Những ấn tượng đầu tiên về Sekiro: Shadows Die Twice

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

Có thể nói rằng trong quý 1 năm nay thì tựa game tôi mong đợi nhất chính là Sekiro: Shadows Die Twice chứ không phải là Resident Evil 2 Remake hay Devil May Cry 5. Chung quy cũng là vì tôi vốn là fanboi của những tựa game khó hơn lên trời cộp mác From Software. Ngay trong ngày đầu game ra tôi đã cày game liền mấy tiếng đồng hồ từ 5h chiều đến tầm 3-4h sáng gì đó, và đây là những cảm nhận ban đầu của tôi về Sekiro: Shadows Die Twice (gọi tắt là Sekiro).

Đầu tiên là về bối cảnh và đồ họa: với những wibu chân chính thì nhất định phải chơi Sekiro, bởi vì đơn giản là nó lấy bối cảnh Nhật Bản thế kỷ 16, thời kỳ Chiến Quốc, một thời kỳ rất thú vị và hấp dẫn, chừng đó có lẽ là đủ để thuyết phục tôi phải chơi rồi. Sekiro khắc họa bối cảnh tương đối tốt với một nền đồ họa theo tôi là tương đối ổn, cũng đẹp nhưng không có gì quá xuất sắc, hoặc là có thể tôi chưa chơi đến những đoạn có khung cảnh hoành tráng và mỹ miều hơn, nhưng cảm nhận ban đầu của tôi về bối cảnh và đồ họa là ổn. Tôi chơi Sekiro trên PS4 Slim thì mức khung hình ổn định ở 30 fps, thi thoảng có tụt một chút lúc có quá nhiều hiệu ứng, nhưng cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến quá trình chơi.

Lồng tiếng và âm nhạc thì cũng chỉ ở mức ổn mà thôi, tạm thời tôi vẫn chưa có ấn tượng với giọng của nhân vật nào vì sắc thái biểu cảm nó cứ na ná nhau, âm nhạc thì tương đối bình thường chưa có điểm nhấn, điều này làm tôi khá thất vọng khi soạn nhạc cho game là thánh nữ Yuka Kitamura, người đã đem đến cho chúng ta những bản nhạc nền tuyệt vời ở Dark Souls 3 và Bloodborne. Tôi đã mong chờ được nghe những bản nhạc tuyệt vời với phong cách Nhật Bản, nhưng mà cho đến hiện giờ khoản âm nhạc vẫn làm tôi thất vọng.

Cuối cùng là phần quan trọng nhất và là thứ tôi chú ý nhất: gameplay.

Nói ngắn gọn: Sekiro có gameplay tuyệt vời, đủ để khiến tôi chơi thông 6-7 tiếng liên tục mà không nghỉ. Chuyển động mượt mà, cảm giác chiến đấu cực kỳ đã tay.

Nói dài dòng thì:

  • Sekiro khó, tất nhiên, rất khó là đằng khác. Ban đầu tôi cứ nghĩ kinh nghiệm từ trilogy Dark Souls hay Bloodborne sẽ giúp tôi thoải mái đôi chút với Sekiro, nhưng khoảnh khắc khi bị tên General Samurai đầu game – một loại mini boss – tiễn về trời với chỉ 3 nhát chém là lúc tôi biết: dẹp mẹ hết đống kinh nghiệm từ mấy cái game kia đi là vừa. Nhịp độ của Sekiro cực kỳ nhanh, nhanh đến chóng mặt, nếu làm một phép so sánh: Dark Souls chậm, Dark Souls 2 hơi nhanh, Dark Souls 3 khá nhanh, Bloodborne rất nhanh thì Sekiro là nhanh vãi linh hồn. Có một số yếu tố làm nên cái tốc độ nhanh đến chóng mặt của game: không sử dụng thanh stamina là 1, có dây móc để leo trèo là 2, có khả năng bay nhảy kết hợp với né đòn là 3 và cuối cùng là tốc độ ra đòn. Khoảng 2 tiếng đầu game, tôi vẫn chưa quen được với tốc độ của game nên rất nhiều lần rơi vào cảnh hoảng loạn và nhảy nhót, né lung tung và nhảy thẳng vào đòn tấn công của địch. Thế rồi khi dần dần bắt được nhịp, tôi vẫn phải nói là Sekiro nhanh thật, mà chính cái nhanh đấy làm nên cái hay khi game không cho bạn thời gian để suy tính cẩn thận nữa mà bắt bạn phải hoạt động liên tục mới mong sống sót.

  • Sekiro bao gồm cả stealth, và thực sự kỹ năng stealth có ích hơn tôi tưởng. Stealth để lấy thông tin về kẻ địch, stealth để móc lốp kẻ địch, tránh bị bao vây – khi đối đầu với mini boss thì rất khuyến khích là các bạn nên cố stealth để ăn được một thanh máu của nó vì bọn mini boss cực kỳ khó chịu.
  • Tâm điểm trong gameplay của Sekiro chính là hệ thống posture của kẻ địch lẫn nhân vật. Cả nhân vật và kẻ địch đều sẽ có một thanh chỉ số được gọi là posture. Thanh ở dưới cùng màn hình biểu thị cho posture của nhân vật và ở phía trên màn hình biểu thị cho posture của kẻ địch. Posture biểu thị cho khả năng đỡ đòn bằng kiếm ở cả nhân vật và kẻ địch. Ở trạng thái bình thường thì thanh posture sẽ ở vị trí 0, nhưng khi bạn tấn công và kẻ địch đỡ đòn bằng kiếm, thanh posture của chúng sẽ tăng lên. Và khi thanh posture đầy, kẻ địch sẽ không thể đỡ đòn được nữa và khụy xuống. Lúc này bạn có thể tiến lại gần để tung ra đòn kết liễu, hay trong game gọi là death blown – ăn rất nhiều máu và nhìn đã kinh khủng. Tuy nhiên, không phải cứ lăn vào chém là tốt nhất, vì Sekiro còn có cơ chế deflect – đỡ và phản đòn. Nếu bạn canh đúng thời điểm kẻ địch chém xuống và bấm nút đỡ đòn thì nhân vật sẽ parry được, hất kẻ địch một khoảng ngắn về phía sau và bị stun trong vài giây cho bạn chém vài nhát và khiến thanh posture đầy lên đáng kể. Nhưng dĩ nhiên đâu phải mọi chuyện lúc nào cũng như ý vì đòn tấn công của kẻ địch rất đa dạng và sát thương lớn một cách kinh hoàng, vì vậy, hãy tránh bị dính đòn ít nhất có thể nếu không thì bỏ mẹ đời đấy. Tối hôm qua tôi đã mất 2 tiếng để thắng được 1 con mini boss cầm daikatana – 2 tiếng chỉ với cái con mini boss đó thôi đấy!

  • Một điều nữa là cánh tay máy – prosthetic arm khá đa dụng, hiện giờ tôi đã lấy được 2 dạng biến đổi là ống phóng shuriken và cây rìu, cái ống phóng shuriken thì hơi vô dụng nhưng cây rìu thì thấy vô cùng có ích, damage to, phá được khiên, stun được kẻ địch. Nhưng mà cánh tay máy cũng có giới hạn sử dụng dựa vào một vật phẩm được gọi là “Spirit Emblem” và số spirit emblem bạn có ứng với số lần sử dụng cánh tay máy, cái này hoặc là nhặt được hoặc là mua ở các checkpoint, cũng không khắt khe quá.
  • Cơ chế hồi sinh và death penalty: Shadows Die Twice – đúng như cái tên, chúng ta có thể hồi sinh tối đa hai lần khi đi đường và 1 lần khi đánh boss chính. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể dùng được 2 lần hồi sinh này, khi đã dùng khả năng này, bạn phải quay trở về chỗ bức tượng đóng vai trò là điểm checkpoint để hồi lại 1 lần hồi sinh, và hai là bạn phải tiêu diệt một số kẻ địch để hồi lại lần hồi sinh thứ 2. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, khi bạn đang có 2 lượt hồi sinh, nếu bạn chết và quyết định hồi sinh lại, lượt hồi sinh đầu tiên đến từ bức tượng checkpoint, cái có biểu tượng hình bông tuyết, sẽ được sử dụng. Sau đó lượt hồi sinh thứ 2 đến từ việc giết quái, có biểu tượng chiếc lá, sẽ tạm thời bị khóa lại cho đến khi bạn giết được một kẻ địch bất kỳ. Sau khi bạn khi giết được một kẻ địch bất kỳ, lượt hồi sinh thứ 2 sẽ được mở khóa, và bạn có thể chết một lần nữa. Nếu bạn sử dụng nốt lượt hồi sinh thứ 2, khả năng hồi sinh này sẽ có cooldown, và bạn sẽ phải chờ nó hồi đầy lại. Bạn cũng có thể giết thêm kẻ địch nhỏ để hồi lại lượt hồi sinh này một cách nhanh hơn. Chính vì game cho phép bạn hồi sinh 2 lần nên hãy chấp nhận đối mặt với hình phạt. Hình phạt nếu bạn chết quá 2 lần là bạn sẽ mất một nửa điểm kinh nghiệm và tiền đang có trong người mà không thể lấy lại. Ngoài ra mỗi lần chết, một loại dịch bệnh kỳ lạ được gọi là Dragon rot sẽ lan rộng trong môi trường trong game, và lây nhiễm vào các NPC, từ đó thay đổi cách mà họ tương tác với bạn, và làm ảnh hưởng đến ending – cơ mà ảnh hưởng nặng đến đâu thì tôi chưa biết. Bên cạnh đó, việc chết quá nhiều cũng ảnh hưởng đến một chỉ số là Unseen Aid – một chỉ số tượng trưng cho việc bạn may mắn ra sao vì nếu chỉ số Unseen Aid cao, tỷ lệ bạn chết mà không bị phạt sẽ cao hơn còn nếu Unseen Aid thấp thì rất hiếm khi bạn không bị phạt.
  • Cuối cùng là về boss thì… tạm thời tôi chưa có nhận xét gì ngoài câu “Khó vãi”

Về cơ bản, đó là những cảm nhận đầu tiên của tôi về Sekiro, một tựa game phiêu lưu/hành động mà tôi nghĩ các bạn phải thử qua, kể cả có từng thích series Souls hay không.

 

Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện