Đánh giá Call of Duty 4: Modern Warfare – Vẫn luôn là huyền thoại

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

“50000 people used to live here….Now it’s a ghost town.” – Đã 11 năm trôi qua từ ngày đầu tiên Modern Warfare được ra mắt, và với bất cứ một fan trung thành nào của Call of Duty, cũng đều không thể quên được phiên bản huyền thoại này. Call of Duty 4 Modern Warfare, có thể không phải phiên bản hay nhất, có thể không phải phiên bản bán chạy nhất, nhưng nó vẫn sẽ mãi được ghi danh là phiên bản quan trọng nhất. Bởi vì Call of Duty 4 không chỉ đóng vai trò là phiên bản bước ngoặt cho series, mà còn là bước ngoặt đối với thể loại FPS shooter nói chung.

Ra mắt năm 2007, 1 năm sau Call of Duty 3 – cũng một tựa game lấy đề tài Thế chiến. Call of Duty 4 khiến đông đảo gamer bất ngờ khi tuyên bố Call of Duty 4 sẽ có tên là Modern Warfare, và như cái tên, sẽ nói về chiến tranh hiện đại. Không còn những chiến dịch lịch sử, không còn lấy bối cảnh Thế chiến, Call of Duty sẽ vươn mình đến hiện tại. Nếu thành công, CoD4 sẽ mở ra một hướng đi mới mẻ cho series CoD nói riêng và dòng game FPS nói chung, nhưng nếu thất bại, Activision có lẽ sẽ lại quay lại bối cảnh Thế chiến đã phần nào quá quen thuộc và rất khó để Call of Duty dám thay đổi lần nữa.

Và như chúng ta đã biết, CoD4 đạt được những thành công cực kỳ to lớn về cả doanh thu lẫn chất lượng. Hơn 7 triệu bản được bán ra tính đến tháng 1 năm 2008 cho PS3 và Xbox 360. Cho đến năm 2013, tổng số lượng phiên bản mà CoD4 bán được là gần 16 triệu bản, sức công phá quá khủng khiếp! Không chỉ đạt được thành công về mặt doanh thu, CoD4 còn nhận được vô số lời khen ngợi đến từ các trang báo uy tín và điểm số cao ngất ngưởng, hầu hết là những điểm số 9/10, 10/10 và 5 sao cho CoD4. Vậy điều gì đã làm nên thành công của CoD4: Modern Warfare?

Đầu tiên, đó là cốt truyện, các tựa game FPS trước đó nhìn chung thường có một cốt truyện khá đơn giản, không có nhiều nút thắt, tất cả tập trung vào gameplay nhanh mạnh và đã tay. Dĩ nhiên vẫn có những game FPS chú trọng cốt truyện, nhưng với dạng FPS thuần shooter như Call of Duty hay Battlefield, Medal of Honor thì cốt truyện vốn không quan trọng cho lắm, hơn nữa các phiên bản trước đó của Call of Duty đều lấy bối cảnh Thế chiến, nên có cốt truyện hay không thì cũng không quan trọng. Nhưng giờ, với việc Modern Warfare lấy bối cảnh chiến tranh hiện đại, cốt truyện phải được chú trọng, người chơi cần biết mình đang làm gì, tại sao lại như vậy, và phải có được mối liên kết với nhân vật trong game.

Modern Warfare lấy bối cảnh năm 2011, phần tử dân tộc cực đoan Khaled Al-Asad bắt đầu kế hoạch điên rồ của hắn ở Trung Đông, nước Nga thì kẹt giữa cuộc nội chiến giữa chính phủ và Đảng dân tộc cực đoan. Nghe qua chúng ta đã biết trọng tâm Modern Warfare sẽ xoáy về vấn đề gì: đó là vấn đề chống khủng bố và các phần tử cực đoan, một vấn đề vốn chẳng bao giờ hết nóng. Trong Modern Warfare, chúng ta sẽ được điều khiển nhiều nhân vật khác nhau: chàng lính mới John “Soap” McTavish của đội SAS, Trung sĩ Paul Jackson của Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC), Captain Price thời trẻ,…. Nhưng nhiều nhất vẫn là chàng lính trẻ Soap của SAS. Theo chân các nhân vật trong Modern Warfare, chúng ta bị cuốn vào một cuộc chiến chống khủng bố vô cùng căng thẳng, chống lại âm mưu của Al-Asad, và dần dần khám phá ra âm mưu của một kẻ còn nguy hiểm hơn hắn: Imran Zakhaev, “người quen” của Captain Price, kẻ mà ông ám sát hụt 15 năm trước trong hai mission huyền thoại “All Ghllied Up” và “One Shot One Kill” ở thị trấn Pripyat. Song song với cuộc chiến chống lại Zakhaev của nhóm Task Force 141 là cuộc chiến chống lại quân đội của Al-Asad ở Trung Đông của quân đội Mỹ. Một trong những khoảnh khắc gây sốc nhất toàn bộ tựa game, đó là cảnh 30000 lính Mỹ bị quét sạch trong vụ nổ hạt nhân mà Al-Asad kích hoạt.

Căng thẳng tiếp tục leo thang, kể cả khi Al-Asad bị Captain Price giết chết ở Azerbaijan, vì Imran Zakhaev còn sống, và đội SAS phối hợp cùng USMC cũng như quân đội chính phủ lâm thời Nga hợp tác thực hiện chiến dịch truy bắt con trai Imran Zakhaev là Viktor Zakhaev để tìm thông tin về nơi ẩn náu của hắn. Tuy nhiên, Viktor tự sát để không bị bắt giữ, điều này khiến Zakhaev tức giận và hắn đe dọa trả đũa bằng cách phóng tên lửa hạt nhân vào Mỹ. Nhóm của Captain Price mở chiến dịch đột kích để ngăn chặn điều này, nhưng họ vẫn không kịp ngăn Zakhaev phóng hai quả tên lửa vào Mỹ. Hy vọng cuối cùng là vô hiệu hóa chúng trước khi chúng đến nơi, bởi nếu không, thương vong ước tính sẽ lên tới hơn 40 triệu người. Nhiệm vụ sau đó thành công, nhưng nhóm của Captain Price bị Zakhaev truy đuổi và cuối cùng bị bao vây trên một cây cầu, gần như tất cả đều hy sinh, trừ Captain Price và Soap. Và khoảnh khắc cuối của Modern Warfare chắc không ai quên được: Captain Price ném cho Soap khẩu M1911, nhân lúc Zakhaev bị phân tâm bởi cứu viện của họ, Soap nã thẳng súng vào Zakhaev và kết liễu mạng sống của hắn. Kết thúc của Modern Warfare là cả Soap và Captain Price được đưa lên trực thăng, nhưng Captain Price sống chết chưa rõ. Một cái kết tương đối lửng lơ, và câu trả lời 2 năm sau đó trong Modern Warfare 2 cũng chưa thực sự thỏa đáng, nhưng nhìn chung, phần cốt truyện của Modern Warfare vẫn cực kỳ xuất sắc, cốt truyện tương đối phức tạp, nhiều nút thắt và căng thẳng đến tận phút cuối cùng.

Thành công của phần chơi campaign của Modern Warfare không chỉ đến từ mỗi cốt truyện, mà còn đến từ gameplay – những mission huyền thoại đã đi vào lòng những fan hâm mộ của Call of Duty. Nhắc đến Modern Warfare là phải nhắc đến “All Ghillied Up”, “One Shot One Kill”, “War Pig” hay “Death From Above”. Độ dài phần campaign của Modern Warfare vừa phải, mạch game hợp lý và luôn tạo cảm giác hưng phấn cho người chơi. Là một game bắn súng FPS tuyến tính, gameplay là thứ rất quan trọng để giữ chân người chơi. Game chia làm nhiều mission nhỏ, cắt cảnh giữa các mission là thông tin, địa điểm của mission tiếp theo, vì là game tuyến tính nên game chú trọng hướng người chơi đến hoàn thành những objective cụ thể nối liền dưới sự chỉ đạo của các NPC đồng đội. AI được lập trình khá tốt, NPC đồng đội rất hữu ích và không khiến chúng ta rơi vào cảnh “gánh team” như nhiều game FPS khác mắc phải, NPC địch cũng rất khó nhằn, đặc biệt là chúng cũng biết tìm chỗ núp khi chiến đấu, ném lựu đạn và bắn RPG, Sniper… chuẩn như hack (đặc biệt nếu bạn chơi ở Hardened hay Veteran thì sẽ cực kỳ ghét những tên địch dùng RPG hay Sniper Rifle).

Số lượng vũ khí trong Modern Warfare cũng đa dạng hơn rất nhiều khi chúng ta có thể sử dụng cơ man vũ khí, từ những khẩu Pistols như M9, USP .45, M1911 đến những khẩu Assault Rifles như M16A4, Ak47 huyền thoại, M4 Carbine đến những khẩu Sniper Rifles như Dragunov hay M21,… Nói chung, số lượng vũ khí và trang thiết bị của Modern Warfare là khá đa dạng và người chơi có thể tự do trong việc chọn lựa vũ khí mình yêu thích. Âm thanh của súng trong Modern Warfare, tuy không đã tai cho lắm, nhưng vẫn rất “kêu” và không nhàm chán, dù tiếng súng của những khẩu khác nhau… không thực sự khác nhau cho lắm.

Về phần đồ họa, Modern Warfare sử dụng engine IW 3.0, thời điểm năm 2007 thì là một game có đồ họa khá đẹp mắt và chi tiết, cháy nổ ấn tượng, tất nhiên không thể bằng Cry Engine được rồi, nhưng so với đồ họa của phiên bản trước đó là Call of Duty 3 hay nhiều tựa game FPS khác, Modern Warfare nổi trội hơn hẳn. Tất nhiên thế hệ gamer bây giờ có lẽ sẽ thấy đồ họa Modern Warfare không có gì đặc biệt hay có thể còn thấy nó xấu, dĩ nhiên rồi, một game thuộc đời đầu PS3/Xbox 360 thì làm sao đẹp bằng những game đồ họa khủng được. Tuy vậy, chơi Modern Warfare vẫn không có cảm giác đồ họa lỗi thời chút nào, theo tôi, đó là thành công về mặt đồ họa mà Modern Warfare có được. Và nếu thực sự bạn không thích trải nghiệm một tựa game đã có đồ họa quá cũ? Vậy thì đã có Modern Warfare Remastered dành cho bạn – phiên bản cải tiến đồ họa thực sự ấn tượng, bóng bẩy cho thế hệ console next-gen. Nhưng tôi vẫn có cảm giác thích cái đồ họa cũ của Modern Warfare hơn, vì cái không khí nó mang lại là duy nhất, một không khí rất “Modern Warfare” mà tôi không thấy Modern Warfare Remastered đem lại được đầy đủ.

Phần âm nhạc/lồng tiếng của game cũng rất tốt, có lẽ chẳng ai có thể quên được chất giọng đậm chất Anh của Captain Price huyền thoại, chất giọng thâm hiểm của Imran Zakhaev hay giọng Nga có phần hài hước của Nikolai hay Kamarov. Âm nhạc trong game cũng để lại những ấn tượng khá tốt với những bản nhạc huyền thoại như “Shadow of Chernobyl” hay “Surrounded”.

https://www.youtube.com/playlist?list=PL1E5A61D291A590A5

Tóm gọn lại, với những gì đã làm được, Call of Duty 4: Modern Warfare vẫn luôn xứng đáng được vinh danh là một trong những phiên bản Call of Duty hay nhất và ấn tượng nhất. Modern Warfare đã đánh dấu bước ngoặt cho sự chuyển mình của Call of Duty nói riêng và dòng game FPS nói chung. Modern Warfare là chương đầu tiên của bộ ba Modern Warfare huyền thoại của Infinity Ward. Modern Warfare, vẫn là một game mà tôi có thể chơi đi chơi lại mà không cảm thấy chán.

Đánh giá cho Call of Duty 4 Modern Warfare (PC/PS3/Xbox 360/MAC/Wii): 8,5/10

Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện