Ace Combat – Thời máy xèng thống trị làng game (P.1)

Huyền thoại ★ ★

  

Mỗi người đều có sở thích riêng. Người thì khoái leo Rank cày cuốc, người thì thích âm nhạc. Lại có người đam mê chày cối với những con Boss khó vật vã. Hôm nay, dưới tư cách một kẻ thích điều khiển những con chim sắt khổng lồ, mình xin được giới thiệu về dòng Game có sức ảnh hưởng khá lớn trong thể loại Arcade – Ace Combat.

Để bắt đầu thì chúng ta sẽ quay về khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Lúc này Namco chưa sáp nhập với Bandai như bây giờ. Namco System 21, hệ máy thùng của hãng là một trong những thiết bị hiếm hoi có thể hiển thị đồ họa 3D. Và để tận dụng tối đa lợi thế đó, Air Combat, tựa Game không chiến của hãng đã được phát triển trong một khoảng thời gian khá dài. Tháng 6 năm 1993, những cỗ máy đầu tiên được ra mắt tại thị trường Nhật Bản.

Luồng gió mới mà hãng thổi vào được giới Game thủ thời đó đón nhận nhiệt liệt. Có mấy ai không thích cái cảm giác cầm lái một con F-16C Fighting Falcon làm bá chủ bầu trời đâu chứ. Mặc dù so với bây giờ lớp trẻ chẳng mấy ai thích thú với mớ Polygon thô kệch. Nhưng đối với thế hệ 9x trở về trước, đó là một bầu trời kỷ niệm đầy hạnh phúc của tuổi ấu thơ.

Nếu không tính những Game Shoot-em up như Slordax, Batsugun, SWIV hay Raiden. Theo trí nhớ của mình thì Air Combat là tựa Game không chiến đầu tiên mà mình cảm thấy như được làm phi công thực thụ. Ở Starbowl thời đó thì cái máy bị chiếm dụng nhiều đến mức cần lái bám đầy mồ hôi tay nhớp nháp của bọn trẻ con. Hộc xèng thì đỡ hơn, có lẽ do cái máy thuộc dạng to nạc so với dàn Game trong siêu thị (Mô phỏng buồng lái thì phải to mới sướng chứ, mình vẫn còn lưu mấy cái ảnh hiếm hoi trong PC chụp buồng lái mà).

Hồi đó mình đi cùng bố và anh họ, do tiền có hạn nên mỗi người chỉ được 6 xèng. Mà mỗi lượt tốn 2 xèng, vị chi chỉ được chơi 3 lần. Ông anh mình ngồi vào đầu tiên. Chân lão với không tới nên chỉ dùng được cần lái với bướm ga. May mà thời đó họ không làm bàn đạp Rudder như bây giờ, dưới chân chỉ là 2 khoảng trống để co duỗi cho thoải mái nhất có thể mà thôi. Ngay màn đầu lão chọn chế độ khó nhất, kiểu đã chơi thì phải có tí thử thách mới vui.

Cơ mà… sau đoạn Cutscene, Game cho mình điều khiển máy bay thì do lão bị chóng mặt (Kiểu mà anh em bây giờ gọi là Simulation Sickness đó). Thế là chưa đầy 30 giây kể từ lúc cất cánh, anh tôi cắm đầu xuống đất trong khi chưa thịt được cái máy bay nào. À quên, mình chưa nói hết, trò này chơi theo kiểu tính thời gian. Nghĩa là Game cho mình một mốc thời gian nhất định để bắn phá. Cứ bắn hạ mỗi máy bay địch thì được cộng thêm vài giây. Hết giờ thì Game Over. Chắc anh họ tôi cay cú quá nên nướng hết xèng sau khi tạch lần đầu. Cũng may mà ông cậu (là bố mình) khá thoải mái nên cho đứa cháu quý hóa thêm vài xèng nữa.

Nhưng tạch vẫn hoàn tạch. Mình thì không nói, vì trình cày Game vẫn chưa bằng ông anh họ chứ đừng nói đến bố. Sau khi ngồi vào buồng lái và ấn nút Start. Có lẽ hồi bé vẫn chưa quen chơi Game 3D nên chẳng khá hơn ông anh là bao. Thậm chí ông bố còn đút nhiều xèng hơn so với anh họ. Nhưng… tốn cả chục xèng rồi mà vẫn chỉ hạ được vài con UAV nhãi nhép.

Lúc đến lượt bố mình, do thần kinh vững và trình chơi Game cứng nhất nhà. Ông lái phi cơ vèo vèo, chẳng mấy chốc đã cho vài con tiêm kích bên địch rụng hết. Nhưng mà thời gian có hạn, sau 5 phút quẩy tưng bừng thì Game bắt người chơi nhảy dù. Theo mình thì thời đó sức mạnh phần cứng có hạn, Game khó có thể làm dài như bây giờ được. Nên độ khó phải hơi khắt khe để kích thích người chơi hiến máu nhiệt tình. Mấy Game đua xe lái máy bay nó giới hạn thời gian. Game đối kháng như Street Fighter, hay Beat’em up như Hiệp Sĩ Bàn Tròn ép Game thủ đánh những con Boss trâu bò, sát thương cao với lượng máu và không gian khá hạn chế.

Không biết có phải do cửa hàng chọc ngoáy vào phần cứng để tăng độ khó nhằm tận thu đến cùng, hay do Game khó sẵn từ đầu rồi. Mấy cái máy đánh bạc bây giờ chắc cũng thế. Ngay cả mấy ông Dealer bên Las Vegas cũng sử dụng tiểu xảo máy móc khá nhiều. Roulette thì hòn bi gắn nam châm, ấn nút là nó tự nhảy sang ô khác. Slot Machine thì khỏi nói, “Tướng cướp 1 tay” ăn tiền của con bạc hơi bị nhiều đấy. Đến cả xóc đĩa với tá lả ở Việt Nam cũng có thể ăn gian được cơ mà.

Thừa thắng xông lên, Namco tiếp tục sản xuất phần tiếp theo. Air Combat 22, tựa Game tiếp nối người tiền nhiệm được phát hành vào tháng 5/1995 trên hệ máy Namco System 22. Nhờ thế hệ mới mà đồ họa, âm thanh của Game được cải thiện đáng kể. Số máy bay có thể điều khiển được tăng lên 3 chiếc (F-14A Tomcat, YF-22 Lightning II, Su-35 Super Flanker). Và kẻ địch cũng tinh quái hơn, cho dù cái cơ chế tính thời gian vẫn oái oăm như phần đầu. Chưa kể đến việc chúng nó không đi lẻ như Air Combat, mà lúc nào cũng phải theo từng tốp. Và nhiệm vụ của người chơi là phải bắn hạ hết chúng nó cùng lúc.

Tuy vậy nhưng cơ chế hạ cánh và tiếp nhiên liệu trên không đã được cải thiện kha khá. Nhìn cái máy bay cải thiện được hơi bị nhiều so với 3 năm trước. Mỗi tội là cái công nghệ Laserdisk của Namco hơi bị… Tôi biết thời đó CD hay DVD chưa tồn tại. Cơ mà Game sử dụng cái đĩa 12 inch kềnh càng nhìn trông ngợp quá. Chắc chủ quán phải khóa chặt cái ổ đĩa lại chứ nếu không bọn trẻ con đụng chạm 2-3 phát là đi tong luôn con Game anh em ạ.

Laserdisk đặt cạnh đĩa CD

Starbowl không nhập máy về cho nên mình phải nhảy sang Vũ Trụ Bay quẩy. Hình như hồi đó bọn trẻ con còn cà khịa nhau về chuyện xếp hàng để chơi nữa. Ông chủ phải đứng ra hòa giải, thậm chí còn phải khao chúng nó kẹo bánh thì mới yên ổn (Không biết giờ chú lưu lạc ở nơi đâu, cám ơn chú vì đã khiến tuổi thơ của bọn cháu bớt đơn điệu hơn so với những đứa trẻ khác ạ. Nhưng với những người yêu trẻ con như chú thì nhìn bọn nhóc cười đùa vui vẻ bên những cỗ máy kềnh càng là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời phải không hả chú? Cháu nghĩ con cái chú khi nghe kể về bố mình chắc chắn cũng sẽ tự hào lắm).

Tất nhiên phiên bản này cũng bán rất chạy. Và kinh nghiệm phát triển cả 2 đã cho các Dev bên Namco thêm động lực cũng như sự tự tin để làm nên một trong những Series nổi tiếng nhất hệ Playstation sau này: Ace Combat. Những Dev này về sau được coi như khai quốc công thần của cả dòng Game. Cả 2 phiên bản Air Combat và Air Combat 22 được coi như tiền thân. Hay chính xác hơn là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho những phi công ảo trên các hệ máy của Sony sau này. Giờ có lẽ những thời khắc đó chỉ còn là hoài niệm. Những cỗ máy ồn ào giờ chắc đang ở bãi phế liệu, hoặc nằm trong bộ sưu tập của đại gia nào đó. Nhưng những hoài niệm, ký ức thời ấy sẽ mãi còn đọng lại trong tâm trí mọi đứa trẻ may mắn được hòa vào dòng lịch sử, của một thời oanh liệt cuối cùng trước khi điện tử xèng thất thủ trước làn sóng PC, Home Console trên thế giới

Khởi đầu của một huyền thoại…


OK, vậy là mình đã tóm tắt sơ lược phần nào về khoảng thời gian dòng game mới chập chững bước những bước đầu tiên. Anh em cứ từ từ mà thưởng lãm. Vì dòng game này còn dài lắm, đã vào phần chính đâu. Bài này coi như là phần khởi động, gọi là chút hoài niệm khi bản thân đang nghĩ vu vơ ấy mà.

Anh em nhớ đón đọc nhé, tôi sẽ không để anh em thất vọng đâu. Hẹn gặp lại ở phần 2.

Cùng Series

Omega Fadiz Tertas

Huyền thoại ★ ★

  
Một gã lang thang thích làm thơ, cày game và nghe nhạc...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện