Đánh giá Sekiro: Shadows Die Twice – Khi kẻ đồng hành cùng ta là cái chết

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

“Dường như số phận vẫn chưa muốn ngươi chết, nhẫn giả”

Khoảng một thập kỷ trở lại đây, những tựa game của From Software đều có chung một motip: một câu chuyện về những kẻ không thể chết, những kẻ bị ám ảnh bởi lời nguyền, cứ sống mà không thể chết đi. Từ Demon’s Souls cho đến Dark Souls và Bloodborne, chúng ta luôn là một thằng cha ất ơ nào đó “may mắn” dính phải cái lời nguyền bất tử. Tựa game mới nhất của studio máu S này, Sekiro: Shadows Die Twice cũng là một tựa game nói về một lời nguyền tương tự như vậy.

Sau hai tuần khổ ải vượt qua lần chơi đầu tiên của Sekiro và đánh hết sạch những con boss có thể đánh với thời gian chơi là khoảng 80 tiếng đồng hồ, sau đây là bài review của tôi về một trong những game hay (cũng như khó) nhất năm 2019. Một ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu Best Action Game và chắc chắn là một game mà admin ba lăng nhăng sẽ không dám động vào (Bloodborne đỉnh cao như thế admin còn chê ỏng chê eo thì thôi hy vọng nỗi gì).

Một điều rất dễ để nhận ra với bất kỳ một ai khi chơi Sekiro là game rất khó, có thể với mỗi người thì cách cảm nhận độ khó của game khác nhau. Người thì thấy game khó đến mức kinh dị, khó đến bất công, người thì lại bảo game dễ thở hơn nhiều so với Dark Souls. Nhưng không ai có thể phủ nhận được rằng Sekiro đúng là một tựa game có độ khó cao. Ngay ở màn chơi đầu tiên, người chơi đã có thể cảm nhận độ khó của game ngấm vào da thịt rồi khi game cho chúng ta đối đầu với một con mini boss – một món đặc sản của From Software. Tuy nhiên, không vì thế mà game mất đi sức hút đặc trưng của một game cộp mác From Software, đó là dù có khó thì cái khó đó cũng thừa đủ để níu chân người chơi, cho họ một cảm giác bị thử thách và muốn chinh phục game. Sekiro làm được điều đó, phần lớn là nhờ vào gameplay đa dạng.

Ấn tượng đầu tiên khi chơi Sekiro, có lẽ là cho dù nó có khác biệt với Dark Souls như thế nào thì chúng ta vẫn có thể thấy được một chút âm hưởng của Souls ở trong game qua cách di chuyển. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là một cảm giác mà thôi, còn cách di chuyển của Sekiro thực ra lại rất khác biệt với Dark Souls, nó có thể giống với Bloodborne một chút ở động tác dodge – né tránh, nhưng ngoài ra thì chẳng còn gì giống nữa cả.

Điểm khác biệt đầu tiên chính là tốc độ và nhịp độ di chuyển cũng như tấn công của nhân vật. Đây chính là thứ cơ bản nhất khiến Sekiro khác với Dark Souls hay Bloodborne khi tốc độ di chuyển cũng như chiến đấu của nhân vật chính – anh chàng Sekiro – đều nhanh hơn những game kia rất nhiều. Lý do là vì trong Sekiro, From đã lược bỏ hoàn toàn sự hiện diện của thanh stamina, giờ đây Sekiro có thể di chuyển thoải mái mà không chịu một giới hạn thể lực nào, khiến tốc độ trung bình của game tăng lên đáng kể và nhịp độ của game cũng phần nào liền mạch hơn chứ không bị đứt quãng. Điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến cách chiến đấu trong game, tất nhiên khi đã được cởi bỏ giới hạn về stamina thì không có lý gì chúng ta lại không triệt để thực hiện chiến thuật spam nút để chém kẻ địch ra bã.

Nhưng nếu chỉ như thế thì làm sao mà game tạo được một độ khó cao, đủ thử thách với cả người chơi Dark Souls và Bloodborne lão luyện? Đó là vì cởi được cái cùm này thì cái cùm khác lại còng vào, From Software đã rộng lượng tha cho chúng ta cái việc phải để ý stamina, nhưng lại bắt chúng ta phải chú ý đến một cái khác còn khổ sở hơn nhiều: thanh chỉ số posture. Có thể ví thanh posture là một thanh chỉ số “phản stamina” khi chúng ta thay vì để ý khi nào nó hết thì để ý khi nào nó đầy. Bởi vì một khi thanh posture bị đầy, cả nhân vật lẫn kẻ địch đều sẽ bị stun trong vài giây ngắn ngủi và nếu bị đánh trúng lúc đó thì sẽ bị dính đòn death blown, có thể thổi bay một lượng máu cực kỳ lớn và gần như là chết chắc. Phần lớn các trận chiến trong Sekiro xoay quanh việc làm sao để đầy thanh posture của kẻ địch nhanh nhất. Dĩ nhiên là nếu chém hết máu của kẻ địch thì cũng đạt được death blown, nhưng cách làm như vậy rất là tốn thời gian vì khi bị tấn công thì kẻ địch cũng biết thủ và thủ rất gắt, không khác gì người chơi hết. Trừ một số kẻ địch nhất định không thủ được trước các đòn tấn công, ví dụ như một số con boss, số còn lại đều có thể thủ và khiến cho việc tấn công vào thanh máu là rất mất thời gian. Thay vì đó, tấn công đến khi thanh posture đầy là một phương án khả dĩ hơn.

Có nhiều cách làm đầy một thanh posture, nhận sát thương dĩ nhiên là posture sẽ tăng, nhưng ngay cả khi thủ thì nếu bị tấn công, posture cũng tăng – tuy tăng chậm, khi bị phản đòn – trong game gọi kỹ thuật này là deflect – posture sẽ tăng nhanh hơn và nếu có thể deflect được đòn tấn công của kẻ địch liên tục, chúng ta thậm chí còn chẳng cần tấn công mà thanh posture của kẻ địch cũng tự đầy.

Như vậy, trọng tâm chính của các trận đánh trong Sekiro, cả đánh quái thường lẫn đánh trùm đều chủ yếu xoay quanh việc làm sao để khiến thanh posture đầy lên một cách nhanh chóng nhất. Dĩ nhiên là chúng ta vẫn có thể đánh theo cách truyền thống là rút máu kẻ địch, nhưng chiến thuật này phần lớn chỉ có thể sử dụng với một số con trùm nhất định không có khả năng deflect đòn tấn công của bạn, ví dụ như con trùm ẩn Demon of Hatred – một con trùm hiếm hoi mà có cách đánh giống với một trận đấu trùm của Bloodborne.

Ngoài ra, điểm khác biệt lớn nhất trong cách di chuyển giữa Sekiro và Dark Souls hay Bloodborne còn nằm ở việc From Software đã thêm vào một số động tác di chuyển mới: nhảy, dùng dây móc để đu lên cao, bám tường, ngồi xuống để đi lén lút. Chính những cách di chuyển mới này đã tăng sự đa dạng trong cách chiến đấu và tiêu diệt kẻ địch. Bị bao vây bởi số đông quân địch? Hãy sử dụng nút nhảy hoặc dùng dây móc để ngay lập tức thoát khỏi vòng vây. Kẻ địch ở trên tường cao và quá mạnh? Hãy bám tường, vòng ra một góc khác kín đáo hơn để hoặc đi qua chúng êm thấm, hoặc vòng ra phía sau và tiễn chúng về trời bằng một nhát chí mạng, như một nhẫn giả mẫu mực. Ngoài ra, việc có cơ chế ngồi xuống cũng là một khuyến khích để chúng ta sử dụng chiến thuật lén lút nhiều hơn, nhất là khi ngồi trong các bụi cây cao, kẻ địch sẽ khó phát hiện chúng ta hơn, tạo cơ hội để chúng ta đột kích bất ngờ. Do có nhiều chiến thuật tiếp cận kẻ địch như vậy, nên mỗi người sẽ có được cho mình một phong cách chơi khác nhau, kết hợp giữa tấn công trực diện và hành động lén lút.

Tuy nhiên, còn một vấn đề để nói về gameplay, đó là một nhược điểm cố hữu có từ Dark Souls, Bloodborne đến tận Sekiro: camera ở những góc hẹp. Mỗi khi bị dồn vào góc, camera tự động chuyển sang hướng gần như góc nhìn thứ nhất khiến rất khó để nhìn được chuyển động của kẻ địch khiến rất nhiều lần tôi đã chết oan vì điều này. Trong khi, vấn đề sẽ được giải quyết thật đơn giản bằng cách tự động cho camera chuyển sang hướng ngược lại với nhân vật. Do điểm yếu này, lời khuyên cực kỳ hữu ích là đừng bao giờ để bị dồn vào góc, vì chưa tính đến việc chả có chỗ nào để tránh thì riêng việc camera như thế đủ khiến bạn phải chết trong sự căm hận rồi.

Có thể thấy rằng, cốt lõi gameplay của Sekiro là khác biệt rất lớn so với những game trước đây của From Software. Chiến đấu dựa nhiều vào việc phòng thủ và deflect thành công, ít khuyến khích tấn công vào thanh máu, cách di chuyển và tiếp cận kẻ địch đa dạng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những phần cơ bản trong gameplay, còn những phần sâu hơn, tạo sự đa dạng hơn nữa cho phong cách chiến đấu của Sekiro nằm ở những thứ tiếp theo: cánh tay máy Prosthetic Arm cùng những biến thể của nó, các vật phẩm hỗ trợ trong game và hệ thống skill.

Đầu tiên, chúng ta hãy nói về cánh tay máy có tên là Prosthetic Arm cùng các biến thể của nó. Có một số ý kiến cho rằng hệ thống vũ khí của Sekiro quá nghèo nàn khi chỉ có độc nhất một thanh katana là vũ khí chính. Nhưng tôi thì cho rằng ý kiến đó là không đúng khi trọng tâm của hệ thống vũ khí đa dạng nằm ở những biến thể của Prosthetic Arms. Trong game, có tất cả 10 biến thể cơ bản của cánh tay máy này, không tính cái dây móc vốn là mặc định được tích hợp sẵn. Có thể kể ra một vài dạng biến thể như Shuriken Wheel – ống phóng phi tiêu, Firecrackers – ống phóng một chùm pháo nổ liên tục để làm kẻ địch choáng, Flame Vent – một bộ phun lửa để thiêu kẻ địch, Loaded Axe – một cây rìu đơn lưỡi để phá khiên cũng như giáng một đòn khá mạnh vào kẻ địch, Loaded Umbrella – một cái ô sắt với tác dụng như một tấm khiên,… Và ngoài ra, cũng còn một vài dạng biến thể nữa mà chúng ta có thể tìm được trong quá trình chơi, có cái nhặt được trên đường, có cái thì phải mua từ NPC với giá tương đối cao, nhưng chúng đều là những công cụ đắc lực cho bạn trong hành trình đi bán hành cho kẻ địch (hoặc là đi ăn hành, cái này tùy vào việc bạn vận dụng chúng tốt ra sao và kỹ năng của bạn thế nào). Chưa hết, về sau, chúng ta còn có thể nâng cấp cánh tay máy này cùng các biến thể của nó nữa, khiến chúng mạnh hơn, nhiều công dụng hơn và giúp ích cho cuộc hành trình nhiều hơn.

Tuy nhiên, cũng có giới hạn cho việc sử dụng các công cụ này. Mỗi lần sử dụng một công cụ thì sẽ tiêu tốn một số lượng nhất định một vật phẩm có tên là Spirit Emblem, có cái thì tốn ít (ví dụ như phi tiêu hay ô chỉ tốn 1 Spirit Emblem/1 lần sử dụng), có cái tốn nhiều (ví dụ như cây rìu tốn đến 2 Spirit Emblem cho 1 lần dùng). Ban đầu, bạn chỉ có thể đem theo 15 Spirit Emblem cùng lúc, nhưng sau này khi nâng cấp, bạn có thể tăng dần số lượng có thể đem, nhưng nếu là người sử dụng nhiều Prosthetic Arm, bạn sẽ thấy lượng Spirit Emblem của mình rất chóng hết và lại phải tìm điểm checkpoint để lấy thêm từ kho vật phẩm. Rất may là Spirit Emblem rất dễ kiếm, có ba cách để có thêm vật phẩm này, là nhặt trên đường (không nhiều lắm), giết kẻ địch (tỉ lệ quái rơi Spirit Emblem cũng rất thấp và chỉ có một số kẻ địch mới rơi ra) và dễ nhất là dùng tiền mua ở điểm checkpoint. Mới đầu game, Spirit Emblem có giá còn rẻ, nhưng càng về sau giá càng đắt, vì vậy, nên mua thật nhiều Spirit Emblem để dự trữ dùng dần, vì ở đầu game thì cũng chưa có nhiều thứ khác hữu ích hơn có thể mua bằng tiền vì những vật phẩm đáng giá do các NPC bán mãi sau mới xuất hiện, nên thực sự ở đầu game thì tiền hơi vô dụng, cho nên hãy mua thật nhiều Spirit Emblem, càng nhiều càng tốt để trữ sẵn, bởi vì giá một cái Spirit Emblem ở cuối game cao gấp 5 lần đầu game (lạm phát là có thật, kể cả thời trung đại như Sekiro)

Bên cạnh Spirit Emblem, Sekiro còn có một kho vật phẩm tương đối đa dạng về tác dụng, ví dụ như những vật phẩm tăng máu, tăng posture trong một thời gian ngắn, vật phẩm hồi máu dần dần, vật phẩm chữa những hiệu ứng kẻ địch hoặc môi trường gây ra như Poison, Terror, vật phẩm giúp dịch chuyển về checkpoint ngay trước đó, vật phẩm để nâng cấp Prosthetic Arm… Cũng có hai cách để có thêm vật phẩm cho mình là mua từ các NPC hoặc nhặt từ xác kẻ địch, tuy vậy, số lượng vật phẩm mà NPC bán thường khá hạn chế và số lượng có thể bán cũng không nhiều, cho nên trái ngược với Spirit Emblem thì cách hay hơn để kiếm thêm vật phẩm là giết quái. Ngoài ra, còn một số vật phẩm đặc biệt dùng để nâng cấp thì khá khó kiếm và số lượng cũng có hạn, ví dụ như Gourd Seed – dùng để tăng số bình máu thì chỉ có 9 cái, ứng với việc tăng thêm 9 bình máu để chúng ta có 10 bình là nhiều nhất. Ngoài ra chúng ta còn có các loại đường để cải thiện mức sát thương, cải thiện khả năng phòng thủ hay tàng hình để lén lút hiệu quả hơn. Nhìn chung, kho vật phẩm của Sekiro không hẳn là quá đa dạng như những game khác, nhưng đủ để phục vụ cho những phong cách chơi khác nhau và ít vật phẩm thừa thãi không có nhiều tác dụng.


Ngoài ra, hệ thống Prosthetic Arms, game còn cung cấp thêm cho chúng ta một hệ thống kỹ năng mới giúp làm tăng phần đa dạng cho gameplay. Hệ thống kỹ năng này bao gồm 2 thành phần là Combat Art và Ninjutsu. Trước tiên, hãy cùng nói về Combat Art, đây là một hệ thống các đòn đánh đặc biệt, có thể tốn Spirit Emblem hoặc không, được mở khóa thông qua cây kỹ năng của Sekiro hoặc một số chiêu có thể mua được bằng treasure carp. Nhìn chung thì hệ thống combat art này vẫn chưa có nhiều đất dụng võ như Prosthetic Arms vì tính rủi ro khá cao khi sử dụng và lượng sát thương gây ra không thực sự ấn tượng. Một số chiêu nhiều hit như Floating passage có thể bị boss chen đòn tất công vào giữa, đặt người chơi vào tình thế nguy hiểm khá cao. Một số chiêu có uy lực cao hơn nhưng lại tốn Spirit Emblem như Shadow rush hay Mortal draw, việc này khiến người chơi phải cân nhắc giữa việc sử dụng spirit emblem cho combat art hay cho Prosthetic Arms. Dĩ nhiên cái này là tùy mỗi người, nhưng cá nhân thôi thì chỉ dùng quay đi quay lại có một vài combat art mà thôi chứ cũng không dùng nhiều, vì có những cái nhìn thì đẹp nhưng đem vào thực chiến chưa chắc ăn được ai.

Và dĩ nhiên, một nhẫn giả thì phải có nhẫn thuật, đúng không? Nhưng đừng hy vọng là Sekiro sẽ có những nhẫn thuật bá đạo như kiểu của Naruto. Thực ra nhẫn thuật trong game khá nghèo nàn, chỉ có duy nhất 3 cái: Bloodsmoke, Puppeteer và Bestowal. Nhẫn thuật được kích hoạt thông qua backstab, có thể bằng stealth hoặc bằng vault over, nghĩa là nhảy qua đầu đối phương mỗi khi đối phương bị vỡ posture. Nói về mức độ hữu dụng, mấy cái nhẫn thuật này… tương đối vô dụng mà lại tốn quá nhiều Spirit Emblem. 5 cái cho Puppeteer, 6 cái cho Bloodsmoke và 7 cái cho Bestowal. Trong số đó, có lẽ Puppeteer là hữu dụng nhất khi có khả năng biến một kẻ địch thành đồng minh, đỡ cho bạn khi phải đánh với một đám đông. Hai cái còn lại, Bloodsmoke để tạo khói, Bestowal để tăng tầm xa của katana thì… thôi bỏ đi.

Bây giờ chúng ta nói về “đặc sản” của From Software: cái chết. Cái chết là một phần không thể thiếu với game của From Software, Sekiro cũng không phải ngoại lệ, mà ngay ở cái tên đã thể hiện rất rõ điều này rồi: Shadows Die Twice – ngay cái tên đã có từ “chết”, vậy thì hãy chuẩn bị tinh thần là bạn sẽ chết rất nhiều trong game, chứ không chỉ có “twice” mà thôi đâu. Cái chết trong Sekiro có thể đến bất cứ lúc nào, chỉ cần bạn lơi là một giây thôi là có thể bị kẻ địch triệt hạ ngay tắp lự, bởi vì một điểm chết người là cho dù có là quái đường thì sát thương chúng gây ra cũng rất cao nếu bạn không phòng thủ hay deflect kịp thời. Thậm chí có những đòn có thể tiễn cây máu của bạn đi hết ngay lập tức. Do vậy, nếu chưa quen với nhịp độ game thì chắc chắn là bạn sẽ chết rất rất nhiều. 

Tuy nhiên, Sekiro cũng là game mà From Software đưa vào một cơ chế mới toanh so với những game trước của họ, đó là cơ chế hồi sinh. Về cơ bản, chúng ta có thể hồi sinh hai lần, ứng với hai biểu tượng phía trên thanh máu, một biểu tượng bông tuyết và một biểu tượng chiếc lá. Biểu tượng bông tuyết ứng với lần hồi sinh có từ điểm checkpoint, biểu tượng chiếc lá ứng với lần hồi sinh đến từ việc giết kẻ địch. Sau khi sử dụng những lần hồi sinh này, cần phải tìm cách lấy lại chúng. Lần hồi sinh đến từ checkpoint mặc định là hồi sinh lần 1, và chỉ cần quay về checkpoint là nó sẽ tự động hồi lại, còn lần hồi sinh kia là hồi sinh lần 2, có cooldown và phải giết kẻ địch bằng death blown thì nó mới từ từ hồi lại. Hơn nữa, sau khi dùng hồi sinh lần 1 thì hồi sinh lần 2 sẽ tạm khóa đến khi death blown một kẻ địch bất kỳ – điều này là để ngăn cản chúng ta hồi sinh quá 1 lần trong các trận đấu boss.

Tuy nhiên, cũng đừng vì cho rằng có thể hồi sinh mà chúng ta được phép xem nhẹ cái chết. Như mọi game khác cộp mác From Software, chết là phải trả giá. Nếu dùng hết 2 lần hồi sinh mà sau đó vẫn chết, game sẽ trừng phạt chúng ta bằng cách trừ đi một nửa lượng tiền và điểm kinh nghiệm trong người, không thể lấy lại được nữa. Bên cạnh đó, việc chết hẳn (nghĩa là chết sau khi dùng hết hồi sinh) cũng sẽ ảnh hưởng đến các NPC. Một loại dịch bệnh tên là Dragonrot sẽ lây nhiễm sau khi chúng ta chết quá nhiều, khiến các NPC bị nhiễm bệnh. Và càng nhiều NPC bị nhiễm bệnh thì càng có hại. Trong game, có một cơ chế được gọi là Unseen Aid – ban đầu mặc định là 30%, nó là tỷ lệ ngẫu nhiên khi chết mà không bị phạt. Và việc chết quá nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến chỉ số Unseed Aid, khiến cho số lần chúng ta thoát khỏi sự trừng phạt của game ngày càng thưa thớt hơn

Chính vì vậy, sự khắc nghiệt và gánh nặng của mỗi lần chết đi sẽ vẫn hiện hữu và không hề thuyên giảm chỉ vì chúng ta có khả năng hồi sinh. Cho nên, điều mà game muốn hướng tới vẫn là khiến người chơi phải cẩn thận nhất để sao cho không dính phải hình phạt của game: đó là mất tiền, mất kinh nghiệm, NPC thì nhiễm bệnh còn chúng ta bị giảm Unseed Aid. Tuy vậy, cũng đừng lo lắng vì trong quá trình chơi, dần dần chúng ta sẽ tìm được cách chữa Dragonrot theo cốt truyện, và việc đó khiến gánh nặng đến từ cái chết nhẹ đi đôi chút.


Tiếp theo, chúng ta hãy cùng nói một chút về kẻ địch của game. Trong game có hai loại kẻ địch chính: quái thường và trùm, trùm thì có trùm phụ và trùm chính, nhưng thực sự thì nhiều con trùm phụ cũng khiến chúng ta khổ sở không kém gì trùm chính. Kẻ địch trong game cơ bản thuộc hai nhóm là kẻ địch dạng người và kẻ địch không phải người. Kẻ địch là người thì hầu hết là những binh lính của gia tộc Ashina và gồm nhiều binh chủng khác nhau, từ lính thường cầm kiếm, rìu, búa, cung tên, súng hỏa mai đến những tên mạnh hơn cầm đại bác cỡ nhỏ, ninja rồi thì có một số con trùm phụ cũng thuộc dạng người: những tên tướng samurai, xạ thủ,… Kẻ địch không phải người thì cũng tương đối nhiều loại, chúng có thể là động vật như sói hay… gà, hoặc là quái vật, yêu ma. Nhưng nhìn chung, có thể thấy rằng đa số kẻ địch trong game là người, hoặc ít nhất thì, đã từng là người.

Số lượng trùm trong game thì nói là nhiều cũng không hẳn đúng, mà bảo ít thì cũng sai, điều đó còn tùy việc chúng ta có xếp chung trùm phụ và trùm chính không. Nhưng theo cá nhân tôi, Sekiro là một game cực nhiều trùm phụ, nhiều con trùm phụ rất khó chịu và mạnh, nên tôi sẽ xếp chung hai loại này là trùm. Đa dạng về kích cỡ cũng như cách tấn công, rất nhiều con trùm trong game được coi là ác mộng của người chơi vì sự khó khăn trong trận đánh, có thể kể ra một vài ví dụ như Điệp bà bà – Lady Butterfly, anh cầm thương thiện lành Shinobi Hunter, thằng cha samurai chơi bẩn Genichiro Ashina, con vượn điên Guardian Ape, Kiếm Thánh hàng fake Isshin Ashina (Kiếm Thánh quái gì lôi cả thương với súng ra xài?), Rồng Thần một tay cầm cây kiếm Shichishito to tổ bố… nhìn chung Sekiro có một dàn các con trùm khá hùng hậu và chất lượng khi con nào cũng dư sức đập bạn ra bã chỉ trong 2-3 cú đánh trực diện. 

Thiết kế môi trường cũng như liên kết giữa các khu vực của game thì theo tôi, Sekiro đã làm rất tốt. Trừ một số khu vực đặc biệt phải đến theo cách đặc biệt như Hirata Estate, Inner Sanctum hay Fountained Head Palace, còn lại, mọi khu vực đều được liên kết với nhau rất rõ ràng và liền mạch. Trong mỗi một khu vực của game, chúng ta sẽ phải chú ý đến ba khía cạnh: độ rộng, độ mở và độ liền mạch. Nghĩa là khu vực đó có rộng không, có nhiều thứ để khám phá không, và liên kết giữa các lớp địa hình, công trình trong khu vực có liền mạch, hợp lý không, hoặc có thể xét luôn xem liên kết với khu vực tiếp theo như thế nào. Về điều này, Sekiro đã làm rất ổn khi sử dụng cấu trúc thế giới bán-mở. Trong một khu vực lớn, sẽ gồm nhiều khu vực nhỏ lẻ, xen giữa là các điểm checkpoint, và trong đó sẽ có rất nhiều thứ để khám phá, những vật phẩm có ích, thậm chí là những kẻ địch bất ngờ hiện ra từ đâu đó. Tuy nhiên việc bố trí các điểm checkpoint quá gần nhau ở trong game cũng phần nào giảm bớt mức độ thử thách, cá nhân tôi thì dù tôi khá thích việc game bố trí các điểm checkpoint ngay trước các màn đấu trùm, khiến việc luyện tập đấu trùm dễ dàng hơn hẳn Dark Souls hay Bloodborne, tuy nhiên có một số chỗ mà việc để checkpoint quá gần đến mức không thực sự cần thiết.

Môi trường trong game gồm khá nhiều loại địa hình: những khu đất bằng phẳng kéo dài, những ngọn núi cao nhấp nhô, những khu vực công trình lắt léo, những khu hầm ngầm tăm tối, thậm chí là cả dưới mặt nước. Vì vậy, cảm giác như thế giới của Sekiro có vẻ rộng hơn và đa dạng hơn nếu so với Dark Souls hay Bloodborne, nhưng bù lại, hiệu ứng về mặt thị giác lại không cao bằng, vì trong Sekiro, có rất ít cảnh tượng khiến chúng ta phải trầm trồ hay ấn tượng như Dark Souls hay Bloodborne.

Tiếp theo, chúng ta sẽ nói đến một vài khía cạnh quan trọng của một game hiện giờ: âm thanh cũng như đồ họa. Phải nói thật sự rằng Sekiro đúng là một game bình dân ở năm 2019 khi cấu hình đòi hỏi hết sức khiêm tốn. Tuy vậy, kéo theo đó là chất lượng đồ họa chưa thật sự cao và xuất sắc. Không thể nói game xấu, nhưng bảo rằng tuyệt đẹp thì không. Đúng là Sekiro đã tái hiện lại các khung cảnh của nước Nhật thế kỷ 16 rất ổn, nhưng cũng chỉ ổn thôi chứ chưa thể tiến xa hơn. Bên cạnh đó, rất nhiều lúc model nhân vật/kẻ địch gần như bị lẫn với texture cảnh vật khiến rất khó để nhìn ra chuyển động của kẻ địch. Lỗi tụt khung hình tuy không thường xuyên xảy ra nhưng cũng có, nhất là khi nhiều hiệu ứng (không biết bản PC thế nào chứ tôi chơi trên PS4 thì vẫn gặp tình trạng này).

Phần âm thanh cũng không thực sự ấn tượng lắm. Hiệu ứng âm thanh lúc đỡ – deflect đòn hay tiếng của những nhát chém, những tiếng nổ hay tiếng đạn bắn thì rất tốt, nhưng phần âm nhạc, chính xác hơn là nhạc nền và nhạc chiến đấu thì thực sự tôi thấy thất vọng khi không hề có một bản nhạc nào có thể để lại ấn tượng đủ sâu. Mặc dù âm nhạc cũng có đôi chút âm hưởng của Nhật Bản, nhưng nó chưa đủ và cũng chưa tới, khiến cho những bản nhạc trong game hết sức nhạt nhòa và có phần vô duyên. Ekip thực hiện phần âm nhạc cho game theo tôi đã làm tương đối chán, đúng là cho dù có cả Yuka Kitamura – người đã tạo nên những bản nhạc vô cùng tuyệt vời của Dark Souls 3 hay Bloodborne cũng không cứu nổi phần âm nhạc nhạt nhòa.

Lồng tiếng trong game thì phần lồng tiếng Nhật thì rất tốt, các nhân vật có hồn và ấn tượng: nhân vật chính Sekiro kiệm lời, khắc khổ, tiểu chủ nhân Kuro thì còn trẻ nhưng giọng nói đã đượm buồn, đúng với những gánh nặng cậu phải mang, ông lão Sculptor thì cũng hiện lên sự già cả, mệt mỏi,… Phần lồng tiếng Anh thì thú thực khiến tôi rất chán vì các nhân vật chả hiện lên được nét tính cách nào cả, cho nên để trải nghiệm Sekiro tốt nhất, các bạn nên để giọng lồng tiếng Nhật, vừa hay mà lại vừa hợp.

Cuối cùng, tôi muốn nói qua một chút về phần cốt truyện game. Dĩ nhiên là tôi sẽ chả nói chi tiết làm gì vì có quá nhiều thứ. Sekiro có một câu chuyện tương đối rõ ràng, có đầu có đuôi chứ không mơ hồ, khó hiểu như Dark Souls hay Bloodborne. Chúng ta hiểu được động cơ hành động của các nhân vật, chúng ta hiểu được mục đích của các hành động ấy, chúng ta thấy được câu chuyện của Sekiro muốn nói là gì. Đương nhiên là không phải mọi thứ đều rõ ràng, vẫn có những thứ được ẩn giấu, vẫn có những bí ẩn mà có thể trong tương lai, DLC của game sẽ giải đáp. Nhưng nhìn chung, cốt truyện của game vẫn có thể coi là dễ hiểu và dễ hình dung. Đây vừa là điểm tốt, vừa là điểm trừ, điểm trừ là nó mất đi vẻ bí ẩn đến mơ hồ trong lối kể truyện như các game trước đây của hãng, nhưng điểm mạnh là người chơi dễ đồng cảm với các nhân vật, và cho dù có dễ hình dung, thì còn đó những bí ẩn mà ta chỉ có thể đoán và đoán. Theo tôi, phần cốt truyện của game bảo là phức tạp thì cũng đúng, mà bảo đơn giản thì cũng không sai, điều đó còn tùy vào việc, bạn có thể đào sâu vào cốt truyện đến đâu mà thôi.

Nhìn chung, với một fan của From Software nói chung và Dark Souls/Bloodborne nói riêng như tôi thì Sekiro là một món ăn vừa lạ vừa quen. Nó có một chút âm hưởng từ các game cũ, nhưng những nét mới mẻ lại nhiều và thú vị hơn. Bản thân tôi sẽ cho Sekiro vào top những game xuất sắc nhất năm 2019, và nếu các bạn muốn tìm một game hành động thử thách, hấp dẫn, hay chỉ đơn giản là có máu M, thì chờ gì nữa mà không bắt đầu ăn hành cùng Sekiro thôi nhỉ?

Sekiro: Shadows Die Twice (PC/PS4/Xbox One): 9/10

 

Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện