Rogue Company | Hi-Rez muốn có chỗ đứng cần cố gắng nhiều hơn

Khách mới

  

Được phát triển bởi Hi-Rez Studios, Rogue Company là một game bắn súng phối hợp đồng đội góc nhìn thứ ba trên PS4, Xbox One, Switch, và PC. Game sẽ được phát hành dưới dạng free-2-play bán vật phẩm, hoặc có thể mua gói Founder’s Edition 15$ để được chơi sớm hơn. Rogue Company ổn, đủ tốt, không có gì quá tệ nhưng đồng thời cũng không có gì quá đột phá. Khi chúng ta có quá nhiều game bắn súng trực tuyến tuyệt vời để chơi trên gần như mọi nền tảng, liệu chúng ta có cần thêm một Rogue Company?

“Được lấy cảm hứng mạnh mẽ từ…”

Ví Rogue Company như một bé bi Frankenstein cũng không có gì sai. Game có các lớp nhân vật được gọi là Rogue đi kèm các kỹ năng riêng biệt, điều này làm nhớ đến Overwatch, Paladins. Game chơi ở góc nhìn thứ ba và đội của bạn được thả từ trên máy bay xuống, khó tránh khỏi liên tưởng tới các game battle royale. Bản đồ là tập hợp của địa hình thay đổi độ cao liên tiếp, những dải hành lang hẹp nhiều góc chết và vô số chướng ngại vật đặc trưng của R6 Siege. Bạn có chế độ chơi mà một đội cố gắng cài bom còn một đội chạy nháo nhào kiếm bom để gỡ kinh cmn điển…

Một số nhân vật trong Rogue Company (Nguồn: HardForum)

Như vầy còn hỏi sao lại bị so sánh với người khác (Nguồn: DBowie.SGN)

Hiện nay, việc học tập cái hay từ những tựa game khác không có gì là xấu. Một tựa game về bản chất không có gì original chưa chắc là một tựa game tệ. Tuy nhiên màn trình diễn của Rogue Company lại không mấy thuyết phục. Cảm tưởng Hi-Rez chỉ lấy nguyên liệu chỗ này một chút, chỗ kia một chút rồi đắp lên thành sản phẩm, chứ không tốn công nhào nặn là bao.

Hệ thống item chưa đến nơi đến chốn

Việc mua sắm đồ chơi sẽ được thực hiện ở đầu mỗi round tương tự CSGO. Tuy nhiên, Rogue Company đã đơn giản hóa quá trình này. Thay vì tự do mua bất kỳ vũ khí gì bạn thích, mỗi nhân vật ở RoCo được mặc định một bộ vũ khí không thể thay đổi. Đơn giản hóa đồng nghĩa hạn chế sự linh động của người chơi. May mắn thay game cho phép nhặt vũ khí của đồng đội hoặc kẻ thù đã chết, giúp bạn có nhiều lựa chọn hơn khi cần.

Vũ khí có thể mở khóa và nâng cấp trong suốt trận đấu. (Nguồn: DBowie.SGN)

Vũ khí trong Rogue Company chia ra làm nhiều loại: pistol, assault rifle, heavy machine gun, SMG, sniper rifle, melee, lethal… Mỗi loại súng được gắn các chỉ số quen thuộc như tầm bắn, sát thương, tốc độ bắn, thời gian nạp đạn. Nghe qua thì có vẻ hay nhưng việc bạn cầm trên tay một khẩu assault rifle hay vác bên người heavy machine gun lại chẳng mấy khác biệt. Súng bắn không có độ nặng, dễ aim, độ giật có cho vui, đạn dược lại thoải mái thành thử việc bắn súng trong RoCo không căng thẳng lắm. Kéo theo việc lượm súng của người chơi khác, như đã nói ở trên, cũng chẳng đem lại ý nghĩa gì.

