Gundam Thực Ra Là Gì? (P.2)

Khách quen

  

Khái niệm GUNDAM trong nhiều seri nhìn chung không quá phức tạp. Trong một vài dòng thời gian, việc nhận diện một cỗ máy có phải là Gundam không hết sức đơn giản, ví dụ như Future Century (bất cứ MS nào có khuôn mặt trông giống Gundam đều là Gundam, bất kể ngoại hình có kỳ quái đến đâu), hay Cosmic Era (cứ được trang bị hệ điều hành G.U.N.D.A.M thì là Gundam hết). Hay như trong bài viết trước, chúng ta đã thấy Gundam thay vì là một cỗ máy đơn thuần, chúng còn là hiện thân cho những lý tưởng nhất định.

Song, có những trường hợp mà “kỹ thuật” hay “biểu tượng” đều không thể áp dụng cho tất cả. Chào mừng đến với dòng thời gian Universal Century (gọi tắt là UC), nơi Gundam và trông-giống-như-Gundam không phải lúc nào cũng là một.

CHIẾC ÁO CÓ LÀM NÊN THẦY TU?


Một khi nhắc tới những Gundam trong kỷ UC thì không thể không nhắc chiếc RX-78-2 Gundam (hay còn được gọi vui là ‘Cụ tổ’), vì đây không chỉ là Gundam đầu tiên, mà nó còn đặt nền móng cho hình tượng của mọi Gundam sau này. Vào thời điểm tham chiến, chiếc RX-78-2 là một kỳ quan công nghệ đích thực với hiệu suất cao, sở hữu hỏa lực tương đương chiến hạm (vào đầu giai đoạn Chiến Tranh Một Năm, chỉ có chiến hạm mới sở hữu vũ khí beam), và nhất là lớp giáp được làm từ hợp kim titan Luna (Luna Titanium). Cùng với kiểu gương mặt rất đặc trưng, tất cả những thành tố trên cùng nhau tạo nên hình tượng ban đầu của Gundam.

Hãy nói một chút về Luna Titanium, và bạn sẽ hiểu vì sao nó lại (từng) góp phần định nghĩa một Gundam. Không chỉ giảm trọng lượng, loại vật liệu này còn đem lại cho RX-78-2 sức phòng thủ ấn tượng: đạn súng máy cỡ nòng 120mm và 90mm của Zaku II gần như không xi nhê gì, các đòn tấn công vật lý cũng chẳng đem lại kết quả khả quan hơn. Nó thậm chí còn có khả năng chống chịu ở một mức độ trước vũ khí beam: chiếc RX-78GP01 Gundam Zephyranthes dù chịu thiệt hại nặng, thậm chí hứng nhiều phát bắn bởi vũ khí beam cầm tay vào phần thân nhưng vẫn không bị phá hủy. Tuy nhiên chi phí đắt đỏ và quy trình sửa chữa bảo dưỡng phức tạp khiến cho chỉ những cỗ máy tân tiến nhất (thường là Gundam) mới được chế tạo từ vật liệu này. Cộng thêm việc Luna Titanium được đổi tên thành Gundarium, nên không có gì lạ khi người ta cho rằng một MS được trang bị loại giáp này tức là Gundam.


Hoặc ít nhất điều đó đúng cho đến khi chiếc Gundam Mk-II cùng “những người bạn” xuất hiện. Bất chấp việc Mk-II được chế tạo từ vật liệu tổ hợp sứ – hợp kim titan thay vì Gundarium, sự thật nó vẫn là Gundam là không thể chối cãi. Nghịch lý ở chỗ, một MS khác với vẻ ngoài mà đến trẻ con cũng thấy là chẳng giống Gundam một-chút-xíu-nào, chiếc Rick Dias, ban đầu dự định được đặt tên là Gamma Gundam vì chính vật liệu làm nên nó: Gundarium. Hyaku Shiki cũng là trường hợp tương tự, thậm chí còn có phần hơn vì ngoại hình tương đồng với Gundam, và là phiên bản cắt giảm khả năng biến hình của Delta Gundam – vốn là thiết kế ban đầu của nó. Thậm chí một số loại MS sản xuất hàng loạt cũng đã bắt đầu được chế tạo từ loại vật liệu này như Nemo và Marasai; và không ai gọi chúng là Gundam, từ trong phim cho tới bìa hộp Gunpla.

Với việc Gundarium dần trở nên phổ biến trong sản xuất MS, thứ vật liệu này không còn là chỉ dấu với riêng Gundam nữa. Nhưng nếu bạn nghĩ dựa vào hình dáng bên ngoài để xác định đâu là Gundam sẽ chính xác hơn, thì người viết sẽ chỉ cho bạn thấy cách này cũng “gây lú” không kém.

TRÔNG-GIỐNG-GUNDAM HAY THỰC SỰ LÀ GUNDAM?

Kể từ thời điểm UC0079 cho tới năm UC0153, dù sự phát triển của công nghệ chế tạo MS đã thay đổi đáng kể ngoại hình lẫn hiệu suất của những cỗ máy này, song chỉ riêng có một chi tiết gần như là bất biến. Dù được chế tạo bởi Anaheim Electronics, Liên Bang Trái Đất hay một tổ chức khác, khuôn mặt của những MS được gắn mác Gundam không có nhiều sự khác biệt: hai mắt (camera) và một hoặc nhiều hơn một cặp sừng (ăng ten) hình chữ V trên trán. Chắc hẳn sẽ có người thắc mắc vì sao những đặc điểm này chỉ xuất hiện trên các Gundam mà không phải những mẫu sản xuất hàng loạt, như trường hợp của Gundarium kể trên? Thực ra nó có lý do cả đấy.

Khuôn mặt thương hiệu của Gundam

“Con mắt” của Gundam tập trung rất nhiều bộ cảm biến bao gồm các camera tầm xa, camera hồng ngoại, hệ thống nhìn đêm tăng cường độ sáng, và hệ thống đo tia laser. Các camera đằng trước cung cấp hình ảnh lập thể rõ nét nhờ phép đo khoảng cách chuẩn xác, trong khi các camera đằng sau, hai bên và phía trên có cơ chế hoạt động ít phức tạp hơn. Cặp sừng chữ V thực chất là các thiết bị liên lạc độ phân giải cao được thiết kế để hoạt động hiệu quả cả trong môi trường đậm đặc phân tử Minovsky. Tất cả những thiết bị này đều rất đắt đỏ, và chỉ được trang bị trên các đơn vị Gundam nguyên mẫu (một phần lý do Gundam chỉ được sản xuất giới hạn), trong khi loại MS sản xuất hàng loạt được trang bị với những trang thiết bị rẻ hơn nhưng đủ dùng.

Nhưng đừng nhầm lẫn rằng cứ có đầu giống Gundam thì đó là Gundam. Hãy nhìn vào chiếc RX-79(G) Gundam Ground Type; một trong số những mẫu MS này có đầu được thay bằng đầu của một chiếc GM, nhưng điều đó không thay đổi việc nó là Gundam. Hoặc MSZ-006 Zeta Gundam từng được gắn tạm một chiếc đầu của Zaku II thay cho cái đầu gốc bị phá hủy; trừ việc khiến màn hình không thể hiển thị 360 độ và cản trở việc biến hình, thì về cơ bản nó vẫn là Zeta Gundam.

Đã có những ví dụ cho trường hợp “trông không giống mà lại là Gundam”, thì lẽ tất nhiên là vế ngược lại cũng tồn tại. Nhìn qua thì chiếc RGM-79FC Striker Custom trông cứ như là người họ hàng xa của chiếc RX-78-2 Gundam trứ danh; nhưng thực tế thì nó chỉ là một chiếc GM Striker “mông má” lại đôi chỗ và được gắn đầu Gundam. Hay thậm chí dù có được phát triển theo dữ liệu từ Gundam và vẻ ngoài từ đầu đến chân không khác Gundam là bao, như trường hợp của Zeta Plus (các phiên bản), FAZZ, Theta Plus, Delta Plus, nhưng sau cùng thì những MS này cũng không hề được coi là Gundam.

Trông-không-giống-nhưng-là-Gundam, ngược lại và hiện thân của sự mơ hồ

Chiếc RX-121 Gundam TR-1 [Hazel] là một trường hợp thực sự kỳ quặc. Dù mang cái mác Gundam, thực chất cỗ máy này chỉ là một chiếc GM Quel được chỉnh sửa đôi chút có đầu Gundam. Và cái đầu này thậm chí còn chẳng phải là đầu Gundam “xịn”, mà thực ra là đầu của GM Quel được sửa đổi để trông giống như đầu Gundam. Nguyên do cho nước đi “cồng kềnh” này là để đánh giá tác động tinh thần đối với các phần tử tàn dư Zeon trước Gundam. Nếu chiếc Hazel trong mắt kẻ địch không khác gì một Gundam chính hiệu, vậy gọi nó là Gundam thì có gì sai?

TỐT NHẤT LÀ… TỪ BỎ ĐI

Đến đây thì hẳn ai cũng nhận ra rằng việc cố gắng định nghĩa “thế nào là Gundam?” trong kỷ UC cũng vô ích như dã tràng xe cát. Không có một định nghĩa nhất quán nào để phân biệt rạch ròi đâu là và không phải là Gundam, khi mà có quá nhiều tiêu chí đúng với trường hợp này, nhưng lại hoàn toàn sai với trường hợp kia. Thậm chí như chiếc F91, sau này được gọi là Gundam F91 đơn giản chỉ vì có người thấy nó trông giống chiếc Gundam “Cụ Tổ”, chứ không phải vì đặc tính kỹ thuật hay gì đó cao siêu phức tạp. Vậy nên lời cuối của người viết là: nếu Bandai/Sunrise nói cỗ máy nào là Gundam thì nó chính là Gundam, không trật vào đâu được – vì chính họ là người quyết định lore cơ mà.

Vu Khanh

Khách quen

  
Là một con nghiện lâu năm thể loại mecha nói chung và Gundam nói riêng; thích tìm hiểu lore những seri giả tưởng; không mộng mơ, không thích màu hường nhưng thích vanilla và romcom; thích nghe tiếng lách cách khi ráp mô hình và soi đồ figure nữ. Tựu chung là hơi bệnh.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện