Đánh giá Timelie – Hành trình khám phá bí ẩn

Lưu ý: bài viết đã bỏ qua một số chi tiết trong gameplay để tránh tiết lộ cốt truyện của game.

Thời gian là một khái niệm để chỉ trình tự diễn ra của một hay nhiều sự việc và sự kiện, ý thức về thời gian không chỉ có ở con người mà còn là ở những loài động vật. Từ đó ta có thể thấy thời gian là một trong những thứ con người chưa thể nào tác động được và với ham muốn tìm tòi hay nói “nặng nề” hơn là chiếm đoạt của mình thì “thời gian” chính là thứ con người ước muốn được điều khiển và tác động nhất. Vì vậy việc được điều khiển, thậm chí là thay đổi thời gian dễ dàng mang đến cho người chơi cảm giác thú vị và không bao giờ chán và Urnique studio đã tận dụng rất tốt điều này để tạo nên một tuyệt phẩm có thể sánh vai với cái tên tuổi huyền thoại của làng game độc lập như Celestial, The Witness, Far: Lone Sails,…

Timelie là tựa game đầu tay của Urnique studio. Mang phong cách giải đố, hành động lén lút, cùng với chú mèo và năng lực điều khiển thời gian của mình người chơi sẽ phải phá giải những câu đố hóc búa của trò chơi. Là một game thủ đam mê những tựa game độc lạ và đặc biệt là đến từ những nhà phát triển game độc lập. Hôm nay mình sẽ chia sẻ những trải nghiệm vô cùng thú vị của mình với tựa game Timelie nhé. Và it rewind time!

Bối cảnh: Hành trình bắt đầu

Timelie diễn ra ở một thế giới kỳ lạ, có lẽ là một tương lai rất xa và mang yếu tố “phản địa đàng” khi những khu vực được liên kết với nhau bằng những cánh cổng dịch chuyển, không gian xung quanh thì u tối với những chiếc máy tính chạy không ngơi nghỉ chứng tỏ từng có sự xuất hiện của con người, những khối kiến trúc vuông vức lơ lửng kỳ lạ, và đặc biệt nhất là những robot canh phòng nguy hiểm. Bạn, nhân vật chính là một cô gái bé nhỏ tỉnh dậy trên giường với năng lực điều khiển thời gian và không hề có ký ức và bắt đầu hành trình đi tìm bí ẩn ở thế giới lạ lùng này.

“Tôi là ai? Đây là đâu? Cánh cổng kia sẽ dẫn tôi đến đâu?”

Đồ họa: Học hỏi từ đàn anh đi trước

Urnique studio đã làm rất tốt trong việc thiết kế màu sắc và ánh sáng cho Timelie. Khi nhìn vào Timelie người ta có thể dễ dàng hiểu được cơ chế hoạt động của từng sự vật trong game như cánh cửa, tấm cảm biến hay bản điện tử. Phong cách kiến trúc của game cũng là một điểm cộng khi game sử dụng chủ nghĩa thô mộc, một lối kiến trúc vuông vức dễ dàng tạo ra những cảm giác ngột ngạt và chính lối kiến trúc này đã tạo một chiều sâu nhất định cho thế giới tối tăm của Timelie cùng với đó là bổ trợ cho những ánh sáng neon bằng cách tán xạ chúng ra môi trường xung quanh.

Điều đáng khen cuối cùng của Timelie chính cách phối và pha màu khi sử dụng màu cho môi trường và các vật thể, mà có lẽ là học tập từ tựa game cũng theo lối kiến trúc thô mộc Control. Ở vài trường đoạn trong Control màu sắc dùng để truyền tải thông điệp đến người chơi tuy rõ ràng nhưng đến mức quá đà khi không gian bao trùm một màu đỏ quá “bức bối” dẫn đến sự khó chịu quá mức không cần thiết. Và tất cả những điểm yếu nhỏ nhoi ấy đã được khắc phục một cách triệt để và mang đến một nền đồ họa đẹp lạ mắt và vô cùng ấn tượng.

“Màu sắc là một điểm mạnh của Timelie”

Âm thanh: số lượng vừa đủ và hoàn hảo về chất lượng

Âm nhạc trong game hay phim đều là những phương thức để nhà sản có thể sử dụng để tăng cường cảm xúc của người chơi và những bạn trẻ ở Urnique studio đã làm rất tốt ở mảng này. Đầu tiên là về âm nhạc, Timelie có rất nhiều bản soundtrack hay và tuyệt hảo như bài hát No Last Eternity, The Truth of Freedom, Timelie Theme,… Từng bài nhạc đều được sử dụng rất đúng thời điểm để đẩy cao cảm xúc của người chơi, khi đến cuối chặn đường bản nhạc No Last Eternity vang lên mọi thứ dường như vỡ òa và vô số cảm xúc sẽ trộn lẫn vào nhau tạo lên một cảm giác mà đến 1-2 tuần sau mình vẫn chưa thể quên được.

Tiếp đến là về âm thanh trong môi trường. Timelie tuy có rất ít những âm thanh trong môi trường nhưng đó là vừa đủ vì chỉ có một cô gái và một chú mèo cùng với vài người máy canh phòng bạn mong chờ gì hơn chứ? Tuy ít là vậy nhưng mỗi âm thanh đều rất chất lượng từ tiếng mèo kêu, tiếng cửa mở, và âm thanh của hiệu ứng quay ngược thời gian… đều mang lại những trải nghiệm vừa đủ không thừa cũng không thiếu.

GamePlay: Thân thuộc và mới mẻ

Giải đố: Thân thuộc

Như đã nói ở phần đầu của bài viết, tuy năng lực “điều khiển thời gian” là xương sống, là cốt yếu của Timelie, việc có kết hợp yếu tố ấy mượt mà với gameplay giải đố hay không sẽ là một thử thách khá khó khăn với những Studio còn non trẻ như Urnique. Vì thế chúng ta sẽ bắt đầu với yếu tố đầu tiên của tựa game: Giải đố. Những câu đố của Timelie là một chuỗi các hành động của những Robot canh phòng và sẽ có thể thay đổi hoặc bị người chơi tác động. Nhiệm vụ của bạn là phải điều khiển nhân vật chính tránh khỏi sự truy đuổi của các robot và tìm cánh cổng dịch chuyển màu trắng để đi đến câu đố tiếp theo. Nghe qua thì có vẻ đơn giản khi việc bạn cần làm là lẩn trốn đám robot với tầm nhìn hạn chế và di chuyển theo con đường đã định sẵn. Nhưng không, các hành động của bạn như đóng/mở một cánh cửa đôi khi cũng sẽ ảnh hưởng đến bước đi tiếp theo của robot nhưng điều đó sẽ chỉ tạo ra hữu hạn biến số cho từng hành động của người chơi vì đường đi của robot đã được lập trình sẵn và chỉ chờ được người chơi mở lối mà thôi.

“Chào em! Anh chờ em mở cửa từ chiều”

Năng lực: Mới mẻ

Trở lại với yếu tố đã nhắc đến lúc nãy đó là năng lực điều khiển thời gian. Trong timelie thời gian được biểu thị qua một thanh dài như một thanh thời gian trong một trình phát nhạc, người chơi có thể tua nhanh hoặc tua ngược lại vì nhiều mục đích khác nhau. Nói sâu hơn về năng lực điều khiển thời gian này không hoàn toàn là điều khiển, đó là một dạng của việc nhìn trước tương lai, có thể lấy ví dụ từ tựa game Katana Zero. Các samurai đều được sử dụng huyết thanh để tạo ra khả năng nhìn trước tương lai và họ có thể tiên đoán từng đường đi, nước bước của mình và đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ 100%. Chính nhờ khả năng này người chơi có thể thử nghiệm từng bước đi, từng kế hoạch của mình để đánh lừa những robot hoặc chỉ đơn giản là xem quỹ đạo di chuyển của chúng, từ đó vạch ra nước đi phù hợp nhất. Nhưng năng lực điều khiển thời gian – nhìn trước tương lai chỉ là năng lực yếu nhất của cô bé.

“it’s rewind time!”

Hồi phục và phá hủy

Tiếp đến là năng lực phá hủy và hồi phục đồ vật. Để có thể sử dụng các bạn phải có một điểm năng lượng, để có các điểm này các bạn chỉ cần nhặt vì nó được bố trí một cách có chủ đích trong level. Với năng lực này bạn có thể sửa chữa những đoạn đường, cầu bị gãy để tiếp tục hành trình của mình hoặc vô hiệu hóa những robot đứng canh ở những vị trí quan trọng từ đó giúp quá trình giải đố của bạn được dễ thở hơn. Còn một loại điểm năng lực đặc biệt nữa đó là điểm màu tím, nhặt những điểm này sẽ lập tức reset lại thời gian của level cùng lúc đó là sửa chữa một câu cầu hoặc đoạn đường, tạo ra lối đi mới cho cả Robot và người chơi, mình sẽ nói sâu hơn về năng lượng màu tím ở phần sau.

Bé Mèo: Trợ thủ bốn chân

Từ ảnh bìa của trò chơi ta đã thấy đồng hành cùng cô gái còn có một chú mèo, đây là một trợ thủ đắc lực của chúng ta, giúp ích ta rất nhiều trong chặng đường khó khăn phía trước. Nhờ có thể chạy nhanh và len lỏi trong những đường ống hẹp cùng với tiếng kêu của mình, bé mèo sẽ thu hút sự chú ý của những robot, tạo khoản trống cho người chơi di chuyển. Ngoài ra Mèo còn có thể đạp những miếng cảm biến để mở cửa và là người bạn đồng hành duy nhất của nhân vật chính.

“Lừa nó cho chị mèo ơiii”

Điểm tinh tế:

Với năng lực thao túng thời gian và “người bạn nhỏ bốn chân” của mình, hạn chế về khả năng phá giải câu đố của game đã dường như bị phá. Với năng lực điều khiển thời gian đã đủ để tạo ra vô số các biến số trong quá trình chơi, thêm vào đó là bé Mèo và năng lực vô hiệu hóa Robot, có thể nói mỗi màn chơi của mỗi người chơi trên thế giới sẽ luôn có lớn hơn một sự khác biệt. Có thể là về bước đi, có thể là về cách điều khiển mèo để đánh lừa hoặc làm phân tâm lũ Robot. Giới hạn chỉ nằm ở trí tưởng tượng của bạn và cả số lượng thời gian.

Bạn nhớ về thanh thời gian mà bạn có thể tua chứ? Đó cũng là thời gian bạn có thể nhìn trước được, vì vậy các biến số là vô hạn nhưng các nước đi là hữu hạn. Cơ chế này vừa có thể hạn chế sự bá đạo của năng lực điều khiển thời gian vừa có thể đặt ra cho người chơi một mục tiêu cụ thể để phấn đấu như việc tốn ít thời gian nhất để hoàn thành một level. Và điểm tinh tế cuối cùng có lẽ là về hiện tượng xuất hiện trong game mà mình tạm gọi là “Decay”. Nếu thanh thời gian chỉ giới hạn các nước đi một cách nhẹ nhàng thì “Decay” là một thứ khủng khiếp hơn khi nó liên tục ăn mòn các địa hình phía sau nhân vật chính. Nói cách khác nếu không có năng lực thời gian thì sai lầm là không được phép xảy ra khi chơi các level có sự xuất hiện của Decay. Một cách thúc ép người chơi hoàn thành màn chơi và tạo ra thêm sự căng thẳng, kịch tính nhưng đầy tinh tế và không như những màn chơi cuối mỗi chapter.


Điểm cần cải thiện: khác biệt nhưng…

Nhưng Timelie vẫn còn một số điểm chưa tốt mà mình sẽ nêu ra sau đây. Nếu ở những màn chơi bình thường thì những lựa chọn của bạn có thể là nhiều vô số kể thì đến những màn cuối của mỗi chapter (màn chơi sẽ xuất hiện những viên năng lượng màu tím) thì số lượng lựa chọn bị giảm đi đáng kể, vì dường như là không có cách nào để hoàn thành nếu không nhặt những viên năng lượng màu tím. Vì thế sự tự do ở những level trước mà game trao cho người chơi dường như bị tước đi. Tuy vậy đây vẫn là một chi tiết sáng tạo khá đáng khen, chỉ là nó quá đối lập với những thứ mà game đã trao cho người chơi từ đầu.

Cốt truyện: Bí ẩn chờ bạn khám phá

Cuối cùng là về cốt truyện của game. Timelie có một cốt truyện khá thú vị và cần khá nhiều não lẫn suy luận để tìm ra cốt truyện hoàn chỉnh vì game kết thúc với một cái kết mở và còn nhiều điều bí ẩn mà mình sẽ không spoil mà để phần trải nghiệm cốt truyện cho các bạn. Mọi người ai có giả thuyết về cái kết của game có thể cùng nhau thảo luận ở phần bình luận nhé.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện