I, Giới thiệu về game:
Late Shift là một tựa game dưới hình hài của một bộ phim điện ảnh, hay còn được biết đến với tên gọi Interactive FMV (Full Motion Video) Video Game. Về cơ bản, dạng game này là những tựa game mà chúng ta có thể phần nào đó hoá thân thành nhân vật chính, thay họ đưa ra những lựa chọn ở những phân cảnh mà có thể sẽ quyết định đến toàn bộ cái kết của cả quá trình chơi game. Ở một khía cạnh nào đó, nó là một dạng game có yếu tố Choices Matter, chỉ là dưới hình thức một bộ phim. Game được đạo diễn bởi Tobias Weber, và được phát triển bởi hãng CtrlMovie. Tựa game đã từng được xuất hiện ở nhiều liên hoan phim quốc tế khác nhau, bao gồm New York Film Festival, Raindance Film Festival, và The Festival du nouveau cinéma. Với gameplay rất đơn giản, tựa như đang xem một bộ phim ngắn, chỉ có điều chúng ta có thể lựa chọn những lựa chọn mà chúng ta muốn, thay vì ép buộc nhân vật chính phải làm thế này thế kia, để rồi chúng ta tự cảm thán sau màn ảnh rằng: “Sao thằng này nó lại làm như thế? Phải làm như thế này, thế này mới đúng” (Mình tự hỏi có ai bị như thế khi xem phim không, chứ mình rất nhiều lúc như thế). Những trường đoạn cho phép lựa chọn trong game đều diễn ra theo thời gian thực, với khoảng thời gian vừa đủ để cho bạn có thể lựa chọn điều bạn muốn cho nhân vật chính và không có thời gian để nghỉ khi lựa chọn, bạn sẽ phải đưa ra quyết định của mình thật nhanh để nhân vật chính có thể tiếp tục cuộc hành trình.
Vì mình chủ yếu phân tích theo cốt truyện, không có những kiến thức chuyên sâu về đồ hoạ hay âm nhạc trong game, nên mình sẽ không đánh giá về những thứ đó. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu thử xem, rốt cuộc thì, câu chuyện xảy ra trong Late Shift như thế nào, và những trải nghiệm, ý nghĩa mà nó mang lại cho người chơi/xem là gì nhé.
Lưu ý: Phần này là để cho những bạn đã từng chơi và hoàn thành game muốn tìm hiểu sâu hơn về cốt truyện của game. Cốt truyện của game, mình sẽ phân tích theo True Ending. Còn những ai chưa từng chơi, hoặc đang chơi dở game, thì mình khuyên các bạn không nên đọc, vì sẽ spoil rất nhiều thông tin liên quan, mất trải nghiệm về game của các bạn. Hơn nữa, phần phân tích này mình viết tổng hợp nên từ nhiều nguồn khác nhau, cùng với việc mình diễn đạt theo ý của mình. Nên nếu bạn có thấy vấn đề gì trong bài của mình, vui lòng để lại bình luận góp ý, mình sẽ cố làm tốt hơn ở những phần sau.
II, Cốt truyện chính:
“Some people say we’re all connected, all part of some bigger picture. Some harmonious flow, endless and meaningful. Maybe that’s how it looks from a distance. But up-close, with eyes open, I see no evidence of any spiritual choreographer at work. No, I see nothing but the random fractals of a selfish, queen-less hive. Never looking… Never stopping… Never meeting.” (“Có vài người nói, chúng ta đều kết nối lẫn nhau, đều là một phần của một bức tranh tổng thể. Thứ gì đó như một dòng chảy hài hoà, không hồi kết, và mang nhiều ý nghĩa. Có thể đó là cách mà nó được nhìn nhận từ xa, nhưng khi lại gần, với con mắt mở to, tôi không thấy có bằng chứng nào của việc một biên đạo múa vô hình đang giật dây cả. Không, tôi chẳng thấy gì ngoài những khối hình ngẫu nhiên của một đàn ong ích kỉ, không có lấy ong chúa để lãnh đạo. Không bao giờ nhìn lại… Không bao giờ dừng lại…. Không bao giờ gặp nhau”).
Mở đầu game, là quang cảnh của thành phố New York hoa lệ, lộng lẫy về đêm từ góc quay trên cao, cùng với lời tự sự của nhân vật chính. Với mỗi câu trong lời tự sự bên trên, camera lại từ từ chuyển cảnh, chiếu đến góc nhìn gần hơn của thành phố, cho đến khi camera đưa chúng ta đến góc của một con phố, khi một chiếc xe bus đang tiến lại gần hơn đến trạm để đón hành khách lên. Lời tự sự của nhân vật chính cũng đã thể hiện được phần nào về quan điểm sống của anh ta, đó là chúng ta, chỉ như những biến số ngẫu nhiên của cuộc đời, chính chúng ta lựa chọn để tạo nên chúng ta, không hề có một bàn tay ai nhúng vào để khiến chúng ta lựa chọn thế này hay thế kia cả. Cách sử dụng camera và lời độc thoại nội tâm của nhân vật chính ở đây thật sự rất tuyệt vời, làm chúng ta đã phải nghiền ngẫm ngay từ phần mở đầu.
Và rồi chúng ta thấy được nhân vật chính, một thiếu niên trẻ tuổi, với ngoại hình không có gì nổi bật giữa đám đông xung quanh, trông chỉ như một con người bình thường giữa cái xã hội này. Tiếp đến, chúng ta sẽ đến với lựa chọn đầu tiên của nhân vật chính/chúng ta, khi anh ta tự hỏi: “But is it my unwavering selflessness that allows others to board before me? Or the selfish knowledge that the last will be the first off?” (“Nhưng liệu đó có phải sự quan tâm quên mình tới người khác bền vững đã cho những người khác lên xe trước tôi? Hay là một kiến thức ích kỉ rằng, kẻ nào ở cuối cùng sẽ là người được xuống xe trước tiên?”). Một câu hỏi đã thiết lập ra xu hướng tâm lí cho nhân vật chính, để định hình được rằng anh ta sẽ là loại người như thế nào: Selfness (Vị tha) hay Selfish (Ích kỉ).
Tiếp đó, chúng ta sẽ đến cảnh khi nhân vật chính xuống xe, và tiếp tục đi xuống để bắt chuyến tàu đến chỗ làm. Tại đây, anh gặp một người đàn ông đang muốn anh ta giúp đỡ để tìm đúng chuyến tàu. Trong khoảnh khắc này, game cho chúng ta hai lựa chọn: một là bỏ đi lên tàu (Board) hoặc là giúp người đàn ông kia (Help). Nếu chúng ta quyết định giúp người đàn ông, ông ta sẽ nghe theo lời của bạn đi tìm ở một ga tàu khác và không làm phiền bạn lên tàu, qua đó bạn sẽ không bị nhỡ tàu, còn nếu bạn quyết định cố đi lên cầu, ông ta sẽ làm phiền bạn, buộc bạn phải giúp ông ta, và khi giúp đỡ xong, thì bạn đã bị nhỡ mất tàu và đến chỗ làm muộn. Ngay từ 2 câu hỏi lúc bắt đầu game, dù cho nó không ảnh hưởng tới mạch chuyện chính, nhưng nhà sản xuất đã cho thấy yếu tố Choices Matter ngay từ lúc bắt đầu. Đa số những ai định hướng cho nhân vật theo hướng rộng lượng thì sẽ chọn giúp người đàn ông và sẽ có kết tốt đẹp, và ngược lại. Với lựa chọn đó, mạch truyện chính của game chính thức được bắt đầu.
Nhân vật chính của chúng ta – Matthew (hay còn được gọi là Matt) đến được chỗ làm, tuỳ vào lựa chọn của bạn ở đầu game, có thể sẽ đến đúng giờ hoặc muộn hơn. Dù sao thì, Matt cũng đi vào phòng làm việc, bàn giao công việc với người ca trước và bắt đầu công việc của mình ở đây. Từ những chi tiết xung quanh, chúng ta có thể thấy, công việc của Matt là làm bảo vệ ca đêm ở dưới hầm xe. Ông chú đồng nghiệp ca trước nói với Matt rằng chỉ có 2 xe ở bên ngoài, còn lại là những chiếc xe được đăng kí gửi qua đêm, nên đây sẽ là một buổi tối yên bình cho Matt. Anh ta chào tạm biệt ông chú, rồi thay bộ quần áo đồng phục và bắt đầu ca trực của mình. Qua những lời độc thoại của Matt, chúng ta có thể thấy, anh ta nhận công việc này, là vì để có tiền trang trải tiền học phí, vừa để thoả mãn thú vui về siêu xe của anh ta, thể hiện qua câu: “The most meaningful relationship I’ve ever had in my life, with a bunch of metal bimbos. Look at you my beauty. You could keep me in college for over a decade” khi Matt dạo quanh chiếc siêu xe và chui hẳn vào trong ngồi.
Đang trải nghiệm chiếc siêu xe thì có một chiếc xe khác tiến vào chỗ đậu xe, buộc Matt phải ra ngoài và đi xem đó là ai. Đó là một cặp đôi: một cô gái tóc vàng tên Elodie và người bạn trai của cô ta. Dù cho người bạn trai có vẻ khiếm nhã với Matt, nhưng Elodie thì không, cô ta đối xử với Matt rất tử tế, đưa chìa khoá cho anh ta và không quên nói lời cảm ơn. Trong trường đoạn này, Matt cũng bộc lộ quan điểm của mình về những “lựa chọn” mà anh ta đã chọn: “You are your decisions, that’s what shapes you”. Một lời khẳng định ngầm về việc lựa chọn của bạn sẽ thay đổi số phận của Matt ở trong game. Trở về chỗ làm việc, Matt lấy quyển sách ra đọc để giết thời gian, bỗng có tiếng chân tiến lại gần đến vị trí của anh. Đó là Elodie. Cả 2 trao đổi với nhau những câu tán gẫu, cho đến khi Matt hỏi xem cô ta cần anh giúp gì không. Lúc này, cô ta mới nói ý định của mình, là muốn nhờ Matt làm cho cô ta một việc, đó là cho cô ta mượn chìa khoá con xe Maserati để đi ra ngoài. Qua vài câu hỏi, Matt biết là cô ta chưa hề hỏi chủ xe về việc mượn con xe này, nhưng với bản tính rộng lượng của mình, Matt đã quyết định cho cô nàng mượn, với lời hứa là sẽ không gây ra bất cứ trầy xước, hay dấu vết gì chứng tỏ cô ta đã mượn xe để ra ngoài, và phải về trước 1 giờ sáng.
Khi đang lấy chìa khoá xe cho cô ta, Matt thấy có tiếng động bên trong khu để xe, nhưng anh ta lờ đi, và đưa chìa khoá cho Elodie. Cô ta vui vẻ cầm chìa khoá bước đến chiếc xe, nhưng chỉ được vài phút sau, cô ta đã hét lên thất thanh. Quan sát qua camera, Matt thấy cô ta đang bị một người lạ mặt khống chế, lập tức cầm lấy bình xịt hơi cay và chạy đến chỗ cô ta. Tại đây, Matt thấy cô ta đang bị kẻ lạ mặt kia chĩa súng vào đầu và đang khóc thút thít. Tên lạ mặt yêu cầu anh phải tiến lại gần hắn ta, và muốn anh trói Elodie lại. Matt nhanh trí sử dụng bình xịt cay để làm choáng váng tên kia một lúc, đồng thời bảo Elodie mau chạy trốn, còn bản thân thì bị tên kia khống chế ngược lại. Hắn yêu cầu anh đứng lên, đi vào trong xe và lái xe giúp hắn trốn khỏi đây, vì tay hắn đã bị gãy mất nên không thể lái xe được. Trước sự uy hiếp của hắn, Matt đành phải lái xe giúp hắn đến một căn nhà, có vẻ là nơi hắn sống. Tại đây, Matt muốn chạy thoát khỏi hắn, nói rằng mình chỉ là sinh viên, gia cảnh cũng không có nhiều để có thể cho hắn tiền bạc hay gì cả nhưng hắn vẫn ra lệnh cho Matt vào trong nhà. Hết cách, Matt đành phải đi vào trong nhà với họng súng của kẻ lạ mặt chĩa đằng sau.
Ở bên trong, chúng ta được gặp đồng bọn của kẻ lạ mặt kia: 2 người đàn ông và một người phụ nữ. Người nữ tên Mei Ling, còn 2 người đàn ông kia, một người tên Jeffery, và một người tên Simon, còn kẻ đã buộc chúng ta lái xe cho hắn tên Lee. Nhìn tình trạng của Lee, Jeffery thì lo sốt vó cho “nhiệm vụ” mà một nhân vật tên Mr Woe đã giao cho, chỉ có Mei Ling còn để ý và quan tâm đến vết thương của hắn. Qua cuộc nói chuyện, chúng ta có thể thấy nhóm này đang có ý định lẻn vào buổi đấu giá tối nay, lấy trộm chiếc bát gia truyền được đấu giá và giao lại cho Mr Woe để nhận tiền công, và để kế hoạch thành công, chúng cần lấy trộm chiếc siêu xe để có thể ra vào buổi đấu giá. Đen đủi thay lại đúng ngày anh Matt nhà ta đi trực.
Trong lúc Mei Ling đang tìm người thay thế cho Lee để lái chiếc xe, vì hắn không có khả năng cầm lái, thì Simon và Jeffery tính xem nên làm gì với nhân vật chính. Lee thì muốn khử phứt anh ta đi cho xong chuyện, nhưng Jeffery thì không muốn giết người lúc này, nên quyết định dùng thuốc an thần để Matt mất đi ý thức trong lúc cả nhóm đi làm nhiệm vụ. Cái khó ló cái khôn, Matt lợi dụng tình hình khi không một ai có thể thay thế Lee để tham gia làm nhiệm vụ cùng nhóm này, thậm chí còn đề nghị chia 50/50 từ phần chia của Lee. Mei Ling lúc đầu còn phản đối, nhưng rồi thì cô ta cũng đành phải chấp nhận vì không còn cách nào khác. Cả nhóm chia làm 2, một nhóm lái siêu xe đến trước, đóng giả làm cặp tình nhân tham dự buổi đấu giá, còn một nhóm đi theo sau để làm nhiệm vụ hậu thuẫn. Jeffery và Simon sẽ làm nhiệm vụ hậu thuẫn, còn Matt và Mei Ling sẽ đóng giả làm tình nhân. Có thể thấy, mọi thứ diễn ra hoàn toàn bất ngờ với Matt, thế nhưng, anh đã tìm ra được một lối thoát trước tình huống ngàn cân treo sợi tóc kia.
Tuy vậy, việc lựa chọn tham gia cùng nhóm này, sẽ có khả năng làm thay đổi tâm tính và con người của Matt, dù ít hay nhiều, khiến bản thân anh cũng phải tự đặt ra câu hỏi: “Mình nên tham gia phi vụ này từ đầu tới cuối, hay nên giả vờ để tìm cách thoát thân?”. Một lần nữa, yếu tố choice matters đã được foreshadow từ trước, và làm cho người chơi, tức chúng ta đã được gợi ý về kết quả/hậu quả của những sự lựa chọn, sẽ phải đối mặt với những điều sẽ xảy ra, và nên lựa chọn sao cho hợp tình hợp lí nhất. Mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào tiếp theo, và liệu Matt có thể thoát được nhóm cướp này không, chúng ta hãy tìm hiểu tiếp ở phần sau nhé.