Sự tinh tế trong những cái “cơ bản” của game

Khách quen

  

Hãy lấy một thể loại game bất kỳ đi, từ MOBA, FPS cho tới những tựa game đối kháng, chúng đều có những cái đơn giản và phức tạp riêng của mình. Khi xem những màn highlight đỉnh cao với những pha xử lý để đời, rất nhiều người xem sẽ nghĩ rằng: “Chà, mình cũng muốn một ngày làm được những thứ như vậy” và họ cũng muốn được thử và trải nghiệm những thứ như thế cho chính bản thân. Dưới đây là một trong những khoảnh khắc mà tôi nhớ nhất nếu nói về một màn trình diễn kỹ năng điêu luyện.

Con người luôn hướng tới những thứ hào nhoáng, như để thỏa mãn cái ham muốn khoe mẽ của mình, và tôi sẽ được cho là một người đạo đức giả nếu nói rằng “tôi không thế đâu” vì nói thật, tôi cũng khá muốn lũ bạn chơi cùng kêu ồ lên một cách đầy thán phục khi thấy mình chơi game hay chứ =))). Nhưng vấn đề ở đây không nằm ở cái ham muốn đó, nó chẳng sai, mà vấn đề tôi muốn đề cập tới trong bài viết này là về khía cạnh “thích múa máy quá”, dẫn tới “ảo tưởng sức mạnh”.

Một chút lan man về MOBA

Tôi có một thằng bạn, nó chơi Liên Minh Huyền Thoại cũng chắc giờ cũng phải trên 4 năm rồi. Ổng là một người “Vàng thâm niên”. Top ba tướng thông thạo cao nhất của ổng là ba cái tên quen thuộc trong làng múa may: Yasuo, Riven và Lee Sin. Nếu bạn chưa hề nghe về những vị tướng này bao giờ (vì bạn chơi DOTA, HOTS hay không hề chơi MOBA) thì chúng là những vị tướng có khả năng vô cùng cơ động, có thể bay nhảy đến mức khiến cho đối thủ chóng cả mặt khi cố dùng những kỹ năng định hướng. Chỉ cần tra nhanh trên Youtube có thể thấy hàng tấn clip nói về cách outplay.

 

Số người thích chơi thuộc dạng đông đảo, chiếm phần lớn của cộng động Liên Minh, khi nằm trong tay người chơi giỏi có thể khiến cho đối phương muốn đập máy bỏ game nhưng đồng thời cũng có thể khiến đồng đội của những người đó chửi bới liên tục… Chắc khi chơi game đủ nhiều thì những cảnh như một thanh niên Yasuo thông thạo 7 có những pha xử lý vào lòng đất với K/D/A bằng âm thì chắc cũng không phải là quá hiếm gặp. Nhiều lúc bạn sẽ chẳng thể hiểu nổi tại sao hắn có thể lướt lên để trụ bắn hoặc nghĩ rằng mình có thể một đánh năm với không gì cả trong khi đối thủ ai cũng đã đủ đồ rồi… Cái này thì một người bình thường nào ngồi tỉnh táo nghĩ lại chắc sẽ nhận ra đây là một ý tưởng chẳng hề hay chút nào <(“).

Vào game là lắm ông cứ bấm khoe thông thạo đến đau cả tai…

Giờ thì, múa máy cũng không phải là một điều quá tệ. Rất nhiều người chơi rank thấp (tôi sẽ ước tính tạm là từ Sắt Đoàn cho tới Bạc đi) sẽ thua vì những điều họ chưa từng thấy bao giờ, nên họ cũng chả biết phải xử lý ra sao, và có thể khiến cho đồng đội bạn ping dấu “?” liên tục vì pha xử lý ngầu đó. Bạn tôi lại cực kỳ giỏi trong vụ này. Ổng có thể biến một con Kha’zix thành một con cào cào quái vật khi nhảy và giết từ đứa này sang đứa khác, hay khiến Lee Sin bay như siêu nhân với mấy cái combo Insec tốn bao tiếng trong phòng tập để nhào nặn…

Nhưng cũng chính vì việc thích làm thế quá nên nhiều lúc ổng sẽ quăng game chỉ để thỏa mãn việc mình chứ chẳng quan tâm tới thế trận game, và nhiều lúc ổng cũng kêu lên những thứ như “tao nghĩ tao tự outplay chính mình mịa rồi”, “múa thế này mà nó chưa chết à”, “tao nghĩ tao vừa phí Tốc Biến rồi”, “tao xem cái clip này có thằng này nó múa được như thế này sao mà tao lại không làm được chứ?”… Chắc chúng ta ai cũng có những khoảnh khắc như này rồi ha.

Tôi thì lại khác, biết rằng tay mình xử lý chẳng thể nào nhanh đến mức đó nên toàn chơi mấy tướng “đơn giản” như kiểu Garen, Udyr hay Tryndamere vậy. Những tên “đầu trâu mặt ngựa” này chắc chả cần tốn lâu quá để hiểu bộ kỹ năng của chúng hoạt động ra sao, và chúng cũng chả có cái gì “biến ảo” cả, vì chúng là những vị tướng đã có mặt từ thuở sơ khai của game (3 trong 40 vị tướng đầu tiên).

Thay vào việc tập trung làm thế nào để tướng mình hào nhoáng quá thì tôi cứ tập trung mấy cái như farm lính, giữ vị trí, đập đối thủ khi chúng đang dở tay đánh quái… và sau khoảng vài tháng, tôi cũng tới được hạng Bạch Kim 3 – một vị trí tôi nghĩ cũng chẳng phải quá tồi cho một người không dành quá nhiều thời gian tryhard cày cuốc liên tục ngày này qua ngày khác.

Nhiều lúc thấy cũng thật buồn cười khi mình chẳng làm gì bất ngờ mà đối thủ vẫn chết lăn quay ra như thường vậy =))). Việc một con Tryndamere chả làm gì ngoài việc bước lên bấm chuột phải vào mặt đối thủ theo đúng nghĩa để thắng khi đối thủ bên kia còn phải căn nhiều thứ khác nhau thật sự khá vui vì bạn chẳng cần quá nhiều não để thực hiện nó.

Và đối thủ cũng sẽ sớm nhận ra rằng (hoặc là không bao giờ XD) mình thua không phải vì vị tướng bên kia có gì mà họ không biết, mà họ đã thua từ mấy cái nhỏ lẻ chứ CHẮC CHẮN không phải do tướng bên kia mất cân bằng, lỗi hay gì cả :P. Có thể khi xem lại replay cũng chẳng có gì thú vị quá, có thể chê là tẻ nhạt cũng được vì chẳng có gì lóa mắt cả.

Game tuy có thể thay đổi liên tục do những bản cập nhật nhưng có lẽ, những trải nghiệm như này khó mà thay đổi được vì tôi nghĩ nếu sau này mình có chơi tiếp, mình vẫn sẽ thắng với những cái bấm chuột phải đơn giản đó ~~

Một chút lan man về game đối kháng

Giờ thì nếu nói về game đối kháng, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới “uầy nếu muốn chơi giỏi game thể loại này khó lắm vì mình phải combo thật dài hay tung ra mấy chiêu đặc biệt ngầu ngầu nhưng input thì lại khó dã man” thì tôi cũng chẳng thể phủ nhận được. Điều này có lẽ là một phần không thể thiếu được của thể loại game này.

Nếu bạn chọn những tựa game đánh nhau hot như Street Fighter, Mortal Kombat hay Tekken đi, mỗi cái đều có mấy cái combo dài khiến cho đối thủ tụt một núi máu nếu không cẩn thận, và những cái input “huyền thoại” như Raijin của Hayate bên Dead or Alive có thể khiến những người chơi phải “phát hoảng”, nhất là khi game đối kháng sẽ liên tục đưa bạn vào những tình huống mà việc input chiêu kịp thời sẽ gần như là “không thể” trừ khi bạn có phản xạ thành thần hoặc là… một cỗ máy giả làm người <(“).

Với những điều như này nên cộng đồng game đối kháng khó mà có thể to được như như những tựa game khác, mặc dù chúng xuất hiện sớm hơn rất nhiều so với mấy thứ như FPS hay MOBA.

Raijin của Hayate

Nhìn cái input quái vật này mà xem O.O


Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu qua hai tựa game đối kháng. Đầu tiên là Granblue Fantasy Versus – một tựa game được phát hành bởi Arc System Works, chuyên làm game đối kháng theo phong cách Anime. Tựa game này cũng có những chiêu đặc biệt, nhưng thay vì việc lúc nào cũng phải input đúng để dùng chiêu thì game cũng cho phép bạn tung chiêu đặc biệt với một tổ hợp phím cơ bản hơn rất nhiều, đổi lại là chiêu đó sẽ có cooldown (như khi dùng skill bên MOBA vậy). Điều mà mình thấy thú vị khi xem các pro đánh thì họ cũng sử dụng cả hai kiểu input đó. Việc gì phải mất công input chuẩn khi biết rằng chiêu của bạn trúng là chết hay lật kèo lại được đúng không? Chính điều này khiến tôi vô cùng thích tựa game này vì những cái lựa chọn mà nó có thể đưa ra cho người chơi.

Granblue Fantasy: Versus

Dưới thanh máu có các ô skill để biết cooldown của chúng

Được rồi, nếu bạn nghĩ như thế có vẻ vẫn là hơi quá vì game vẫn còn phải combo các thứ nữa thì tôi sẽ giới thiệu cho bạn một tựa game khác. Nó đơn giản đến nỗi bạn chỉ cần HAI NÚT để chơi, và nó không phải là gì khác ngoài… DIVEKICK.

Nếu bạn xem trailer trên và tự hỏi “mình đang xem cái ếu gì đây, sao nhìn nó đơn giản và ngớ ngẩn thế này” thì đây chính là DIVEKICK. Tựa game này nó loại bỏ hầu hết những thứ thông thường như combo, tuyệt chiêu đặc biệt, tag assist, đỡ đòn các thứ các thứ… và chỉ tập trung đúng vào một việc: nhảy lên và đạp vào mặt đối thủ để thắng với một hit duy nhất.

Nghe chừng đơn giản thế bạn có thể coi thường nó, cho rằng chơi nhảm cũng thắng được thì cũng không hẳn, vì nếu bạn phải đối mặt với một người lão làng trong các game đánh nhau như SonicFox hay Justin Wong, họ vẫn sẽ đánh bại bạn một cách đơn giản dù game nó dễ tới mức chỉ có hai nút nên bạn không thể nói rằng “tôi đánh game đối kháng thật kém vì tôi không thể nào làm mấy thứ combo các thứ các thứ”.

Điều khiển cho tựa game DIVEKICK

Đến cái điều khiển game nó cũng “phá cách” đến mức này


Tại sao ư? Vì họ là những người có kinh nghiệm lâu năm. Những thứ như giữ vị trí hay chọn lúc để tấn công xem chừng như cơ bản ấy lại chính là những thứ quyết định việc bạn chiến thắng ra sao chứ không phải lúc nào cũng là input nhanh với mạnh. Nghệ thuật nó nằm ở những cái đó.

Có những người bạn chơi game đối kháng của tôi cũng hay kêu là “nó đánh cái kiểu rõ bẩn ấy” khi đối thủ dùng đi dùng lại một chiêu Hadouken bắn cách khoảng 3/4 màn hình đó, một cái hành động rất là bình thường như vậy lại có thể quá hiệu quả với những người chỉ chăm chăm quá mức vào việc đánh đối thủ, hung hăng lao vào nhưng lại quên béng mất những thứ cơ bản như việc nhảy qua nó hoặc đỡ… Và game đối kháng cũng thay đổi và tiến hóa rất nhiều từ chính cái “quả cầu lửa” này khi nó được ra mắt vào gần 30 năm trước.

Một hoàn cảnh chắc chẳng quá xa lạ

Tổng kết

Lý Tiểu Long có nói: “Tôi không sợ những kẻ tập một lần 10000 cú đá, tôi chỉ sợ những kẻ tập 10000 lần một cú đá”.

Ý nghĩa câu này rất đơn giản: hãy làm thật tốt những điều cơ bản nhất. Và đó là chủ đề của bài viết của chúng ta. Đã bao giờ bạn ngồi nghiêm túc xem lại cách mình tiếp cận một vấn đề như nào chưa? Bạn đã bỏ quên mất những điều gì rồi? Quay lại từ những cái cơ bản nhất và biết đâu, bạn sẽ khám phá được điều gì mới cho bản thân khi đang chơi game, hay khi đang làm việc trong cuộc sống thì khá là tuyệt đó!

Bài viết cũng xin được kết thúc tại đây. Hẹn gặp tại bài viết sau nha.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Nawi No Tenshi - 03.09.2020

    game đối kháng mà kiểu only hadouken qua mấy con 2D ngậm tỏi ngay :)))))))) 1 moveset không bao giờ là đủ


  • InoriTama - 18.06.2021

    Pha của Dango thì đỉnh thôi rồi, ghi vào sử sách của mọi thể loại game. nghe đâu block và parry 14 phát liên tiếp. Xem lại vẫn thấy phê.