Sẽ không có bài nào kể lại những ngày thi đấu hôm đó bởi vì nếu là một fan Overwatch thực sự, bạn đã có thể xem và cảm nhận những trận đấu trực tiếp ngay ngày hôm đó và trải qua hết các cung bậc cảm xúc tuyệt vời đó rồi, những cảm xúc đó không có một từ ngữ nào diễn tả được.
Đây sẽ là bài dành cho những tuyển thủ trong vòng loại Sydney mà mình cảm phục nhất.
AKTM – Thủ lĩnh điềm đạm
Suốt vòng loại Sydney, mình xem và để ý anh chàng AKTM này nhất. Lúc đầu mới gặp mình thấy nghi ngờ, sao ông này lại là DPS/flanker của team được nhỉ, vì mặt hơi ngáo ngáo, lúc nào cũng im im, lâu lâu cười nhẹ. Lúc sau mới để ý, khi vào trận, sắc thái thay đổi 100%, cực kỳ tập trung và quyết liệt, lúc này AKTM không cười nữa, mặt nghiêm nghị, đôi mắt cực kỳ tập trung, thần thái lúc đó mới khiến người xem nể phục. AKTM hay sử dụng 76, Genji và McCree .Hầu như team nào có DPS/flanker cũng pick 3 con này vì lối chơi này đa dạng, phù hợp với nhiều đội hình, ví dụ như khi có Reaper thì sẽ pick 76 hoặc McCree, hoặc nếu pick Genji thì đồng đội sẽ pick 1 semi-tank như Roadhog hoặc 1 DPS như 76. Lúc này meta vẫn là 2-2-2 nhé (2 DPS/flanker, 2 tank, 2 heal). Cái mà mình nhớ nhất, đó là trận chung kết vòng playoff, Nhật đấu với Úc, cùng thời điểm đó là Thụy Điển đấu với Tây Ban Nha, 2 trận này tụi mình không xem, bỏ đi chơi và mua sắm rồi. Sau khi bọn mình về, thì chiều hôm đó có tiệc ăn mừng chia tay các kiểu. Vừa lên sảnh thì mấy ông Nhật khóc như mưa, khóc mãi không ngừng, bao nhiêu người từ Blizzard đến các đội bạn an ủi, vẫn không nín khóc. Có một ông ôm ly bia ngồi uống một mình trong góc suốt cả buổi hôm đó. Họ khóc vì luyến tiếc, họ đã lỡ một cơ hội để chứng minh với thế giới. Nhưng có một người duy nhất không khóc, đó là AKTM. Vẫn khuôn mặt đó, vẫn giọng nói đó, vẫn thần thái đó, ATKM vẫn nhẹ nhàng cười nói với mọi người. Khi mình xin chụp hình chung, AKTM vẫn cười nhẹ nhàng, chụp xong thì mình có an ủi vài câu, AKTM lại nhẹ nhàng cám ơn. Chính sự điềm đạm đó khiến mình thầm ngưỡng mộ AKTM.
Taimou – Gã béo khổng lồ thật sự khổng lồ
Anh chàng Phần Lan này là streamer gần như top 1 trên Twitch tại thời điểm đó, có thể sánh ngang vai với evermore, aimbotcalvin và ryujehong. Trước thời điểm World Cup diễn ra, đã có rất nhiều tin đồn, anh chàng béo này sẽ không làm nên trò trống gì trong giải đấu, bởi streamer và pro player là 2 khái niệm đối ngược nhau. Anh là streamer, anh có thể có rất nhiều highlight, những pha 1 cân 3 4 5 hoặc những pha wipe out team địch, nhưng khi đã thi đấu chuyện nghiệp, anh phải thực hiện theo chiến thuật và phải 100% nghe lời đội trưởng. Quả đúng như lời đồn, ở vòng loại khu vực Sydney, Taimou thực sự tỏa sáng với những pha Widow 1 hit của mình, kẻ gánh chịu những đòn 1 hit đó là đội tuyển Việt Nam. Khi gặp ngay Phần Lan, hầu như DPS và flanker của mình không có 1 cơ hội để chơi. Nguyên team Phần Lan chơi chiến thuật xoay quanh Taimou, hầu như cover 100% cho Taimou được bắn. Taimou đã tỏa sáng ở trong trận đấu với Việt Nam. Tuy nhiên, mình đã nói ở trên, đây là thi đấu chuyên nghiệp, một mình bạn solo sẽ không giúp đội tuyển đi xa được. Khi gặp Tây Ban Nha và Nhật, Taimou không còn đất diễn. Khi không còn được chơi tự do nữa mà phải chơi theo đồng đội và chiến thuật, đó là lúc gã béo chịu thua.
Funky – TOP 1 Ana Việt Nam
Khẳng định lại lần nữa, đây là TOP 1 Ana của Việt Nam. Đây là lời kể của những team Việt Nam khác kể lại với mình, 2 team đó là The Beginner và Keep Going Bois. Lúc này đang đánh giải Overwatch SEA Tournament 2017. Các team Việt Nam đang scrim với nhau. Meta lúc này cũng là 2-2-2 và dive tank là nhiều nhất. Hiểu đơn giản là con khỉ Wingston sẽ nhảy vào giữa đội hình team địch, bắt chết 2 con heal, lúc nhảy vào bắt buộc phải có orb của Zenyatta, giết được 1 trong 2 heal thì nhảy về. Lúc bấy giờ, để phá được chiến thuật này chỉ có 2 cách, một là phải dồn hết dame giết con khỉ trong một nốt nhạc, hai là cho nó ngủ. Khi Funky cầm Ana, nó nói đứa nào ngủ là đứa đó 99% sẽ ngủ (100% thì hơi quá). Bất kỳ con khỉ nào dive vào giữa đội hình của team, sẽ ăn ngay cái sleep vào mồm, sau đó ăn combo mắm tôm, việc còn lại là DPS của team cho vài cú click chuột, là chiến thuật dive tank phá sản. Khi đánh ở khu vực SEA, hầu hết các đội không thể nào hạ gục được Funky vì không có DPS/flanker xịn, chưa kịp áp sát hoặc khi áp sát thì bị vô hiệu hóa ngay. Nhưng khi ra thế giới, Nhật, Tây Ban Nha và Phần Lan, đều có DPS/flanker đủ xịn để hạ gục Funky ngay lập tức khi có sơ hở. Khi không còn Funky thì đội tuyển Việt Nam mất đi mảnh ghép quan trọng nhất, vì nó là đứa call team, lúc nào nó cũng chết đầu tiên nên không thể call tiếp được những tình huống phía sau.
Đội tuyển Ý – Tinh thần bất khuất
Cùng với thành tích 0-12 của đội tuyển Việt Nam, đội tuyển Ý cũng chịu chung số phận. Khu vực tập luyện của bọn mình ngồi rất sát nhau, chỉ cần ló đầu ra hú cái là có người nghe liền. Hầu như những ngày ở Sydney, mọi người rất chăm chỉ scrim, để quen tay và tìm hiểu đối thủ. Tuy nhiên, một điều làm mình cực kỳ khâm phục đội tuyển Ý lúc đó chính là tinh thần bất khuất không chịu thua, chơi hết mình. Ngày mà đội tuyển Việt Nam thua 2 trận, cũng là ngày đội tuyển Ý thua 2 trận. Nhưng khi thua 2 trận, bọn mình đã buông và tính ngày mai đi chơi ở đâu. Ngược lại, đội tuyển Ý lại hăng hái quay về, tiếp tục scrim và chuẩn bị cho ngày thi đấu hôm sau. Mình thấy họ rất vui, rất hăng hái, sẵn sàng đón nhận và chơi hết mình cho trận đấu cuối cùng dù họ biết kết quả sẽ không đi về đâu. Và khi quan sát họ trên sân khấu, mới thấy họ thật sự sống với Overwatch chứ không phải chơi Overwatch như tụi mình.
Hành trình của mình dừng lại ở đây. Đây là hành trình đáng nhớ nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Chuyến đi này dạy cho mình rất nhiều thứ và giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều về tư duy. Mặc dù hiện nay Overwatch không còn thịnh hành ở Việt Nam nữa, nhưng nếu được hỏi một lần nữa “Bạn muốn chơi game nào và thích xem game nào nhất?”, mình vẫn sẽ trả lời đó là “Overwatch!!!”
Hết rồi!!!
FunkM lúc nào cũng phong độ đỉnh cao =))