Như cán cân cung-cầu trong nền kinh tế thị trường, bên cung (sản xuất) phải bằng bên cầu (đòi hỏi) thì thị trường mới đạt trạng thái hài hòa (và ổn định về giá nhưng chúng ta sẽ không đi sâu vào đó nhé). Nền công nghiệp gaming cũng vậy, chỉ khác ở điểm “Cung” ở đây là mục tiêu doanh thu của nhà làm game và bên “Cầu” là lợi ích game thủ. Tuy nhiên không phải lúc nào cán cân này cũng cân bằng, đặc biệt là khi mà bên luôn luôn bị mất cân bằng luôn là về phía nhà “Cung”. Từ đó, cụm từ “Anti-customer policy” ra đời.
Anti-customer policy – chính sách kỳ thị người tiêu dùng, có lẽ không còn là một sự việc xa lạ đối với những ai theo dõi tình hình chính trường gaming thế giới. Nó có thể là sự phân biệt đối xử giữa người nạp tiền và không nạp tiền, người đặt mua trước (Pre-order) với người mua sau, người chơi nổi tiếng (streamer chẳng hạn) với người chơi thông thường hay chỉ đơn giản nhưng vô cùng tệ hại là sự đòi hỏi doanh thu của nhà phát hành với nhu cầu/lợi ích của người chơi. Vậy tại sao nó lại tồn tại và vẫn tiếp tục tồn tại cho đến bây giờ? Liệu chúng ta có thể làm gì để ngăn lại nó? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc đó và hi vọng, nó sẽ giúp các bạn – những game thủ, người tiêu dùng tiềm năng của các hãng game sau này – có kinh nghiệm và sự hiểu biết để tự bảo vệ bản thân trước họ.
Nhưng trước hết, hãy cùng điểm qua một số ví dụ cho chính sách kỳ thị người tiêu dùng – tức game thủ – trong ngành công nghiệp. Tôi hi vọng rằng người đọc có thể ngẫm ra từ những ví dụ sau đây về những nhà phát hành mà bạn đang chơi game của họ.
World of Tanks: Đòi tiền người chơi để đổi sản phẩm mà họ đã bỏ tiền sở hữu khi họ quyết định sửa đổi nó ngoài ý muốn
- Nhà phát hành: Wargaming
- Năm ra đời: 2010
- Thời gian xảy ra sự kiện: Tháng 3 năm 2018
Với những bạn đọc không chơi game này có thể hiểu đơn giản như này: Cơ chế xếp trận của game là xếp cộng trừ 2, tức là xe tăng cấp 5 có thể gặp xe tăng cấp thấp hơn tối đa là cấp 3 và gặp xe cấp cao hơn tối đa là cấp 7 hay xe tăng cấp 8 có thể gặp tăng cấp 10 và gặp tăng cấp 6. Wargaming có bán một số xe tăng “Vàng” – tức xe mua bằng tiền thật, và đảm bảo rằng chúng sẽ chỉ gặp tăng hơn bạn tối đa một cấp, tức xe tăng cấp 8 thay vì gặp tăng cấp 10 tối đa thì sẽ chỉ phải gặp tăng 9 là tối đa, nó vẫn sẽ gặp tăng cấp 7 như thường (Lưu ý là tăng hơn cấp CHẮC CHẮN sẽ mạnh hơn tăng cấp thấp hơn), gọi là “preferential matchmaking tank” – xe tăng được ưu đãi xếp trận. Họ cũng đảm bảo rằng những chiếc xe được ưu đãi đó “Sẽ mạnh không hơn tăng cùng cấp bình thường”.
Mọi chuyện bắt đầu khi Wargaming quyết định rằng sẽ xóa bỏ sự tồn tại hệ thống này vì họ cho rằng chúng đang “Làm tổn hại hệ thống xếp trận” khi người chơi liên tục phải gặp tăng cấp cao hơn, làm hỏng trải nghiệm game và quyết định sẽ thay đổi, cân bằng lại chúng để những xe tăng đó có thể gặp tăng cấp 10. Hiển nhiên không ai hạnh phúc hoặc vui vẻ với quyết định này bởi họ thừa biết, chúng không hề có lỗi mà hệ thống xếp trận mới là thứ có lỗi. Nhưng đó không phải điều chúng ta nói tới, điều khiến mọi người phẫn nộ là việc Wargaming BẮT người chơi phải trả 2000 vàng (tương đương hơn 200 nghìn đồng) để đổi chiếc xe tăng mà họ sở hữu sang một thứ khác “Nếu họ không hài lòng với thay đổi”. Bạn đã trả tiền cho một sản phẩm của họ và khi họ quyết định làm linh tinh thay đổi lên nó, họ lại đòi bạn thêm tiền nếu bạn không thích thay đổi đó và muốn chuyển sang thứ khác (Quên không đề cập, bạn không thể hoàn trả lại sản phẩm để lấy lại tiền).
Chưa hết, Wargaming sau khi đăng bài viết về quyết định đó, ngay hôm sau họ đã đưa lên trang web Shop Premium server EU của họ, một chiếc xe tăng mà họ đã từng hứa “Sẽ không bao giờ bán lại”, mà tệ hơn, ĐÓ LÀ MỘT CHIẾC XE TĂNG CÓ ƯU ĐÃI XẾP TRẬN! Đi kèm là một gói bundle. Tại sao lại là một bundle ư bạn hỏi? Đó là bởi vì nếu như ai đủ ngờ nghệch mà mua nó trong khi không biết về sự thay đổi sắp tới, họ sẽ không thể định lại được giá của chiếc xe tăng đó bởi giá của nó đã bị “Trộn lẫn” vào đống phụ gia đi kèm (Gói boost exp chẳng hạn).
Khỏi phải nói cộng đồng WoT đã nổi trận lôi đình đến mức nào sau khi biết về chuyện này tới mức mà hiện tại, Wargaming đang cố gắng kiểm soát thiệt hại bằng cách xin lỗi vì quyết định ngu xuẩn này và sẽ buff toàn bộ các xe tăng được ưu đãi xếp trận đó mà đồng thời không dỡ bở ưu đãi này. Nhưng thiệt hại đã quá lớn, rất nhiều community contributor (người đóng góp cộng đồng game) đã thoát Wargaming bởi họ nhận ra sự thật rằng, Wargaming không hề quan tâm đến game thủ, họ quan tâm đến lợi nhuận hơn thế.
Destiny 2: Khóa tính năng gốc (content) trong bản game bình thường (standard) của người chơi sau khi ra mắt DLC Curse of Osiris (Ép mua DLC)
- Nhà phát hành: Bungie
- Năm ra mắt: 2017
- Thời gian xảy ra sự kiện: Tháng 12 năm 2017
Từng được coi là một trong những tựa game sáng giá nhất trong năm 2017 và hứa sẽ “Thay đổi diện mạo ngành công nghiệp game” thế giới. Đáng buồn thay, khi ra mắt Destiny 2 đã không đạt được kỳ vọng như nhiều game thủ đã hi vọng: thiếu trầm trọng content (mới ra mắt thôi mà đã có kế hoạch cho 4 bản mở rộng, content bị cắt ra để làm DLC tương lai), gameplay lặp lại, thiếu yếu tố chơi/cày lại game, đặc biệt nhàm chán đối với người chơi solo và cốt truyện không thực sự đặc sắc. Tựa game chỉ được cộng đồng đánh giá “Cao hơn mức trung bình”, từ 6-7 điểm trên thang điểm 10. Ngay cả Angry Joe, một fanboy trung thành của phần 1, cũng chỉ cho tựa game mức điểm 6/10, quá thấp so với một siêu phẩm được kỳ vọng cao hời hợi. Video review xem tại đây.
Thay vì tiếp thu các đóng góp về gameplay cũng như các chỉ trích về sự vô lý về cốt truyện cũng như ending mở tệ hại của tựa game, Bungie quyết định rằng sẽ thật “sÁnG sUỐt” khi ra mắt bản cập nhật trả phí (DLC) mang tên “Curse of Osiris” với mức giá 20$, khóa một số tính năng gốc có sẵn trong phiên bản gốc của game, chẳng hạn như solo ải (Trial of the Nines, Prestiage) và shop ingame. Thậm chí chất lượng của bản DLC này là một sự sỉ nhục đối với nhiều người khi mà, phải nói thẳng, Bungie phải có hai hòn bi làm bằng thép để xào lại con boss từ Destiny 1 làm boss cho bản DLC. Nó tệ đủ để khiến youtuber The Act Man làm một video dài 19 phút để chửi Bungie suốt từ đầu đến cuối, rằng anh đã “Ngu muội” đến nhường nào khi tung hô Bungie với “Siêu phẩm” Destiny 2. Link video tại đây.