Ngoài ra, Hi-Rez đưa vào Rogue Company hệ thống các perk giúp người chơi tăng khả năng sinh tồn. Thay vì để người chơi tự do lựa chọn các perk tùy thuộc vào lối chơi, Rogue Company “khóa cứng” một bộ perk duy nhất cho mỗi nhân vật. Sáng tạo hơn nữa, các nhân vật lại có bộ perk na ná nhau. Các hiệu ứng perk khi thể hiện trên chiến trường không mấy rõ ràng. Đâm ra việc có mua perk hay không chẳng quan trọng. Một sự học tập chưa đến nơi đến chốn.

Cân bằng ở các bộ kỹ năng chưa đủ tốt

Rogue Company cho phép người chơi dùng kỹ năng thoải mái không bị giới hạn số lượt. Các kỹ năng khá đa dạng hồi máu cho đồng đội, tạo điểm phòng thủ, tự hồi sinh, phun độc, búng tay quét full bản đồ để phát hiện kẻ địch… vô cùng quen thuộc. Những kỹ năng có thời gian hồi phục tương đối ngắn, đủ để mỗi round đấu cast skill được 1-2 lần.

Đa phần các kỹ năng đều có đất diễn trên chiến trường. Không có kỹ năng nào quá lép vế nhưng cũng không có cái nào quá vượt trội.

Tuy nhiên, một số kỹ năng tỏ ra quá vượt trội trong việc hỗ trợ team, gây chút lấn át khi đối đầu với một team có những bộ kỹ năng nghiêng về hỗ trợ cá nhân. Sau hơn 20 giờ chơi, mình chưa chứng kiến bất kỳ nỗ lực cá nhân nào đem lại thành công dù cho kỹ thuật của người chơi đó có xuất sắc cách mấy.

Bên cạnh đó, một số khả năng nội tại (passive) lại trùng với tính năng một số perk dẫn đến tình trạng tuy 2 nhân vật khác nhau nhưng sở hữu những lợi thế giống nhau, hoặc một nhân vật hỗ trợ teamwork rất tốt đồng thời khả năng sống sót được tăng cao.

Một số nhân vật có bộ kỹ năng cực kỳ phù hợp cho teamwork (Nguồn: DBowie.SGN)

Ở nơi địa hình quá trống trải, dựng shield tạo điểm ke góc (Nguồn: DBowie.SGN)

Ở RoCo, không tồn tại cái gọi là “tuyệt chiêu cuối”. Những pha cân bản đồ “mình tao chấp hết” khi một ai đó bật ulti và lên đồng phải nhường chỗ cho kỹ năng phối hợp đồng đội nhiều hơn. Mình rất là không thích điều này. Hoàn toàn tước mất đi tính đột biến trong cuộc chơi.

Bản đồ và các chế độ chơi có chút vấn đề

Rogue Company có tận 8 bản đồ và 2 chế độ chơi để người chơi tung hoành.

Demolition là chế độ đặt bom quen thuộc mọi người hay chơi từ trước tới nay. Không cải tiến, không mắc công thời gian tìm hiểu. Game không có skill riêng để tăng tốc độ gỡ bom hay mua Defuse Kit như CSGO.

Strikeout là biến tấu của chế độ Team Deathmatch. Mỗi đội được chia cho 12 mạng (ticket/lives), trừ dần vào số lần respawn của các thành viên trong team. Thành viên trong team được respawn thoải mái trong giới hạn 12 mạng đó. Bên nào bắn hết 12 mạng của đối phương trước thì thắng.


Tương lai sẽ có thêm chế độ Extraction và Wingman (2 vs 2). Game hiện chưa mở đánh rank xếp hạng. Nói chung, chế độ chơi game không có gì nổi bật để bàn đến.

Lộ hết rồi, núp làm gì nữa (Nguồn: dasMEHDI)

Bản đồ trong game có quy mô nhỏ, địa hình thay đổi độ cao liên tiếp, nhiều chướng ngại vật, các dải hành lang hẹp nhiều góc khuất nhằm mục đích bắt người chơi phải thận trọng hơn trong việc di chuyển.

Nảy sinh mâu thuẫn khi Rogue Company đi theo hướng bắn súng góc nhìn thứ ba vô tình phản tác dụng với cách thiết kế bản đồ. Một số chỗ bạn chỉ cần nhích nhẹ camera là quan sát trọn góc khuất. Và bao nhiêu hàng họ, cài cắm, núp lùm, đánh úp của hai bên lộ sạch sành sanh.

Cross-play và tối ưu tốt

Một trong những yếu tố khiến RoCo được chú ý nhất là nó hỗ trợ full cross-play và cross-progression trên tất cả hệ máy. Xét việc nhiều gã khổng lồ khác thậm chí chưa có cross-play dù ra mắt đã lâu, đây là điều khá đáng khen của RoCo. Đồ họa siêu nhẹ cũng là ưu điểm của game. Game duy trì ổn định mức frame-rate 60 fps trên một cấu hình đuối nhẹ như Nintendo Switch.

Hỗ trợ chơi chéo và đồ họa đủ tốt cho mọi hệ máy là điều Hi-Rez làm quá tốt từ trước đến nay, tuy nhiên, việc đó chỉ quan trọng nếu bạn có một trò chơi đáng chơi trên nhiều hệ máy. Điều này lại không đúng lắm với Rogue Company ở thời điểm hiện tại.

Cơn ác mộng crash game

Crash game nguyên một team (Nguồn: DBowie.SGN)


Có lẽ thất bại lớn nhất của Hi-Rez trong ánh mắt gamer là dù cho có phát hành bao nhiêu game đi nữa thì sự thiếu ổn định của server vẫn luôn tồn tại.

Bạn hẳn đã đọc được nhiều bài viết về vấn đề crash game, người chơi bị đá văng ra khỏi room, không re-join match đang dang dở sau khi crash… xảy ra liên tục, game nào cũng có và thật đáng quan ngại khi RoCo cũng mang vấn đề khó chịu này đến cho người chơi. Cần nhấn mạnh là không chỉ người chơi trên Switch gặp “xui xẻo” do Switch có cấu hình kém, mà là một lượng lớn người chơi trên các hệ máy khác phản hồi họ cũng gặp những vấn đề tương tự rất nhiều lần.

Bên cạnh việc làm mọi người hào hứng về các bản cập nhật bổ sung tính năng mới, người chơi giờ đây bông đùa với nhau “Liệu bản cập nhật lần này có bị lược bỏ “tính năng” crash game hay không?” Không bao giờ!

Kết

Tô mì gõ có mấy miếng bò viên mỏng dính là một món đủ ngon, rẻ tiền, không hào nhoáng cho những khi đói lòng, lúc quá lỡ độ đường hoặc những hôm mỏi mệt việc bếp núc, kiếm gì ăn cho xong bữa. Tuy vậy, người ta vẫn sẽ chọn tô mì vịt tiềm có đám cải xanh rờn đi kèm đùi vịt bóng lưỡng béo ngậy khi cần điền vào ô Món ăn yêu thích trong profile mạng xã hội.

Thế giới năm 2020 với các “ngáo ộp” Overwatch, Fortnite và Valorant, một trò chơi chỉ tốt thôi có lẽ là chưa đủ. Bạn cần một cái gì đó đáng nhớ. Một tố chất đặc biệt hoặc đặc điểm gì đó mang tính bước ngoặc. Tiếc thay, Rogue Company hiện tại chỉ như một tô mì gõ ngon lành nhưng không có chỗ trên bàn tiệc.

Trong một thế giới có kẻ sẵn sàng đem “dead game” lên hoang đảo, liệu có chỗ cho một màn trình diễn nhàn nhạt như Rouge Company??? (Nguồn: screen capture từ Youtube channel Hiệp Sĩ Bão Táp)

Yakumo阮全

Yakumo阮全

Khách mới

  

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện