Đánh giá phim Kimi no suizou wo tabetai (Tớ muốn ăn tụy của cậu)

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

Ngày 8/3 mà viết về phim này có hơi… không hợp, nhưng mà kệ đi, dù sao nó vẫn là một phim rất đáng xem!

Một bộ live action đề tài học đường của Nhật Bản, trước khi xem thì cũng có tìm hiểu qua rồi, biết chắc nó sẽ là sad ending rồi và đã chuẩn bị tinh thần cả. Thế nhưng mà đến khi hết phim vẫn phải thốt lên: “Trời đất ơi! Tại sao phải kết như vậy chứ?”

Nhân vật “tôi” – một cậu nam sinh cấp ba bình thường, luôn một mình đọc sách, bạn bè thân thiết không có, nói chung là tẻ nhạt cực kỳ. Yamauchi Sakura, trái ngược hoàn toàn, là một nữ sinh hoạt bát, vui vẻ và cực kỳ hòa đồng, gọi là kết bạn dễ như ăn cháo. Giữa hai người họ chẳng có điểm chung nào cả, có lẽ suốt thời cấp ba, đến khi tốt nghiệp, ra trường, họ sẽ mãi là hai đường thẳng song song mà thôi. Nhưng rốt cục, họ lại trở thành hai đường thẳng cắt nhau một lần rồi xa nhau mãi mãi.

Điểm giao nhau đó, chính là sự thật về Sakura: cô bị ung thư tuyến tụy và chỉ còn sống được khoảng một năm. Tình cờ thay, trong số tất cả các bạn học của Sakura, “tôi” lại là người duy nhất biết được sự thật. Mọi thứ cũng chỉ là tình cờ, “tôi” đã vô tình nhặt được cuốn nhật ký của Sakura – Nhật ký sống chung với bệnh. Đó là cuốn nhật ký mà Sakura viết về những ngày cuối cùng của cô, đến khi căn bệnh đem cô đi. Và vì là người duy nhất biết được bệnh tình của cô ngoài gia đình (thậm chí bạn thân nhất của Sakura cũng không biết) mà “tôi” trở thành một người bạn kỳ lạ, hay nói theo cách của Sakura là “bạn học khá hợp nhau”

Và thế là, “tôi” trở thành người bạn đặc biệt của Sakura, cậu chấp nhận đi chơi với cô, làm theo những mong muốn có phần “kỳ dị” của cô (thật sự thì có cô nữ sinh cấp 3 nào đi du lịch qua đêm với một người không phải bạn trai không hả?). “Tôi” có thể thấy phiền toái, thậm chí là đôi lúc á khẩu trước những yêu cầu của Sakura, nhưng cậu vẫn chấp nhận, ban đầu có lẽ là vì sự thương cảm, rồi dần dần có lẽ chính “tôi” cũng nhận ra đi chơi với Sakura cũng thật vui vẻ. Còn Sakura, cô luôn luôn cười, cô luôn luôn tỏ ra vui vẻ, thậm chí đùa cợt về cái chết chắc chắn sẽ đến với mình như không. Sakura thấy thoải mái khi đi chơi với “tôi”, có lẽ là chỉ có lúc đó cô mới thấy thoải mái và được thực sự là chính mình. Nhưng con người, có ai mà không sợ chết, nhất là khi đó lại là một nữ sinh 16-17 tuổi? Sakura có thể luôn tỏ ra không quan tâm, nhưng thực chất cô cũng vậy, cô cũng không muốn chết, cô muốn sống. Cảnh phim khi Sakura lần đầu tiên nói câu “Tớ muốn sống” thực sự là một khoảng lặng.

Tuy nhiên, gần như toàn bộ phim đều là sự vui tươi, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Sakura sẽ chết, ừ thì có sao? Nếu còn vui được thì hãy cứ vui thôi! Tông màu của bộ phim rất tươi sáng chứ chẳng hề u ám chút nào! Nhưng mà chính cái sự tươi sáng ấy lại tăng thêm nỗi buồn khi phim trôi dần về cuối. Chúng ta thấy vui trước những trò nghịch ngợm của Sakura, chúng ta thấy vui khi “tôi” và Sakura dần dần thân thiết hơn, và chúng ta buồn khi nhận ra cuối cùng thì sự vui vẻ ngắn ngủi ấy sẽ kết thúc. Niềm vui của hai người họ quả thực quá chông chênh, hai người với hai tính cách trái ngược nhau, nhưng chính họ lại tô điểm thêm cho cuộc sống của nhau. Sakura được sống là chính mình, “tôi” thì nhận ra những niềm vui của bạn bè với nhau. Xuyên suốt câu chuyện là triết lý về sự sống. “Sống” và “chết” được lặp đi lặp lại trong rất nhiều câu thoại giữa Sakura và Takumi. Để rồi tựu chung lại trong câu trả lời của Sakura về sự sống.

“Sống, là có thể cùng ai đó kết nối trái tim”

Yêu, ghét, cãi vã, giận hờn… tất cả các minh chứng để thấy rằng ta đang sống. Để cho dù khi có đi xa, thì trong lòng người ở lại, ta vẫn “sống”. Những câu nói tưởng chừng khô khan đậm tính giáo lý như vậy nhưng đưa vào trong phim lại thấy hợp lý vô cùng. Đó là lời của một cô bé đã gần chạm tay đến Tử thần. Cô bé hiểu được thế nào là khát vọng muốn sống và muốn được làm cho những người thân thiết của mình được hạnh phúc.

Kimi no suizou wo tabetai là một phim hay, nhẹ nhàng, cảm động nhưng không đau đớn đến nghẹn lòng như Một lít nước mắt. Diễn biến phim từ từ, không quá chậm, đủ để vừa xem, vừa thấm. Mặc dù cái kết của phim sẽ khiến bạn thực sự bất ngờ và có lẽ một chút đau đớn, thậm chí có thể bật khóc khi “tôi” đọc những dòng cuối cùng của cuốn Nhật ký sống chung với bệnh. Nhưng mà đó cũng là để ta biết được rằng, cuộc sống này không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra, sẽ có niềm vui, nỗi buồn, sẽ có tiếc nuối, vì vậy, hãy sống sao cho thật trọn vẹn, để rồi không phải tiếc nuối gì cả.

Cuối cùng, là về tựa đề của phim – “Tớ muốn ăn tụy của cậu”. Nghe có vẻ kỳ dị, đúng không? Đó là câu nói đùa mà Sakura vẫn hay nói với “tôi”, bởi vì cô thường bảo là “ăn gì bổ nấy”, thì vậy muốn bổ tụy thì ăn tụy thôi! Nghe có vẻ tức cười, nhưng ẩn sau câu nói đó, vẫn là khát vọng được sống của Sakura mà thôi. Câu nói này đến cuối cùng, lại là do “tôi” nói ra, như một lời thổ lộ tình cảm đến với Sakura.

“Tớ muốn ăn tụy của cậu”. Sakura có đọc được những dòng này không? Nếu đọc được thì cô sẽ nghĩ thế nào? “Tôi” không biết, không thể biết và sẽ không bao giờ biết. Đó chính là tiếc nuối của “tôi”, cũng là sự tiếc nuối mà phim còn để lại. Một bộ phim tuy buồn nhưng cách truyền tải rất tinh tế và nhẹ nhàng.

Đánh giá: 8/10.

Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện