Đánh giá This War of Mine

Khách mới

  

This War of Mine là một tựa game sinh tồn lấy đề tài chiến tranh do nhà phát triển độc lập 11 Bit Studio phát hành vào tháng 11 năm 2014 và có thêm một DLC The Little One vào năm 2016. Kể từ khi ra mắt, game nhanh chóng gặt hái được nhiều tiếng tăm vang dội và được cộng đồng game thủ trên toàn thế giới chào đón nhiệt liệt.

Cuộc chiến của chúng ta

Bản thân tựa game là tập hợp các câu chuyện về những mảnh đời yếu ớt không may bị mắc kẹt tại tâm bão cuộc nội chiến của đất nước Graznavia. Những con người ở đây, dù nhỏ bé nhưng vẫn cố gắng giành giật sự sống trong một thế giới bạo lực tăm tối để chờ đến ngày thấy được đám mây chiến tranh trên đầu được xua tan đi, và chính người chơi cũng sẽ trở thành một phần của những mảnh đời đó.

Dù là một game sinh tồn thế nhưng This War of Mine lại có lối chơi khá tự do và phi tuyến tính. Không như những tựa game khác thuộc cùng thể loại, các nhà phát triển đến từ Ba Lan đã rất tinh tế khi trao cho người chơi quyền chủ động hoàn toàn để tự do “viết” nên câu chuyện theo đúng ý muốn của chính mình chứ không cần phải “đọc” các kịch bản được dựng sẵn. Chính điều này đã làm nên nét rất riêng của This War of Mine khi được đem ra so sánh với những người anh em khác trong cùng thể loại.

Mặc dù rằng, nếu xét về tổng thể thì This War of Mine chỉ là một game point-click (mọi hành động đều được thực hiện bằng việc nhấp chuột) nhưng không vì vậy mà cơ chế gameplay của tựa game này lại kém đi phần hấp dẫn. Vì là một game sinh tồn nên người chơi vẫn phải đối mặt với các vấn đề thường thấy như nguồn tài nguyên bị giới hạn, yếu tố khắc nghiệt của thời tiết, v.v… Chính vì vậy, việc tính toán một cách thông minh để có thể tận dụng tối đa mọi nguồn lực có thể cũng là một yêu cầu tất yếu của trò chơi.

Bên cạnh đó, vì tựa game được đặt trong bối cảnh thời chiến thế nên các việc làm như trộm cắp, cướp bóc hay thậm chí là giết người đều sẽ được mặc nhiên chấp nhận hệt như trong thực tế. Và cũng giống như bất cứ game survival (sinh tồn) nào khác, nhiệm vụ tối quan trọng của các player luôn là sống sót bằng mọi giá, thế nên trò chơi cho phép người chơi được tự do thực hiện mọi hành động có thể để sinh tồn. Sẽ không hề có tòa án hoặc lực lượng nào đủ rảnh rang để quản lý hay phán xét bất cứ hành động nào của người chơi, đổi lại, kết thúc sẽ luôn là tấm gương phản chiếu tâm hồn của chính các game thủ.

This War of Mine là một tựa game mang trên mình lớp áo rất nghệ thuật nếu như chỉ xét riêng về mặt đồ họa. Mặc dù mới thoạt nhìn qua, có vẻ người ta sẽ dễ lầm tưởng rằng game chỉ như đang sử dụng nền đồ họa sơ sài cũ kỹ thế nhưng nếu chịu để ý nhìn kỹ, người chơi sẽ nhanh chóng nhận thấy rằng các vật thể trong game đều được làm rất chu đáo và kỹ lưỡng hệt như ảnh chụp từ thực tế. Từ ánh sáng bị hắt qua ổ cửa đổ vỡ, đến animation (hoạt ảnh) mượt mà của các nhân vật khi chuyển động hay chiếc cầu thang xiêu vẹo do bom đạn oanh tạc đều mang đến cảm giác rất “thực”. Thậm chí đôi lúc, nếu chịu dừng lại ở một khoảng lặng nho nhỏ để nhìn ngắm toàn vẹn cả khung cảnh của game, người chơi sẽ có cảm giác như mình đang chiêm ngưỡng một thước phim tuyệt đẹp chứ không chỉ là đang chơi một video games vô hồn.

Phần âm thanh của game cũng được 11 Bit Studio chau chuốt tỉ mẫn hết mức có thể để mang đến cho game thủ trải nghiệm tuyệt vời nhất. Những bản nhạc OST buồn bã mang âm hưởng đau thương, không quá dồn dập mà chỉ nỉ non như tiếng lời cầu nguyện sẽ khiến người chơi nhanh chóng hòa mình vào không khí tiêu điều của thành phố Pogoren. Thế nhưng, nếu các phân cảnh cần đến sự kích thích và hiểm nguy, những nhà soạn nhạc cũng đã làm xuất sắc nhiệm vụ của mình khi mang đến nền nhạc réo rắt pha chút rùng rợn và kịch tính để tạo chất hồi hộp trong từng “phi vụ” của người chơi.

Khi chiến tranh gõ cửa, thứ nó làm tan vỡ không chỉ là mái nhà ấm êm hay những bức tường mà còn là nhân tính cao đẹp từng hiện diện trong trái tim của con người. Xuyên suốt trò chơi, từng bộ mặt của chiến tranh sẽ dần dần được hé lộ qua những lời độc thoại của các nhân vật mà người chơi chạm mặt. Đó có thể là những lời di thư cuối cùng của người cha bất lực trong việc bảo vệ tổ ấm của mình trước bọn trộm cắp tàn ác, hoặc những lời mưu toan tàn nhẫn của những tên tướng cướp lúc nào cũng xăm xăm bóp cò để thỏa mãn cái dạ dày đang đói, hoặc là sự lạnh lùng của những con người dễ dàng đóng sầm cánh cửa trước lại để khỏi phải nghe thêm sự cầu xin của những đứa trẻ nhỏ đang chạy vạy khắp nơi để cầu cứu cho người mẹ ốm yếu… Vì là một phần của thành phố Pogoren, thế nên tùy thuộc vào hành động của người chơi, mà một nguồn sáng yếu ớt có thể được nhen nhóm hoặc bóng tối sẽ trở nên dày đặc hơn.

Có thể nói, các nhà phát triển đến từ Ba Lan không hề có ý định thử thách quá nhiều ý chí sinh tồn hay sự khéo léo tháo vát của các game thủ như những tựa game khác mà chỉ muốn để người chơi tự thân trải nghiệm những khó khăn cũng như nhận thức được những gì mà chiến tranh có thể mang lại từ đó rút ra được một chút giá trị về cuộc sống hiện tại. Và tất nhiên, điều đó sẽ chỉ xảy ra khi và chỉ khi như người chơi chịu khó chơi game một cách “đúng luật”. Tức là phạm sai lầm, chịu đựng đau thương, mất mát và cố gắng làm mọi thứ có thể trong khả năng.

This War of Mine là một tựa game được đánh giá rất cao, tuy vậy game cũng có một số hạn chế nhỏ nhặt như việc lặp đi lặp lại các “sự kiện” không thể tránh khỏi. Cơ chế auto save (tự động lưu) khá cứng nhắc cũng là một điểm trừ không nhỏ của game. Ngoài ra, tựa game hoàn toàn có thể đào sâu hơn về việc giao tiếp giữa các nhân vật với nhau để khiến game trở nên có “hồn” nhiều hơn thay vì chỉ giới hạn trong một vài hoàn cảnh cố định.

Tuy nhiên, nếu nhìn chung, This War of Mine vẫn là một tựa game xuất sắc có đủ độ khó để thử thách các game thủ muốn chinh phục thể loại survival nhưng cũng phù hợp với những ai chưa từng có kinh nghiệm muốn lần đầu trải nghiệm ở thể loại hấp dẫn này. Và trên tất cả, với tất cả những giá trị vô hình đắt giá mà tựa game này có thể mang lại đã thực sự khiến nó trở thành một game vượt qua giới hạn của game. Điều dễ nhận thấy là sau khi kết thúc trò chơi, thay vì khiến cho game thủ tự hào một cách mù quáng, tựa game dễ dàng đọng lại trong mỗi cá nhân những dòng suy nghĩ và mạch cảm xúc riêng. Thứ mà sẽ không dễ dàng phai đi một cách hời hợt như những gì mà các tựa game thị trường khác đã và đang thi nhau làm.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện