Dạo gần, anh hay có thú vui thanh cảnh là nghe nhạc buồn rười rượi, hút tẩu thuốc say ngà ngật, uống cafe sữa. Ngày xưa anh cũng nghe âm ĩ mỗi khi làm việc. Anh cũng gặm nhấm nỗi đau. Nay anh nâng cái thú nghe nhạc buồn thành thú chơi. Thú – thương – đau.
Vâng, nhiều người nghiện nỗi buồn và xem nó như cá tính. Anh có thằng em sống với nỗi buồn như sống với người tình. Nó có tật hay nói chuyện một mình. Hay nhớ hay thương. Hay viết note lảm nhảm một mình nó hiểu. Nó nghe Trịnh, chưa đủ buồn, nó nghe Thanh Bình, Trầm Tử Thiêng, Lê Uyên Phương… Nó nghe đến khi nào thấm hết nỗi buồn vào tim, nó mua rượu lít uống ừng ực như Kiều Phong trong truyện Tàu rồi khóc ngà ngật. Xong, nó thấy niềm vui đời nó như cái gang tay. Vậy có tốt không?
Hồi trẻ trâu, anh cũng hay buồn lắm. Anh sống một mình. Anh làm một mình. Anh đi về một mình. Anh hẹn hò một mình. Nhưng anh CHỬI ĐỜI TRÊN FACEBOOK. Và đây là điều chứng tỏ sâu thẳm trong anh không muốn một mình, dù bên ngoài anh rất một mình. Anh thích nghe bài Một Mình điếu vợ của chú Thanh Tùng xong lại share với nhiều mình khác rằng anh đang rất một mình. Thiệt, con người bản chất chả ai muốn một mình đâu!
Khởi đầu nghiệp nghe nhạc buồn, anh nghe Trịnh. Đây là basic mà tất cả các bạn trẻ chứng tỏ mình sâu sắc tâm hồn dạt dào văn thơ lai láng tháng Tám đều phải nghe. Mà phải nghe Khánh Ly mới hợp thời trang. Anh cũng vậy. Anh tự kỷ nhẹ, nên anh cũng nghe cho rõ lớp bè, lớp trống lớp kèn lớp guitar đệm lưng tưng, làm cho anh đạt cảnh giới nghe nhạc léo téo biết bài này của Trịnh hay không. Ông Trịnh ông í viết trong men rượu, men tình, khói thuốc, tay chân run lẩy bẩy và sự chán thời đại mãnh liệt, cộng với việc ổng tu (mình thì không rành ổng tu Đạo nào, nhưng quả quyết ổng có tu tập), nên nhạc ông í đầy chất đời thanh tao. Ông í có thể nói đại diện cho cả một trường phái Chủ Nghĩa Mỹ Từ Sáo Rỗng, là thoáng nghe vừa đẹp vừa hay nhưng ngẫm lại không hiểu nghĩa nó là gì. Nhạc ổng anh cảm giác như những cái chớp mắt. Chớp một cái đầu hiện ra cái gì viết ngay cái ấy.
“Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại
Cuộc tình nào đã xa khơi ta còn mãi nơi đây
Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa”
Đây là đoạn mình thích nhất trong mấy trăm bài nhạc của Trịnh. Trong mấy trăm bài, tìm đỏ mắt không ra một câu trách người yêu. Cao thượng vô cùng! Có 4 dòng thôi, mà từ Biển đổ về Sông, từ Sông chỉ còn là những cơn Mưa. Từ Mưa, rả rích không hết trôi tứ tán theo dòng đời, ôi cha mạ nó buồn. Yêu cả biển, chảy thành dòng, rồi hoá bọt nước hết cả. Ôi cái lão Trịnh!
Một thời, anh nghĩ nhạc Trịnh nó linh thiêng quá. Anh thì trần tục. Anh nghe Phạm Duy. Ông này phổ thơ siêu hay. Giai điệu thanh cảnh, êm ái như sông chảy. Nhạc Phạm là phải có câu chuyện. Không cao siêu mấy, nhưng buồn lòng vô cùng. Mà tình buồn là tình nhớ. Nhạc ổng anh nhớ hoài. Ổng có viết một đoạn:
“Chỉ chừng một năm thôi
Là quên lời trăn trối
Ai tiếc thương tình đôi
Chỉ chừng một năm trôi.
