Mega Man Zero 2 – Một Opening Stage đầy ấn tượng

Khách quen

  

Người ta thường nói: “chuyến đi không quan trọng ở việc đích đến ra sao mà là cuộc hành trình của nó”. Thế nhưng, ấn tượng ban đầu cho mỗi chuyến đi cũng không nên được xem thường vì chính nó sẽ là thứ đưa bạn đi hết chặng đường còn lại

Với các tựa game, nhất là game hành động, một màn mở đầu tốt cũng vô cùng quan trọng. Không những nó phải mang trọng trách giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh mà cũng phải đem lại cho người chơi một cái “cảm giác chung” của game – gồm những thứ như việc nhân vật của bạn điều khiển như thế nào, các cơ chế game nó ra làm sao. Mình cũng có chơi qua rất nhiều tựa game có những mở màn đầy ấn tượng (Metal Gear Rising là 1 ví dụ tốt), sẽ viết dần dần về chúng nhưng mà cái đầu tiên mình chọn sẽ phải là của Mega Man Zero 2.

Game bắt đầu với một cutscene khá đơn giản, recap lại những gì đã xảy ra ở phần trước:

“Đã được một năm kể từ khi Zero chọn đi đường khác với Ciel…. Anh vẫn chiếu đấu chống lại Neo Arcadia…. Nhưng những trận chiến đó đã dần mất đi ý nghĩa với anh…. Để biết được mục đích của mình, Zero nên tìm lại Ciel và những người lính quân Kháng Chiến”

Những bước chân ấy, chúng vẫn tiếp tục hướng về phía trước, đến cái tương lai không xác định được. Zero lúc này đang bước tiếp vì lời hứa với X, một lời hứa rằng cậu vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu thay phần bạn mình nhưng cũng đã rất lâu kể từ lúc đó rồi. Kẻ thù vẫn luôn bủa vây ập tới, chẳng có ai bên cạnh để giúp đỡ hay dẫn dắt cậu. Kiếm dù có sắc bén đến đâu rồi cũng phải đến mức của nó, chúng sẽ mòn đi.

Điều mà mình thích về cái này là việc nó không bắt bạn phải ngồi xem những hình ảnh tĩnh mà game đã mở màn bằng chuyển động, và việc có gì đó chuyển động cũng giúp bạn có cái gì đó khác để mà làm thay vì ngồi đọc (nếu bạn không thích đọc quá).

BGM lúc này mang tên “For Endless Nights II”. Đúng như tên gọi của mình, nó miêu tả cảm xúc lúc này vô cùng chính xác. Những đêm dài dằng dặc trôi qua… Những lời nói của X còn đọng lại như những tiếng ngân… những tiếng heo hút như khung cảnh sa mạc của nó… Điều thú vị nhất ở đây chính là “For Endless Night II” là remix lại của bài “For Endless Night” – bài hát cuối cùng của phần Mega Man Zero 1. Có thể nói, bản nhạc này đã kết nối hai game lại với nhau. Những đêm dài bất tận chiến đấu của X giờ đã thành của Zero.

Đi được một đoạn khá lâu, bão cát cũng đã trôi qua, và Zero chợt phát hiện kẻ thù đang ngay ở phía sau. Những tên Pantheon vô diện đó vẫn tiếp tục đuổi theo, chẳng hề buông tha cậu. Zero nhận ra rằng chẳng còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục chiến đấu. Và rồi, game cho chúng ta xem một cutscene khác. Chỉ với ba khung hình, người chơi đã sớm biết được Zero giờ đây như thế nào : vẫn đầy dũng mãnh,ánh mắt khí chất, tuy ngoài hình lúc này không còn được nguyên vẹn và cũng có phần rạn nứt theo thời gian…

Không cần quá nhiều lời thoại để hiểu nhân vật

Đúng lúc khung hình đầu tiên xuất hiện, bản BGM tiếp theo nổi lên, và từng nốt ban đầu nó nhấn hợp vô cùng (trong video dưới cũng có tái hiện lại cảnh lúc ấy). Bài hát mang tên “Departure” – dịch ra là “Khởi hành”. Nếu phải hỏi đâu là một trong những bài BGM mà tôi nhớ nhất trong suốt từng ấy năm chơi game, tôi sẽ chọn bài này (nhất là những bản remix của nó). Vì sao ư?  Từ ngữ thật khó mà nắm bắt được hết nhưng mà mình sẽ cố miêu tả lại cho anh em.

(Tuy nhiên, đọc cũng chả thấm lắm nhưng mình vẫn khuyên là nghe nhiều chính, nếu có chơi game được thì càng tốt.)

Đầu tiên là ba điệu đầu. Trong suốt bài hát, bạn sẽ thấy được nó xuất hiện khá nhiều lần trong bài hát này. Nó như ý chí của Zero hiện ra đó, thôi thúc người chơi đi tiếp, hòa với những tiếng như dụng cụ nhạc Rock, trống có chút khô cằn như sa mạc xung quanh, nhưng cũng do vậy mà rất phù hợp. Sau đó đến đoạn beat drop, các tông nhanh hơn, điệu của bài giờ đây như muốn nói với chúng ta điều gì đó, một chút hướng lên cao của hy vọng, một chút dai dẳng của chuyến đi dài bất tận kia, một chút cảm xúc đưa đẩy, chờ đợi, đốc thúc người chơi đi tiếp… Điệu cũng vô cùng dễ nhớ và quen thuộc.

Có lẽ vì những điều đó, bài BGM này sau này không những được nhà làm nhạc remix nhiều lần mà cũng được ưa chuộng, cover lại bởi các fan. Nhưng nó bắt đầu từ đây.

Dòng chữ Mission Start hiện lên và bạn bắt đầu.

Game Mega Man rất nhanh gọn, chẳng cần tutorial mà để bạn tự khám phá xem các nút nó làm gì. Sau quá lâu, các kỹ năng của Zero cũng đã mòn đi, giờ Z-Saber cũng chỉ chém được một nhát chứ không combo được, Buster thì cũng chỉ sạc đạn một cách nửa vời chứ không thể sạc full như X, cũng trả lời cho câu hỏi “Tại sao cuối phần 1 đáng lẽ ra Zero phải đủ các thứ các thứ rồi chứ?”. Đây cũng là một cách hay để giới thiệu người chơi với một cái cơ chế chính của game : Cày cuốc vũ khí để mở ra thêm các chiêu thức mới, tăng giá trị chơi lại nhiều.

Zero giờ luôn ở Sprite khi đang mệt mỏi, phản ánh đúng với yếu tố cốt truyện nên game cũng có để ý khá kỹ tới các chi tiết nhỏ (và đây cũng là map duy nhất giữ Zero ở trạng thái này kể cả khi đang đầy máu). Nếu bạn là người chơi tò mò muốn xem các nút được đặtt như thế nào thì game cũng có một bất ngờ cho bạn.

Thay vì giới thiệu ngay tới một giao diện mới, riêng màn đầu game này cũng là màn duy nhất mà người chơi có thể thấy lại được giao diện cũ của Mega Man Zero 1, tuy giờ cũng có phần cũ kỹ hơn, có phần bị phá hủy, phản ánh khá đúng với thực tại.


Z1 vs opening stage z2

Một so sánh dễ nhìn giữa Z1 và opening stage z2

Ngay bên tay trái, đã có vài con quái để bạn tiêu diệt, làm quen với game. Chúng máu khá giấy, và cũng chưa tấn công ngay nên người chơi cũng không cần hoảng hốt quá. Lần đầu mình chơi cũng liền quay ra chém bọn bên tay trái xem chúng nó có drop gì không.

Sau một hồi, có lẽ cả người chơi với Zero cũng nhận ra rằng điều này cũng không có nghĩa lắm, và rằng người chơi nên đi tiếp theo hướng khác. Nhưng dù sao, cũng thật hay vì có một khu vực để tập, và nó cũng chả ép bạn phải trải qua một cái tutorial không skip được.

Game nó cũng tự biết điều này =)))

Sau một hồi chém quái lung tung, bạn gặp con Miniboss đầu tiên của game – Golem, to bự chẳng nhưng cũng chả thể làm game thủ nao núng vì đường đạn rất chậm, thừa thời gian cho cả người mới kịp phản ứng. Rồi ngay sau đó chưa xa lắm, game đã khiến cho con boss này khó lên, không phải theo một cái cách máy móc nhân tạo (mà mình cực ghét) như tăng dame, tăng máu nó lên mà chỉ đơn giản là thêm hai chiếc hố, khiến người chơi phải thay đổi một chút chiến thuật và khéo léo hơn trong cách di chuyển nếu muốn giành chiến thắng chứ không thể “bổn cũ soạn lại” được.

(Triết lý thiết kế game này cũng có thể được thấy trong các game Platformer sau của Inti, như Azure Striker Gunvolt).

Zero vs Golem 1


Zero vs Golem lần 2

Đâu phải khó lên là cứ phải tăng cả một tấn máu đâu…

Rồi thay vì di chuyển ngay đến màn hình tiếp theo, game bắt bạn đúng lại một tí và xem. Sau khi đánh bại Golem lần thứ hai, game thủ được giới thiệu tới một cơ chế nữa của game – Cyber Elf, những sinh vật nhỏ bé xinh xắn lấp lánh, khó mà không thấy được trong quá trình vượt map. Dù lúc này chưa biết nó có ích hay có vai trò gì nhưng bắt mắt thế chắc bạn cũng nhảy bổ vào luôn như mình =)))

Cyber Elf – một phần thưởng dành cho người chơi

Các kẻ thù trong map cũng được chọn lọc hợp lý, những “cây xương rồng” Shaboten hay những con kền kền xanh lá đang ăn xác Pantheon – Condoroid MK2. Shaboten thì hạ cũng đơn giản, chờ lúc nó đang xoay thì tấn công, Condoroid thì sau khi bạn phá cái “tổ” của nó thì nó sẽ chẳng ngại gì mà nhảy bổ vào bạn

Rồi cuối cùng, Zero thấy mình phải đối mặt với một nhóm Pantheon khác. Khi Zero đang chuẩn bị tinh thần thì mặt đất liền rung chuyển, một cái càng bay ra, tiêu diệt lũ Pantheon đó và con boss đầu tiên – Mega Scorpia hiện ra từ background một cách khá bất ngờ.

Zero vs Mega Scorpia

Surprise b#tch

Boss không hề tung ra chiêu gì đó quá bất ngờ cả, đa số các chiêu của nó toàn là thứ bạn thấy rồi, như việc nó phóng cái càng và bạn phải nhảy lên như cutscene, bắn đạn như một con Pantheon ất ơ. Boss cũng tận dụng việc nó là một con bọ cạp khá tự nhiên, như việc dùng đuôi đâm xuống đất để đục lỗ, hay dùng cái càng của nó để che cho cái đầu. Thiết kế khá là hợp lý chứ không quá nhảm như việc “tau to, tau sẽ lao thẳng vào mặt mi để mất máu không thôi” và đây cũng là một số ít con boss di chuyển cùng màn hình nên đừng tưởng đứng tưởng dễ quá. Mình khá ấn tượng với việc các nhà làm game cố thay đổi công thức theo việc thêm yếu tố mới chứ không làm nó “biến chất”.

Và rồi, Zero đánh bại nó. Sau tất cả, anh ấy cũng làm được. Nhưng rồi, quá kiệt sức, anh nằm xuống tại đó. Thế là chưa gì, người chơi đã thấy tò mò, nóng lòng muốn biết câu chuyện của anh sẽ tiếp tục ra sao, liệu anh sẽ nằm đó mãi ư? Rồi một nhân vật lạ kỳ màu xanh lá xuất hiện… Hắn không nói quá nhiều để người chơi nắm rõ tính cách, chỉ nói một câu đầy ngụ ý “Để sống hay là để chết đây….”.

Nếu ai đã chơi phần đầu sẽ lập tức nhận ra ngay đây chẳng phải là ai khác ngoài Harpuia – một Guardian chức cao của Neo Arcadia và cũng là kẻ thù của Zero cho đến khi Zero đánh bại hắn ta. Giờ đây, mối quan hệ giữa họ cũng rất khó nói, không biết được thế nào là bạn hay thù nữa. Kể cả nếu không chơi phần trước, người chơi mới cũng thấy có phần gay cấn trước những gì diễn ra trước mắt.



Sau đó màn hình ụp tối lại, kết thúc ngay tại đó. Một cái kết khá thú vị vì nó ắt hẳn cũng khiến ai muốn chơi thêm để xem câu chuyện diễn biến tiếp ra sao, “điều gì sẽ xảy ra với nhân vật của mình đây?”, “hắn rốt cuộc là người như thế nào?”…

Cái điều này khá giống với triết lý làm phim của một nhà đạo diễn khá nổi tiếng mang tên J.J.Abrams. Ông lấy luôn nói rằng “bạn phải luôn đặt những tình tiết vào một cái hộp bí ẩn để thu hút sự chú ý của người xem, chờ đúng lúc để mở nó ra”.

Những thứ ngoài lề khác

Điều đầu tiên mà mình phải nói có lẽ chính là đồ họa của game. Nếu bạn so sánh map sa mạc của phần Mega Man Zero 1 với màn này của Mega Man Zero 2 nó như một trời một vực vậy. Background của Zero 1 nó như được lấy từ một hình ảnh tĩnh mà đưa vào lồng ghép, trong khi đó Zero 2 được làm từ Sprite hoàn toàn. Màu sắc lựa chọn cho khung cảnh này cũng khá hợp lý, bạn thấy được một vẻ ảm đạm của chiều tà và chìm đắm vào nó.

Về mảng âm nhạc, hai bài BGM “For Endless Night II” với “Departure” cũng thật sự rất đáng nhớ, hay, tuy nhiên GBA thời đó vẫn còn nhiều hạn chế (do chip) nên các mong muốn của các nhà làm game cũng chưa thể truyền tải được hết. Thế nên, khi bạn được nghe bản phối lại chính thức (Remastered) đến từ Inti thì mới thấy nó cũng thật sự khác hoàn toàn, như kiểu được lột xác hoàn toàn, cứ nghe thì biết tại sao ngay.

Chúc các bạn đã có một trải nghiệm đọc vui vẻ, hẹn gặp lại ở các bài viết sau!!!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện