Có một câu nói vui của tôi khi nói về vấn nạn Toxic: Nếu LoL (LMHT) là bể muối thì Overwatch là biển chết còn CS:GO là Chernobyl.
Toxic trong game đã trở thành một phần “Bản chất” của ngành công nghiệp gaming thế giới ngay từ khi Multiplayer xuất hiện. Đây cũng là một đề tài rất “Nhạy cảm” và thường xuyên được đề cập đến trong các tựa game mang tầm quốc tế với nội dung liên tục công kích vào người chơi. Vậy nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân mình: “Phải chăng mình đã “Toxic sẵn”… Hay game nó bắt mình phải Toxic?”.
Kill yourself
Trích từ định nghĩa của Blizzard (World of Warcraft, Overwatch,..), “Một người chơi bị coi là có hành vi “Toxic” là khi họ phá hoại trải nghiệm chơi game của người khác hay cả đội/phe của kẻ đó thông qua các hành vi như sử dụng ngôn từ kích động, phỉ báng hoặc chủ ý làm cản trở tiến trình thực hiện nhiệm vụ của cả đội“. Đây có lẽ là định nghĩa ngắn gọn và đơn giản nhất mà Blizzard đưa ra để giúp mọi người chơi hiểu được định nghĩa thực sự NHƯ THẾ NÀO được coi là Toxic. Nếu nói một cách ngắn gọn là cục súc, nếu bạn cư xử như một thằng khốn trong game, bạn là một “Toxic player”.
Toxic trong game có muôn vàn hình thức và số lượng ngôn từ mà người chơi chửi rủa lẫn nhau thì không thể nào cân đong đếm được. Nhưng nếu loại trừ việc dùng ngôn từ thóa mạ nhau ra, có hai hình thức “Toxic” cực kỳ phổ biến trong game (ít nhất là trong thể loại game bắn súng): Teabag và Throw game.
- Teabag: Hành động đứng lên – ngồi xuống lặp lại liên tục trên xác của kẻ địch (Thường sẽ là những kẻ mà bạn thắng khi solo 1v1) giống như hành động nhúng gói trà. Một trong những hành động đã song hành cùng không biết bao nhiêu thế hệ game bắn súng, từ Halo cho đến Gears of War và nổi bật hơn cả, Call of duty. Người chơi PUBG Việt Nam chắc cũng khá hay làm việc này (Với tôi thì thường xuyên) khi mà bắn gục bất kỳ thằng nào phát là phải chạy đến Teabag nó ngay cho nóng. Đây là hình thức sỉ nhục đối phương mà có lẽ không một game thủ dòng game bắn súng không biết, chưa chứng kiến hay chưa từng thực hiện. Nó thể hiện kỹ năng “Vượt trội” của bản thân so với kẻ địch mà bạn solo thắng và cũng đồng thời “Chọc tức” đối phương. Nó đủ “Tệ” đến độ từng có một bài viết lên án về việc này trên diễn đàn Overwatch và nó bị downvote thậm tệ đến mức chủ bài viết phải xóa.
- Throw game: Hay còn gọi là quăng game theo cách gọi của chúng ta. Đây là những đối tượng đã từ bỏ mục tiêu chung của team là chiến thắng để nhằm mục đích khác như giải trí hơn là nỗ lực cùng đồng đội nhưng thường thì họ luôn luôn là những rào cản ngăn cản nỗ lực chung của cả team. Chẳng hạn như liên tục force buy dẫu cho trong túi không một đồng cắc nào (CS:GO), bỏ Tank pick Torb ngồi tự kỷ đập trụ một chỗ dù cho trụ liên tục bị phá hủy (Overwatch) hay dùng Fuze đặt máy phóng lựu vào thẳng phòng con tin mà mình phải cứu “Vì nó vui” (Rainbow 6).
