Có mấy buổi chiều, chừng 3-4 giờ, tự dưng không cái trời trở gió. Mới đầu gió còn hiu hiu, mới xíu mà trong gió nghe có hơi lạnh từ ngoài bờ sông thổi vô, nghe tê tái con tim. Tiếng gió xào xạc quật mấy cái lá khô với cát bụi vô mái tôn lạo xạo. Dị đó, rồi mây đen kéo về. Ông trời làm mưa.
“Dẫu mà trời còn ngàn năm cứ mưa hoài,
Để thèm thuồng giọt nắng rớt sau hè.
Con vẫn ngồi nhen bếp lửa hồng nuôi ngọn đèn chong”.
Mới nãy, nắng nó còn hơi đục đục, hơi rầu rầu. Nó chấm chớm vàng nhảy múa ngoài song cửa. Dị đó, mà mưa cái nó chạy mất liền.
Rồi cái, lòng mình nó se sắt, không hiểu vì sao. Cái buồn nó tới giựt mình hồi nào hổng hay. Trên loa phát ra tiếng nhạc nền dìu dịu, tiếng đờn kìm cứa vô trong ruột trong gan. Nghe quay quắt cái niềm đau vừa cũ vừa lạ của mình ở đâu đó xa xăm, nay vừa tìm được đường dìa với mình. Rồi một giọng miền Tây rặt cất lên “Truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư… “.
Hồi tui mới nghe cái tên chị Tư là nhờ cái phim điện ảnh, có cảnh Ninh Dương Lan Ngọc bị cưỡng hiếp ám ảnh lắm. Thời đó Lan Ngọc chưa nổi tiếng, còn nhỏ xíu, 11 năm trước lận mà. Ngọc diễn bi kịch mà khóc tu tu. Đạo diễn la, em không được khóc. Nước mắt nó phải chảy ngược vô trong tim, nó mới đau. Khóc bốn lần, lần thứ năm, Ngọc trân trân chết lặng. Nguyên đoàn phim im phăng phắt. Đạo diễn quên “cắt” luôn. Xong bận đó, Ngọc thành ngôi sao. Chị Tư thì không.
Tui nói thiệt, văn chị Tư ai sao tui hổng biết. Với tui, đọc một lèo mấy truyện hổng nổi. Tại sao dị? Tại nó buồn quá, nó thương quá. Nó bình yên tới da diết. Hồi đó, chị viết chủ yếu là truyện ngắn. Tự nhiên nguyên cái văn đàn đang ngập tràn truyện Tàu ngôn tình, truyện Tây sến, truyện Thiếu Nhi hoành tráng, sách dạy làm đàn bà, sách dạy yêu, dạy chảnh, dạy làm giàu… Cái xuất hiện nguyên một cục đất đen thui, lăn lông lóc. Cái cục đất có dính miếng cỏ bò ăn, dính miếng rau muống dập. Có mùi sình non, mùi lúa chín. Có tiếng cá đớp cái bõm. Có tiếng mẹ ru điệu ầu ơ cha mầy mê vợ bé bỏ bè con thơ. Có cái nghèo chết mẹ, có cái số hẩm hiu xuôi ngược giữa dòng đời… Miền Tây mình ơi, Bậu còn ở đó mà phải hông?
Mấy cái truyện ngắn, như mấy lát cắt cuộc đời xứ này. Mấy cái chuyện về mấy thân phận nhỏ xíu xiu, vô danh, mấy cái tên xấu quắc, quê mùa. Mấy cái chuyện sau bếp, bên vách nhà, chuyện lời qua tiếng lại của mấy bà Tám. Mấy cái chuyện vặt vãnh, đọc rồi buồn có truyền năng lượng tích cực gì đâu. Mà sao kì, tui nghe quài quài, tui đọc quài quài. Chắc tại, tui là người miền Tây rặt. Hén?
Truyện chị Tư không có đấu tranh số phận đâu. Chỉ có những con cá rô đồng giãy chết lặng lẽ dưới đám sình non, khi ai đó vô tình làm đổ chai thuốc trừ sâu xuống sông. Chỉ có những bà mẹ cam chịu, những người vợ sụt sùi, những người con gái ôm mối duyên hờ se sắc héo mòn. Có hai thằng con trai bán bánh bao ôm cái nhà Tổ cũ mèm sắp sập. Có ông già bị tai biến đi dọc bờ sông tìm người tình xưa mình ruồng rẫy. Có bà già đi tìm vợ cũ cho chồng. Có thằng cha bán kẹo kéo đi ăn cắp bò, quát vô ống kính nhà báo “Cải ơi tía nè con, mày ở đâu Cải ơi!”, có nhỏ em thương chồng bà chị ruột, ở vậy tới già rụng răng, có ai đó chạy giữa cánh đồng thênh thang, lội bì bõm hun hút dưới khúc sông trong cơn giông bão. Ủa, sao vậy cà?… Miền Tây mình đây sao?
Hồi xưa tui thích đủ thứ. Tự nhiên bi giờ già rồi, đi một vòng xứ người, dìa miền Tây cái chợt muốn ở lại hổng đi đâu nữa. Hồi xưa nghe nhạc Tây nhạc Tàu, cái bây giờ nghe nhạc chú Bắc Sơn, chú Thanh Sơn, nghe giọng cô Hương Lan, thấy hay quá trời quá đất. Hồi xưa thích phim vũ trụ này vũ trụ kia, sao giờ coi lại Đất Phương Nam, thấy đã làm sao.
Mà, miền Tây là cái gì? Cái gì làm ra miền Tây vậy? Tui nghĩ rằng, là “đất đai – nhơn trạch”. Hồi đó, ở xứ này, cất cái nhà là phải dựng cái bàn Thông Thiêng ở trước cửa, hướng ra lộ (hồi xưa nhà quay mặt ra mé sông, nên cũng coi như hướng xuống sông). Cái bàn thờ nhỏ xíu, thường làm bằng thân cây và miếng ván, để cái bình bông, cái lư hương, vài trái ổi trong vườn, là người ta ra khấn “Đất Đai – Nhơn Trạch” được rồi. Cái bàn thông thiêng, đưa khói nhang bay về trời, cho các bậc linh thiêng ở mảnh đất này chứng giám. Nhơn Trạch – con người, nhà cửa. Miền Tây phải được tạo nên bởi vùng đất, con người, nhà cửa cảnh vật. Chứ hông phải bởi tài nguyên thiên nhiên, vựa lúa vựa gạo, hay mấy đám cưới đi vàng cả ký. Nó được tạo nên bởi tiếng cười hào sảng, bởi cái nết hiếu khách, rộng rãi thương người. Bởi cái nết khó khăn của mấy ông bà già xưa. Bởi cái hồn nhiên của con nít. Bởi cái nếp nhà đặc trưng, nhất cận thị nhị cận giang, mà lũ về thì ngập. Bởi những cánh đồng sình ngập mùi phù sa và phèn chua. Bởi những cửa sông nước chảy vòng cầu, những con rạch mát râm bóng dừa nước. Bởi những con người hồn hậu bình dị, chơi tới bến, mà đời buồn rười rượi.
Chị Tư bả hay lắm, bả mang hết những cái đó vào truyện của bả. Bả vu vơ mà có ý tứ. Bả kể chuyện xạo mà nó thiệt đó. Bả nói chuyện ai ai mà tui thấy có bà tui, má tui, ba tui, con nhỏ tui thương trong đó. Bả buồn cái tui thấy buồn. Nhiều khi bả vui, tui cũng thấy buồn.
Bả gợi lại nhiều giá trị xưa cũ mấy chục năm, mà mình tưởng mình quên luôn rồi. Ồ, thì ra tui còn nhớ hết trơn nhen. Tui còn nhớ cây cầu dừa nó khác cây cầu khỉ. Chiếc ghe nó khác chiếc vỏ lãi. Cái bánh tráng nó khác cái bánh đa. Tui còn phân biệt được Vọng Cổ với Hồ Quảng, kịch với cải lương. Tui còn biết lẩu mắm nó thúi mà nó ngon lắm. Còn nhớ đá bào xi rô, còn thèm kẹo bòn bon, còn mê bắn đạn. Tui còn muốn xem Tây Du Ký bằng cái ti di vuông vức nặng chì màn hình cong nhòe nhoẹt, còn muốn nghe điệu hò đối đáp đưa tay anh bứt cọng ngò, thương em thấy mẹ giả đò ngó lơ…
Bây giờ, nhà lầu nó lấn ruộng đồng. Tui cũng ở chợ, mà tui vẫn thấy miền Tây vẫn còn đó, chắc hông mất đi được đâu, cho đến khi nào người ta còn thương, còn nhớ hén? Phải hông chị Tư?
— Khang —
anh Khang là người tỉnh nào anh? Em ở Kiên Giang
Mình ở An Giang bạn ơi!