Đánh giá Bloodstained: Ritual of the Night – Cà khịa cực mạnh Konami

Khách quen

  

Thể loại platform nói chung luôn là một thể loại game thu hút nhiều game thủ vốn do gameplay đơn giản mà cuốn hút. Dễ chơi, nhưng lại cần kha khá kĩ năng để trở nên thuần thục. Một vài cái tên tiêu biểu của thể loại này, hồi xưa thì có dòng Metroid, Super Mario, Kirby, Megaman Classic hay Megaman X. Mới mới thì có Shovel Knight, Hollow Knight. Nhưng có vẻ như thời hoàng kim của thể loại platform này đang dần lụi tàn, khi người chơi game hiện tại không còn tìm thấy được sự thú vị, hoặc là không có mấy những cái tên thực sự nổi bật trong thể loại này.

Hãy để mình kể cho các bạn nghe một câu chuyện. Ngày xửa ngày xưa, ở trên một hành tinh nọ, có một công ty nọ. Công ty đó sản xuất ra một dòng game nọ, rồi họ ra mắt rất nhiều phiên bản thành công của tựa game đó. Xong rồi tới một ngày, họ bỗng quyết định dừng dòng game đó lại, reboot nó theo một phong cách hoàn toàn mới. Cùng với đó là hàng loạt các scandal và thông tin về cách điều hành và đối xử với nhân viên không mấy được hay ho của những người đứng đầu công ty, điển hình là ông thần của chúng ta, Hideo Kojima. Nhưng bên cạnh đó, có một con người tài năng tên là Koji Igarashi, người đứng sau dòng game nọ, cũng không thích cách mà công ty đối đãi với ông cũng như cách mà họ làm với đứa con cưng của ông. Ông rời công ty nọ vào năm 2014, tạo dựng cho mình một công ty riêng để thực hiện những điều ông muốn làm. Vậy là studio ArtPlay đã ra đời. Rất nhiều gamer yêu mến dòng game nọ trên thế giới mong ngóng rằng, tựa game đó sẽ được tái sinh trong một hình hài mới, nên họ đồng lòng đổ tiền vào dự án của ArtPlay trên KickStarter, tận 5,5 triệu đô và khiến nó biến thành một trong những dự án được cộng đồng đóng góp lớn nhất trên KickStarter. Vậy là Bloodstained: Ritual of the Night đã được ra đời.

Vậy là qua câu chuyện trên thì chúng ta đã biết được những con người đứng sau Bloodstained: Ritual of the Night chính là những người đã tạo ra Castlevania: Symphony of the Night hay là Order of Ecclesia mà chúng ta yêu quý năm nào. Toàn là những tượng đài trong thể loại platform, hay sâu hơn là thể loại metroidvania. Chỉ cần vậy thôi là chất lượng của Bloodstained: Ritual of the Night đã được bảo chứng. Cơ mà, mình ở đây để đưa cái nhìn khách quan nhất cho các bạn về tựa game này. Nó hay ở đâu, dở ở chỗ nào, nên mua hay không, các bạn sẽ tìm thấy những thông tin đó trong bài viết này. Tôi sẽ không đề cập đến cốt truyện của game, nhưng trong bài sẽ có một vài hình ảnh có tính chất spoil nên tôi vẫn sẽ gắn cảnh báo Spoiler Alert cho anh em nhé.

Loạt game Bloodstained hiện tại đã có 2 phần. Phần đầu tiên mang tên Curse of the Moon là một game theo phong cách retro 8-bit giống thời kì của Castlevania 3. Mình thì không hợp lắm với game phong cách này nên cũng không lạ khi mình thậm chí còn không biết game này có tồn tại cho tới khi biết tới phiên bản sau đó của nó là Ritual of the Moon. Nên để ngắn gọn thì mình sẽ gọi tắt Bloodstained là để ám chỉ phiên bản Ritual of the Moon.

Nếu anh em đã từng chơi, từng trải nghiệm tượng đài của dòng game platform nói chung và metroidvania nói riêng, Castlevania: Symphony of the Night ra mắt năm 1997, thì holy shiet Bloodstained đã nắm bằng sạch thế mạnh của tượng đài này rồi cải tiến nó một cách rõ rệt, để cho nó còn y nguyên những cảm giác phê pha khi mà anh em điều khiển Alucard năm nào, song vẫn có những sự đổi mới mà những tựa game ngày nay cần phải có để bắt kịp với gu người chơi của thế hệ hiện tại. Nên trong bài review này tôi sẽ so sánh Bloodstained khá nhiều với Symphony of the Night để có thể chỉ rõ được điểm hay và điểm dở của game là ở đâu.

Vậy thì chúng ta hãy cùng bắt đầu với điểm mạnh đầu tiên của Bloodstained. Level design và map design, hay còn gọi là cách thiết kế màn chơi. Giống với lối chơi của Symphony of the Night, hay các tựa game của FromSoftware như Dark Soul và Sekiro học hỏi được từ thể loại metroidvania. Game không phải là một tựa game đi màn tuyến tính. Người chơi sẽ được toàn quyền điều khiển nhân vật đi bất cứ đâu mà họ muốn nếu có thể. Nó như một tựa game thế giới mở và sự di chuyển của người chơi sẽ chỉ bị giới hạn bởi những kĩ năng, vũ khí hay vật phẩm mà người chơi có thể đạt được thông qua việc đánh quái, đánh boss. Nên là để tiến sâu hơn, khám phá được nhiều hơn bản đồ của game thì người chơi sẽ phải bắt buộc đi qua một vài điểm để có các kĩ năng và vật phẩm cần thiết. Sự tự do trong việc di chuyển này cũng sẽ có ảnh hưởng tới cốt truyện theo mỗi lựa chọn của người chơi. Ví dụ giữa lựa chọn xông thẳng vào đánh con trùm cuối luôn hoặc tiếp tục lùng sục trong tòa lâu đài để giải đáp thêm nhiều điều khúc mắc trong cốt truyện sẽ mở ra cho người chơi nhiều kết thúc khác nhau.

Chưa kể, các khu vực của game được kết nối với nhau rất chặt chẽ. Ví dụ, cùng một khu vực Underground Waterway, mà chúng ta sẽ có hẳn 3 đường để vào khu vực này. Lúc người chơi đang bị giới hạn thì chỉ có thể vào được bằng đường thông qua khu vực Garden of Secret, nhưng khi đã có năng lực hút máu Bloodsteal thì người chơi có thể vào được bằng đường thông qua khu vực Entrance. Bằng mỗi đường vào thì người chơi chỉ có khả năng để khám phá một phần của khu vực này để tiếp tục tìm ra thêm nhiều skill và trang bị mới để có thể di chuyển hay khám phá các khu vực khác nữa. Chưa kể tới các lối đi riêng, nội trong khu vực Underground Waterway được kết nối với nhau và có thể đi được qua khi người chơi có đủ kĩ năng cần thiết. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong việc thiết kế bản đồ của game thôi. Nhưng đó là sự thông minh tuyệt đối để ép người chơi phải liên tục khám phá lùng sục từng ngõ ngách của bản đồ để có thể tiếp tục hoàn thành game. Một điểm nữa mà mình chú ý là các khu Save Point và các điểm Travel đặt khá hợp lý, rất gần với khu vực đánh boss và cũng rất tiện khi người chơi cần quay lại một khu vực đã đi qua vì nhiều mục đích khác nhau trên bản đồ.

Cùng một khu vực với nhau mà người chơi có thể vào bằng đường this…

…hoặc đường that

Các khu vực trong game cũng được thiết kế theo từng bối cảnh khác nhau. Khi là các khu vực bên trong tòa lâu đài rộng lớn, khi thì nguyên cả một sa mạc bí mật nằm sâu trong lòng đất, hay là nguyên cả một hang động chứa toàn dung nham, hoặc là một hang động băng giá. Cũng vì như thế mà loạt quái vật trong game cũng được thiết kế đa dạng với hình dáng và đòn đánh phù hợp theo từng địa điểm, từng khu vực. Và cũng phải nói thêm, mình rất ấn tượng các khu vực 2D nhưng lại được thiết kế giả 3D. Mà điều này mình sẽ đề cập sâu hơn 1 chút khi nói về mặt hình ảnh của game. Chưa kể là game có vô số các khu vực hay các bức tường bí mật ẩn chứa nhiều vật phẩm quý hiếm. Hoặc nếu các bạn là người thích chơi game, hay là fan của dòng game Castlevania, thì các bạn sẽ tìm được kha khá các easter egg liên quan trong Bloodstained. Ví dụ như các bạn sẽ được đánh với một con optional boss không bắt buộc phải đánh mang tên Revenant, con boss này sử dụng bộ kĩ năng giống y hệt với các thành viên của dòng họ Belmont. Hay là tên của các nhân vật chủ chốt trong series Castlevania đều được nêu tên trong phần nhiệm vụ phụ, và còn nhiều, rất nhiều nữa mà các bạn nên tự tìm ra.

Một chút “cà khịa” với series Castlevania khi Miriam phải đi báo thù cho tất cả những “người chết”, đều là các nhân vật chủ chốt trong dòng game

Nói tới đây thì phải nêu một chút về các yếu tố nhập vai RPG được lồng ghép vào trong Bloodstained. Mỗi con quái có khả năng rớt ra các vật phẩm, nguyên liệu khác nhau dùng để ghép đồ hay làm đồ ăn để tăng chỉ số tạm thời, và có khả năng rớt ra các loại vũ khí trang bị khác nhau nữa. Có tỉ lệ phần trăm rớt đàng hoàng luôn. Chính vì vậy chuyện bạn phải đánh đi đánh lại một con quái, nâng hết cỡ chỉ số may mắn để tìm một món đồ hay một nguyên liệu quan trọng cũng là một tính năng của Bloodstained.

Đánh đi đánh lại 1 con quái vì nguyên liệu có 2% tỉ lệ drop

Để mang về craft những món đồ cần thiết, hoặc để nâng cấp các mảnh shard hiện có

Và một cơ chế quan trọng nhất của game là shard. Các mảnh shard này có thể kiếm được thông qua việc farm quái, chúng đóng vai trò như là một dạng kĩ năng chủ động mà người chơi có thể thi triển, hay là một dạng kĩ năng bị động khi trang bị vào nhân vật. Có 5 loại shard khác nhau phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, cả trong việc chiến đấu và việc di chuyển trên bản đồ. Các mảnh shard này cũng có thể được nâng cấp thông qua enhance, ném một vài loại nguyên liệu cần thiết để up rank. Bên cạnh đó thì game còn có cải tiến trong việc thiết kế nguyên cả một hệ thống crafting, ghép các nguyên liệu để đúc được các loại vũ khí, trang bị và shard để người chơi có thể tự do thiết kế và xây dựng các set đồ phù hợp nhất với phong cách chơi của mỗi người. Ví dụ bạn thích chơi chậm mà chắc, bạn có thể dùng đại kiếm Great Sword và các trang bị có chỉ số Tấn công và Phòng thủ cao. Hay bạn thích chơi phép thì lấy các trang bị tăng chỉ số Trí tuệ cũng như tăng điểm Mana Point,… Game chuẩn bị rất nhiều loại vũ khí với moveset khác nhau. Như các loại kiếm ngắn, đại kiếm, katana, các loại kiếm phép hay súng. Tất cả chỉ nhằm mục đích tạo điều kiện cho người chơi có thể chơi theo phong cách mà họ muốn.

Các mảnh shard sẽ là một trong các yếu tố chủ chốt định hình lối chơi của Game

Cũng như sự đa dạng các loại vũ khí để người chơi tùy ý sử dụng


Người chơi có thể sử dụng đại kiếm

hoặc súng ống

Nhân vật Miriam cũng có animation mà theo mình đánh giá là khá tốt. Rất mượt mà theo từng nút nhập phím của người chơi. Nhưng có lẽ sẽ hơi khó khi bắt đầu chơi vì cảm nhận sau khoảng 30’ bắt đầu động tay vào game thì mình cảm thấy Miriam hơi cứng nhắc nếu so sánh với Alucard trong Symphony of the Night. Nhưng sau tầm khoảng 2 tiếng chơi game, bắt đầu quen với những cách hủy động tác thừa bằng cách nhảy lùi thì Miriam gần như trở thành một cỗ máy giết quái đích thực. Các loại quái hay boss đều có các đòn đánh khác biệt khiến người chơi phải tìm cách hiệu quả nhất khi đối đấu với những con quái ấy. Tuy vậy, yếu điểm có thể kể đến là sự bất lợi cho những người chơi không có tay cầm, khi mà input mặc định của game là sử dụng chuột và phím. Phần bàn phím phục vụ mục đích di chuyển và thi triển kĩ năng cố định, còn chuột dùng để tấn công và thi triển các kĩ năng định hướng. Chuột chỉ được sử dụng tối ưu khi cast các skill định hướng trong một tựa game platform thì có vẻ hơi lãng phí, trong khi tất cả các hành động khác đều có thể được thiết lập chuyển về bàn phím. Chưa kể tới việc nếu anh em sử dụng các vũ khí cần spam phím nhiều thì cực kì hại chuột luôn. Nên mình vẫn khuyến khích rằng để trải nghiệm Bloodstained một cách tốt nhất thì các bạn nên sử dụng tay cầm với 2 bên analog đều được tối ưu hóa.

Một trong những yếu điểm của Game

Nói tới cách chơi thì các bạn cũng có thể chơi Bloodstained theo nhiều cách. Chơi Speedrun Any% cũng được. Chơi theo kiểu muốn hoàn thành 100% bản đồ, lấy được 100% item và shard kiểu cày kéo cũng được. Game còn có các NPC ở làng để giao nhiệm vụ cho người chơi. Chủ yếu là giết các loại quái vật theo yêu cầu, tìm một món đồ hay trang bị gì đó, và phải làm ra một loại đồ ăn để nhận phần thưởng. Nhưng dù vậy tất cả những điều này là không bắt buộc. Có nhiều cách để tận hưởng Bloodstained: Ritual of the Night khác nhau, hãy chọn cách tận hưởng sao cho phù hợp với bản thân mình nhất.

Về mặt hình ảnh và thiết kế, thật sự phải nói Bloodstained đã làm tốt phần việc của mình. Dù là một tựa game platform 2D, nhưng hầu hết tất cả mọi thứ đều được render 3D nhưng vẫn giữ lại phong cách anime wibu 2D, vừa truyền thống lại vừa có sự cải tiến cần thiết để hợp mắt với những người chơi hiện đại. Biến Bloodstained trở thành một game platform 2.5D, cũng na ná giống với Megaman X8 là một trong những tựa game thuộc thể loại platform mà mình đánh giá cao nhất về mặt hình ảnh. Cách thiết kế này cũng giúp trò chơi có thêm lợi thế khi có thể liên tục chuyển đổi linh hoạt giữa hình ảnh gameplay và các đoạn cutscene khi người chơi đến một điểm chuyển tiếp nào đó thuộc cốt truyện. Một điểm tốt nữa trong yếu tố hình ảnh của game là các hình ảnh hiệu ứng, như là hoạt ảnh khi các đòn đánh được thi triển chẳng hạn. Các hoạt ảnh này cũng phát huy tác dụng rất lớn trong quá trình trải nghiệm của người chơi, gây cảm giác thỏa mãn khi người chơi đánh trúng kẻ thù. Tuy vậy lại có một vài vấn đề, tuy nhỏ thôi nhưng vẫn ảnh hưởng tới trải nghiệm của bản thân mình với trò chơi. Ví dụ như là ở trong khu vực núi lửa chẳng hạn. Background và render của quái gần như bị chìm, hòa hẳn vào nhau khiến cho việc nhận biết hướng di chuyển cũng như đòn đánh của đối thủ để né tránh gần như rất khó. Một điểm nữa mình cảm giác là game làm chưa tới là cách thiết kế hub và font chữ trên hub, cảm giác không thực sự đẹp mắt và chuyên nghiệp lắm, mặc dù các chỉ số và thông tin đều được thể hiện chi tiết, nhưng thực sự Game có thể làm tốt hơn thế.

Sự kết hợp hài hòa giữa lối chơi 2D truyền thống và hoạt ảnh 3D tân tiến


Cuối cùng, phần âm thanh của game. Lại một lần nữa chất lượng âm thanh được bảo chứng khi người phụ trách sản xuất, sáng tác các bản nhạc nền cho Bloodstained: Ritual of the Night là Michiru Yamame. Cũng là người đã phụ trách mảng này cho vô số các phiên bản chủ chốt của dòng game Castlevania như Bloodlines, Symphony of the Night, Lament of Innocence, Aria of Sorrow, Curse of Darknes, Potrait of Ruin và Order of Ecclesia. Các giai điệu được luân chuyển theo từng khu vực, và cũng rất chi là thân thuộc với những người đã quá quen với phong cách âm nhạc của bà thông qua Castlevania. Mình sẽ để anh em nghe bản nhạc mà mình thấy hay nhất trong Bloodstained: Ritual of the Night.

Phần âm thanh hiệu ứng với mình thì thực sự không quá đặc sắc mà chỉ dừng lại ở mức tốt, không quá xuất sắc và cũng không hề tệ. Trong khi đó phần lồng tiếng của game được làm rất tốt và rất chuyên nghiệp khi tập trung rất nhiều giọng nói quen thuộc. Đối với giọng lồng tiếng Anh, với nhân vật chính Miriam thì lồng tiếng cho cô là Erica Lindbeck, cũng là người đã góp giọng cho Futaba trong Persona 5, Black Cat trong PS4 Spider-Man, Cassie Cage trong MK11,… Tương tự, nhân vật Gebel, lồng tiếng bởi Ray Chase, cũng là Genichiro Ashina trong Sekiro: Shadow Die Twice, Noctis trong Dissidia Final Fantasy NT,… Về phía giọng lồng tiếng Nhật thì chúng ta có Miriam của Ami Koshimizu, nổi tiếng với nhân vật Ryuko Matoi trong bộ anime Kill la Kill, Yukiko Amagi trong Persona 4, Mai Shiranui trong Dead or Alive 6, Zooey trong Granblue Fantasy. Và Gebel được phụ trách bởi Shusaku Shirakawa, tiêu biểu với Deadpool và Cyclops trong tựa game Lego Marvel Super Heroes. Còn rất nhiều các nhân vật khác nữa với những giọng lồng tiếng đặc sắc không hề thua kém về cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật mà mình không tiện liệt kê ra hết trong bài viết này. Nhưng chỉ với hai nhân vật chính trên, chúng ta có thể yên tâm về chất lượng âm thanh của Bloodstained: Ritual of the Night.

Để tổng kết thì mình sẽ chấm cho tựa game Bloodstained: Ritual of the Night điểm 9/10. Đây là một trải nghiệm mà cả người chơi mới lẫn người chơi cũ đều nên thử qua một lần, để thực sự biết được thời hoàng kim đỉnh cao của dòng game platform nói chung và metroidvania nói riêng ra sao, và nó được mang tới thế hệ hiện đại như thế nào. Game hiện tại đang được bán trên nền tảng Steam với giá 310k chưa tính sale, 01 DLC không bắt buộc vì nó không ảnh hưởng gì tới trải nghiệm game có giá 120k, và 01 soundtrack pack cũng với giá 120k luôn. Với mình thì 310k là một cái giá rất hợp lý với một tựa game indie chất lượng kinh phí khủng để anh em tậu về tài khoản Steam của bản thân. Với các hệ máy khác như PS4, Xbox One hay Switch thì giá có thể đắt đỏ hơn nên mình sẽ khuyến khích chờ sale trên các hệ máy này. Đồng thời mình cũng rất mong studio ArtPlay sẽ tiếp tục ra thêm nhiều hơn nữa những sản phẩm tuyệt vời như thế này.

Rating: 9/10

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly