[Assassin’s Creed] Creed trong tên, Đức Tin

Khách quen

  

Một chút suy nghĩ về con chữ đặc biệt hay bị bỏ quên này, theo quan điểm của một ACbu như tôi. Nên đọc bài này để bổ sung kiến thức trong các cuộc chiến với quân đoàn mẤt ChẤt SáT tHủ nhé <(“)

Thường thì người ta quan tâm chữ “Assassin” hơn là chữ “ ‘s Creed” ở sau, khiến nó bị lãng quên hoàn toàn trong các cuộc tranh luận mẤt ChẤt LéN lÚt của fanboi AC đời cũ. Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao tên game là Assassin’s Creed, chứ không phải Assassin Order hay Assassin Brotherhood, trong khi game xoay quanh Hội Sát Thủ là chính? Tại sao game về Sát Thủ mà AC Rogue nói về kẻ phản bội? Tại sao lại có AC Odyssey trong khi thời đó chưa có Hội Sát Thủ? Ba câu hỏi trên thôi là đủ để nói Assassin’s Creed không phải là tựa game nói về Hội Sát Thủ, mà là Đức Tin của họ – the Creed.

Đầu tiên, xin được phép trích dẫn một câu danh ngôn của triết gia người Hy Lạp Aristotle:

First, have a definite, clear practical ideal: a goal, an objective. Second, have the necessary means to achieve your ends: wisdom, money, materials, and methods. Third, adjust all your means to that end.

Đầu tiên, có một lý tưởng rõ ràng: xác định và thiết thực. Thứ hai, có những tiềm lực cần thiết để đạt được mục tiêu: tri thức, tiền bạc, vật chất, và phương pháp. Thứ ba, hướng tất cả tiềm lực vào mục tiêu đó.

Với bất kỳ tổ chức nào, lý tưởng luôn là thứ quan trọng nhất, sau đó là tiềm lực cùng các phương pháp hành động. Hội Sát Thủ cũng không ngoại lệ. Từ một ý chí tự do (free-will) mơ hồ thời Adam và Eva, rồi manh nha khi thành lập Độc Ẩn Giáo (The Hidden Ones) cho đến khi hình thành Đức Tin từ thời trung cổ và duy trì tới tận bây giờ. Bạn có thể thấy, qua mỗi lần thay da đổi thịt về lý tưởng, quy mô và tính chất của Hội Sát Thủ cũng tỉ lệ thuận với nó vậy. Đó là những người mang ý chí tự do đầu tiên, các tiền Sát Thủ (proto-Assassins), Độc Ẩn Giáo và thời kỳ hoàng kim của Hội Sát Thủ Levantine. Và Đức Tin đó đã trường tồn đến ngày nay cùng Hội Sát thủ, với chút thay đổi để phù hợp với thời thế. Nhiêu đây thôi các bạn cũng hiểu sức mạnh của lý tưởng lớn thế nào rồi đó.

Dạo đầu về vai trò rồi, chúng ta hãy vào việc chính nhé. Như đã nói ở trên, thời kỳ hoàng kim của Hội Sát Thủ là khi họ có hệ thống tư tưởng rõ ràng, mà ta gọi là Đức Tin (the Creed). Đức Tin đã tồn tại từ thời kì khai sinh của Độc Ẩn Giáo, duy trì đến thời hiện đại và thay đổi một chút để phù hợp hơn, nhưng sẽ luôn xoay quanh ba nguyên tắc chính:

1. Stay your blade from flesh of an innocent – Không giết hại người vô tội

Mục tiêu của Hội Sát Thủ là đảm bảo hòa bình, với niềm tin rằng một mạng người tước đi nếu cần thiết có thể đem lại sự an toàn và hòa bình cho người dân. Các Sát Thủ tin rằng các vụ ám sát chính trị và cái chết của những kẻ tham nhũng sẽ mang lại sự hòa bình đó. Nhưng giết những người vô tội có thể gây xung đột và bất hòa, đồng thời hủy hoại lý tưởng và danh tiếng Hội Sát Thủ, như thế sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc thứ 3. Nguyên tắc này cũng tránh biến những Sát Thủ trở thành những tên đồ tể khát máu, tiêu biểu như thủ lĩnh phiến quân Gamilat, đồng minh của Bayek, kẻ đã đứng đằng sau kích động người La Mã đốt phá giết chóc người dân vô tội để châm ngòi kích động người dân, phục vụ cho mục đích riêng của mình.

2. Hide in plain side – Ẩn mình ẩn danh

Lén lút luôn là cách tiêu diệt mục tiêu nhanh nhất, biết cách giấu mình khỏi những ánh mắt soi xét, thì những cuộc ám sát sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi hơn. Từ những vụ ám sát công khai, Hội Sát Thủ đã tiết chế và thực hiện ám sát nhanh và lặng lẽ nhất, cũng như để tránh xung đột và không phạm vào nguyên tắc thứ 3. Nguyên tắc này rất quan trọng với Hội Sát Thủ thời hiện đại, với sự phát triển của công nghệ đồng nghĩa với việc mọi cử chỉ bất thường của một Sát Thủ sẽ ảnh hưởng đến cả tổ chức.

3. Never compromise the Assassin Brotherhood – Không bao giờ làm tổn hại Hội Huynh Đệ Sát Thủ

Cái này quá rõ ràng rồi nên không cần giải thích gì nhiều. Một luật ngầm, luật rừng mà mỗi tổ chức đều có. Hội Sát Thủ dành riêng nguyên tắc này cho điều luật ấy, thậm chí họ từng khắc nguyên tắc này lên cái cốc nước pay lak ở Hội Sát thủ Pháp. Hai nguyên tắc trước nó cũng liên quan mật thiết đến nguyên tắc 3, tạo mối liên kết cho hệ tư tưởng của Hội Sát Thủ.

Đức Tin vừa là triết lý Hội, vừa là quy tắc của các Sát Thủ, vừa là lời cảnh báo cho những ai đang đi theo nó. Đức Tin hướng đến xã hội và từng cá nhân. Hướng đến xã hội qua mong muốn giải phóng tâm trí của con người để đạt được sự hoà bình. Hướng đến cá nhân qua những nguyên tắc và kiểm soát hành vi của bản thân. Tất cả vì hoà bình cho thế giới và cho mỗi người.

Đức Tin là luật lệ, là xương sống, là cách vận hành của Hội Sát Thủ. Song cùng với 3 nguyên tắc, chúng ta lại có 3 sự trớ trêu. Đoạn dưới trích từ Codex số 4 của vị Mentor huyền thoại Altaïr Ibn-La’Ahad:

What follows are the three great ironies of the Assassin Order:

(1) Here we seek to promote peace, but murder is our means.

(2) Here we seek to open the minds of men, but require obedience to a master and set of rules.

(3) Here we seek to reveal the danger of blind faith, yet we are practitioners ourselves.

Đây là ba điều trớ trêu lớn của Hội Sát Thủ:

(1) Chúng ta tìm cách thúc đẩy hòa bình, nhưng lại chọn cách giết người.

(2) Chúng ta tìm cách giải phóng tâm trí của loài người, nhưng lại tuân theo một kẻ đứng đầu và những quy tắc.

(3) Chúng ta tìm cách cảnh báo sự nguy hiểm của đức tin mù quáng, nhưng chính chúng ta lại đi theo đức tin mù quáng.

Ngay cả Altair phải thừa nhận về sự mâu thuẫn của Đức Tin. Trông có vẻ đạo đức giả đấy, nhưng Hội Sát Thủ chấp nhận nó và “mờ hóa” một chút bằng câu “Nothing is true. Everything is permitted”. Câu châm ngôn nổi tiếng được tạo ra trong thế kỷ 11 bởi Hassan-i Sabbāh, thủ lĩnh đầu tiên của Hội Sát Thủ. Còn thực tế câu này lấy từ cuốn tiểu thuyết Alamut.

Dù vậy, câu châm ngôn này hay bị hiểu sai thành sự vô kỷ luật, truyền bá chủ nghĩa hư vô, vô chính phủ và tự hài lòng. Điển hình là Edward Kenway đã lấy câu châm ngôn này để bao biện cho những hành vi sai trái của bản thân khi anh mới gia nhập Hội Sát Thủ. Hay Templar James Wardrop, trong những lời trăn trối với Shay Cormac, đã tự hào rằng “nếu mọi thứ được chấp thuận, không có gì là an toàn“. Ngay cả bà chủ hiệu sách Sofia Sartor, một người có học vấn, cũng hoài nghi về câu châm ngôn khi lần đầu tiên nghe nó từ Ezio Auditore. Với Ezio, ông cho rằng câu châm ngôn không phải là một học thuyết cần tuân theo, mà chỉ là một quan sát về thế giới. Cụ thể, Ezio giải thích rằng:

To say that nothing is true, is to realize that the foundations of society are fragile, and that we must be the shepherds of our own civilization. To say that everything is permitted, is to understand that we are the architects of our actions, and that we must live with their consequences, whether glorious or tragic.

Nói rằng không có gì là đúng, là nhận ra rằng nền tảng của xã hội rất mong manh, và chúng ta phải là những người đầu tàu chăm sóc cho nền văn minh mà bản thây đã gây dựng. Nói rằng mọi thứ đều được chấp thuận, là để hiểu rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân, và phải sống với hậu quả của nó mang đến, cho dù vinh quang hay bi thảm.

Với Arno Dorian, anh suy nghĩ rằng câu châm ngôn chỉ như một hướng dẫn và lời cảnh báo. Arno giải thích khá chi tiết về ý nghĩa thật sự của Đức Tin:

The Creed of the Assassin Brotherhood teaches us that nothing is forbidden to us. Once, I thought that meant we were free to do as we would. To pursue our ideals, no matter the cost. I understand now. Not a grant of permission, the Creed is a warning. Ideals too easily give way to dogma. Dogma becomes fanaticism. No higher power sits in judgment of us. No supreme being watches to punish us for our sins. In the end, only we ourselves can guard against our obsessions. Only we can decide whether the road we walk carries too high a toll. We believe ourselves redeemers, avengers, saviors. We make war on those who oppose us, and they in turn make war on us. We dream of leaving our stamp upon the world even as we give our lives in a conflict that will be recorded in no history book. All that we do, all that we are, begins and ends with ourselves.

Đức Tin của Hội Huynh Đệ Sát Thủ đã dạy ta rằng không có gì là cấm kị. Tôi từng nghĩ rằng chúng ta có thể làm mọi thứ thoả thích. Để bất chấp mọi thứ mà theo đuổi lý tưởng của bản thân. Giờ tôi đã hiểu. Đức Tin không phải sự cho phép, mà là một lời cảnh báo. Lý tưởng dẫn đến độc đoán. Độc đoán rồi sẽ hóa thành cuồng tín. Không tầng lớp nào có quyền phán xét ta. Không sức mạnh tối thượng nào chứng kiến mà trừng phạt ta vì tội lỗi của mình. Rồi cuối cùng chỉ mình chúng ta có thể chống lại sự ngông cuồng của mình. Chỉ mình chúng ta có thể quyết định rằng liệu con đường của mình của mang lại quá nhiều đau thương. Chúng ta tin mình là những thánh nhân, kẻ báo thù, đấng cứu thế. Ta mang chiến tranh đến cho những người chống lại ta, và họ mang chiến tranh đó trả lại cho chúng ta. Chúng ta mơ đến việc để lại dấu ấn của mình trong sử sách kể cả khi ta dấn thân vào một cuộc chiến không được cuốn sách nào sẽ ghi lại. Tất cả những gì chúng ta thực hiện, tất cả những gì chúng ta nhân danh, là khởi nguyên và kết thúc với bản thân chúng ta.


Qua mỗi phần game, chúng ta lại nhìn thấy mặt khác của Đức Tin, những điểm tốt, những hạn chế. Adam và Eva, hai con người đầu tiên mang trong mình “ý chí tự do” kể từ khi thoát khỏi sự kiểm soát của Quả Táo Địa Đàng, và lan truyền cho toàn nhân loại ý chí này trong cuộc chiến với tộc Isu kéo dài 10 năm. Các tiền Sát Thủ đã kế thừa ý chí ấy giải phóng con người khỏi những tên độc tài bạo chúa, thông qua các cuộc ám sát những nhân vật cấp cao đã ảnh hưởng đến chiều dài lịch sử. Tới thời Bayek, Độc Ẩn Giáo tuân theo 2 nguyên tắc: hoạt động trong bóng tối và chỉ giết những kẻ đáng để giết. Sau này Bayek đã tạo thêm nguyên tắc không giết người vô tội, sau khi chứng kiến cách gây bạo loạn của thủ lĩnh phiến quân Gamilat.

Khoảnh khắc nguyên tắc đầu tiên của Đức Tin được hình thành

Ở phần AC1, chúng ta được chứng kiến hình phạt của Hội Sát Thủ Levantine với những kẻ vi phạm Đức Tin, mà Altair đây vi phạm cả 3 nguyên tắc trong một ngày <(“). Chuyển sang Ezio, Đức Tin nay đã có thêm sự tôn trọng dành cho kẻ bị ám sát, và vẫn được duy trì đến các thế hệ sau này. Riêng trong phần AC Revelations, Hội Sát Thủ Levantine dưới thời Altair mới thực sự hoạt động bí mật, để tránh những ánh mắt soi xét không đáng có từ bên ngoài, và cũng để các Sát Thủ hoạt động dễ hơn. Rồi chúng ta gặp gã hải tặc Edward Kenway, và anh ta cũng giống như một số người chơi lúc bấy giờ, có quan điểm sai lầm về Đức Tin của Hội Sát Thủ. Rồi đến Connor trong AC3, Đức Tin lúc bấy giờ có khá nhiều điểm chung với lý tưởng của Templar, cha con Haytham thậm chí từng hợp tác với nhau. Connor, sau khi xuống tay với cha mình, cũng bày tỏ sự hối tiếc với Haytham vì anh nhận ra sự đúng đắn trong lý tưởng của cha. Đức Tin của Hội Sát Thủ trong khoảng thời gian cũng thể hiện sự lung lay, một phần do cách lãnh đạo của Achilles, mù quáng trong việc truy tìm các Báu Vật Địa Đàng, dẫn đến sự phản bội của Shay Patrick Cormac. Đức Tin cũng thật sự nguy hiểm nếu người ta quá tôn sùng nó đến mức cực đoan, với chính Pierre Bellec trong AC Unity là ví dụ.

Sang AC Syndicate, cậu em Jacob Frye cứ giết các Templar mà không màng hậu quả, khiến một thành phố sầm uất như London điêu đứng mấy lần. Cô chị Evie Frye vừa phải truy tìm Báu Vật Địa Đàng, vừa phải chạy trối chết dọn hộ đống rác của đứa em. Và còn nhiều trường hợp khác mà tôi không tiện kể ra đây, nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy càng theo thời gian, Đức Tin của Hội Sát Thủ càng không hợp thời, dẫn đến việc thay đổi là cần thiết. Có thể nói đến nói về việc sử dụng chính trị và tác động mềm của Hội Sát Thủ hiện đại. Những cuộc ám sát cũng không còn xuất hiện, vụ ám sát cuối cùng do các Sát Thủ gây ra đã diễn ra vào tháng 4 năm 1971, mục tiêu ám sát là tổng thống Haiti, Templar François Duvalier, và đây được coi là cuộc ám sát nhân vật cấp cao cuối cùng. Nguyên tắc thứ 2 của Hội Sát Thủ hiện đại cũng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bởi chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể trả giá bằng cả tổ chức, mà ta có thể kể đến Daniel Cross.

François Duvalier, 1957-71 - Traveling Haiti

Nhân vật cấp cao cuối cùng bị Sát Thủ ám sát, François Duvalier


Và trên đây là những điều bạn cần biết về Đức Tin, thứ quan trọng được ghi hẳn trên tên game nhưng lại thường bị xếp sau cái mũ trùm. Hy vọng qua bài này, các bạn đã có trong mình những thông tin quan trọng, sự phân tích, cùng mặt tốt và hạn chế của Đức Tin. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết khác.

 

 

 

 

 

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly