Mafia – Quả Cam Vàng Xứ Sicily.

Khách quen

  

Tiếng nhạc Jazz phiêu linh lãng đãng trong căn phòng rộng. Ánh đèn vàng làm những chiếc ghế gỗ lót da đắt tiền ánh lên một lớp màu nâu cánh gián bóng bẩy. Điếu Cigar Cuban thả một làn khói mỏng manh giữa cái gạt tàn pha lê. Điếu thuốc đắt tiền ngang ngửa phí sinh hoạt cả tháng trời của một gia đình công nhân nghèo, được vấn tay từ ba chiếc lá thuốc thượng hạng, cháy từng giây như đang đốt cháy cuộc đời người đang quỳ trước nó. Mồ hôi lấm tấm trên trán trên ma-cô. Vị Don ngồi đó, tay mân mê trái cam vàng nhập khẩu từ quê nhà Sicily. Mùi vỏ cam bốc lên cay nhẹ, làm cho đầu óc ông thư giãn sau vài ly whisky. Ông nhìn tên ma-cô hồi lâu, lâu đến mức hắn tưởng mình tắt thở đến nơi. Rồi ông cất tiếng, ấm áp nhẹ nhàng, thứ tiếng Anh giọng Ý đặc trưng:

– Anh nói đi!

Tên ma-cô hơi nhóng người dậy trong cơn kích động. Trong bóng tối sau lưng vị Don, hai vệ sĩ áo đen nãy giờ bất động, khẽ lấy trong ngực áo vest ra hai khẩu súng đen ngòm. Ông đưa tay ngăn lại. Tay kia ông vẫn xoay xoay quả cam vàng, mắt không rời khỏi cặp mắt hoảng loạn của tên ma-cô. Hắn bắt đầu nói với giọng run run vì kinh hãi cực độ. Hắn kể về hoàn cảnh gia đình khốn khổ, về đám con đói nheo nhóc, về người vợ bệnh tật, và về hành động ăn cắp rượu của công ty để mang ra ngoài bán. Vị Don không cười, và trả lời từng tiếng chậm rãi, ấm áp:

– Nếu anh nói sai một chuyện, thì anh đã chết nãy giờ. Cảm ơn Thượng Đế, anh đã nói đúng tất cả. Những gì anh vừa kể, ta đã biết từ hôm qua. Ta cho anh một đặc ân, là được sống lần này. Hôm nay, con anh sẽ có bánh mì và sữa, vợ anh sẽ có thuốc. Còn anh, nợ ta một lần.

Tên ma-cô khóc lóc thảm thiết trong cảm xúc lẫn lộn. Hắn bò đến hôn giày vị Don, và biết chắc rằng mình sẽ liều mạng vì lợi ích của ông và gia đình ông, cho dù chuyện gì có xảy ra đi nữa…

Nguồn: sculpturedsounds.com

Đoạn trên là một đoạn rất cool ngầu và rất đặc trưng về phong cách, thường thấy trong các film, truyện, game có chủ đề về một Tổ Chức Tội Phạm được cho là lớn nhất thế giới: Mafia . 

Mafia là gì nhểy?

Mafia phóng tác từ tiếng Ý Mafifusu – “Hiên Ngang, Dũng cảm, Kiêu Hãnh… “. Một tính từ rất nhiều nghĩa. Tổ chức lâu đời này có nguồn gốc từ đảo Sicily của nước Ý. Đây là một hòn đảo thanh bình (ờ, hơi thanh bình thôi), nằm giữa Đại Tây Dương, vùng đất tự trị, với đội bóng Palermo nổi tiếng. Ở đó sinh ra những cô gái tóc vàng xinh như mộng, đôi mắt xanh thẳm như đại dương. Đàn ông Sicily cao to, tóc xoăn, râu quai nón, mũi cao, chuẩn men. Khí hậu thì ôn hoà, hoa trái sinh sôi. Đồ ăn cũng rất đặc trưng, thu hút rất nhiều du khách. Ôkê, quý vị nghe cụm từ “Sicily – Miền Đất Dữ” chưa? :)))))))

Mafia chính thức được biết đến sau làn sóng di cư từ Ý sang Mỹ của các băng nhóm tội phạm. Dần dà, với sự phát triển chóng mặt, từ Mafia được chỉ các băng nhóm tội phạm có nguồn gốc từ Ý chứ không chỉ riêng dân đảo Sicily, như các băng từ Napoli – Naples chẳng hạn. Rồi tới ngày nay Mafia chỉ chung luôn các băng tội phạm lớn, có tổ chức. Nó đại chúng như Honda là chỉ chung xe máy, Coca là chỉ chung nước có gas vị Cola vậy. Sức ảnh hưởng của Mafia và văn hoá quý ông Tội Phạm nó ghê gớm vậy đó.

Đối với các thành viên Mafia, được tự xưng mình là Mafia khá là… hãnh diện. Đó là đại diện của lòng trung thành, sự quý phái, lòng dũng cảm, sự nhân nghĩa. Thậm chí nhiều ông trùm khi qua đời còn ghi rõ lai lịch chức vụ của mình lên bia luôn.

Vậy muốn làm Mafia thì mình phải làm thế nào đây? :)) Đầu tiên là phải có Người Giới Thiệu. Phải có 3 người có uy tín giới thiệu. Thường ban đầu hình thành các băng nhóm Mafia đều có thành viên là các anh em, chú bác ruột thịt trong gia đình. Dần dà thu nhập thêm đàn em, nhưng cũng phải dựa trên nguyên tắc là ưu tiên người Ý, đặc biệt là đồng hương Sicily, được tín nhiệm và có người đỡ đầu. Khi gia nhập phải làm một nghi thức cổ xưa là trích máu từ đầu ngón tay, nhỏ lên bức hình, thường là hình tượng thánh. Vì sao là tượng thánh? Khi gia nhập, bạn sẽ phải chối bỏ tất cả thánh thần, tôn giáo. Tôn giáo duy nhất của bạn bây giờ là “Gia Đình” – Tổ chức bạn muốn vào. Bạn sẽ phải nâng tấm ảnh đó trong hai bàn tay, ảnh được đốt cháy cho tới khi ra tro và lúc đó bạn sẽ đọc lời tuyên thệ. Nghe đau thật đấy. Cái cảnh máu thịt cháy xèo xèo hoà lẫn nhau vừa đau vừa rát, mà mình phải quên đi để đọc rõ ràng không sai 10 điều răn của băng, làm sao mà quên được trong cuộc đời này chèn ơi là chènnnn!

Cấp bậc Mafia được chia ra làm sao nè?

Trên cùng là Capo. Dù đa phần tên các boss đều bắt đầu bằng chữ Capo nhưng người ta hay dùng từ “Capo” chỉ ông trùm cuối, “ông chủ của các ông chủ”. Capo đơn thuần là “ông chủ” mà thôi. Dưới Capo thì có nhiều sub-boss, tuy dọi là sub-boss thôi nhưng thiệt ra quyền lực họ rất lớn và điều hành hầu hết hoạt động của tổ chức. Ví dụ như “Hoàng Đế của các ông chủ” là chỉ các ông trùm về hưu, mang tính chất cố vấn. Rồi các sếp chuyên tham mưu, các sếp chuyên mảng kinh doanh hợp pháp,… riêng các Don – “Capo Crimine” – ông chủ tội phạm – là các tay nổi bật nhất, vì đảm nhiệm tất cả các công việc phạm tội của gia đình. Bên dưới mới là một đoàn lô lốc các tay sếp phó, lính quèn, luật sư, rồi dưới chót mới đến những Mafia không phải gốc Ý :)). Haha, tính ra thì nó đơn giản hơn hội Tam Hoàng nhiều. Tất cả các băng đều nằm trong một tổ chức Lớn Nhất, có một hội đồng quyết định tất cả hoạt động các Gia Đình trên khắp thế giới: Cosa Nostra. Cũng như Hội Tam Hoàng, các Hồng Côn vẫn thường xuyên bem nhau vì lợi ích, thì ở đây các Don cũng làm như thế :)).

Kế tiếp, Mafia giàu và hoành tráng cỡ nào? 

Nhắc đến Mafia, phải nhắc đến hai thứ đầu tiên: Cocain và Rượu Lậu. Ở Mỹ những năm đầu thế kỷ 20, đã có lệnh cấm rượu. Mà dân chơi đời đầu ở Huê Kỳ cũng rất biết chơi, từ việc phê moocphin y tế chôm ra từ Quân Đội, đến phê thuốc ho chiết xuất từ cây Coca. Từ “Cocain” cũng xuất phát từ “Coca” mà ra. Cocacola ban đầu cũng có thành phần Coca trong đó. Đúng dồi, cái nước giải khát màu đen có gas rẻ rề bạn đang uống trong tiệm gà rán đó đó! Nó được tìm ra bởi một gã dân chơi pha thử thuốc ho + soda, rồi thốt lên méeeee ngon dữ trời! :)) Và cái gì cấm thì đẻ ra tiền, tức là kho vàng của Mafia đây rồi. Cocain cao cấp với độ tinh khiết cao nhập từ Colombia được vận chuyển bằng tàu thuỷ về Mỹ hẳn hòi.

Kế đến là rượu lậu. Định luật Cấm Rượu 1920 của Mỹ làm dân Mỹ tỉnh táo làm ăn hẳn, và làm dân chơi Mỹ đau đầu hẳn vì ghiền làm sao buông. Thế là a lê hấp, hàng loạt các bar chui, chuyên bán rượu tự pha chế của Mafia ra đời. Rượu Bourbon cũng được chế ra từ thời kỳ này. Thay vì làm từ ngũ cốc như Whisky Scotland chính hiệu (dân chơi Mỹ nghiện Whisky nha, dân Anh di cư qua mà lị), thì nay họ chế ra trò lấy Bắp Mỹ vàng khè, vừa ngọt vừa thơm mà ủ. Bourbon được xem như American Whisky, được ủ trong những căn hầm tối thui, không có đèn. Họ phải canh những đêm trăng sáng, lợi dụng ánh trăng mà làm việc, vì thế các xưởng rượu thủ công tại gia còn được gọi là “moonshine” :)). Các tay bợm quả là nghệ suỹ đầy sáng tạo. Kế nữa, Bourbon ban đầu không ngon nên dân nhà giàu không thèm uống. Thế là các băng Mafia tìm đủ cách tạo ra rượu ngon: Nhập lậu rượu thượng hạng về. Vậy nên dân Mỹ bắt đầu ghiền luôn Tequilla, Gin, Vodka,… các kiểu. Chưa hết, lời chưa nhiều, họ mần luôn rượu giả. Và suốt hơn mười năm bán rượu lậu, Mafia Mỹ giàu lên khủng khiếp nhờ các tay bợm nhậu. Còn lời hơn bán ma tuý. Oimeoi :))


Bạn nhìn thấy ngọn đồi với các lâu đài, điền trang này không? Bạn đoán nhà nào là nhà của một trùm Mafia? Bạn đoán cỡ nào cũng sai thôi, vì cả cái đồi đó ổng mua hết rồi :)))))))).

Bạn biết Pablo Escoba hông? Trùm ma tuý Colombia? :)) Tôi không biết mấy tay Mafia Mỹ mua bán ma tuý có được không, mà thằng cha Tổng đại lý bán sỉ bên kia giàu khủng khiếp. Tương truyền thời hoàng kim, 1 ngày Pablo phải tốn 2500$ cho việc mua dây thun để quấn tiền bán mai thuý.

Mafia không chỉ bán ba cái đồ cấm mà giàu rồi quyền lực tới vậy. Tất nhiên Tổ chức nào lớn mạnh thì cũng có móc nối với Quan Quân để tồn tại. Trong thời chống Phát Xít, Mafia bắt tay với các bè phái, ủng hộ tiền, củng cố chỗ đứng, đưa người mình vào, góp phần lật đổ chế độ Phát Xít tại Ý, cũng như làm nền cho phong trào chống Phát Xít của quân Đồng Minh (mà sếp lớn trong đó là Mỹ).

Mà, thuở ban đầu xa vắng ấy, Mafia là tổ chức sinh ra đề bảo vệ tầng lớp nghèo khổ thấp cổ bé họng ở Ý. Nó càng lúc càng lớn mạnh, và người ta biến nó thành một đế chế. Và dù sau này Đế Chế ấy có làm nhiều việc phạm tội, người ta vẫn giữ Phẩm Chất Quý Ông truyền thống của dân Ý, đó là lý do chúng ta có bộ truyện + phim kinh điển: Bố Già – The Godfather. Không phải cái phim của anh MC kiêm diễn viên hề kiêm ca suỹ kiêm chuyên viên tư vấn tình cảm chị em phụ nữ tuổi teen đâu, đây là tác phẩm TOP đầu của lịch sử điện ảnh lẫn văn học đàng hoàng à nha. 

Chuyện kể về “Don” Vito Corleone và gia đình Tội Phạm của ông, xung quanh những âm mưu bẩn thỉu, những cuộc thanh trừng đẫm máu, và giá trị Gia Đình, Tình thân, Tình yêu, Sự trung thành được đề cao. Bộ phim dựa trên quyển tiểu thuyết gốc của Mario Puzo đã mang về nhiều tượng vàng Oscar, Quả Cầu Vàng, kể cả giải Grammy cho soundtrack với bài hát bất hủ Speak Softly Love (nhạc phim Mafia mà nghe lãng mạn quá nè, thành ra khi đặt vào phim nó lại bi tráng, thủ pháp quá đỉnh hen). Đặc biệt diễn viên chính đóng vai Bố Già Marlon Brando từ chối lãnh giải Oscar để biểu tình chống phân biệt chủng tộc, làm người ta nhớ mãi. Phim chất chứa dày đặt các thông điệp hình ảnh, và tạo dựng một trường phái Quý Ông với các bộ Veston cho tới bây giờ. Hiệu ứng “Chiếc bông hồng trên ngực áo vest” của Bố Già được sử dụng rộng rãi cho tới ngày nay, đại diện cho sự quý phái lịch lãm của giới Quý Tộc Ý. 


Cuối cùng, logo của Mafia là gì? Con bạch tuột. Thuật ngữ “Vươn vòi bạch tuột” là từ đây mà ra. Đúng rồi, con bạch tuột vươn vòi luồn lách khắp mọi ngóc ngách của cuộc đời. Người ta khó mà nhìn ra nó bao nhiêu vòi. Khi nó bám trúng thì khó thoát, và dù cố chặt thì nó vẫn bám và lúc nhúc lúc nhúc…

Như cái kết, là về quả cam vàng trong suốt 3 tập phim Bố Già. Nếu mọi người đã xem phim, có để ý mỗi lần “Quả Cam Vàng” xuất hiện là sẽ có án mạng không? Mà tần suất nó dày đặc như một totem cho cái chết luôn. Nó vào frame một cách đẹp đẽ, không phô trương, nhưng nổi bật. Vì sao lại thế? Quả cam máu “Blood Orange” là đặc sản của đảo Sicily, ngon ngọt, tươi mát, vỏ vàng óng, nhưng ruột đỏ choét như máu vậy. Cũng như cuộc đời của một Mafia, bề ngoài hào nhoáng toả hương thơm ngát, nhưng bên trong đầy đắng cay.

 – Khang –

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly