng là nơi ta có thể đáp xuống, còn biểu tượng máy bay màu đỏ là những nơi đang bị The Riddler hack và chiếm giữ, cần phải đánh sập hệ thống tháp truyền thông mới có thể unlock

Cơ chế chiến đấu:

Warner Bros Games Montreal đã không dám mạo hiểm mà vẫn nằm trong vùng an toàn, đưa lối chơi từ hai phiên bản trước vào Batman: Arkham Origins, thế nên gần như không có gì thay đổi trong cách chơi của game từ các màn hành động trực diện hay lén lút, dù hệ thống chiến đấu “Free-flow” vốn đã trở thành thương hiệu vẫn còn giữ được sự hấp dẫn. Cá nhân tôi vẫn yêu cái cơ chế đánh/đỡ/phản đòn này nhưng thực sự thì tôi vẫn cần một cái gì đó mới mẻ hơn.

Cơ chế đánh đấm vẫn giữ nguyên chất gây nghiện

Game chỉ có duy nhất một điểm mới đó là Shock Gloves lấy được của Electrocutioner, nó giúp Batman chiến đấu dễ dàng hơn rất nhiều. Sau một cơ số lần tấn công, Shock Gloves sẽ được sạc đầy và lúc này Batman có thể tấn công những kẻ thù đặc biệt bằng đòn đánh thông thường, giúp duy trì chuỗi combo một cách liên tục, đồng thời cũng gây ra mức độ sát thương lớn hơn cho kẻ thù. Có thể nói đây là cơ chế hấp dẫn nhất bởi vì khi Shock Gloves được kích hoạt là bạn sẽ kiểu “sân chơi này là của bố”, khi đó Batman sẽ liên tục đập bọn tội phạm ra bã kèm với tiếng điện “xẹt xẹt” cực cực cực kì sướng tai cùng với đó là những màn quay chậm slow-mo cực kì đẹp mắt!

“Xẹt Xẹt…!”

Cơ chế chế lén lút trong game cũng không có nhiều thay đổi, khi phải đối mặt với nhóm kẻ thù có súng thì đây là chiến thuật tốt nhất bởi vì Batman tuy trang bị tới tận răng nhưng anh cũng chỉ là một con người bình thường, và súng đạn vẫn sẽ làm hại anh. Batman cần phải ẩn nấp và chờ thời cơ thuận tiện để hạ gục từng tên một, Detective Vision đóng vai trò quan trọng trong chiến thuật này. Tuy nhiên ở một số màn chơi, trong số kẻ thù có một tên mang thiết bị gây nhiễu sóng khiến Batman không thể sử dụng Detective Vision, người chơi cần phải tìm và tiêu diệt tên này trước để kích hoạt nó trở lại.


Tổng kết: Thực sự mà nói thì tuy không có sự đổi mới nhưng vốn dĩ tôi đã yêu thích hai phần trước nên phần Batman này những nhược điểm đó vẫn không đáng kể và tôi vẫn thích phần game này. Tuy đã là một game lâu đời nhưng tính tới thời điểm hiện tại thì nó vẫn là một game về Batman khá chất lượng và vẫn đáng để mọi người thưởng thức. Cốt truyện hấp dẫn, đồ họa đẹp, âm thanh tốt, gameplay vẫn old but gold. Why not???

Rate: 8.5/10.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện