To The Moon: từ góc nhìn của bệnh tự kỷ.

Khách quen

  

Trước khi kể về trải nghiệm của mình với cái game đỉnh cao bi kịch làm rớt nước mắt bao nhiêu game thủ sắt đá và gây tranh cãi khắp nơi về cái end, lẫn thời kỳ chống ass-min khắp cái web hiepsibaotap này (theo lời tường thuật của một số gián điệp hai mang), tui xin chia sẻ vài điều:

  • Nếu bạn chưa chơi, hãy tắt ngay bài này. Tìm chơi xong rồi hãy đọc lại.
  • Nếu bạn bắt đầu chơi, hãy ăn no ngủ kĩ, relax rồi dùng khoảng 4h30p không liên hệ với thế giới, gắn tai phone vào rồi hãy chơi liền một mạch đến tận end.
  • Trong web này đã có rất nhiều bài cực hay của các bạn từ phân tích story đến đánh giá gameplay, đồ họa, âm nhạc. Tui lướt hết các phần này nhé.
  • Bài này không phải nghiên cứu y học, tui cũng không phải người chuyên về lĩnh vực tâm thần học, tui chỉ là người có những người thân mắc chứng bệnh giống nữ chính River mà thôi, nên những gì tôi cảm nhận có lẽ sẽ giống Johnny. Đừng đánh giá thấp mức độ của bệnh tự kỷ, vì ngày nay nó phổ biến kinh khủng, và có thể sẽ xảy ra ở bất cứ đâu với những người thân của bạn, mà chúng ta thường chỉ nhận ra khi nó trở nặng. Rồi, bắt đầu nghen!

Đầu tiên là về hội chứng Asperger – hay gọi là Phổ Tự Kỷ của River, nữ chính. Căn bệnh thần kinh này thường là bẩm sinh và nó trở nặng tùy vào cơ địa mỗi người. Chưa có nghiên cứu nguyên nhân mắc bệnh cụ thể, nhưng thường là do di truyền nhiễm sắc thể. Biểu hiện đầu tiên của bệnh là bệnh nhân sẽ rất cool ngầu, lạnh lùng ít thể hiện cảm xúc, và có thể là rất đẹp. Đúng rồi, tui đang nói tới nhan sắc í. Có thể sự đột biến của nhiễm sắc thể sẽ làm bệnh nhân có gương mặt thanh tú. Và đó cũng là hình ảnh của River trong lòng John, cô gái xinh đẹp, tách biệt, không bộc lộ nhiều cảm xúc. Đây là lý do anh yêu cổ.

Nhưng mà rõ ràng, trừ lúc nhỏ ở Lễ Hội, River có thể cởi mở một chút ra, thì đến lúc vào trung học là cô bắt đầu không có cảm xúc. Cô gần như thờ ơ với tất cả mọi việc, cho dù trong lòng đã biết John là cậu trai mình mến từ hồi nhỏ. Cho dù River yêu John tới đâu, cũng không nói ra, hay đúng hơn là không thể hiện được. Đây là khiếm khuyết đặc trưng của bệnh nhân: mất khả năng thể hiện cảm xúc và trình bày ngôn ngữ. Trong số người bạn biết, có ai bị bệnh khó đọc hay không phân biệt được trái phải không? Đây cũng là khiếm khuyết não đó.

River rất muốn như người bình thường. Cô từng nói “bình thường như những vì sao, dù nó không nổi trội khi nằm giữa thiên hà nhưng đâu phải nó không đẹp đâu?”. Câu nói cực kì sâu sắc này được nói khi cổ còn là một cô bé chút xíu. Căn bệnh làm cho River phát triển tâm lý rất sớm, già dặn và có chiều sâu hơn John. Người bị bệnh thường sẽ đặc biệt có tài năng về một lĩnh vực nào đó, và bạn sẽ để ý River có năng khiếu trong văn chương, thơ phú. Cô đọc sách rất nhiều. Về sau, River chỉ đọc được cổ tích vì nó đơn giản. Lúc này, ngôn ngữ diễn đạt đối với cổ là một thứ xa vời rồi. Khi đi mua sách với River, có một cái hint nhẹ là John đọc một đoạn thơ:

“I’m not yours

You are not mine

Be my anti-valentine”.

Có lẽ hai người thật sự bên nhau nhưng không bên nhau.

Bạn tưởng tượng đi, trong lòng muốn, nhưng bất khả diễn đạt. Nó khó chịu tới cỡ nào. Đâu phải River không muốn nói huỵch toẹt cho John biết là cổ chính là cô bé lúc nhỏ, rồi mắng John là tại sao anh không nhận ra em đâu? Đâu phải River không bị vỡ òa như ly nước tràn đâu, chỉ là cổ không thể hiện được. Nhiều bạn sẽ thắc mắc là tại sao không được nhỉ?  Nó đơn giản là không làm được. Bởi vậy mới gọi là bệnh thần kinh, bạn à.

Tui có một cô bạn chơi thân từ hồi đi học. Hồi đó cổ có cái gì đó lạ lạ mà lúc đó tui con nít quá không rõ lắm. Bình thường cổ rất dễ cười. Cười đẹp lắm. Chọc xíu là cười ứa nước mắt luôn. Tới lớn, một lần uống bia cổ mới kể chuyện cổ bị tự kỷ. Tôi hỏi tự kỷ là như nào, anh thấy em cười suốt mà? Cổ nói cười với muốn tự sát đối với em nó không liên quan. Em biết rõ em đang sống vui vẻ luôn đó, mà em vẫn không chống lại được cơn tụt mood bất ngờ vô cớ, không chống lại được cảm giác tiêu cực không biết từ đâu tới, và có cái gì đó luôn thôi thúc em tự sát. Tui rùng mình. Rồi em có đi khám chưa, có uống thuốc chưa? Dĩ nhiên là có. Nhưng mà nó cầm cự được thôi. Lâu lâu, cảm giác ấy nó lại đến. Bất chợt.

Một cậu bạn thân khác của tui thì bị tự kỷ sau khi cha bạn mất vì ung thư. Nó tách biệt xã hội, không ra khỏi khu vực sống. Nó ở nhà lập trình, và Việt Hóa game (có thể bạn đã chơi game nó làm rồi đấy). Nó phát hiện nó ung thư di truyền từ ba, và nó giấu luôn. Không ai biết cả. Về sau phát bệnh rồi mất. Tới giờ tui vẫn từ chối tiếp nhận thông tin là nó đã mất rồi.

Não mình nó phức tạp như vũ trụ vậy bạn! Nó là một kết tinh của những chất hóa học, mà hễ sai một giọt là phản ứng bung bét hết cuộc đời con người luôn. Càng lớn tui càng thấy bình yên trong tâm hồn nó khó hơn kiếm tiền nữa! Tui liên tưởng tới River, muốn nói mà não mình nó không cho phép mình nói, và nó không cung cấp khả năng diễn đạt luôn, kinh khủng! Đó cũng là lý do mà River liên tục gởi thông điệp cho John thông qua những con thỏ giấy. Khoảnh khắc cô nhận ra John đã không nhận ra cô ngày bé thật rồi là lúc cô bảo John ném cái túi xấu xí mà anh tặng cô lúc nhỏ. Ném đến hải đăng xem nó đi bao xa. Và John ném thật

Bệnh của River còn một biểu hiện nữa là làm đi làm lại một hành động liên tục không dừng. Và đó là hành động gấp một con thỏ giấy hơn 40 bước. Gấp đến khi cả căn nhà ngập tràn thỏ. Đó cũng là công việc cuối cùng cô làm cho tới khi khối não quật cô – đã là một bà lão – liệt giường, rồi ra đi mãi mãi. Con thỏ là câu đùa vô tư của John ngày trẻ thôi. Chuyện lên mặt trăng cũng vậy. Nhưng đối với người bệnh như River thì nó là cái gì đó quan trọng kinh khủng. Cuộc gặp gỡ hồi còn nhóc tì đã in đậm trong tâm trí River, và làm cô yêu John đến nhường nào. Nhưng John mà cô kết hôn không nhớ gì hết, không phải là John cô từng yêu. Kết hôn rồi cô mới biết, có đau không cơ chứ? River cũng không có khả năng truy hỏi hay giải thích gì cả. Việc cô làm là níu kéo trí nhớ John bằng cách mò mẫm trong bóng tối hy vọng… Tới lúc chết, River vẫn không tìm được John của mình.

Lúc chơi nửa game, mạch truyện nó như một sợi buồn len lỏi trong tâm hồn tôi vậy. Lúc căng lúc chùng. Nó khuấy động nhè nhẹ. Và tôi chợt nghĩ, John có bệnh tâm lý không? Tôi đoán là có!

