Mỗi một con người trong cuộc đời này, đều cần có ít nhất một người thầy, một người dạy bảo, chỉ dẫn cho anh ta. Mối quan hệ giữa người thầy và người học trò, là một mối quan hệ kỳ lạ, thân mà không thực sự thân như ruột thịt, lạ mà không thực sự là lạ như người dưng. Nhưng cũng có khi, thầy và trò lại còn hơn cả ruột thịt, hơn cả những mối quan hệ bình thường, thật khó mà gọi tên hay miêu tả chính xác. Mối quan hệ giữa Big Boss… không, giữa Naked Snake và người thầy của anh – The Boss, là một mối quan hệ như thế, nó có cả tình thầy trò, tình mẫu tử (theo một cách hiểu nào đó thì đúng thế), và có lẽ, còn có cả một chút tình cảm nam nữ. Một mối quan hệ đặc biệt, một mối quan hệ kỳ lạ, và ảnh hưởng rất rất lớn tới Naked Snake sau này, khi anh đã trở thành người với cái tên “Big Boss”.
The Boss, người lính huyền thoại của nước Mỹ, người huấn luyện và dạy dỗ cho Naked Snake, bà là hình mẫu cho một người ái quốc chân chính. Một “true patriot” ai ai cũng kính phục, và tất nhiên Snake cũng vậy, với Snake, The Boss không chỉ là một người thầy, mối quan hệ giữa họ hơn thế nhiều, và có thể nói Snake gần như tôn sùng bà. Cũng dễ hiểu thôi, vì bà là một người lính vĩ đại, đã hy sinh quá nhiều cho đất nước của bà. Bà có tên không, chắc chắn là có, nhưng bà đã từ bỏ nó, từ bỏ cái tên của mình để trở thành The Boss, trở thành biểu tượng của nước Mỹ khiến kẻ thù chùn chân. The Boss là một chức danh, một biểu tượng, một lý tưởng, và một người mang trên mình gánh nặng lớn như vậy, thì không cần và cũng không nên có tên. The Boss hiểu điều đó chứ, vì vậy, thứ đầu tiên mà bà từ bỏ, chính là cái tên của mình. Trước đây, người phụ nữ ấy có thể tên là Alice, là Donna hay Catherine gì đó cũng được, dẫu sao cũng chẳng quan trọng, vì dù sao cái tên ấy cũng đã bị tất thảy lãng quên, kể cả bản thân bà. Giờ, bà chỉ còn là The Boss mà thôi.
Mọi điều mà The Boss làm, đều là vì tổ quốc, vì nước Mỹ, và xa hơn, vì Những Nhà Hiền Triết. Bà thành lập Cobra Unit để chiến đấu và chiến thắng ở Normandy. Bà trở thành một huyền thoại với những người lính trên chiến trường, người ta nhìn bà bằng con mắt tôn thờ, thậm chí có phần sợ hãi. Ngay cả Cobra Unit, những người bạn, những người đồng chí của bà cũng không khác gì lắm, dù rằng họ thân thiết với nhau hơn, dù rằng họ vẫn là gia đình của nhau, nhưng The Boss, ở tuổi hai mươi, không thích và cũng không cần sự tôn thờ như thế. The Boss, suy cho cùng vẫn là phụ nữ, và phụ nữ luôn cần một ai đó làm điểm tựa, kể cả với một người lính vĩ đại như The Boss. Vì vậy, tình cảm giữa The Boss và The Sorrow phát triển một cách rất tự nhiên, họ yêu nhau như một điều tất yếu, ai cản họ được, và ai có quyền cản họ?
Và rồi The Boss mang thai, bà có hạnh phúc không, có lẽ có, nhưng chắc rằng sự sợ hãi là nhiều hơn. Điều gì có thể khiến một người lính như The Boss sợ hãi, chỉ có thể là sự an nguy của đứa con trong bụng. Giữa một chiến trường khốc liệt, người chết như rạ xung quanh, chẳng biết ngày mai còn hay mất, lại là một người mẹ đang mang đứa con trong bụng, sợ hãi và lo lắng là điều bình thường. Nhưng nếu chỉ là một người lính bình thường, bà hoàn toàn có thể trở về hậu phương. Nhưng than ôi, bà là The Boss, là một huyền thoại, bà không thể và cũng không được phép trở về, bà phải tiếp tục chiến đấu. Và dù gặp bao nhiêu nguy hiểm, thậm chí bị thương dẫn đến hôn mê, bà vẫn sống, con của bà vẫn sống, có lẽ đó là ý chí phi thường của một huyền thoại như The Boss – chịu những nỗi đau, những khó khăn không một người lính bình thường nào có thể chịu. Và giữa chiến trường khốc liệt ấy, giữa D-Day đẫm máu, giữa bao nhiêu người ngã xuống, một sinh mệnh ra đời – con của The Boss và The Sorrow. Nhưng thật sự thì đó chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi The Boss có được niềm vui, vì sau đó, đứa con ấy, một đứa bé trai mà bà còn chưa kịp đặt tên, đã bị Những Nhà Hiền Triết mang đi, số phận nó ra sao? Không một ai biết, không một ai nói cho bà biết, The Boss có buồn không, có đau đớn không? Có chứ, làm sao có thể không đau cho được? Nhưng rồi, bà vẫn là The Boss, vẫn là một người lính, vì vậy, chôn giấu tất cả cảm xúc bên trong là điều duy nhất bà có thể làm.
Sau Thế Chiến, Chiến tranh lạnh bắt đầu, Những Nhà Hiền Triết đối đầu nhau, và The Boss, với cương vị là một biểu tượng của nước Mỹ, tiếp tục phụng sự cho tổ quốc. Những ngày tháng đó có lẽ với bà thật vô vị và nhàm chán. Cobra Unit, gia đình của bà bị giải tán, mỗi người một ngả, những kẻ từng cùng chiến tuyến giờ quay sang đối đầu nhau. Bổn phận của The Boss là phụng sự cho nước Mỹ, nhưng có lẽ bà cũng chẳng thích thú hay vinh dự gì, trong bà có lẽ chỉ là sự trống rỗng, một sự trống rỗng không gì bù đắp được. Bà đã nghĩ thế, đã cho rằng như thế, đến khi gia nhập FOX và nhận trách nhiệm huấn luyện cho một người lính trẻ, người sau này sẽ trở thành Naked Snake. Những ngày tháng huấn luyện, dạy dỗ và chăm sóc cho Snake có lẽ là những ngày tháng The Boss thấy có ý nghĩa hơn cả. Có lẽ phần nào bà nhìn nhận Snake như đứa con bà đã mất, phần nào bà nhìn thấy tương lai to lớn của người lính trẻ có tài này. Và vì thế, bà truyền dạy cho Snake mọi thứ bà có, kiến thức, kỹ năng và lý tưởng, lý tưởng về một thế giới mới. Snake, người lính trẻ đã quý mến The Boss, đã tôn sùng bà, theo một mức nào đó. Thực sự khó mà nói chính xác quan hệ của Snake và The Boss là gì, không chỉ đơn thuần là thầy và trò, mối quan hệ giữa họ đặc biệt hơn thế nhiều. Snake, đủ tiềm năng để The Boss tin tưởng, và đủ quan trọng để The Boss cảm thấy cay đắng khi phải phản bội lại anh.
Một lần nữa những người bà tin tưởng, những người bà dùng cả cuộc đời để phụng sự, lại đẩy bà vào một tình huống cay đắng: The Boss, để thâm nhập vào Xô Viết, để thâm nhập vào đội quân GRU của Volgin, phải phản bội, phải trở thành kẻ phản quốc. Liệu còn gì có thể cay đắng hơn khi phải đóng vai điệp viên hai mang, phụng sự tổ quốc nhưng bị cả tổ quốc lăng mạ, sỉ nhục không? Hơn thế nữa, người đầu tiên chứng kiến việc đó, lại là học trò của bà, lại là người bà tin tưởng và quý mến nhất – Snake. Khó có thể nói trong khoảnh khắc đó, ai là người đau khổ hơn ai, Snake chăng, khi anh tận mắt chứng kiến người thầy tôn kính của mình, người dạy dỗ mình thực chất lại là kẻ phản bội? Hay The Boss mới là người đau khổ hơn, khi nghe Snake thốt ra câu “Tại sao?”, khi phải xuống tay với chính học trò của mình? Nhưng để nhiệm vụ hoàn thành, bà phải giữ im lặng, bà phải đóng vai kẻ phản bội hoàn hảo, và vì thế, bà phải “giết” Snake. Bà hạ gục Snake, bà đẩy Snake xuống thác nước, và trong Operation Snake Eater, không dưới một lần The Boss cảnh cáo sẽ giết Snake, nhưng rốt cuộc thì bà đã không làm. Một phần vì nhiệm vụ của Snake phải thành công, và một phần, vì bà không thể xuống tay với anh, với người bà dạy dỗ, với người kế thừa ý chí của bà, và có lẽ, một phần nào đó trong bà, đã coi cậu lính trẻ này, như một người thân ruột thịt, như một người con của mình rồi.
Những sự kiện đã xảy ra trong Metal Gear Solid 3, chúng ta đều đã biết rồi. Nhiệm vụ thành công, Volgin bị hạ, Shagohod bị phá hủy, Operation Snake Eater hoàn tất. Và điều cuối cùng còn lại cần làm, đó là truyền lại di sản cho Snake, truyền lại ý chí và lý tưởng cho Snake. Để điều đó thành hiện thực, một trong hai phải chết, khắc nghiệt, nhưng cần thiết. Snake vẫn là một người lính trẻ, anh cần một sự mất mát, một cú hích để vươn lên xa nữa, như The Boss đã từng. Và vì thế, một trận đấu tay đôi đầy cảm xúc giữa thầy và trò, giữa The Boss và Snake diễn ra, trên cánh đồng đầy hoa của hoàng hôn, và những lời của The Boss đã in sâu vào tâm trí những ai từng chứng kiến cảnh tượng huy hoàng đó:
Ta đã nuôi dạy cậu. Ta yêu quý cậu, ta cho cậu vũ khí, dạy cậu kỹ năng và cho cậu tri thức. Giờ ta không còn gì để cho cậu nữa. Việc cuối cùng giờ đây của cậu là lấy mạng ta. Một phải sống, một phải chết. Không có chiến thắng hay thất bại, kẻ sống sót phải tiếp tục gánh vác cuộc chiến. Đó là định mệnh của chúng ta, kẻ nào sống sót sẽ kế thừa danh hiệu Boss. Và kẻ đó sẽ phải tiếp tục chiến đấu một cuộc chiến vô tận
Rốt cuộc, cuộc chiến chẳng hề kết thúc, nó vẫn còn tiếp diễn mãi sau này, lý tưởng của The Boss cũng vậy. Và ngày hôm đó một tiếng súng đã vang lên, cô độc, lạnh lùng, tàn khốc, một tiếng súng duy nhất chấm dứt cuộc đời của The Boss, của người lính huyền thoại. Snake đã phải làm điều đó, anh không hề muốn, nhưng anh vẫn phải làm, anh phải bước tiếp con đường mà The Boss đã đi, anh phải trở thành Big Boss, anh phải tiếp tục cuộc chiến của bà, phải thực hiện lý tưởng của bà. The Boss đã chết, và quay trở lại 10 năm sau, dưới hình hài một cỗ máy chiến tranh khổng lồ – Peace Walker. Và một lần nữa bà cứu mạng Snake, một lần nữa bà hy sinh cho Snake, đó thật sự chỉ là một AI vô cảm với những chuỗi lệnh, hay đó chính là linh hồn thực sự của The Boss, một lần nữa quay trở về? Nhưng điều đó cũng chẳng hề quan trọng, khi rốt cuộc người cứu sống Snake, người một lần nữa hy sinh vì Snake, lại cũng chính là The Boss đó thôi? Dù rằng Snake đã trở thành Big Boss, đã trở thành một huyền thoại mới, đã dựng nên Militaires Sans Frontières, đã dựng nên Outer Heaven, đã dựng nên Zanzibar Land, thì có lẽ trong thâm tâm, anh vẫn coi mình là Naked Snake, là người lính trẻ năm nào, là học trò của một người thầy vĩ đại hơn nhiều mà thôi.
Có lẽ, đúng như The Boss đã nói “Chỉ có thể có một Boss”. Đúng, chỉ có một Boss, và đó không phải là Snake, không phải là Big Boss, mà đó là The Boss, là người lính huyền thoại đã từ bỏ mọi thứ cho tổ quốc, kể cả máu mủ của mình, kể cả danh dự của mình, và kể cả tên của mình. The Boss, bà là một người ái quốc chân chính, một người lính đích thực, một người thầy vĩ đại!