Detroit: Become Human – Kara, khi cảm xúc vượt qua mọi rào cản

Khách mới

  

Nếu bạn đã từng chơi qua tựa game Detroit: Become Human của nhà sản xuất Quantic Dream, chắc hẳn ít nhiều tựa game này sẽ để lại cho bạn ấn tượng về nó, một tựa game nặng về cốt truyện mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Trong bài này, mình không review hay nhận xét về tổng quan cốt truyện game mà chỉ muốn nói lên cảm nhận cá nhân mình về một trong 3 nhân vật chính của game, đó là Kara. Đương nhiên đây là một tựa game mà mỗi sự lựa chọn của mỗi người chơi sẽ dẫn đến một kết quả khác nhau, cho nên mình chỉ đưa ra những suy nghĩ dựa trên mạch truyện mà mình đã trải qua, và dĩ nhiên cái kết của mạch truyện mình chơi khá là hợp lí và cũng có thể coi là good ending. Thôi không dài dòng thêm nữa, mình xin chia sẻ cảm nhận riêng của mình sau đây.

(Lưu ý: nội dung mình nói dưới đây sẽ có phần spoil cốt truyện game nhé, mấy bạn không thích biết trước nội dung có thể chơi game trước khi đọc bài viết của mình :D).

3 nhân vật chính của game: Connor, Markus và Kara

Nói qua một chút cảm nhận của mình về tựa game Detroit: Become Human này. Mình không phải là một con mọt game hay người đã trải qua nhiều tựa game nhưng mình luôn có hứng thú với những tựa game có cốt truyện hay, không yêu cầu cao về gameplay, những tựa game khiến người chơi cảm giác như được hòa vào một bộ phim. Nên khi tiếp xúc và thưởng thức tựa game này, mình đã thật sự ấn tượng và có cảm tình với nó, game đã để lại cho mình nhiều suy nghĩ giống như trước kia khi đã từng chơi The Wolf Among Us vậy.

Đây là một tựa game mà mình nghĩ nó không chỉ đơn thuần là game, mà đó còn là những giấc mơ, những tiên đoán, những bài học về viễn cảnh cuộc sống của chúng ta trong tương lai. Về việc xây dựng nhân vật, game cũng đã làm rất hay khi tạo ra 3 nhân vật chính với những vai trò và đặc điểm riêng nhưng họ lại có một sự kết nối đặc biệt. Hoàn cảnh đưa đẩy mỗi nhân vật đến với những cuộc phiêu lưu và sứ mệnh khác nhau nhưng đằng sau đó là một lý tưởng, một khát khao chung về sự tự do, sự công bằng và hạnh phúc.

Kara

Kara là một trong 3 nhân vật chính của game, cô cũng chính là nhân vật mà mình cảm mến nhất (thật sự nếu xét về cốt truyện và tầm ảnh hưởng thì mình đánh giá cao vai trò của Connor hơn cả nhưng bên cạnh đó chính Kara lại để cho mình một nét ấn tượng gì đó rất riêng và sâu sắc). Kara theo cảm nhận riêng của mình là nhân vật tận dụng được cảm xúc nội tâm nhất trong 3 nhân vật chính. Và điểm gây ấn tượng với mình nhất ở Kara cũng chính là cách bộc lộ cảm xúc của bản thân qua từng hoàn cảnh. Tại đó, ta thấy được sự biến chuyển mạnh mẽ trong cách cô suy nghĩ và hành động qua mỗi tình huống từ đầu cho tới kết game.

Từ một Android nội trợ

Kara vốn là một Android chuyên làm việc nhà và nội trợ. Cô được lập trình chỉ để thực hiện những công việc bình thường, không cần khả năng gì cao siêu (như Connor có những khả năng đặc biệt như phân tích, đàm phán, suy nghĩ logic hay kể cả “võ nghệ thượng thừa”) nên mọi sự biến chuyển trong nhân vật này được tập trung hoàn toàn vào trái tim của mình – một trái tim đầy tình thương của con người. Khi cô được đưa đến một gia đình có một cuộc sống không hề hạnh phúc. Đứa con gái nhỏ luôn bị bố của mình chửi bới, đánh đập bạo hành. Khi liên tục phải chứng kiến những cảnh như vậy, trái tim của Kara dần được đánh thức và lúc đó một người máy như cô nhận ra được một thứ tình cảm của con người xuất hiện trong cơ thể mình – đó là tình thương, lòng che chở bảo vệ như của một người mẹ với đứa con gái của mình. Thứ tình cảm ấy đã phá vỡ bức tường “android” và giúp cô có thể hành động theo đúng lý trí của mình – lý trí của một “deviant android”.

Và từ lúc đó trở đi, mọi hành động của Kara chỉ để thực hiện một mục đích đó là: Bảo vệ Alice bé bỏng. Qua mỗi chapter, ta thấy được sự phát triển trong hành động và suy nghĩ của Kara, cô không còn là một cô gái giúp việc như bản thân cô được lập trình nữa. Cô không còn là một người máy mỏng manh, nhẹ nhàng, dễ sai khiến nữa. Để bảo vệ Alice, cô dần can đảm hơn, mạnh mẽ, chai lì hơn, và sự bình tĩnh và nhanh nhạy của Kara trong các tình huống khẩn cấp đôi lúc còn khiến người chơi cảm thấy ấn tượng. Lúc đó tưởng như Kara có thể làm được mọi việc, bất kể khó khăn và liều mạng thế nào, chỉ với một mục đích duy nhất là bảo vệ cho cô bé Alice. Một chi tiết mà mình nghĩ nhiều người sẽ không nhận ra được tầm quan trọng thật sự của nó đó chính là việc Kara thay đổi kiểu tóc. Mình không nghĩ nhà sản xuất game sẽ nghĩ đơn giản việc đưa chi tiết Kara cắt bỏ đi mái tóc dài ban đầu thay vào đó là kiểu tóc ngắn mới chỉ với mục đích là để cho không ai có thể nhận ra mình là android đâu.

Việc thay đổi kiểu tóc hay nói cách khác là thay đổi diện mạo nguyên thủy của Kara thật chất có tầm quan trọng rất lớn trong việc đưa Kara dần thay đổi đặc tính của mình. Bạn thử nghĩ xem trong một thời gian ngắn, một android giúp việc hiền lành, nhẹ nhàng, chỉ biết vâng lời như Kara lại có thể thay đổi tính cách và hành động một cách chóng mặt như vậy. Liệu điều đó có khiến cho người chơi xuất hiện cảm giác “không làm quen kịp”? Việc làm thay đổi diện mạo của Kara trở nên mạnh mẽ hơn, chai sạn hơn với mái tóc ngắn của mình chính là để giải quyết vấn đề đó. Không cần biết việc biến đổi tâm tính nhân vật nhanh như vậy có hợp lí hay không, chỉ cần nhìn vào diện mạo mới này của Kara ăn khớp với con người cô hiện tại, người chơi sẽ không còn cảm thấy “lạ lẫm” nữa.

Tình người vượt mọi rào cản

Một đặc điểm đặc trưng của Kara như mình đã nói lúc đầu, đó là cách biểu lộ cảm xúc. So với 2 nhân vật chính còn lại của game, cô gần như không có khả năng gì nổi bật. Nhưng ở Kara, ta lại thấy được một con android “người” nhất. Cảm xúc của Kara thường được biểu lộ rất rõ nét và nổi bật, cách cô biểu lộ cảm xúc nó rất dễ “ngấm” vào người chơi. Mình đã nhiều lần thấu cảm được khi nhìn vào đôi mắt của Kara, đôi mắt ấy có thể nói lên nhu cầu được bình yên, nhu cầu hạnh phúc. Và thật sự trong game, chính khả năng lột tả cảm xúc mà Kara đã cảm hóa được rất nhiều người như Luther, mẹ con bà Rose, và cả chính vị nhân viên tại cửa khẩu Canada – người sẽ chấm dứt số phận của họ nếu như ông ta không động lòng trong khoảnh khắc sinh tử đó. Và thêm một điều đặc biệt nữa mà có thể bạn không để ý, Kara chính là nhân vật duy nhất trong 3 nhân vật đã đánh thức được android khác mà không cần “connect” với nhau. Sự gắn kết tình cảm giữa cô và Alice đã làm cho Luther “mở mắt” và quyết định đi theo để bảo vệ cô và Alice.

Mỗi story của mỗi nhân vật đều có vai trò và ý nghĩa riêng của nó. Với Connor là một chuỗi hành trình thực hiện nhiệm vụ của mình, từ đó dần nhận ra tâm lý, bản chất của android, tìm ra được ý nghĩa thật sự của việc bản thân tồn tại; với Markus là một chặng đường đấu tranh để thức tỉnh tâm hồn của android, đấu tranh đưa chủng loài của mình đến với sự tự do. Trong khi Connor và Markus đóng góp vai trò quan trọng trong toàn mạch truyện của game thì cuộc hành trình của Kara lại lấy đi cảm xúc và nước mắt của người chơi nhiều nhất.

Toàn bộ story của Kara là một cuộc phiêu lưu, một cuộc chiến sinh tử để tìm lấy sự sống còn, sự an toàn của Alice và cả bản thân mình. Khi những Connor và Markus đang miệt mài đi tìm lý tưởng và sự công bằng cho android thì Kara chỉ đơn giản là muốn được sống, được an toàn, muốn cô bé Alice tìm được và sống trong một gia đình thực thụ, có tình yêu thương của cha mẹ, được hạnh phúc như những đứa trẻ con người khác… Cô sẵn sàng hi sinh bản thân để Alice có thể tiếp tục được tồn tại, hệt như một người mẹ sẵn sàng quên mình vì con vậy. Đó là một điểm hay mà theo mình tựa game đã làm được. Câu chuyện của Kara làm nên tính đời thường của game. Đi cùng với những lý tưởng, những sứ mệnh cao cả mang tính vĩ mô mà game muốn truyền đạt cho người chơi thì xung quanh luôn có những người, những số phận miệt mài nỗ lực vì cuộc sống của chính bản thân mình, vì hoàn cảnh của mình. Kara chính là đại diện cho những số phận như vậy.

Điểm chưa hài lòng

Ngoài những chi tiết nổi bật trên, vẫn có những mặt hạn chế theo quan điểm cá nhân mình xoay quanh nhân vật Kara. Dù tạo được những điểm đặc trưng và làm nên phần hấp dẫn ở Kara nhưng chính ở một số đặc điểm ấy lại có thể khiến cho người chơi cảm thấy có một chút “cợm” về mặt nội dung. Theo nhìn nhận riêng của cá nhân mình thì có một số điểm mà mình cảm thấy chưa thật sự thỏa mãn trong story của nhân vật này.

Thứ nhất, chính việc tạo nên một Kara có phần rất “người” này lại làm giảm đi tính chân thật của nhân vật. Khi mà dù những android này đã phá vỡ được bức tường lập trình của mình và có thể hành động theo “lý trí” thì bản chất đó cũng chỉ là android – là người máy. Mình có thể hiểu game cố tình tạo nên bối cảnh trong tương lai là những android có thể được lập trình cho giống con người nhất, kể cả việc chúng có được thứ tình cảm của con người. Nhưng giới hạn ở việc này là làm sao để người chơi vẫn có thể tin được đây là những android, có thể hình dung được giới hạn của công nghệ kĩ thuật tạo nên sự khác biệt giữa android và một con người chính gốc. Nhưng ở đây, nếu như không biết trước rằng Kara là một người máy thì chắc hẳn sẽ có một số người chơi đã nghĩ rằng Kara là một con người bình thường mà không hề có một nghi ngờ gì.


Thứ hai, một chi tiết không phải về Kara nhưng mình nghĩ nó có thể ảnh hưởng đến tính nhân văn của game và cảm xúc của người chơi đó chính là việc Alice thực chất là một android. Theo quan điểm của mình, Alice nên là một con người thay vì là android. Xét về tính logic và tính nhân văn, việc diễn biến khi Luther tiết lộ với Kara rằng Alice thực chất là một android chắc hẳn sẽ khiến cho rất nhiều người chơi trong đó có mình cảm thấy hụt hẫng và thấy có một chút gì đó vô lí. Trong các chapter trước, không hề có một dấu vết gì cho thấy Alice là một người máy cả, về mặt logic cũng không. Alice là con của một gia đình con người, cô bé xử sự và cảm nhận như một con người, biết ăn, biết lạnh, biết mệt, biết ngủ… hệt như một con người. Người bố cũng không hề tiết lộ chi tiết nào cho thấy cô bé là một android cả.

Dù cho nhà sản xuất cố tình tạo ra một Kid Android với khả năng giống hệt một đứa trẻ con người thì nói chung về mặt logic, mình thấy Quantic Dream đã có một chút không nhạy bén ở điểm này. Còn về tính nhân văn và ý nghĩa của game, như đã phân tích, Kara thức tỉnh được chính là nhờ tình thương, mong muốn được bảo vệ người khác. Và không gì có thể hợp lí và khiến game trở nên ý nghĩa hơn là việc để cho Kara dành tình cảm và sự yêu thương của mình cho một con người, và cô sẽ đấu tranh để bảo vệ một đứa bé loài người. Kara hiểu được con người và con người cũng hiểu cô, như một câu nói của Kara trong game mà mình rất thích: “Alice cần tôi và tôi cũng cần cô bé để sống”.

Mình nghĩ Quantic Dream nên tiếp tục tạo nên sợi dây liên kết chặt chẽ giữa android và con người này của Kara và Alice như cách mà họ đã làm trong story của các nhân vật khác (Connor – Hank hay Markus – Carl). Những chi tiết như vậy sẽ chứng minh được rằng con người và người máy đều có thể chung sống cùng nhau, yêu thương lẫn nhau và cùng tạo ảnh hưởng lên nhau. Sự kết nối giữa android với con người này không phải sẽ làm cho mạch truyện trở nên hợp lí và gây cảm xúc cho người chơi hơn sao? Đó là một chi tiết mà mình cảm thấy khá tiếc và khó hiểu.

Tổng kết

Nhìn tổng quan, Kara là một nhân vật mà người chơi có thể nhìn thấy và khai thác được nhiều khía cạnh tâm lý, có thể chạm được tới trái tim của người chơi, một nhân vật vô cùng thú vị góp phần tạo nên vẻ đẹp và ý nghĩa nhân văn trong tựa game này. Một điều thú vị xoay quanh nhân vật này mà mình cũng mới biết nữa là Kara nằm trong top những nhân vật nữ trong game được Cosplay nhiều nhất. Điều đó cho thấy sự yêu mến của cộng đồng game dành cho Kara là lớn như thế nào. Hãy cho mình biết cảm nhận và ý kiến riêng của bạn về nhân vật Kara hay cả về tựa game này nhé.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Vanthao - 15.02.2024

    Phân đoạn khi biết Alice là android cũng làm mình hụt hẫng giống bạn, nhưng ngẫm lại câu nói của Luther thì mình lại nghĩ quantic dream như muốn thử người chơi vậy. Luther có nói với kara rằng: “chẳng lẽ cô lại ít yêu thương cô bé hơn chỉ vì cô bé là một trong số chúng ta?” Đấy cũng như là đang nói với chính người chơi vậy, liệu bạn có còn yêu thích Alice khi biết Alice chỉ là android không? Phân đoạn này đúng thật là khiến mình không còn đồng cảm với Alice nữa vì cô bé chỉ là người máy, mình đã nghĩ rằng sẽ đặc biệt hơn nếu mối quan hệ giữa kara và Alice là tình cảm của con người với người máy, là minh chứng cho thấy rằng con người và người máy có thể sống hoà thuận và hạnh phúc bên nhau, vượt qua mọi khó khăn để được bên nhau. Nhưng suy cho cùng thì cũng không vấn đề gì cả, kara vẫn chấp nhận, vẫn yêu quý cô bé và vì con bé là android nên sẽ không bảo giờ chết. Đây cũng là mình chứng cho câu nói “chúng ta sẽ ở bên nhau mãi mãi”