Trên đây chỉ là hai ví dụ nhỏ từ các game bắn súng tôi chơi trong số muôn vàn cách thức sỉ nhục đối phương hay làm game “Toxic”. Trong các tựa game thuộc thể loại khác thì sẽ có các phương thức Toxic khác nhau: Trong game cày cuốc như Võ lâm ngày xưa thì là đi farm khu quái cấp thấp của newbie dù cho bạn level cao chót vót top hệ thống; Trong game MOBA như DOTA hay LOL thì là cố tình chat tổng báo cho team địch thông tin của team, vân vân và vân vân…
Git gud
Sự thực là: có những tựa game (nhất là game Multiplayer) được thiết kế ra với hai mục đích: Phối hợp đồng đội cạnh tranh kỹ năng và so tài trình độ – ở mức độ cực kỳ cao. Để dành lấy chiến thắng trong cuộc thi giữa những người chơi ở 2 phe, họ buộc phải nỗ lực hết sức mình để đóng góp vào nỗ lực chung của cả đội để tạo nên những bước đi tiến tới đích đến, nhưng nó lại chứa đựng đầy áp lực và đau khổ từ chính nỗ lực đó, từ áp lực ngược lại của phe địch hay tệ hơn, đồng đội của bạn. Chính vì vậy mà những người chơi với sức chịu đựng kém mới rất dễ nổi nóng, thóa mạ đồng đội vì sai lầm hay kỹ năng kém cỏi của họ mà dẫn đến mất đoàn kết, làm mất ý chí chiến đấu của cả team hay tệ hơn là kích động một tên thrower quăng game.
Để quan điểm của tôi rõ ràng hơn, hãy cùng nhau đi khám xét một số tựa game mà luôn luôn nằm trong top những tựa game “Toxic” hàng đầu thế giới và lý do tại sao chúng “Toxic” đến vậy:
- Liên Minh Huyền Thoại: vấn đề lớn nhất của nạn Toxic trong LoL đó là việc nó ảnh hưởng lên cả hai phe dẫu cho bất kể tình huống gì xảy ra. Lấy ví dụ một trường hợp cụ thể như sau: Trong một trận rank (vì ai cũng quan tâm đến thắng thua), bạn là một người đi rừng (Lee Sin đi) và quyết định sẽ camp Top lane team mình là Nasus để giúp hắn farm Q trước Darius. Nếu bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đè nát lane của Darius giúp Nasus đồng đội farm Q được, miễn nhiên rừng của phe địch sẽ bị Darius chửi vì không chịu lên giúp đỡ ⇒ Toxic tác động lên cả phía ngược lại là team địch. TUY NHIÊN, dẫu cho bạn đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ ở Top lane trong khi ở Bot lane, hai tên ăn hại AD và SP ăn hành nát họng ngay cả khi không bị rừng địch gank thì mỉa mai thay, bạn lại bị ăn chửi vì không chịu xuống lane cứu. Và thử hình dung tiếp xem sự chuyện sẽ thế nào nếu như khi bạn vừa xuống bot gank lane xong nhưng thất bại (AD chết ngu chẳng hạn) mà quay ra tên Nasus được bạn chăm bón cho cả 10 phút đầu game lăn đùng ra chết vì solo thua Darius ngay cả khi không có rừng địch hỗ trợ. Spoiler luôn nhé: Bạn sẽ chửi Nasus như đúng rồi luôn. Từ đó có thể dẫn đến vô số các tình huống khác như Nasus “Hóa thần” gánh team hay quăng game luôn chẳng hạn ⇒ ăn report.
- World of tanks: Tựa game toxic đến mức nhà phát hành đã buộc phải tắt chức năng chat tổng vì người chơi cùng phe với nhau không ngần ngại nói cho team địch biết vị trí của đồng đội mình chỉ để mong hắn chết cho nhanh để mình lấy xe tăng đã hỏng trong game đó ra ngoài bắn tiếp. Tựa game chết tiệt này (sẽ có bài review chửi game này của tôi sau này) được thiết kế ra chỉ với một mục tiêu duy nhất: Kích động (“Trigger”) người chơi càng nhiều và càng lâu càng tốt. Đúng vậy, TOÀN BỘ CẢ TỰA GAME NÀY, từ gameplay cho đến ingame shop, cả cách thức kiếm tiền và kinh nghiệm trong game đến cả xếp trận, tất cả mọi thứ được thiết kế ra để chống lại bạn – trừ khi bạn thuộc Top 10% người chơi (có tôi) và chịu mở hầu bao HẾT CỠ! À quên mất, tôi đã bảo bạn BỊ TRỪNG PHẠT CHỈ BỞI CỐ GẮNG CHƠI NÓ CHƯA? Có một class gọi là Arty (hay SPG) trong game có khả năng bắn TOÀN BẢN ĐỒ, nếu bạn CÓ GAN dám chơi game như thực hiện một pha di chuyển táo bạo, thực hiện màn đi móc lốp giữa giao tranh, chúng sẽ trừng phạt bạn chỉ vì bạn dám làm thế trong khi bạn không có bất kỳ cách nào để đáp trả lại chúng – trừ khi team địch đủ ngu để bị quét sạch và bạn lên căn cứ địch lùng tìm lũ cặn bã đó. Còn tệ hơn, nhà phát hành game còn cóc thèm quan tâm đến game thủ là fan của họ. Cụ thể, họ từng hứa sẽ không bao giờ mở bán lại một loại xe tăng vip đặc biệt nào đó vì chúng “Quá mạnh”. Hai năm sau họ đem chúng ra bán như chưa-hề-có-cuộc-chia-ly. Nói một cách tổng quan, nhà phát hành game và cộng đồng người chơi không có tiếng nói chung. Nhiều người (có tôi) thẳng thừng cho rằng Wargaming còn không muốn chơi chính game do họ làm vì sự rác rưởi mà họ đặt vào nó.
- CS:GO: vấn đề về nạn Toxic của CS:GO nằm trong chính bản thân của nó, một tựa game bắn súng đối kháng cực kỳ mang tính cạnh tranh giữa 2 phe. Để có thể hoàn thành một game, thời gian có thể tiêu tốn đến 1 tiếng rưỡi và toàn bộ quãng thời gian đó chỉ có duy nhất một thứ đè lên cảm xúc của cả 2 bên: ÁP LỰC THẮNG/THUA. Nếu bạn thua round buy round, khả năng rất cao là bạn sẽ bị áp đảo trong một đến hai round tiếp theo vì phải ECO (tiết kiệm tiền sau khi hết round dù thắng hay thua). Nhưng nếu sau mấy màn thua ECO đó mà bạn vẫn tiếp tục thua buy round, áp lực sẽ lại tiếp tục tăng lên – cho đến khi cả team lấy lại được tinh thần (nhờ pha out-play hay clutch của ai đấy rồi lật kèo) hoặc nó sẽ khiến người chơi nào đó từ bỏ hi vọng chiến thắng và quay ra “tấu hài” với việc mua shotgun rush nhà địch (thắng thua lúc đó với họ cũng như nhau, chỉ đơn giản là họ chấp nhận thua rồi thôi). Ngoài ra còn phải kể đến việc Valve điều hành CS:GO chỉ vì mục tiêu làm skin kiếm tiền trong khi hệ thống chống cheat “VAC” của họ như trò hề (hay con bù nhìn thì đúng hơn) và hệ thống xếp trận rank của họ là một dấu hỏi lớn (tôi Gold Nova 3 vẫn phải bắn với MGE trong khi team có đến 2 Silver??!). Hệ thống xếp trận tệ hại cùng chức năng chống cheater vô dụng của Valve tệ tới mức người chơi Pro league cần tới bên thứ ba là các tổ chức xếp trận riêng (Faceit, ESEA) để giải quyết.
- Rainbow 6: Siege Cũng không có quá nhiều về cộng đồng của Rainbow 6 bởi đây là tựa game yêu cầu cực kỳ cao độ về teamwork nên toxic rất khó tồn tại trong game bởi ai mà quăng game thì cũng rất dễ bốc hành củ nếu không chịu chơi game nghiêm túc hay am hiểu game tận gốc. Tuy nhiên vấn đề của Rainbow 6 lại ở một điểm khác: vì là game của Ubisoft (Ubisuck) nên R6S cũng không tránh khỏi một vấn đề, rất nhiều glitch/bug để khai thác vào gameplay. Một bộ phận người chơi trong game rất hay sử dụng chúng để lấy làm lợi thế bản thân. Mặc dù đã bị Ubisuck cảnh cáo nhưng nỗ lực ngăn chặn thực sự là từ chính fan của R6S, họ sẵn sàng TRỪNG PHẠT (Teamkill) người chơi trong chính team họ nếu dám lợi dụng lỗi game để chống lại team địch (ít nhất là ở Tây, chưa thấy ở SEAS bao giờ).
Như vậy rút ra kết luận: Khả năng kiếm chế của người chơi vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn Toxic trong game nhưng cũng phải thừa nhận chính bản thân game đó (là áp lực hay lỗi game, v.v…) hay do cả phía nhà phát hành tác động lên người chơi cũng cần phải được đề cập khi phân tích hành vi Toxic của cộng đồng game thủ.
Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ nghiên cứu các cách mà nhà làm game chống lại nạn Toxic cả trong game lẫn ngoài đời, cũng như tác động của bên thứ ba đang ngày càng nổi lên – SJW (Social Justice Warrior – Còn gọi là Anh hùng bàn phím) và Feminism.