Khi xưa em gầy gò
Đi ngang qua nhà thờ
Trông như con mèo khờ
Chờ bàn tay nâng đỡ
Ta yêu em tình cờ
Như cơn mưa đầu mùa
Rơi trên sông cỏ già
Làm rụng rơi cánh hoa…”
Ôi trời cả một trời kỷ niệm hiện về (kỷ niệm của ổng, mà anh cứ tưởng của anh). Đoạn này theo anh hay hơn hẳn đoạn “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…” của Trịnh. Cũng là những bước chân hoàng cung, mà sao người Tình của Phạm yếu đuối mong manh, làm người ta muốn dang tay ra ôm ngay không nói năng gì nữa. Phạm hay viết nhạc CHẾT. Nhạc tự tử vì tình. Nghe thấy vui rười rượi.
Sau, anh thích Quốc Bảo hào hoa. Anh này, trước là idol của anh. Sau thành bạn vong niên. Anh Bảo là Thị Dân thứ thiệt. Anh nói giọng Saigon điển hình. Anh uống cafe cả lề đường, lẫn Tây, lẫn Ta điển hình. Anh sành điệu đủ thú ăn chơi, một cách điển hình. Anh viết văn hay một cách điển hình. Anh uyên bác một cách điển hình. Anh là nghệ sĩ Saigon một cách điển hình. Nói chung, mình ngưỡng mộ anh rất điển hình. Nhạc anh đoạn anh còn trẻ phiêu diêu, mát thơm như mùi con gái mới lớn:
“Bàn tay em là cánh sen thơm ướp trong vùng đêm mái tóc
Nụ thanh xuân còn ấp e nơi nếp xinh áo lụa thơ ngây”.
Nhạc anh phải có ba thứ: Xinh, Trầm, Ngoan. Ba thứ danh – tính từ này vào nhạc anh ảo diệu không tưởng. Nghe nhạc anh tự thấy mình sang lên hẳn. Về mặt ca từ lai láng, anh ăn đứt hai ông Cố Nhạc Sĩ già bên trên. Thời gian sau, anh Bảo nghiên cứu sâu rộng văn hoá thế giới. Anh viết gothic cũng hay, đậm chất Thiền mà anh theo đuổi lâu năm đã ngấm vào người anh:
“Đời có khi thật tối
Ta cười lâu nghe chừng quên lòng buồn
Đời có khi lộng lẫy
Nhưng nhìn quen đâu còn thấy yêu đời
Có khi nằm thấy khăn đời ta khâu bằng tay vụn lắm
Có khi nằm khóc nghe như cười ta là đau hay là vui.”
Cái bài vậy đó, anh đặt là Vui. Vui thật. Dạo gần, anh nói là “Anh chưa bao giờ ngừng yêu thương”. Anh viết liên tiếp mấy bản yêu thương nồng nàn Ru 1, Ru 2, Chiều, nụ hôn và những điều khác nghe muốn yêu ngay.
Anh có nghe một ít của Trần Tiến lãng tử. Anh cũng nghe của Ngô Thuỵ Miên, Trầm Tử Thiêng, Anh Bằng, Đặng Thế Phong, Thanh Bình,… anh nghe tất. Một anh bạn ảnh của anh hát bolero siêu hay, bảo là nhạc phải có tình dục nghe mới đã. Phải có chất kích thích, có rượu, có buồn có nhớ. Phải có “Chênh vênh vĩ cuồng”, phải có “Thôi rồi còn chi đâu em ơi”, phải “Tình yêu hay chén sầu”, phải có “đường xưa ngực nở”, phải có “công viên ghế đá”… ôi thôi, anh cũng thích như thế thật…
Bây giờ, anh sống thong dong lắm. Không phải cứ đời nó đâm chém mình thì mình phải buồn. Cũng không phải chửi nó làm gì cho đỡ tức.
Anh ngồi quán cóc. Anh yêu bình thường. Anh làm tình điều độ. Anh mần đủ sống. Anh bạn bè dăm tên. Anh đôi khi uống rượu, đôi khi say. Anh đi đây đi đó vừa phải. Duy, anh hút nhiều. Anh thấy đời ahh vầy cũng không tệ.
Còn mấy bạn, mấy bạn đang nghe nhạc buồn phải không, nhưng nghe cho nó thành nỗi vui đi, mấy bạn!
-Khang-