Bố Cục và Nghệ Thuật (và Game) (P.1): Hiểu Bố Cục

Khách mới

  

Chào cả nhà, ngày hôm nay mình xin phép được chém gió một chút về bố cục để cho các anh chị em yêu thích phim ảnh, hội họa, truyện tranh, trò chơi điện tử nói riêng và tất cả các hình thức nghệ thuật nói chung tham khảo nhé.

Bố cục là gì và tại sao cần có bố cục?

Thực tế thì đa phần chúng ta, kể cả một vài họa nô (như mình), đều rất mơ hồ về khái niệm bố cục (composition). Những người có tìm hiểu một chút về vẽ vời, phim ảnh, chợp hình chợp bóng thì khi nghe “bố cục” hẳn sẽ liên tưởng ngay tới tỷ lệ vàng hoặc qui luật 1/3.

Minh họa về tỷ lệ vàng trong tạo hình tổng thống Mỹ Donal Trump

Minh họa về tỷ lệ vàng trong một tác phẩm phim ảnh ẩn danh từ đất nước mặt trời mọc

Nhưng mọi người hãy nghĩ xem nào, nếu chỉ cần áp dụng mấy cái đường kẻ hoặc mấy cái hình tròn tròn cong cong là có ngay một bố cục tốt, tại sao một cái cộng đồng nghệ thuật rất lớn qua hàng ngàn năm vẫn còn phải chật vật và tranh cãi cùng nhau hằng ngày?

Thế bố cục là gì? Bố cục là cách tổ chức, sắp xếp, bố trí các thành tố cấu tạo trong một chỉnh thể. (Theo từ điển :p)

Sự thật là không chỉ hội họa, nhiếp ảnh hay làm phim mới cần có bố cục. Tất cả tạo tác nghệ thuật đều cần bố cục: âm nhạc, ẩm thực, văn học, vân vân và mây mây.

Ví dụ như tại sao chúng ta có hợp âm? Tại sao dây đàn lệch tông nghe lại khó chịu? Tại sao sữa tươi trân châu đường đen lại gây nghiện nhưng không ai ăn cơm với kem trà xanh?

Các hợp âm Piano

Câu trả lời là… mình không biết!

Không ai thật sự biết cả! Bản thân tự nhiên từ thuở sơ khai đã mang trong mình những đặc tính như vậy, loài người – những sinh vật sinh sau đẻ muộn và quá đỗi nhỏ bé, chỉ có thể phấn đấu hết sức để khám phá và thấu hiểu những qui luật này.

Newton không TẠO RA trọng lực, Newton TÌM RA trọng lực. Tương tự, nhiều thế hệ các nghệ sĩ đã nghiên cứu và thành lập nên những nền tảng lý thuyết về bố cục để phục vụ cho công cuộc sáng tạo của mình.

Ở phần tiếp theo của bài viết này, mình xin phép nói kỹ hơn về bố cục trong thiết kế thị giác (visual design) và nghệ thuật kể chuyện (story telling) nhé! (vì mình là họa nô, không phải nhạc nô, thực nô, hay văn nô, nên bố cục trong những cái đấy mình không dám chém bậy bạ đâu).

Bố cục trong thiết kế thị giác

Giống như việc cân chỉnh lượng mắm muối đường trong nấu ăn, người nghệ sĩ thị giác cần cân chỉnh các yếu tố thị giác (visual elements) trong tác phẩm của mình để những yếu tố này về những tỉ lệ nhất định (thường là 70/30, 20/80 hoặc 50/40/20, vân vân) để đảm bảo tính cân bằng (balance), tạo ra sự đa dạng (variety), hoặc sự tương phản (contrast).

Thông qua đấy, người nghệ sĩ kích thích não bộ người xem (não bộ con người cực kỳ ghét những thứ nhàm chán), đồng thời để tạo nên nhịp điệu (rhythm) dẫn dắt con mắt người xem theo cách người nghệ sĩ muốn, cảm nhận được cảm xúc hoặc bầu không khí (mood) người nghệ sĩ thiết lập, và qua đó hiểu nên câu chuyện hoặc thông điệp người nghệ sĩ muốn truyền tải.

Thế những yếu tố thị giác này gồm: Sắc độ (value), độ tươi (saturation), màu (hue), hình dạng (shape), đường nét (edge), kết cấu chất liệu (texture), tỉ lệ (proportion), mật độ (proximity), và hướng (direction).

Minh họa các yếu tố thị giác, chôm từ lớp Sp-art-a của thầy Phạm Ngọc Phương Lâm, cảm ơn thầy rất nhiều, nếu thầy có vô tình xem bài này và thấy em phát ngôn ngu quá thầy đừng giận nhé

Đây mới là bề nổi của tảng băng, hiểu bố cục là một chuyện, thực hành xây dựng bố cục lại là một câu chuyện khác. Sau khi xác định được nội dung mình muốn diễn đạt, người nghệ sĩ cần hiểu về bản chất của các đối tượng mình chuẩn bị lột tả (cấu trúc, phối cảnh, ánh sáng, vật liệu, vân vân); sau đó dùng tư duy mỹ thuật để tìm cách chuyển đổi những đối tượng này thành các yếu tố thị giác và điều khiển, biến đổi nó (manipulate), để sản phẩm cuối cùng đạt các mục tiêu người nghệ sĩ hướng đến.

Tổng thể bức tranh cần có bố cục, từng chủ thể trong bức tranh lại cần có bố cục riêng. Giống như bài văn cần có mở bài thân bài kết bài, đoạn văn cần có mở đoạn thân đoạn kết đoạn, câu văn cần có cấu trúc đầu đuôi chủ ngữ vị ngữ. Cho dù với biến thể như thế nào, từng đơn vị trong một tác phẩm đều cần có bố cục. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ phải tư duy tổng hợp, phân tích, và trau chuốt rất nhiều xuyên suốt quá trình sáng tạo.

Sau đây mình xin phân tích một vài ví dụ để cả nhà dễ hiểu hơn nhé.


Tranh doodle nhân vật Guts trong Berserk của họa sĩ Krenz Cushart, hãy chú ý đến cách họa sĩ đã nhóm các nhóm sắc độ với nhau và dùng hướng của nét cọ để tại nên bố cục

Một phân cảnh trong phim Howl’s Moving Castle của Ghibli Studio. Các họa sĩ đã dùng sự tương phản về mật độ chi tiết để tách chủ thể chính và nền. Các vật trong khung hình còn được cố ý xếp chồng lên nhau tạo cảm giác chiều sâu không gian

Poster Godzilla vs Mechagodzilla, Starwars, Mad Max và Teitomonogatari của cố họa sĩ Noriyoshi Ohrai. Để tạo bố cục, cố họa sĩ đã nhóm các nhóm nhân vật và cảnh quan lại với nhau. Các nhóm chính phụ đều tương phản về tỷ lệ, màu sắc, và hình dạng

Dragon của họa sĩ Ruan Jia, mặc dù Ruan Jia chưa bao giờ hoàn thành bức tranh, nhưng những thiết lập của họa sĩ về bố cục cũng đủ để tác phẩm tráng lệ

分析- thiết kế nhân vật của họa sĩ Sang Delan – Không chỉ tranh minh họa hay khung hình phim, mà cả những thiết kế nhân vật cũng cần bố cục


Have a coke – Kia Ora của cố họa sĩ Dean Cornwell, các thế hệ họa sĩ đều học được rất nhiều từ tác phẩm của người đi trước. Bất kể công cụ người họa sĩ sử dụng

Trong phạm vi bài viết, mình chỉ có thể chia sẻ được đến đây thôi, nhưng mình sẽ chia sẻ thêm cho cả nhà những tư liệu về bố cục nếu cả nhà còn muốn tìm hiểu sâu hơn.

Đến đây, mình hy vọng đã có thể cung cấp cho các bạn vừa đủ thông tin để có thể “cảm kích” hơn sự tinh tế của các hình thức nghệ thuật, và trân trọng sự đầu tư của những người tại ra chúng.

Mình xin tạm kết bài viết này ở đây, trong kỳ sau, mình xin mạo muội được dùng những kiến thức khiếm khuyết của mình về composition để chém gió, phân tích một tựa game mà mình vô cùng yêu quí “What Remains of Edith Finch”, hy vọng mọi người cũng sẽ yêu thích nó.

Lời cuối cùng, mình muốn nêu ít quan điểm cá nhân của bản thân. Mình viết những bài hơi học thuật như thế này mục đích chỉ là để chia sẻ một cái “sneak peek” về những thứ mình quan tâm và đam mê đến cộng đồng. Bản thân mình cũng chỉ là tay mơ và kiến thức mình có rất hạn hẹp. Những gì mình biết cũng đều là nhờ những bậc tiền bối đi trước chỉ dạy lại. Mình không cổ súy cho chủ nghĩa “thượng đẳng” như kiểu “cái phim A cái game B tranh C này của tôi mới là nghệ thuật, mấy thứ anh thích chỉ là rác, anh là người xem thiếu kiến thức đếch biết gì về nghệ thuật…”.

Ngược lại, mình hy vọng tất cả mọi người có thể mở rộng trái tim để đón nhận và cho mọi sản phẩm một cơ hội. Hãy đơn thuần và “trung thực” với cảm nhận của bản thân, thích cái mình thích vì mình nảy sinh tình cảm với nó. Còn chuyện việc ưu tư, u sầu, và trăn trở vì sự phát triển của nghệ thuật là bổn phận của mỗi người làm nghệ thuật (như một họa nô là mình) 😀

Chúc cả nhà một tuần hiệu quả và vui vẻ!

Tài liệu xem/đọc thêm về Bố Cục

Video Bố cục trong kể chuyện (Composition in Storytelling) của The Cinema Catography

Graphic L.A. của Robh Ruppel 

Framed Ink của Marcos Mateu-Mestre

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


3 cụng ly

  • Trung Nghia - 19.06.2020

    Hay quá chị êi <3 Hóng phần sau :)))

    Mấy bức minh họa nếu được chị chọn 1 bức yêu thích rồi phân tích bố cục kĩ luôn với ạ, về góc nhìn nhấn nhá màu sắc các kiểu ý :v Em nhìn chỉ biết ồ à thôi chứ cũng chưa rõ lắm tại sao nó đẹp.


  • Cá Mèo - 19.06.2020

    Ok bạn :3 Cơ mà giờ mình nên viết ở đâu nhỉ? Mình nên thêm vào bài này luôn, hay là viết một phần phụ sau phần 2 về What Remains of Edith Finch, hay là viết một bài nhỏ nhỏ trên facebook thôi nhỉ? ;_____;


    • Trung Nghia - 21.06.2020

      Chị muốn viết ở đâu cũng ok, kiểu gì em chả la liếm được (≖ ͜ʖ≖)