Game ngày nay đã trở thành một loại hình giải trí chủ yếu của phần lớn mọi người bất kể thế hệ. Tuy tác dụng cùng là để giải trí, nhưng cách chúng ta chơi Game, các thể loại Game, hay những tựa Game được chúng ta lựa chọn để thưởng thức lại phản ánh một cách tận hưởng khác biệt chứ không giống nhau hoàn toàn. Có người sẽ thích thưởng thức Game bằng sự cuồng nhiệt thông qua các trận đấu tay đôi của Mortal Kombat và Street Fighter, thông qua những màn xả súng nảy lửa của Call of Duty hay Battlefield, hoặc là thử thách một chút đầu óc chiến thuật và vận may của mình thông qua các ván Cờ Nhân Phẩm (hay còn gọi là Cờ Lừa), hay những ván bài ma thuật đầy tính may rủi trong Hearthstone (hay còn gọi là Bài Lừa). Nhưng có những người tìm tới Game bằng một sự chậm rãi, thoải mái và thư thái hơn. Night Call là một trong những tựa Game như vậy.
Night Call là một tựa Game Indie mới được ra mắt tháng 7/2019, phát triển bởi MonkeyMoon và BlackMuffin, được phát hành bởi Raw Fury trên các nền tảng Steam, Switch, PS4, Xbox One và Mac. Được giới thiệu lần đầu trong sự kiện E3 năm 2018, trò chơi này đã ngay lập tức lọt vào tầm ngắm của tôi vì sự độc lạ của nó. Mặc dù có tiềm năng lớn như vậy, nhưng có vẻ như Night Call không đáp ứng được sự kì vọng của tôi dành cho trò chơi. Và để anh em có thể hiểu hơn về trò chơi cũng như quan điểm của tôi về con game này thì hãy dành chút thời gian để đọc hết đống chữ phía dưới nhé. Nó có thể đơn điệu, nhưng nó sẽ không hề nhàm chán đâu.
Trước khi bắt đầu đọc, hãy bật bản nhạc nền của Night Call ở đây rồi hãy tiếp tục nhé.
Trong Night Call, người chơi nhập vai một người đàn ông trung niên có quá khứ không mấy yên bình, làm nghề tài xế taxi chuyên chạy xe vào ban đêm ở Paris. Trong một đêm chạy xe, ông bất ngờ bị vướng vào một vụ giết người hàng loạt khi mà hành khách của ông không may bị một kẻ lạ mặt giết hại. Bản thân ông cũng suýt chút nữa phải bỏ mạng sau nhát dao chí mạng của kẻ sát nhân. Sau sự kiện đó, ông ta rơi vào một cơn hôn mê kéo dài nhiều tháng trời. Khi tỉnh lại, cảnh sát vẫn đang bế tắc trong việc tìm ra tung tích của kẻ thực sự đằng sau hàng loạt các vụ giết người thảm khốc. Khi vừa mới trở lại công việc cũ, nhân vật chính bị đe dọa bởi một nữ cảnh sát phụ trách điều tra vụ án, buộc ông ta phải trở thành người săn tin nhằm mục tiêu tìm ra hung thủ thực sự. Người tài xế bất đắc dĩ phải chấp nhận điều kiện của viên cảnh sát vì không muốn bị họ lục lại quá khứ đen tối, làm cơ sở để buộc tội ông vào tội ác không do ông gây ra.
Trò chơi cho chúng ta lựa chọn 1 trong 3 kịch bản vụ án khác nhau, tuy vậy câu chuyện luôn có một khởi đầu và diễn biến như trên. Với mỗi một kịch bản vụ án mà người chơi lựa chọn, trò chơi sẽ cho người chơi một set các nghi can và bằng chứng khác nhau, khiến người chơi phải vận dụng liên tục đầu óc, tìm kiếm các manh mối mới thông qua các mối quan hệ của bản thân nhân vật chính, cũng như qua nghe ngóng thông tin của các khách hàng sau mỗi một cuốc xe, sau đó người chơi cần xâu chuỗi các manh mối để có thể đưa được ra kết luận cuối cùng về kẻ thủ ác của vụ án.
Một điều đáng buồn của Game là các vụ án này chỉ nằm trên giấy tờ mà nhân vật chính nhận được. Trong cả câu chuyện thì nhân vật chính không mấy được tiếp xúc với chính xác các nghi can hay là hung thủ. Các manh mối thì kiếm được qua truyền miệng, nghe tin tức, đọc báo hay qua các nguồn mua bán thông tin và người quen của các nạn nhân. Điều này khiến cho các vụ án không có chiều sâu và cũng không đọng lại nhiều trong tâm trí của người chơi. Thành ra các kịch bản này chỉ là một yếu tố để thúc đẩy sự phát triển của lối chơi mà không có sự kết nối chặt chẽ với các yếu tố cấu thành còn lại của một tựa Game.
Tuy có điểm yếu chí mạng như vậy, nhưng bù lại thì điều thực sự cứu cánh cho một tựa Game chỉ có đọc và đặt rất nặng vào cốt truyện như Night Call, lại là thông qua các dòng thoại của nhân vật, và đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên sự khác biệt quyến rũ của Game mà tôi sẽ phân tích sâu hơn về mặt này ở phía dưới.
Night Call là một Game khá khó để có thể đánh giá thể loại. Pha trộn một chút của thể loại Visual Novel, một chút của thể loại Simulation, và một chút của thể loại Nhập Vai Trinh Thám. Toàn là những thể loại rất kén người chơi đại chúng, nên không phải ai cũng có thể tận hưởng Night Call một cách trọn vẹn. Trong Game thì người chơi sẽ thực hiện đúng những gì mà một tài xế taxi sẽ làm. Nhận từng cuốc xe kiếm sống, cắt lãi với công ty taxi, dành tiền đổ xăng, mua báo, đồng thời nghe ngóng thông tin về vụ án. Sau đó về nhà, sắp xếp lại các thông tin kiếm được để xác định hung thủ của các vụ án giết người hàng loạt. Sau đó lặp lại các công đoạn như trên cho tới khi người chơi nhận được thông báo đến hạn chỉ điểm nghi can.
Lối chơi cũng chỉ đơn giản như vậy. Hai yếu tố quan trọng nhất cấu thành một tựa Game thì Night Call đã làm không thực sự tốt, nếu như không muốn nói là quá tệ. Lỏng lẻo trong mạch cốt truyện chính, không kết nối được với gameplay, trong khi bản thân lối chơi của Game cũng đã rất đơn điệu. TUY VẬY, điều mà Night Call đã làm rất tốt nằm ở việc đội ngũ phát triển biết cách để đánh lạc hướng người chơi ra khỏi những yếu điểm chết người của Game. Điều đó chính là bầu không khí mà trò chơi tạo ra cho người đang thưởng thức nó rồi ăn dần vào trong tâm trạng của người chơi.
Night Call, cũng như cái tên của nó, là một tựa Game thích hợp nhất khi chơi vào đêm muộn. Khi mà tất cả những gì người chơi có thể cảm nhận được thông qua mặt hình ảnh chỉ vỏn vẹn hai màu đen và trắng. Cô đơn và lạnh lẽo. Đúng như bối cảnh của Game, một thành phố Paris về đêm u ám. Có lẽ bởi những vụ án mạng kinh hoàng, hay chỉ đơn giản là ở trong tâm trạng của tất cả mọi người khi màn đêm buông xuống. Bầu không khí này sẽ không thể được diễn tả hết nếu không nhờ sức ảnh hưởng quá lớn bởi phong cách hoạt họa mà trò chơi đem lại. Nó mang lại cảm xúc rất cổ điển của những bộ phim hình sự đen trắng ở phương tây vào nửa đầu của thế kỉ trước. Hình ảnh đường phố khi chiếc xe taxi chở khách đi qua, hay chỉ là những hình ảnh rất vu vơ của một tấm biển mờ ảo bởi ảnh đèn yếu ớt giữa đêm, hay chiếc máy bay đang lao vút giữa trời đêm. Bản thân những hình ảnh đó đã mang lại một bầu không khí nặng nề cảm xúc rồi. Nhưng phần âm nhạc mới đẩy tâm trạng của người chơi đi xa hơn nữa.
Các bản nhạc trong Game được sáng tác rất tốt và hợp với từng phân đoạn mà người chơi được đi qua. Nhẹ nhàng, du dương nhưng có phần u ám với từng cuốc xe đêm, hay một chút tinh nghịch khi người tài xế gặp những vị khách vui tính, hay là nặng nề và dồn dập khi một thông tin then chốt nào đó sắp được tiết lộ. Cơ mà khi để nói về mảng âm thanh thì Night Call chỉ là một tựa Game Indie được phát triển và sản xuất bởi những đơn vị Studio nhỏ. Việc các dòng thoại trong Game đều không được lồng tiếng có lẽ là điều không thể tránh khỏi, có thể là do chủ ý của nhà phát triển, hay là do kinh phí không cho phép. Nhưng theo mình, việc không lồng tiếng ấy như một con dao hai lưỡi vậy. Có thể một tựa Game đặt nặng vào cốt truyện và các dòng thoại lại không được ghi âm dù chỉ một câu nói thì sẽ khá tụt hậu so với các sản phẩm Game khác trên thị trường. Nhưng với Night Call, sẽ hay nhất nếu như bạn đọc nó trong suy nghĩ, thưởng thức nó như một cuốn tiểu thuyết mà bạn sẽ đọc trước khi đi ngủ.
Dù vậy, hãy tạm thời gạt bỏ hết những điểm tốt và những điểm tệ của Night Call. Cảm nhận chậm lại một chút. Cuộc sống hiện đại đang cuốn tất cả chúng ta đi với một tốc độ nhanh đến khủng khiếp với hàng tỉ các vấn đề khác nhau liên tục đè nặng lên đôi vai. Có thể là những câu chuyện về gia đình, bạn bè, công việc hay chuyện tình cảm. Nó cứ liên tục diễn ra khiến chúng ta trở nên mệt mỏi. Để rồi khi màn đêm buông xuống để lại một nhịp chững trong tâm trí. Tới lúc này, một người, hay một nơi nào đó để chúng ta chia sẻ những điều, những gánh nặng trong tâm trí sẽ là liều thuốc an thần hiệu quả nhất để chúng ta có thể chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục đối mặt với các vấn đề của cuộc sống. Night Call sẽ đưa người chơi vào vị trí của một người lắng nghe. Nghe từng vị khách đi những cuốc xe đêm trải lòng về cuộc sống của họ, về những điều khó khăn họ gặp phải, về những gánh nặng đang đè lên đôi vai họ. Nó có thể là một du học sinh người Mỹ đang theo học một trường kịch câm tại Paris, nhưng lại bị kì thị và chê cười bởi những người thân quen nhất của anh ta, khiến anh ta cảm thấy sự cô đơn tột cùng nơi đất khách quê người. Hay là câu chuyện của một gã sở khanh chuyên lân la làm quen với các cô gái để che dấu sự yếu đuối của bản thân. Hay câu chuyện về một cô gái vì quá lo xa mà từ chối lời cầu hôn của bạn trai, để rồi đến khi muốn thay đổi thì đã quá muộn. Hay thậm chí là một vị khách du lịch người Nhật chỉ nói duy nhất những dòng thoại tiếng Nhật, nhưng nếu có thể đọc và hiểu một chút tiếng Nhật thì ẩn sâu trong đó là một câu chuyện cảm động về việc tại sao ông ta lại xuất hiện ở thành phố Paris hoa lệ này. Game có dàn nhân vật đa dạng, mà mỗi vị khách là một câu chuyện khác nhau, những dòng thoại tự nhiên và chân thành như chính những câu chuyện đó cũng có thể xảy ra với mỗi người trong chúng ta. Để rồi dù cho trò chơi có chán, cốt truyện chính có tệ, hay là lối chơi không được cuốn hút, người chơi vẫn sẽ muốn quay trở lại, nhận thêm nhiều cuốc xe hơn nữa, nghe thêm nhiều câu chuyện hơn nữa để cảm nhận nhiều hơn những khía cạnh của cuộc sống.
Và đây mới là điều khiến cho Night Call trở thành một tựa Game mà bạn sẽ muốn tìm đến khi tâm trí cần thả lỏng khi màn đêm buông xuống. Nó không phải là một tựa Game xuất sắc, nhưng cảm xúc mà nó đem lại mới là thứ thực sự quý giá khi ta thưởng thức một tựa Game. Đây là một trò chơi nhưng không dùng để chơi, mà là để suy ngẫm. Ngẫm ra nhiều điều, nhiều khía cạnh trong cuộc sống hơn. Game dù độc đáo và tạo nên được bầu không khí rất ma mị cho người chơi, nhưng nó hoàn toàn có tiềm năng để làm tốt hơn và đi xa hơn nữa, thật tiếc khi Night Call không hoàn mỹ như vậy.
Rất cảm ơn người viết bài đã chèn sẵn một video nhạc nền vào để nghe lúc đọc. Âm nhạc và nội dung bài viết hòa quyện vào nhau mượt như cà phê Trung Nguyên pha sữa con bò vậy.