Một chút lịch sử về hệ Băng của Pokémon (P.1)

Khách quen

  

Chào mừng các nhà huấn luyện Pokémon đến với bài viết của tui. Nếu bạn đọc được bài viết này, chắc hẳn bạn cũng có một phần nào đó tò mò hoặc hứng thú về hệ Băng – một trong những hệ khá là đặc biệt của game và trong bài viết, mình sẽ điểm qua một chút thông tin về nó và mong rằng sau khi đọc xong, bạn có thể hiểu được ít nhiều về hệ này và làm chủ được nó (tuy bài viết sẽ nói nhiều về hệ Băng là chính nhưng cũng sẽ đi một chút về những khắc chế).

Hệ Băng với mình là một hệ có rất nhiều thứ thú vị để bàn nên mình sẽ tách nó ra làm hai phần, phần đầu sẽ là giới thiệu chung sơ qua và nói về những ảnh hưởng của nó trong 3 Gen đầu, còn lại sẽ là từ các Gen 4-8 (nếu để trong 1 bài thì sợ dài quá đọc chán). Giờ… chúng ta bắt đầu nào <(“).

Một chút thông tin cơ bản về hệ Băng

Với những ai đã từng chơi dòng Pokémon rồi thì ắt hẳn sẽ nhớ rằng hệ Băng một thời (từ Gen 1-5) là hệ khắc chế cứng của những Pokémon hệ Rồng. Và cũng phải thôi, vì hệ Rồng thường được những nhà huấn luyện Pokémon gần cuối game sử dụng. Những cái tên như 3 con Dragonite của Lance, át chủ bài Garchomp của Cynthia, hay Iris của Black 2/White 2 đã gây được những ấn tượng dài lâu trong lòng các game thủ.

Ngoài việc ăn thịt hệ Rồng, hệ Băng cũng có khả năng hủy diệt những hệ khác như hệ Bay, hệ Cỏ và hệ Đất với những tuyệt chiêu như Chùm Tia Băng (Ice Beam), Phi Băng Đá (Ice Shard), Răng Nanh Băng Giá (Ice Fang) và Giáng Trụ Đá (Icicle Crash). Và lượng sát thương của chúng cũng chẳng phải dạng vừa nên có thể nói rằng, những chiêu thức hệ Băng nằm trong những loại chiêu dùng lúc nào cũng ổn, được rất nhiều nhà huấn luyện tin dùng. Nếu bạn may mắn thì những chiêu này có thể khiến đối thủ rơi vào trạng thái “bị đóng băng” nữa, thốn vô kể =)) (tỉ lệ là 10%).

Articuno+|+Ice+Beam+by+ishmam.deviantart.com+on+@DeviantArt (With ...

Sức mạnh của những tuyệt chiêu hệ Băng là không thể phủ nhận được

Tôi khuyên anh em thật là nếu con Pokémon của bạn có thể học được thì đừng ngại gì mà dành 1 move slot cho nó và số lượng Poké học được cũng không phải là ít. Các nhà phát hành game cũng chẳng dại gì khi họ làm những điều kiện sở hữu TM cho Ice Beam khá đắt đỏ chứ nếu có chiêu này dễ dàng quá thì nó có thể khiến walkthrough của bạn quá dễ dàng.

Nếu xét theo chỉ số của những con Pokémon, hệ Băng có lượng máu trung bình cao thứ nhì (chỉ sau hệ Rồng) và những chỉ số còn lại luôn nằm trong top 10. Hệ Băng cũng là hệ có ít số lượng Pokémon nhất, thua cả hệ Tiên mới được giới thiệu ở bản X/Y. Hệ Băng cũng miễn nhiễm với việc “bị đóng băng”, và không hề dính sát thương từ trạng thái Mưa Đá (Hail) nên nếu bạn muốn có một chuyến đi bớt ức chế ở những danh lam thắng cảnh như Núi Shirogane (Mt.Silver) hay Thành phố Kissaki (Snowpoint City) thì cũng đừng ngại cho một bé hệ Băng vào team.

Cái này thì tùy cảm nhận từng người (và hơi ngoài lề chút) chứ với tui thì những thủ lĩnh nhà thi đấu hoặc Tứ Thiên Vương hệ băng nữ đều toát ra một vẻ rất là tinh tế =))).

Những thủ lĩnh nhà thi đấu/Tứ Thiên Vương sử dụng hệ Băng

Những thủ lĩnh nhà thi đấu/Tứ Thiên Vương sử dụng hệ Băng từ Gen 1-6

Nhưng cái gì trên đời cũng có hai mặt của nó, và đáng buồn thay, hệ Băng sở hữu rất nhiều yếu điểm, như việc bị chặn đứng bởi hệ Thép và hệ Nước – hai hệ được thấy rất nhiều vì vai trò Tanker của chúng. Và nếu Pokémon của bạn có hệ Băng thì những chiêu thức hệ Giác Đấu, Lửa, Đá và Thép sẽ chẳng ngần ngại gì mà hủy diệt bạn cả, và những chiêu thức có các hệ trên cũng thuộc dạng thường thấy như Đá Ngầm (Stealth Rock), Phóng Hỏa (Flamethrower)

Và xét về khả năng phòng thủ, mặc dù các chiêu thức có thể gây gấp đôi sát thương với các hệ đã kể ở trên nhưng… hệ Băng chỉ nhận một nửa sát thương từ chính nó và không hệ nào khác (nếu nó có thể tank được mấy chiêu thức từ hệ Rồng hay gì gì thì đã hay). Điều này có nghĩa rằng hệ Băng phòng thủ tệ như hệ Thường, nhưng bét ra hệ Thường còn miễn nhiễm với hệ Ma chứ không như này :<
(tuy nhiên có vài combo hệ cũng đã giải quyết các vấn đề như hệ Băng/Nước, Băng/Rồng, Băng/Đất chứ hệ Băng chay thì thật sự yếu).

Nên nếu bạn muốn tóm tắt lại thì: hệ Băng là một trong những hệ tấn công mạnh nhất, nhưng vì phòng thủ của nó như quần què nên hầu hết các Pokémon hệ Băng thường được cho là yếu.

Giờ chúng ta sẽ bàn về những điểm tốt và khó khăn mà hệ Băng đã trải qua các Generation của Pokémon.

Generation 1 (Pokémon Red/Blue/Yellow/Stadium)

Vào thuở sơ khai của Pokémon, trước sự ra đời của hệ Thép phiền toái và trước khi hệ Lửa có thể chống chịu được nó, các chiêu thức hệ Băng gần như con Pokémon top tier nào thời đấy cũng phải học được vì Gen 1 có cơ chế “bị đóng băng” khá thốn. Nếu bạn không sở hữu chiêu Xa Hỏa Luân (Flame Wheel) để tự giải thoát cho mình hoặc đối thủ không dùng bất kỳ chiêu hệ lửa nào hoặc chiêu Mây Mù (Haze) thì xác định là Pokémon của bạn sẽ bị đóng băng tới chết. Do hai điều kiện trên thường không bao giờ thấy nên chắc bạn cũng tưởng tượng được độ nguy hiểm của nó thế nào =)).

File:Freeze Stad.png

Thấy cảnh này xác định là chào thân ái và quyết thắng rồi…

Ở bản Pokémon Red và Blue gốc bên Nhật, tỉ lệ đóng băng nó là 30%, GẤP BA so với thông thường đó (tuy đã được sửa ở các bản quốc tế sau đó), nên nếu có ai có thể quay ngược thời gian hoặc hỏi những người đã tham dự các giải đấu Pokémon hồi đó thì chắc chắc sẽ thấy rằng hai chiêu Chùm Tia Băng với Bão Tuyết (Blizzard) là hai thế lực làm trùm.

Nếu bạn có hỏi “Tại sao lại có chiêu Bão Tuyết ở đây, tưởng nó khó trúng lắm cơ mà?” thì xin thưa rằng ở Gen 1, chiêu Bão Tuyết có tỉ lệ trúng là 90%, và nếu ai thích liều ăn nhiều thì sẽ chọn nó để gây 120 sát thương thay vì 95 của Chùm Tia Băng. Dù có mang danh làm Á Huyền Thoại đầu tiên nhưng Dragonite gần như chẳng ai thèm để ý tới vì nó quá yếu thế trước các chiêu thức này. Mình thật sự cũng khá bất ngờ về điều này khi bắt đầu nghiên cứu.

Những con Pokémon hệ Băng nổi tiếng nhất thời đó là Cloyster (với khả năng dùng chiêu Kẹp Vỏ (Clamp) để khóa chặt đối thủ hoặc Bùng Nổ (Explosion)), Articuno (với khả năng xả Blizzard đau nhất có thể), Lapras (do tank và học được nhiều chiêu thức) và cuối cùng là Jynx (với chiêu Nụ Hôn Ma Quái (Lovely Kiss) để làm đối thủ ngủ). Khắc chế thì cũng không phải quá khó khi chỉ cần một con Poké với khả năng phòng thủ Special cao như Starmie, Chansey có thể khiến những chiêu này gục ngã hoàn toàn.

Generation 2 (Gold/Silver/Crystal/Stadium 2)

Sang Generation 2 thì có lẽ điều đầu tiên phải nhắc tới chính là cú Nerf cực mạnh dành cho chiêu Bão Tuyết, khi độ chính xác giảm mạnh từ 90% xuống chỉ còn 70% như chúng ta thường thấy, và vì sự thiếu ổn định này nên chỉ còn mỗi Chùm Tia Băng là được dùng nhiều.

Nếu nói về Pokémon hệ băng thì Cloyster vẫn là một thế lực phải coi chừng, không những có thể dùng chiêu Rải Đinh (Spikes) – một trong các chiêu thức khá cần thiết nếu bạn định đánh lâu dài (và cũng là một phần không thể thiếu khi bạn định học đánh một cách nghiêm túc để thi đấu), và Bùng Nổ vẫn rất khét. Vòng Xoay Siêu Tốc (Rapid Spin) cũng là một chiêu thức quan trọng của Cloyster vì nó giúp dọn dẹp những cái gai bên sàn đấu của mình.


Ngoài ra, cái tên Piloswine cũng đã xuất hiện, với Typing tốt và khả năng sử dụng những chiêu mạnh như Động Đất (Earthquake), Nguyền Rủa (Curse) và combo Ngủ Nghỉ Mê (Rest + Sleep Talk).

Favourite Ground Type - Piloswine | Pokémon Amino

Generation 3 (Ruby/Sapphire/Emerald/Colosseum/Gale of Darkness)

Nhắc đến Băng là phải nhắc tới Mưa Đá và sang Generation 3 thì cuối cùng chiêu Bão Tuyết cũng đã có liều thuốc chữa cho nó, luôn luôn trúng dưới thời tiết này. Chỉ đáng buồn là… ngoài cái lợi ích đó ra thì những điều kiện thời tiết khác như Mưa, Bão Cát (Sandstorm) và Nắng Gắt (Harsh sunlight) đều đem lại nhiều lợi ích hơn…

File:Hail XD.png

Bão Cát gần như thay thế Mưa Đá hoàn toàn, vì không những cả hai đều gây sát thương sau mỗi lượt, nhưng thay vì chỉ có một hệ miễn nhiễm sát thương như Mưa Đá thì những con Poké hệ Đất, Đá và Thép hoàn toàn vô sự trước cơn bão này. Không những thế, những con Pokémon khác đều có khả năng tự dựng thời tiết cho team mình như con quái vật Tyranitar với khả năng Gọi Cát (Sand Stream), Groudon với khả năng Hạn Hán (Drought)Kyogre với Mưa Phùn (Drizzle) ngay khi mới vào sân còn Mưa Đá thì… chưa được như thế, và bạn phải mất một lượt để set up.

Tuy không phải lúc nào cũng được dùng Kyogre với Groudon (vì chúng là Pokémon Huyền Thoại nên bị cấm ở vài chỗ như Biên Giới Giao Đấu) để set up nhưng Mặt Trời Chiếu Sáng (Sunny Day) hay Vũ Điệu Mưa (Rain Dance) có thể được học bởi những con Pokémon tốt hơn như Ludicolo chẳng hạn – vì hệ của nó, và cũng có rất nhiều khả năng combo cực tốt như Thanh Thoát (Swift Swim) + Mưa hay Diệp Lục (Chlorophyll) + Nắng.

Và cũng dễ hiểu phần nào về việc tại sao Hệ Băng chưa có gì vì xứ Hoenn được dựa trên hòn đảo Kyushu của Nhật, nơi có những bãi biển đẹp chứ không phải những ngọn núi băng trượt tuyết lạnh giá =)).


Bản đồ của Hoenn đậm chất nhiệt đới thế này cơ mà

Tuy thế, Gen 3 cũng đã cho ta những con Pokémon hệ Băng khá là máu mặt. Đầu tiên là Walrein, một con hải cẩu khá trâu nhưng khá buồn là con này rất dễ bị lãng quên vì Swampert (một con starter dễ kiếm) gần như tốt hơn về cái typing của nó, tuy nhiên có cái Ice Beam gây thêm 50% có thể quyết định giữa việc bạn có thể one shot được đối thủ hay không lúc cần.

Sau đó là Regice – một bức tường băng khó tan chảy. Sở hữu một chỉ số Sp.Def khủng bố 200, nếu bạn không có một chiêu thức hệ Đá hay Thép thì sẽ khó lòng mà vượt qua nổi nó. Kể cả những tuyệt chiêu hệ lửa có phần khắc chế như Ngọn Lửa Hình Chữ Đại (Fire Blast) cũng chưa chắc đã one-shot nổi nó. Tính giảm stat ư? Clear Body sẽ cười vào mặt bạn. Sp.Atk cũng khá cao, nên nó có thể tận dụng Ice Beam và Thunderbolt để trả các cháu về bóng.

Regice by ShawnnL on DeviantArt

Regice

Tuy vậy, với lượng máu ít ỏi chỉ có 50 và không có khả năng tự hồi phục như Starmie, những thứ như Bão Cát, hiệu ứng Độc hay đối thủ có rải gai ra có thể khiến Regice cực phế. Chính vì những điều này nên con quái vật Tyranitar – một con Poké được thấy rất nhiều ở Gen 3 có thể khiến bất cứ ai dùng Regice phải đau đầu với những quả Rock Slide. Việc có một con Poké có thể dùng Vòng Xoay Siêu Tốc khá quan trọng, nên Cloyster hay Forretress là những người bạn tốt.

Hiện bài viết xin phép được dừng tại đây, hẹn gặp các bạn tại kỳ sau khi mình giới thiệu về hệ băng ở các vùng đất khác như Sinnoh, Unova, Kalos, Alola và Galar nhé!!!

p/s: Những tên dịch của các chiêu thức là mình lấy từ những nguồn chính thức (Manga, Wiki…) chứ không dám tự dịch, nên mong là anh em không kêu tại sao dịch như này. Và mình dịch cho vui, và dành cho ông nào không thích đọc tiếng Anh nhiều quá và đọc bộ truyện Pokémon đặc biệt nếu không chơi game <(“).

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • mipu125 - 31.08.2020

    con lapras gen 2 Hệ băng thì nên cho học HM gì nhỉ bạn ơi? Mình mới chơi nên ko rành lắm


    • Trick - 31.08.2020

      Từ Gen 1-6 khi còn HM thì nên cho học những cái như Surf vì ngoài việc luôn luôn xuất hiện cùng chiêu đó trên các media khác nhau như poster, anime thì Surf dùng Sp.Atk nên Lapras rất quý nó