LƯU Ý: Bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân của người viết chứ không phải một bài đánh giá game, sẽ có nhiều ý kiến chủ quan. Người viết cũng không nói nhiều về đồ họa và stealth, vì hai thứ này đã quá rõ rồi.
“Mày cứ chơi Unity ngay cho tao!”, tôi thường bảo với mấy ông/bà bạn mới nhập môn AC hoặc vừa chơi xong game AC nào đó. Một con game có cốt truyện dở tệ, xây dựng nhân vật kém cùng đống bug và glitch. Chà, tựa game như thế có gì đáng để chơi nhỉ? Và mỗi khi có ai hỏi tôi như thế, tôi sẽ nhiệt tình chỉ họ những cái hay khác đằng sau sự dở tệ kia. Cùng ngồi trước màn hình và kể nhau nghe về con game dở tệ này hay như thế nào.
Một thế giới sống động
Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris là một tai họa, nhưng cũng là một may mắn với giới game thủ. Nhờ đó mà chúng ta có thể trải nghiệm tựa game 2014 nhưng đồ họa đẹp ngất ngây do Ubisoft phát hành miễn phí. Thật không ngoa khi nói rằng AC Unity là tựa game có đồ họa đi trước thời đại. Cho đến giờ tôi vẫn thấy con game 2014 đẹp hơn những game 2019 khác. Tôi cũng hay nói đùa với bạn tôi rằng “Chơi Unity là khỏi cần đi Pháp luôn”. AnvilNext đã được cải tiến vượt bậc trong AC Unity, thay đổi toàn bộ hiệu ứng ánh sáng, ngày-đêm, nước, môi trường,… và hàng đống thứ khác để mang lại cảm giác chân thực nhất cho gamer. Cùng với tỉ lệ 1:1, thành phố Paris hiện lên thật sống động, với các gam màu và không khí khác nhau. Cứ như đang ở Paris vậy. Với AnvilNext, tôi có thể tham quan Nhà thờ Đức Bà, đền Pantheon, vương cung thánh đường Saint-Denis hay khám phá chuỗi hầm mộ nổi tiếng của Paris.
Đến mỗi nơi, tôi lại cảm nhận được không khí và phong cảnh đặc trưng khác nhau của chúng. Đó là vùng ngoại ô thanh bình Les Invalides, sự hoang tàn và cũ kỹ ở Saint-Denis, sự bẩn thỉu của khu ổ chuột nguy hiểm Cour des Miracles, và sự náo nhiệt của những quán cà phê. Bạn cảm nhận không khí đặc trưng của mỗi khu vực qua cái gì? Tôi nhận ra Les Invalides qua những đồng cỏ và khu nhà kiểu cũ ở vùng thôn quê. Tôi nhận ra Saint-Denis qua bầu trời xám xịt và những ngôi nhà cổ kính. Tôi nhận ra Cour des Miracles qua sự bẩn thỉu và lụp xụp của những ngôi nhà. Ah tôi nhắc đến nhà hơi nhiều. Nhưng bạn biết đấy, sau ngần ấy năm kể từ ngày Assassin’s Creed ra mắt, chúng ta có thể tự do ra vào nhà dân làm đủ thứ mình muốn. Nghe thật buồn cười, nhưng tôi thích AC Unity cũng bởi tôi có thể chạy vào nhà ngắm nghía nội thất, nghe người dân la ó vì một gã đội mũ trùm kỳ quặc nào đó xông vào nhà họ rồi biến đi.
Mỗi một Sát Thủ đều có một nơi để quay về nghỉ ngơi. Arno của chúng ta có hẳn một căn biệt thự xây cạnh quán cà phê và trụ sở Hội Sát Thủ. Trở về nhà, đọc thư của Elise, ngắm cảnh, xem kịch hoặc uống cà phê. Bao mệt mỏi từ những cuộc chinh chiến đẫm máu trên đường phố đã tan biến, nhấp một ngụm cà phê rồi lại lên đường ngao du thiên hạ thôi!
Gameplay đỉnh nhất nhì dòng game
Một tựa game hay cần có đủ 3 yếu tố: cốt truyện, đồ họa và gameplay. Cùng cái cốt truyện cực kỳ bullshit ra, AC Unity đã có cho mình 2 yếu tố còn lại một cách trọn vẹn và hoàn hảo nhất. Lắm lúc tôi nghĩ, AC Unity không truyền tải cuộc Cách mạng Pháp, mà truyền tải cuộc cách mạng về gameplay của Assassin’s Creed.
Parkour trong AC Unity thực sự rất tuyệt. Chúng ta có thief vault, cat leap, driving kong (cái này hiếm khi mới làm được),… Nói chung là bất cứ động tác nào trong AC Unity đều được mô phỏng một cách tốt nhất từ những động tác ở đời thực. Thực sự mà nói thì chưa có tựa game AC vượt qua AC Unity về khoản parkour. Không quá gò bó như Altair và Ezio, không lao đầu chạy huỳnh huỵch như nhà Kenway, không phụ thuộc dây móc quá nhiều nên parkour bị bỏ quên ở AC Syndicate, không chập giật như Bayek và Kassandra/Alexios. Arno hành động một cách mượt mà, từ tốn nhưng không quá chậm chạp.
Song hành cùng parkour là độ stealth của AC Unity. Nói về AC Unity là nói về game AC có độ stealth hay nhất. Arno có rất nhiều tương tác hay cũng như kỹ năng trà trộn. Anh ta có thể ngồi, điều mà các Sát Thủ đời trước không tự làm được mà phải vào bụi cỏ, giấu bản thân khỏi những con mắt cú vọ của bọn watcher. Anh ta có thể trà trộn theo nhiều cách: lẻn vào đám đông, ngồi trên băng ghế, giúp sửa xe đẩy, đứng tham gia một cuộc trò chuyện gì đó, thậm chí là nhặt tiền cùng người dân. Một điều khá tiếc là Arno không huýt sáo (cơ mà nó OP quá :v) và không bê xác. Bù lại, Arno được trang bị một đống đồ chơi và nó sẽ phát huy hiệu quả tùy vào cách sử dụng.
Đó là về parkour và stealth, còn hệ thống combat thì sao? Một thứ mà tôi thực sự muốn cảm ơn Ubisoft là họ đã loại bỏ cơ chế counter-kill trong AC Unity. Giờ đây nút E chỉ có thể parry, no more E to win (à thực ra vẫn kết hợp nút E cùng vài nút khác nhưng… kệ đi). Việc Arno đánh đấm như thế nào phụ thuộc vào sự nhanh nhạy của người chơi cùng kỹ năng chiến đấu. Combat của Unity không đơn giản là spam light attack và E. Với 5 loại vũ khí cùng skills tree, người chơi có đủ các thể loại combo cả đơn giản cả phức tạp để xử lý 5 loại lính khác nhau. Arno là sự kết hợp của đánh tóe loe máu như nhà Kenway và sự hào hoa trong nghệ thuật giết người của Ezio Auditore.
Quan điểm của tôi là một khi nắm được combo cơ bản nhất của game – Staggering Strike và Ground Execution – bạn không phải sợ bố con thằng nào cả, kể cả các phần AC khác. Arno hay bị chê là yếu sinh lý, nhưng tôi nghĩ Arno là kết hợp giữa sự mạnh mẽ của nhà Kenway và sự hào hoa phong nhã của Ezio. Nhìn cách anh ta bóp nát yết hầu hoặc bẻ cổ bằng một tay đi, Arno không yếu đâu, ảnh chỉ đánh nhau một cách nghệ thuật như Ezio thôi.
Đây là video rambo round 2 của nhiệm vụ The Tournament bằng gear cơ bản của tôi <(“)
Về skills tree. Khá nhiều người chê tính năng này thật sự không cần thiết, bởi vì các Sát Thủ đời trước có cần nâng kỹ năng để ám sát đôi hay bắn súng đâu. Tôi cho rằng ý kiến này không hoàn toàn đúng. Skills tree là một cách để cho người chơi thấy Arno trưởng thành và có kinh nghiệm hơn qua từng nhiệm vụ, chứ không phải mặc bộ đồ lên và trở thành Sát Thủ mà không qua huấn luyện như ai đó <(“). Hãy nhớ, Arno gia nhập Hội Sát Thủ vào tháng 7 năm 1790, thực chiến lần đầu tiên vào tháng 1 năm 1791. Vâng cách nhau có 5 tháng để chính thức trở thành Sát Thủ thôi ạ, vậy nên bạn hy vọng gì hơn ở một Sát Thủ tập sự? Ubisoft đã skip quá trình huấn luyện các thứ các thứ, bù lại họ đưa skills tree vào và các kỹ năng bám khá sát với tiến trình nhiệm vụ cốt truyện. Hẳn vậy rồi, Ubisoft muốn biến Arno thành một Ezio thứ 2 chứ không phải Edward Kenway thứ 2.
Những nhiệm vụ ngoài lề
Những câu chuyện Paris, những vụ án bí ẩn, những câu đố xoắn não Nostradamus, hay những nhiệm vụ co-op. Nhiều, phải nói là rất nhiều. Nhiều nhiệm vụ không được đánh giá cao về chất lượng, nhưng không phải hầu hết các nhiệm vụ đó đều có chất lượng kém. Tôi vẫn nhớ cảm giác quay cuồng và khá là ngáo đá khi uống nước thánh trong chuỗi nhiệm vụ của nhà giả kim Flamel, truy tìm dấu tích chiếc áo da người của Saint-Just, giải cứu những cô gái bán hoa, hay giúp đỡ Napoleon và Josephine. Đúng như cái tên Paris Stories, chuỗi side quest mang cho người chơi rất nhiều thông tin về thành phố Paris tưởng chừng yên bình và lãng mạn này. Bởi vì đâu đó trong thành phố, những kẻ sát nhân vẫn nhởn nhơ, những cái xác vẫn nằm đó mà chưa được mang đi. Đó là lúc Arno sử dụng trí thông minh mà anh vô tình cất nó đi trong phần cốt truyện, để giải quyết những vụ án hóc búa Mysterious Murders nằm rải rác ở khắp Paris.
Bạn thấy mọi manh mối đều dẫn đến nhà văn khiêu dâm Marquis de Sade? Tên phục vụ Olivier làm đấy. Bạn đang đi tìm lời giải cho một cái chết kỳ lạ ở Cung điện Tuileries? Nghe có vẻ là do Red Ghost, nhưng thủ phạm là hậu duệ của con ma đỏ huyền thoại của Cung điện Tuileries đấy. Không chỉ có các vụ án, các Nostradamus Enigmas cũng là những thử thách rèn luyện trí não và khả năng ghi nhớ của bạn. Là một biến thể của glyph, những ký tự kỳ lạ xuất hiện khắp Paris là chìa khóa để mở cánh cửa căn hầm đang giữ outfit của Sát Thủ Thomas de Carneillon. Giải được 12 câu đố mà không nhờ trợ giúp thì quả thực rất giỏi đấy.
Chế độ co-op
Ngoài những nhiệm vụ mang tính cá nhân kia, AC Unity còn mang đến cho chúng ta chuỗi nhiệm vụ co-op để kết nối cùng hàng trăm nghìn người trên thế giới hoặc lập tổ đội với đám bạn thân. Cốt truyện của AC Unity đã không mang được cuộc Cách mạng Pháp đến người chơi, thì các nhiệm vụ co-op đã làm thay điều đó. Gặp gỡ các nhân vật lịch sử, phá đám những âm mưu xấu xa của Templar, nghe những thông tin lịch sử thú vị,… Không chỉ vậy, co-op cho phép 4 người bạn cùng tham gia vào session của một người, chạy khắp Paris, gây gổ với đám lính, tạo dáng chụp ảnh các kiểu,…
Chính chế độ co-op này đã làm nổi bật cái tên game: Unity. Co-op, một chế độ cực hay, thứ đã kéo cả AC Unity lại. Phần game đầu tiên, và có lẽ là duy nhất, có chế độ co-op.
Cách để lòe với đám bạn về độ cày game
AC Unity khá là khó nhằn đối với các completist, đặc biệt là collectibles. Bạn đã lượm hết đống rương xuất hiện trên map, và nó báo rằng bạn vẫn còn thiếu vài cái nữa? Yeah, không như những phần trước, khi mà bạn chỉ cần mở viewpoint, mua bản đồ rồi mọi thứ sẽ hiện lên trước tầm mắt bạn. AC Unity sẽ bắt bạn phải chạy vòng quanh bản đồ và bật eagle vision để tìm collectibles bị ẩn. Ấy thế mà collectibles bị ẩn chưa phải là khó khăn lớn nhất. Để lấy toàn bộ artifact, bạn sẽ phải cầu trời khấn phật cho nhân phẩm của mình may mắn một chút khi tìm artifact trong Helix Rift. Tôi đã mất cả buổi trưa chỉ để tìm đủ artifact và lấy Altair outfit, trong khi một ông bạn của tôi không may mắn như vậy (và ổng bỏ cuộc rồi). Nhưng khi bạn hoàn thành tựa game 100%, bạn đã đạt được cột mốc mà ít người có được. Và còn chần chừ gì mà không đem khoe với đám bạn nhỉ?
Phát huy trí tưởng tượng
Cốt truyện bullshit của AC Unity là nơi để gamer phát triển khả năng sáng tạo cốt truyện mới và viết fan fic. Ông anh làm mod group ACVN đã chế lại cốt truyện và viết thành fan fic trên wattpad (mà link die rồi nên không để vào bài viết này được :(((( ). Sẽ ra sao nếu trùm cuối là Robespierre thay vì nhân vật có thật nhưng mờ nhạt Germain. Sẽ ra sao nếu Arno đuổi theo Bellec từ nhà tù Bastille đến trụ sở Hội Sát thủ chỉ để tìm hiểu lão già kỳ quái ăn cắp đồng hồ? Có quá nhiều thứ để người chơi sáng tạo giùm Ubisoft cho cái cốt truyện bulllshit kia.
Tận dụng bug game
Ah yes, cái thứ khiến Ubisoft bị chửi nhiều nhất. Bên cạnh việc trải nghiệm game tệ đi thì bug game đôi khi cũng thú vị chứ, nếu bạn biết tận dụng chúng. Tôi đã lợi dụng bug game để chụp tấm ảnh này cùng mấy ông bạn.
Và cuối cùng, Arno Dorian
Vì AC Unity là tựa game tôi yêu thích nhất nên tất nhiên là tôi cũng yêu thích luôn cả nhân vật chính, anh chàng dại gái Arno Dorian. Arno được tạo ra như Ezio thứ 2, từ quá khứ đau thương đến mối tình bi đát. Nếu cốt truyện của AC Unity không bullshit như chúng ta biết, rất có khả năng Arno sẽ vượt qua cái bóng của Ezio. Một con người, đứng giữa sự xoay chuyển của thời thế, giữa Hội Sát Thủ và Hội Dòng Đền. Liệu có ai để ý được lời nguyền cô độc đã đeo bám Arno suốt cả cuộc đời? Mất cha, mất thầy, mất người yêu, và mất đi cả ánh hào quanh từng có của các Sát Thủ đời trước. Arno chìm trong bóng tối, với sự trầm tĩnh và bí ẩn, đúng như biệt danh “bóng ma thành phố Paris” của anh. Chúng ta không được biết cuộc đời của Arno sau này như thế nào, nhưng ít nhất chúng ta có được niềm an ủi, Arno còn hậu duệ. Tôi sẽ viết nhiều hơn về gã Sát Thủ áo xanh này, nhưng ở trong một bài viết khác.
Kết
Với bản thân tôi, AC Unity là cuộc cách mạng, không phải Cách mạng Pháp trong game, mà là cách mạng toàn tập về dòng game Assassin’s Creed. Đồ họa, gameplay, tương tác game,… những gì xuất hiện trong AC Unity đều là một sự đổi mới. Như một ông anh của tôi từng nói: Nếu AC Rogue là tựa game AC duy nhất ra mắt năm 2014, thì AC Unity ra mắt vào năm tiếp theo sẽ là một bom tấn, thứ sẽ thoát ra khỏi cái bóng của Ezio Auditore và trở thành tựa game Assassin’s Creed hay nhất. Nhưng sự đã rồi, người ta đã trải nghiệm bom xịt 2014 này với đủ lời chê bai. Còn tôi sẽ luôn giữ AC Unity trong lòng tôi, và sẽ hướng người khác nhìn AC Unity theo cách nhìn của tôi, để cảm nhận những điểm hay khác. Tôi sẽ kết thúc bài viết ở đây, mở game lên cùng bạn bè và cảm nhận những thứ tôi yêu thích trong Assassin’s Creed Unity.
Vẫn mong một ngày Ubisoft sẽ làm một tựa AC nữa mang phong cách gameplay của Unity,tuy là hơi khó :v
Cụng ly