JRPG và Turn-based RPG từ trước tới nay vốn không phải là một thể loại dễ để tiếp cận với người chơi đại chúng. Nhất là ở thị trường phương Tây hiện nay, nơi mà các dòng game Action-Adventure, Open-World đang làm mưa làm gió. Ấy thế mà Persona 5 vẫn giữ vững được vị thế của nó trước hàng loạt những tựa game bom tấn đình đám thuộc các thể loại khác, không chỉ trong năm 2017 mà nó ra mắt, mà tới tận cả bây giờ nữa. Cơn sốt Persona 5 vẫn chưa hết hot, tạo nên tiền đề để phiên bản cải tiến của game – Persona 5 Royal được ra mắt trên toàn thế giới vào đầu năm sau.
Với số điểm Metacritic 93 cao ngất ngưởng, đứng Top 1 trong các tựa Game PS4 được ra mắt năm đó, vượt qua những cái tên sừng sỏ như là NieR: Automata, RE7, Nioh, Horizon Zero Dawn,… Cũng đánh bại cả NieR lẫn Final Fantasy 15 để ăn giải Best RPG Game 2017 của The Game Awards cũng như hàng loạt các giải thưởng danh giá khác. Và nếu để nói Persona 5 là một tựa game Must-Play, bắt buộc phải chơi nếu sở hữu một chiếc PS4, thì có lẽ sẽ hiếm ai phản đối.
Vậy chắc hẳn sẽ phải có một lý do nào đó khiến Persona 5 đạt được thành công to lớn như thế, và tôi là Minh HD, một fanboi cứng của dòng game Persona. Mà cũng là vì fanboi nên tôi sẽ có rất nhiều điều để nói về P5, nên xin phép được dông dài ra thành 2 phần. Hy vọng mọi người không nản để đọc tới cùng.
Trước khi bắt đầu thì một chút âm nhạc sẽ giúp các bạn cảm nhận được bài viết này tốt hơn đó.
1. Di Sản Được Tiếp Nối
Trước khi bắt đầu thì dài dòng một chút. “Persona” vốn chỉ là một tựa game nhánh con của loạt game JRPG đình đám “Shin Megami Tensei”, ra mắt lần đầu với cái tên “Persona” tại Nhật vào tháng 09/1996, hay với tựa “Revelations: Persona” trên thị trường Âu Mỹ 3 tháng sau đó. Những năm thập niên 90 của thế kỉ trước là thời kì bùng nổ của các tựa game thể loại JRPG với sự đổ bộ của những Final Fantasy, Dragon Quest… Tập trung khai thác bối cảnh hiện đại với một cốt truyện đen tối và ám ảnh, tạo nên một làn gió mới lạ cho thị trường game lúc bấy giờ.
Cũng chẳng lạ khi phiên bản đầu tiên của Persona cũng có được cho mình những thành công nhất định. Đủ để những hậu bản tiếp theo của nó ra đời, bao gồm “Persona 2: Innocent Sin” và “Persona 2: Eternal Punishment” được lên kệ. Nhưng phải tới tận năm 2006 với sự ra mắt của Persona 3 thì dòng game mới thực sự có bước chuyển mình đáng kể. MetaScore 86, ăn giải Best RPG của cả Famitsu lẫn GameSpot. Cũng không lạ khi đồ họa cải tiến rõ rệt, gameplay cày kéo cuốn hút, âm nhạc tuyệt hảo, với một cốt truyện hàn lâm với nhiều tầng triết lý, tuy vậy lại dễ để nắm bắt hơn nếu so với các đàn anh đi trước.
Mở đường cho truyền thống “phiên bản cải tiến” của loạt game Persona được bắt đầu với Persona 3 FES. Về cơ bản thì không khác gì Persona 3 nhưng có thêm 2 phần hậu truyện với một vài điều chỉnh trong gameplay. Theo đà thành công, Atlus đã ném P3 lên PSP và theo ý kiến cá nhân của người viết thì đây là phiên bản Persona 3 hoàn hảo nhất. Và chẳng tội gì lại không có phiên bản thứ 4 của dòng game này cả. Persona 4 ra mắt năm 2008 trên PS2. Và nó thậm chí còn thành công hơn cả Persona 3, mặc cho việc nhà phát triển đã khai thác cốt truyện dù vẫn đen tối và nghiêm trọng nhưng vẫn có không khí tươi vui hơn so với tất cả các phiên bản tiền nhiệm hơn rất nhiều. Rất được lòng với những người chơi mới tiếp cận với dòng game, nhưng lại có một chút gì đó “bằng lòng không bằng mặt” với những fan cứng của dòng game.
Tuy vậy thành công tiếp nối của Persona 4 vẫn là không thể bàn cãi khi mà phiên bản cải tiến Persona 4 Golden trên PS Vita còn thành công hơn cả phiên bản gốc với lượng sale khổng lồ cùng với đánh giá vô cùng tích cực đến từ cả người chơi lẫn các nhà phê bình. Cho tới nay, P4G vẫn được coi là một trong số rất ít game thực sự tỏa sáng cho hệ máy PS Vita. Top 1 Metacritic All time với 93 điểm cho hệ máy này, vầy có lẽ đã đủ để miêu tả thành công to lớn của Persona 4 Golden.
Và với một dòng game đã vốn rất thành công như vậy, việc quyết định đưa ra phiên bản tiếp theo với Persona giờ đã là một quyết định vô cùng táo bạo chứ không còn là quyết định sáng suốt nữa. Khi những fan của dòng game Turn-based RPG nói chung và fan Persona nói riêng bị chia làm hai luồng ý kiến. Một mặt thì vô cùng thích thú với phiên bản mới, một mặt còn lại thì lo sợ, sợ rằng nhân vật chính của Persona 5 sẽ không vượt qua được cái bóng của Minato và Yu Narukami, nhân vật chính của 2 phiên bản tiền nhiệm trước.
Và rồi năm 2013, lần đầu tiên teaser của Persona 5 xuất hiện với hình ảnh 5 chiếc ghế đang bị cùm chặt, gây tò mò cho tất cả người chơi trên toàn thế giới. Nhưng phải tới tận 4 năm sau thì Persona 5 mới chính thức được lên kệ, sau một đợt delay để game có thể được chỉnh sửa và port lên PS4 thành công, so với kế hoạch chỉ phát hành game lên PS3 như ban đầu. Hình ảnh về một nhóm Phantom Thief of Heart, “tâm tặc”, hay là “đạo chích trái tim” đã được ra đời và trở thành một trong những biểu tượng lớn của làng game. Và Ren Amamiya đã trở thành một trong những Joker nổi tiếng nhất, chỉ sau Heath Ledger, Jack Nicholson, Mark Hamill và Joaquin Phoenix.
2. Đám trẻ con thay đổi nhận thức xã hội
[Story Spoiler Alert]
Điều khiến cho dòng game Persona stand-out với hầu hết các tựa game khác là cái cách khác biệt mà trò chơi truyền tải thông điệp của nó. Chẳng có mấy tựa game mà những vấn đề xã hội hiện đại được phản ánh thẳng thắn và trực diện đến thế. Tuy vậy, cách thể hiện này mặc nhiên biến thành con dao hai lưỡi khi mà có những người chơi game để giải trí, họ sẽ không muốn những giây phút thư giãn của họ bị bao phủ bởi những điều tiêu cực và đen tối.
Nhưng sự tiêu cực lớn tới như thế nào, thì ánh sáng bên trong bóng tối dù nhỏ tới đâu cũng trở thành điều nổi bật nhất. Khai thác nhiều khía cạnh khác nhau ở từng phiên bản. Ví dụ Persona 3 là “cái chết và sự tái sinh”, Persona 4 là “sự thật phía sau làn sương phủ dày”. Nhưng khi câu chuyện kết thúc, thứ mà người chơi để lại luôn là những điều tốt đẹp mà chúng ta sẽ luôn có thể liên hệ và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.
Persona 5 không phải ngoại lệ khi khai thác đúng với công thức đã làm nên tên tuổi của dòng game. Nhưng lần này khai thác tới một chủ đề gần hơn rất nhiều. Đến mức sau khi chơi game, tắt máy, vắt tay lên trán nghĩ lại và bỗng rùng mình vì nó thực quá, những điều đó ở ngay cạnh mình mà nhắc mới giật mình nhớ đến. Về xã hội, đạo đức và lòng trắc ẩn bên trong mỗi người. Nói có vẻ hàn lâm, đao to búa lớn, nhưng đây là điều ở xung quanh chúng ta mà ai cũng sẽ phải đối diện hàng ngày. Đối diện với cha mẹ, với bạn bè, thầy cô và những thành phần khác trong xã hội nữa. Thậm chí là với cả chính bản thân mình.
Game đưa chúng ta nhập vai vào một nhân vật chính không tên. Nhưng theo như anime gọi anh là “Ren Amamiya” nên sẽ mặc định gọi là Ren trong bài viết này. Cậu ta là một học sinh cao trung bình thường như bao người khác. Một đêm, Ren tình cờ gặp một người phụ nữ đang bị một gã đàn ông đầu trọc đang ngà ngà say rượu quấy rối. Không thể làm ngơ, cậu can thiệp, men rượu khiến gã đàn ông kia sảy chân và tự ngã gây chảy máu. Ấy vậy, vì lời đe dọa của gã mà sự việc bị đổi trắng thay đen, người phụ nữ phải chỉ tay vào Ren và kêu cậu ta tội cố ý gây thương tích trước mặt cảnh sát để tránh bị kéo sâu hơn vào rắc rối, mặc kệ phải trái.
Sự kiện này khiến cậu học sinh phải chuyển trường, chuyển nơi sinh sống và mang theo một tiền án, điều cực kì nghiêm trọng với một cậu học sinh cao trung tại Nhật Bản. Và đó là khi câu chuyện của game bắt đầu. Tại ngôi trường mới, Ren bị cô lập với cái danh tội phạm bị gán lên cái tên của mình và phải sống với lời đàm tiếu, rỉ tai sau lưng bởi những người mà thậm chí cậu chẳng hề quen.
Nhưng số phận không cho phép cậu cúi đầu. Ren được Igor triệu tập tới Velvet Room, nơi mà linh hồn của người được chọn sẽ có được sức mạnh thay đổi những điều lớn lao trong cuộc sống, không chỉ của chính họ, mà còn của nhiều người khác nữa. Từ đó mà cuộc phiêu lưu của Ren và những người bạn đồng chí hướng bắt đầu. Cùng với nhau, băng đạo chích trái tim ra đời với sứ mạng thay đổi xã hội. Xâm nhập Palace, nơi hiện thực hóa tâm hồn của những kẻ làm điều tội lỗi để cướp đi sự đen tối trong trái tim của họ.
Cùng với câu chuyện của nhóm Phantom Thief of Heart, từng lớp vỏ của xã hội được lột ra để lại tâm địa độc ác của từng người. Một gã thầy giáo dạy thể dục bóc lột và bạo hành thể xác của học sinh, cưỡng ép quan hệ tình cảm và thể xác dẫn tới việc một nữ sinh trong trường phải tự sát để tìm lối giải thoát. Hay là một lão họa sĩ đại tài hết thời nên quyết định cướp đi tác phẩm của học trò để tiếp tục nhận lại danh tiếng và tiền tài.
Nhưng những điều đó mới chỉ là một phần, sự đáng sợ nhất là cái cách tất cả mọi người nhìn nhận và đối xử với những điều đang xảy ra. Những con người đó họ biết chuyện gì đang diễn ra xung quanh họ. Nhưng không một ai lên tiếng, không một ai đứng lên chiến đấu cả. Cũng phải thôi, vì đâu ai muốn bản thân mình bị vạ lây. Nhưng cứ để tội ác được tiếp diễn một cách trơ trẽn không bao giờ là nên cả. Vậy nên hãy để cho nhóm Đạo Chích Trái Tim thực thi công lý đáng lẽ ra phải có.
Có một điều hay ho là không phải tự nhiên với một chủ đề nhạy cảm thế này mà game lại cho người chơi nhập vai một học sinh cấp 3 cả. Không phải những điều bullshit như là “Persona 5 khiến cho những người lớn nhớ về thời học sinh”. Mà khi dưới cái tuổi trưởng thành, lời nói, suy nghĩ dù có đúng đắn cũng sẽ bị coi là “không có trọng lượng”. Nhiều người hẳn kiểu gì cũng sẽ nghe cái câu “trẻ con thì biết cái gì”. Những cũng vì điều đó mà chúng cũng sẽ có những suy nghĩ hồn nhiên nhất, trong sáng nhất và đúng đắn nhất. Chúng thấy cái gì là sai, là bất công thì chúng hành động để có được lẽ phải. Chúng không quan tâm những gì có thể xảy tới với bản thân mình nên vẫn cứ thế hành động, trong khi người lớn còn đang mải mê suy nghĩ về những hệ lụy sẽ xảy ra. Bồng bột và trẻ con. Nhưng đó là cách thức mà nhóm Phantom Thief hành động, và phải thú thực là nó khiến chúng ta nhận ra rất nhiều thứ. Tự đặt mình vào những tình huống như vậy, liệu chúng ta có hành động như nhóm đạo chích?
Còn một hình ảnh ẩn dụ nữa rất hay của Persona 5 là hình ảnh của chiếc mặt nạ. Các thành viên trong nhóm Phantom Thief gọi Persona, gọi lên sức mạnh chính của mình để chiến đấu bằng cách gỡ chiếc mặt nạ đang đeo trên mặt. Con người ai cũng sẽ phải có một chiếc mặt nạ để đối diện với xã hội. Có những người thậm chí sẽ không được sống thật với chính mình để có thể đạt được mục đích. Khi chiếc mặt nạ được gỡ bỏ cũng là khi con người phải đối diện với bản thân, đối diện với những điều mà họ luôn chối bỏ, và cũng là họ trong tình trạng yếu đuối nhất. Nhưng khi có đủ sức mạnh, quyết tâm để vượt qua khó khăn, chính những người đó sẽ là những người mạnh mẽ nhất, như cách mà từng thành viên trong nhóm Phantom Thief lột bỏ chiếc mặt nạ để chiến đấu, để đối diện với thử thách đang chờ đợi họ phía trước.
Chủ đề lớn lao là vậy. Nhưng cách mà game thể hiện nó lại rất dễ chịu, có thể dễ dàng nắm bắt bởi tất cả mọi người chứ không riêng gì những người chơi thích một điều gì đó hàn lâm và tăm tối. Như thể sự đen tối quá độ của Persona 3 và không khí vui tươi của Persona 4 được kết hợp và bù trừ cho nhau một cách hoàn hảo. Dàn nhân vật của game được thiết kế vô cùng kĩ lưỡng và chi tiết, trau chuốt trong từng câu thoại. Bất kể nhân vật chính hay nhân vật phụ, hay các nhân vật phe chính diện mà người chơi có thể đồng cảm và yêu quý, cho tới những nhân vật phản diện được thiết kế hoàn hảo tới mức “love to hate” cùng với động cơ rõ ràng.
Tương tác giữa các nhân vật với nhau cũng được đầu tư gây nên hàng loạt các tình huống hài hước nhưng được lồng ghép khéo léo chứ không bị gượng ép, trong khi những chi tiết bước ngoặt trong câu chuyện cũng được thể hiện tuyệt vời khiến người chơi phải đứng ngồi không yên theo từng cú twist của game. Ngoài ra còn những câu chuyện trong hệ thống Confidant mà người viết sẽ đề cập sâu hơn ở dưới.
3. Lối chơi đơn giản, hay do người chơi chưa suy nghĩ nó một cách phức tạp?
Thẳng thắn mà nói, Persona 5 sẽ rất dễ để nhai về mặt gameplay nếu như xuất phát với độ khó Easy hay Normal. Nếu để so sánh thì dễ hơn rất nhiều so với P3 và P4. Lối chơi vẫn sẽ là thuần Turn-based RPG, thuần JRPG, không lai tạp. Với xương sống của game vẫn sẽ là những màn leo Dungeon, chiến đấu với các Shadow để lên Level cho nhân vật, bắt và fusion ra các Persona mạnh mẽ hơn. Chiến đấu với Boss của Dungeon đó và hoàn thành map, tạo bước tiến trong cốt truyện rồi tiếp tục lặp lại như thế.
Tất nhiên đây là vòng lặp mà những người ưa thích thể loại cày kéo RPG nói chung và JRPG nói riêng đã quen tới nhẵn cả mặt. Cũng như cái sự buồn ngủ khi 3h sáng mò mẫm trong Mementos để cày Level cho nhân vật vậy. Nhưng mọi thứ sẽ chỉ là bắt đầu khi có ai đó bắt đầu chạy fresh run trong Persona 5 với mức độ Hard trở lên. Tùy vào chiến thuật và sự tính toán của người chơi mà bạn thậm chí sẽ vượt được Dungeon chỉ với Ren-Solo.
Tới đây phải nói thêm về nguồn sức mạnh chính của các nhân vật, là hệ thống Persona. Mỗi loại Persona sẽ có đặc tính, chỉ số và kĩ năng khác nhau, ngờ ngợ như là Pokemon vậy. Nhưng người sử dụng Persona và bản thân các Persona có sự cộng hưởng với nhau vô cùng chặt chẽ. Những Persona này để thi triển kĩ năng sẽ ngốn đi Mana Point, điểm thể lực của nhân vật điều khiển nó. Cũng như là khiến cho nhân vật phải chịu sự tương khắc về hệ của chính Persona đó vậy. Điều này khiến cho việc tạo ra các Persona mới với chỉ số mạnh mẽ hơn, kĩ năng bá đạo hơn và khắc nhiều hệ nhất có thể sẽ là ưu tiên hàng đầu. Từ đây mà dây dưa ra rất nhiều yếu tố khác sâu xa hơn.
Để tạo ra một Persona mạnh thì sẽ cần phải hy sinh nhiều Persona khác nhau. Mà để tạo được Persona theo ý muốn của người chơi thì không khác gì lắm các phương trình hóa học vậy. Nên sẽ không phải là một điều xấu hổ nếu như các bạn sử dụng “Persona 5 Fusion Calculator” trên Google cả. Vì không phải ai cũng Hardcore tới độ thuộc lòng từng công thức để tạo ra chính xác một Persona sở hữu chính xác một loại Skill trong thư viện hàng trăm Persona mà game cung cấp cho người chơi. Như dưới đây là những gì mà người chơi sẽ phải làm nên muốn tạo cho mình một Persona gần như sẽ khiến Joker trở nên bất tử.
Persona mang lại cho người sử dụng đặc tính riêng của nó. Nên người chơi không thể sử dụng một Persona yếu hệ lửa để đối đầu với một con Boss sử dụng kĩ năng hệ lửa cả. Cũng như việc không thể sử dụng kĩ năng hệ gió với một con Boss kháng hệ gió. Càng khiến người chơi khôn ngoan hơn trong việc sử dụng các Persona trong từng tình huống nhất định. Cũng như việc mang thành viên nào trong Party của mình để đi Dungeon hay đánh Boss. Mà trong khi với P5, việc đánh Weak tất cả kẻ thù để thi triển All-Out Attack, một dạng tấn công tổng lực gây sát thương lớn, được ưu tiên lên hàng đầu.
Vì là Persona sử dụng thanh MP của nhân vật, mà điểm thể lực này luôn luôn hữu hạn. Mà người chơi thì luôn muốn đẩy tiến độ Clear Dungeon của mình ngắn nhất có thể, khiến việc sử dụng tài nguyên MP lại càng quan trọng hơn. Như việc sử dụng Bufu vào 5 Target liên tục với sử dụng Mabufu vào 1 Target duy nhất sẽ gây lãng phí MP thế nào. Người chơi sẽ phải tính toán sao cho lượng MP mình sử dụng thấp nhất có thể mà lại phải gây được hiệu quả tốt nhất trong từng trận đánh.
Bên cạnh đó thì bản thân nhân vật cũng sẽ có các cơ chế khác nhau. Như là các đòn Attack bình thường mang hệ Slash đôi khi sẽ không có hiệu quả lên Shadow này, sử dụng đòn Gun sẽ có hiệu quả lên Shadow kia, hay là các thể loại buff/debuff khác nhau nữa. Yêu cầu người chơi phải lên kế hoạch nâng cấp trang bị và giáp liên tục cho tất cả các nhân vật trong Party, cho dù việc đó sẽ ngốn lượng tiền khá chát.
Việc thiết kế Level của game cũng chỉ dừng lại ở mức khá. Tất nhiên ở đây chỉ nói về yếu tố Level Design, còn về mặt Visual Design thì người viết sẽ bàn luận kĩ hơn trong phần nói về hình ảnh. Các Palace trong game được thiết kế khá là một màu khi mà người chơi không cần phải vận dụng đầu óc quá nhiều, vì cứ đi là kiểu gì cũng sẽ tìm được đường để đi tiếp. Safe Room cũng được đặt khá thường xuyên giúp cho người chơi có thể chạy tới và lui về thế giới thực bất cứ khi nào họ muốn. Cách đặt các hòm Treasure Chest cũng vậy. Chúng lù lù trước mặt, không có chút giấu diếm nào cả, như thể là phô sẵn chờ người tới xơi. Các đồ vật rải rác quanh màn chơi đáng ra phải làm đúng nhiệm vụ của nó khi phải giấu những thứ mà người chơi tìm kiếm, nhưng cái chức năng Third Eye đã hủy hoại tất cả, khiến cho sự thách thức chỉ còn nằm ở trong các trận đánh chứ không còn một chút gì ở màn chơi bên ngoài nữa.
Hệ thống “Security Level” cũng không mang lại thử thách cho người chơi, mà nó trở thành một dạng “tính năng” thì hơn. Khi việc lén lút lẻn ra sau lưng Shadow và tấn công bất ngờ quá dễ dàng, cùng với các vật phẩm có thể hạ lượng Security Level hiện tại nữa, thì mục đích duy nhất của thanh báo động này là khi được những người chơi Hardcore lợi dụng, cố tình đẩy thanh báo động cao tụt nóc nhà để họ gặp được các Shadow mạnh, sử dụng nhiều não trong các trận chiến, từ đó mà rút ngắn thời gian lên cấp, đồng thời để kiếm các vật phẩm hiếm và tiền một cách dễ dàng hơn so với các người chơi khác.
Ngoài các Dungeon theo cốt truyện ra, Persona 5 giới thiệu thêm 1 Dungeon theo kiểu leo tháp Tartarus mang tên Mementos. Theo như định nghĩa thì đây là khu vực mà trái tim của tất cả mọi người sẽ được tồn tại ở trong đây. Nhóm Phantom Thief sẽ có các Request bên ngoài và sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình trong Mementos. Đây cũng sẽ là một cách để người chơi có thể nâng Level, cày kéo thêm chút tiền, lấy thêm các Persona mới trong khoảng thời gian chuyển giao giữa các Arc của cốt truyện chính. Đây là một tính năng khiến khối lượng nội dung của game được mở rộng lên rất nhiều.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, sự lặp lại liên tục sẽ khiến trải nghiệm của người chơi bị bào mòn đi đáng kể. Content cày kéo thì dày đặc, mà người đủ kiên nhẫn và hứng thú để cứ liên tục công cuộc Grind sấp mặt như thế không nhiều. Vậy nên tạo ra một cái gì đó giúp cho người chơi nghỉ ngơi giữa những giai đoạn cày cuốc, nhưng vẫn tạo ra một giá trị gì đó trong giai đoạn Dungeon Grinding là một điều quan trọng và thực sự cần thiết. Người viết sẽ bàn luận sâu hơn về yếu tố này trong phần sau của bài review.
P3P chính xác là phiên bản hoàn hảo nhất của P3, nhưng tiếc quá nó ko có phần mở rộng The Answer.
P4G phải nói là tỏa sáng thật sự trên con PS Vita, và cũng là lí do mình mua PS Vita :))