Fallout 4: Bắt người chơi trả tiền để được mod/xài mod
- Nhà phát hành: Bethesda
- Năm ra mắt: 2015
- Thời gian xảy ra sự kiện: Tháng 9 năm 2017
Fallout 4 là một trong những game đạt thành công rất vang dội vào năm 2015. Không những là do sự đầu tư vào game mà Bethesda dồn vào game là rất đáng trân trọng mà còn bởi lượng fan trung thành đối với series game sinh tồn này rất đông đảo, tất nhiên đi kèm đó là cộng đồng modder bởi series Fallout rất nổi tiếng về “Lòng hiếu khách” đối với họ. Mặc dù một số fan gạo gội của series nhận thấy Fallout 4 có đôi chút yếu kém so với phần 3 trước đó (Las Vegas), Fallout 4 vẫn được trao giải thưởng Game of the Year cùng năm.
Rồi một ngày xấu trời, Bethesda quyết định rằng: “Huhm, chúng ta có một cộng đồng modder khá đông đảo đấy chứ. Liệu chúng ta sẽ kiếm được bao nhiêu tiền nếu ta ép họ phải nộp tiền thì mới được mod game nhỉ?”. Thế là Club Creation ra đời với việc bán một số bản mod rất kém đầu tư và yêu cầu cả người chơi và modder phải trả tiền để được truy cập vào kho mod ấy. Không một ai, không bất kỳ ai yêu cầu thứ này cả và không ai NÊN yêu cầu thứ này tồn tại. Cộng đồng modder và người chơi nổi giận và lần đầu tiên trong lịch sử review của game trên steam, lượng Negative review cao hơn Positive đến 5 lần.
Và còn rất nhiều chính sách khác mà các hãng game lớn trên thế giới làm, đặc biệt là ông kẹ EA với chính sách giết studio game hay Ubisoft với trò quảng cáo sai và downgrade game khủng khiếp. Nhưng nếu tôi viết ra thì chắc phải một bài viết mới thì mới đủ. Chừng ấy ví dụ trên chắc đã giúp bạn đọc hiểu ra chính sách kỳ thị người dùng của các hãng là gì rồi.
Tại sao chính sách này tồn tại và nó vẫn đang tiếp tồn tại đến ngày nay?
Đầu tiên chúng ta cần phải thừa nhận: Nền công nghiệp game ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Hãy làm phép so sánh nhỏ: Cùng một hãng làm game, Rockstar làm GTA4 vào năm 2008 với tổng chi phí là hơn 100 triệu Đôla (ước tính gần 110 triệu), so với GTA5 là con số cao hơn nhiều – 265 triệu Đôla vào năm 2013. Qua so sánh này ta dễ thấy, thế giới càng phát triển, công nghệ đồ họa, âm thanh, kỹ xảo càng tinh vi, phức tạp hơn xưa rất nhiều: Nào thì thuê diễn viên lồng tiếng, diễn viên mô phỏng động tác trong game, mô phỏng hiệu ứng ngoài đời vào game, vân vân… Cũng như tiêu chuẩn của người chơi cũng tăng lên theo đó. Các hãng làm game lớn (hay ta quen gọi là Triple A – AAA) vì cần đáp ứng nhu cầu người chơi nên mới phải đảm bảo rằng lượng đầu tư của họ vào sản phẩm đó phải mang lại doanh thu đúng với kỳ vọng. Nếu không, họ buộc phải khai tử sản phẩm hay thậm chí phá sản. Chính vì thế mà để tránh tình huống xấu nhất có thể xảy ra, một số hãng hay những người điều hành, quyết định rằng họ sẽ điều khiển cái “Cầu” trên thị trường theo như ý họ muốn, từ đó các chính sách Anti-customer ra đời. Tất cả đều phục vụ mục đích duy nhất của họ: Lợi nhuận.
Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ sức mạnh hay quyền để làm vậy. Các hãng thường tìm cách thức đảm bảo thu lợi nhuận đơn giản và “Thân thiện” với game thủ hơn nhiều, điển hình nhất trong số đó là hình thức đặt mua hàng trước – Pre-order. Nó đảm bảo rằng hãng sẽ CHẮC CHẮN thu lại được một phần doanh thu bù vốn trước khi tựa game ra mắt chính thức. Để thu hút pre-order, nhà phát hành thường kèm theo các khuyến mãi như giảm giá sản phẩm, quà tặng kèm (đơn giản như móc chìa khóa nếu đặt mua đĩa cứng) hoặc content ingame như một trang bị đặc biệt, skin hay nhân vật nào đó sẽ được mở khóa sẵn chẳng hạn. Để duy trì doanh thu, các hãng làm game có thể mở bán những sản phẩm đặc biệt như tượng (Figure) và gaming gear phiên bản đặc biệt, ví dụ như Blizzard liên tục làm các Figure của các nhân vật do họ thiết kế như trong Overwatch (Reaper, Tracer, Dva hay mới đây nhất là súng của Dva) hay Razer nhận hợp đồng làm các phiên bản Gaming gear đặc biệt số lượng có hạn, như bàn phím Razer Chorma Destiny Edition. Các nhà làm game cũng thường sử dụng bản cập nhật trả phí DLC để hút thêm tiền của người chơi và tất nhiên, rất nhiều trường hợp DLC là chính content gốc của game bị cắt ra làm DLC như ví dụ Destiny 2 trên chẳng hạn.
Ta cũng không thể phủ nhận sự thật rằng, rất nhiều chính sách Anti-customer của các nhà phát hành không bị lên án quyết liệt hay thậm chí là bị làm ngơ bởi chính game thủ là do sự kém nhận thức của họ. Những fanboi mà ta gọi là trẻ trâu, những kẻ bảo thủ, những người sẽ bảo vệ hay thậm chí liếm chân nhà phát hành dù cho rõ ràng họ sai mà chẳng có lợi lộc gì mang lại. Rất nhiều người chơi nghĩ rằng bởi vì họ có tiền nên họ không cần quan tâm nhà phát hành ra quyết định gì đối với game, rằng họ sẽ trả 300$ mua full DLC của Battlefield 4 cho EA để mở khóa sạch sành sanh mọi content trong game để “Hoàn toàn tự do trải nghiệm game”. Nếu như là vì sự tự do ấy, tại sao bạn lại bị buộc phải trả tận 300$ để mua full DLC của game? Ấy là chưa kể EA còn khóa các bản DLC đó khỏi người không trả tức là có sự kỳ thị người tiêu dùng rõ ràng! Việc này không chỉ làm tổn thương cho cả cộng đồng gaming, những người không có thừa tiền đổ hết vào game như người khác, mà nó còn làm tiền đề xấu để nhà phát hành tiếp tục tìm cách moi tiền người chơi.
Vậy, người chơi nên làm gì để không rơi vào bẫy Anti-customer?
Trước hết, hãy biết tôn trọng túi tiền của bạn! Nhà phát hành, dù có là CD Projekt với series Witcher huyền thoại hay Blizzard với chính sách chăm sóc khách hàng và “Fan service” miễn chê, mục tiêu của họ vẫn là lợi nhuận. Hãy biết khi nào bạn nên mở hầu bao và khi nào nên dè chừng nó trước sự nhòm ngó của những tên phát hành tham lam.
Đừng nóng vội! An toàn là trên hết, hãy đợi chí ít là 1 ngày sau khi tựa game bạn mong chờ trên wishlist đã lâu ra mắt, hãy đón xem đánh giá của chúng, gameplay sau khi ra mắt so với gameplay trailer, xem xem chúng khác nhau đến nhường nào. Hãy là một người tiêu dùng thông thái!
Đừng pre-order! Bạn không thể yêu cầu Refund một khi sản phẩm đã chính thức ra mắt. Tại sao Ubisoft liên tục làm game với lỗi liếc, bug tòe lòe vậy? Bởi vì riêng doanh thu từ lượng pre-order của họ đã là quá lớn dẫn đến việc họ quyết định rút ngắn thời gian làm game để nhanh chóng “Đút túi” đống tiền pre-order đấy trong khi rõ ràng tựa game của họ hoàn toàn chưa sẵn sàng để ra mắt (Assassin’s creed Unity là ví dụ điển hình).
Đừng im lặng! Hãy lên tiếng một khi bạn nhận thấy sự tham lam của nhà phát hành đã đi quá giới hạn, giống như cộng đồng World of tanks, hãy biết bảo vệ quyền lợi của bản thân mình cũng như tương lai của tựa game bạn yêu thích.
Hãy bảo vệ cả tương lai của nhà phát hành đó khỏi chính sự tham lam của họ!
Bài viết rất hay, hy vọng bạn sẽ cập nhật những bài viết như thế này nhiều hơn.