Hồi xưa đi học ngôn ngữ hình ảnh, mục đích là để làm quảng cáo, thầy có dạy tui về trí nhớ con người. Trí nhớ có ba loại, trí nhớ ngắn hạn, dài hạn và trí nhớ phản xạ. Trí nhớ ngắn hạn là cái gì vừa thoáng qua và bạn sẽ quên rất nhanh vì nó không ấn tượng gì cả. Ví dụ gương mặt của một cô gái vừa chạy xe ngang qua. Có lẽ tới hôm sau là bạn quên hẳn sự tồn tại của cô gái này, trừ phi cổ quá đẹp và bạn cố gắng nhớ cổ. Còn không thì cổ cũng chỉ là người qua đường mà thôi. Trí nhớ  phản xạ, là nó phụ thuộc vào kinh nghiệm sống + định kiến xã hội. Ví dụ màu xanh là an toàn, màu đỏ là nguy hiểm. Hình đồ ăn màu đỏ là cay. Nước uống bao bì màu xanh dương là mát, màu cam là vị cam. Kiểu như vậy. Còn loại phức tạp nhất là trí nhớ dài hạn. Nó như cái hộc tủ vậy, và đồ cất càng sâu thì càng khó tìm lại, nhưng nó vẫn nằm đó, không mất đi đâu, chỉ là bạn có tìm thấy hay không thôi. Người bạn thời thơ ấu. Món đồ chơi lúc bé. Món ăn bà làm cho ăn lúc bà còn sống. Đại loại vậy. Và River đối với John là thứ như vậy!


Do phản ứng phụ từ thuốc trợ tim John phải dùng để chữa cơn stress khủng khiếp sau tai nạn làm mất đứa em song sinh, cộng với việc người mẹ hơi “cook-koo” sau khi cán nhầm con mình, dẫn tới hệ quả là liên tục coi John là Joey đứa em đã mất, làm cho John bị hoang tưởng – paranoid – và đã sống theo cuộc sống và tính cách của em trai mình. Trước khi tai nạn, John là một cậu bé có phần trầm tĩnh, hướng nội, và bất mãn vì mẹ cưng em trai hơn. Tuy nhiên hai anh em vẫn rất thương nhau. Joey thì cởi mở và rất hướng ngoại. Sau khi Joey mất, mẹ luôn gọi John là Joey và lẫn lộn con mình. Ác chỗ đó. Có lẽ ban đầu John đóng giả em cho mẹ bớt buồn thôi. Dần về sau lại dập thêm cái thuốc gây mất trí nhớ, rồi việc khủng hoảng tâm lý, John đã sống y như Joey thật. Cậu trở nên nghịch ngợm hơn, và quên luôn sự tồn tại của Joey cũng như ước mơ làm phi hành gia, cũng như quên luôn đã gặp River trong Lễ Hội.

Cậu yêu River là vì River có những thứ cậu cần, hay đúng hơn John thấy bản thân mình ngày trước trong River. Trầm tĩnh ít nói, hướng nội. Bạn thân John mắng John là “hobo trong tình yêu”, có thể hiểu là bất chấp và độc tài. John luôn muốn River phải như vậy, vì anh yêu cô như vậy. John từ chối nghiên cứu về căn bệnh của River, nghĩa là John chấp nhận sống chung với nó, không thay đổi. Chắc vì tiêu cực như vậy mà John đã yêu River suốt quãng đời còn lại của mình, chưa hề nản lòng. River mà không dành cho John thì còn cho ai. Tui nhìn thấy một phần nhỏ triệu chứng “chống đối xã hội” trong ổng.

Phần end có lẽ tui không muốn nó thế. Chắc biên kịch cũng đấu tranh tư tưởng lắm để viết cái kết như vậy. Viên mãn nhưng không viên mãn. Tất cả chỉ là giả dối, hạnh phúc ảo. Nếu Neil và Eva chỉ mở lại ký ức cho John và chừa nguyên mối tình đau thương, thì chắc John chết buồn lắm. Nhưng bù lại là ổng sẽ nhận ra River và ổng yêu nhau nhiều kinh khủng tới mức nào. Tình yêu đáng quý sẽ theo ổng chôn xuống mộ luôn. Còn đằng này, ổng hạnh phúc với một River không phải là River… Đau thật!

Một lần nữa, bệnh tự kỷ có thể đang xung quanh ta, ám vào những người thân của ta. Mong mọi tâm hồn an yên, nha!

– Khang –

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện