“Kept you waiting, huh?” – Đại Ca của Bánh Răng Kim Loại Rắn
Đã quá lâu kể từ lần cuối tui thật sự viết lách một cái gì đó trên Hiệp Sĩ Bão táp rồi. Lí do cũng đơn giản là khi con người ta đã bị cơm áo gạo tiền điện nước (và Funko Pop!) chi phối rồi thì con người ta cũng bớt dần thời gian vào một đam mê nào đó. Có chơi game thì họa chăng tui lao vào những con game mang tính chất không não chỉ là cày tay chân như PES 2021 hay Destiny 2 cho xả hơi xíu xiu (dù đôi khi không xả hơi cho lắm vì tui có một mối quan hệ yêu-ghét với Destiny 2). Việc viết lách thì… Nói cho vui là vì vốn dĩ làm Content Writer ở công ty là nặn hết chữ nghĩa và phụ giúp thiết kế hình ảnh rồi, vậy nên về nhà đâu có đám ngồi vẽ vời múa may với những con chữ, hay nói đúng hơn là muốn múa thì múa cũng không nổi. Đến các bên viết kịch bản video cho các bên cộng tác còn đang bị trễ deadline và đôi khi muốn buông bỏ luôn…
Thôi càm ràm thế là đủ rồi. Rất vui được gặp lại mọi người, nếu mọi người còn “dám” nhớ đến gã này.
Cái hồi còn trẻ trâu, chơi game nhiều hơn làm lụng và học hành, chịu khó đi khắp nơi build fame cho bản thân thì tui đã từng “rảnh và điên” tới mức list 1 loạt… 30 game mà lúc bấy giờ tui có thể nhớ ra ngay trong đầu ở thời điểm đó. Có một số trong đó thú thiệt là tui còn chưa chơi đủ 1/3 để nói là mình đã có thể đánh giá về nó, có khi là bỏ vào để cho nghe là mình ngầu cool thôi. Nhưng thời gian rồi cũng qua, kinh nghiệm chơi game rồi cũng đã dày hơn kể từ khi gặp tất cả anh chị em trong cộng đồng (còn admin thì chẳng giúp ích được gì, chỉ tổ làm bực thêm thôi.)
Vậy thì, hãy cùng nhau làm lại từ đầu với list update 10 game offline mà tui đã thực sự tự tay hoàn thành. Sẽ có thêm những cái tên mới và sự lặp lại của những cái tên cũ, nhưng sẻ có những khía cạnh khác hơn một tí. Mọi người cố “chịu đựng” cùng tui bên dưới nhé.
10. Bioshock Infinite
Chà, từ vị trí hạng hai ngày nào tuột cái vèo xuống hạng 10. Nhưng sau hai lần chơi lại Bioshock Infinite thì có lẽ cái “Wow factor” và những yếu tố vặn não gây bất ngờ đã không còn nữa. Đó là chưa kể, Bioshock Infinite đã có phần phá đi phong cách đã tạo nên một Bioshock dị biệt trong các game FPS.
Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng về khía cạnh “một game bắn súng thuần túy”, Bioshock Infinite thật sự rất hay khi nhiều cơ chế đã đẩy tốc độ của game lên rất nhanh như thể ngấm ngầm truyền tải sự hỗn loạn cả về chính trị lẫn tinh thần của những cư dân bị tẩy não sinh sống ở Columbia. Lục lọi lại từng câu thoại, từng cái voxophone (bản ghi âm) để tìm gợi ý về cái kết thúc hại não khét tiếng cũng như có cái nhìn sâu hơn về việc xây dựng ngầm giữa Booker và Elizabeth thật sự làm tăng độ sâu của trải nghiệm chỉ riêng với Bioshock Infinite. Có những thứ ta đã biết rõ, nhưng khi lắng lại thêm một chút để hiểu hơn thật sự là một cảm giác khó tả.
Đúng là tui đánh giá cao Bioshock bản gốc hơn, nhưng Infinite có một sự gắn bó lớn lao với tui khi giúp tui vượt qua cơn thất tình lớn đầu đời nên được thiên vị một tí về mặt tình cảm là điều khó tránh khỏi.
9. Batman: Arkham Knight
Là một tên fanboy Batman, thì có lẽ một tựa game với trải nghiệm “Be The Batman” đúng nghĩa dĩ nhiên sẽ luôn luôn có vị trí trong top 10 của tui. Điều bực mình nhất có lẽ chỉ là kịch bản game này chẳng được viết bởi Paul Dini nữa, nên cốt truyện trở nên khá là dở hơi. Về mặt tích cực, tui chẳng có quá nhiều vấn đề về việc sử dụng Batmobile nhiều đến phát nhàm (kể cả sự vô lý đến nực cười với mấy thử thách đua xe của Riddler,) combat gần như hoàn thiện và cả những side quest vô cùng thú vị vẫn giữ chân tui lâu lâu mod trang phục lại một chút để nhào lên chơi game này như thường.
Tui từng gọi nó là một “Hồi kết ngoạn mục kém vui” trong bài review khi mới chơi xong ngày trước, và bây giờ tui vẫn giữ nguyên ý kiến đấy. Kiểu ai mà ngờ được rằng chương cuối đầy hứa hẹn như thế lại có thể “chỉ có nhiêu đó,” điều này đúng với cả gameplay, cốt truyện, sự đón nhận của người chơi. Cứ trong tất cả mọi thứ đều phải có một chút “gợn” gây tranh cãi. Buồn cười thay là trừ những thứ gì liên quan đến cốt chính, mọi thứ còn lại game này đều làm khá tốt, cả về gameplay, sự đóng góp của nó vào lore Arkhamverse lẫn trải nghiệm “đa dạng” các nhân vật playable ở các DLC – Nightwing, Harley Quinn, Batgirl, Red Hood, Robin,…
Và để thoát khỏi cái bản port PC lỗi vụn vặt chết tiệt, tui sẽ trải nghiệm trên PS4 để xem lái Batmobile và chỉnh remote batarang khó đến cỡ nào (Note: biết chắc sẽ chửi.)
8. Hollow Knight
(hơi cheat 1 chút vì chưa đánh boss cuối. Biết sai rồi, im đê!)
F**K THIS GAME! Lạy trời, tui cũng thú thực với tất cả là tui thật ra chẳng có hardcore đến mức muốn tìm một game khó để chơi đâu. Và ngay từ đầu, tui đã rất lưỡng lự với game này, nhưng tui có một đam mê khá lớn với thể loại Metroidvania. Và tui đã không hề thất vọng dù bị hành hạ tơi bời.
Hollow Knight quả thật là danh bất hư truyền khi được truyền tụng là Dark Souls 2D, nhận định đó đúng cả về độ khó trời đánh và cách kể chuyện bằng môi trường rất ẩn ý, để rồi khi mở hết ra và ngẫm nghĩ là cả một thế giới Hallownest được xây dựng vô cùng sâu sắc. Về mặt hình ảnh thì art direction nhìn có vẻ đơn giản nhưng TeamCherry đã rất biết cách để biết sự đơn giản đó trở thành như lời của Bích Phương từng hát, “một cú lừa”, khi bao nhiêu là ấn tượng dễ thương tròn xoe cu te hột me ban đầu chuyển sang thành sự kinh dị (Deepnest) và sự tang thương (khi dịch bệnh bắt đầu lây lan), thì nó thật sự creepy và đáng sợ… Đấy là chưa kể có những câu chuyện đằng sau những nhiệm vụ phụ vô cùng f***ed up mà đến khi lộ ra tui hoàn toàn bị bất ngờ ( **** you, Grubfather!).
Gameplay của Howllow Knight khó thì đã không nói, nhưng tui thích cái cách nó đã ngay từ đầu đã định hình được “chế độ vận hành chính” của nó là gì để rồi khiến người chơi gần như phải bấu dính lấy nó để giải quyết mọi vấn đề. Nói cho vui, “chặt chém giải quyết được hết”, còn nghiêm túc thì nó đã “tutorial” cho người chơi biết về cách tương tác với thế giới như thế nào chỉ ngay cái đường hầm đầu game, ví dụ bạn thấy cái gì lạ lạ thì cứ “chém phát” rồi tính tiếp, ok xong nhé good luck chàng trai/cô gái (những kỹ năng sau khi đánh boss sẽ có thì khi đấy mới có hướng dẫn.) Và tui thích điều này nhiều hơn là tui nghĩ. Một cái tutorial nhỏ nhoi mà như xác định màu sắc và tính chất của game.
Nói chung, Hallownest cũng vô cùng đa dạng đến… đáng ghét với những màn platforming mà tui cũng không hiểu sao tui đã chơi đến gần 70% game với một con tay cầm cùi bắp ngày còn bên Úc. Sau này có tay cầm ngon lành rồi cũng khá khẩm hơn nhưng hình như cũng bò cày ải mới qua hết được Colosseum of Fools.
Nhưng mà… ****** cái White Palace, **** Depp Nest, ***** cái nhiệm vụ Delicate Flower, **** cái lore game này, ***** **** ******!!!!!!!!!!
Chắc viết xong bài này mở game lên hoàn thành thôi.
7. Doom (2016)
Tui chưa bao giờ là một người chơi FPS giỏi, dẫu có là game chuyên về PvE hay PvP thì tui vẫn nói là tui dở tệ. Nhưng Doom (chưa đến cấp độ Nightmare vì mệt quá!) ít ra đã cho tui có cảm giác là tui bá đạo thật sự khi có thể lao vào chỗ bọn quỷ bắn giết, rip and tear, tung hoành khắp thiên hạ như thể mọi thứ chỉ là nhãi nhép. Cảm ơn cậu em Hy đã tài trợ chương trình này.
Chưa kể, là một metalhead thì dĩ nhiên Mick Gordon đã cho tui được “quẩy” cả về tinh thần, tay chân lẫn nghệ thuật – đến mức khi sơn nhà cách đây một năm tui từng vừa mở cả DOOM OST vừa làm. Và khi tui chợt nhận ra thứ âm nhạc ấy có vai trò là chất xúc tác cho bạn lao vào giữa bầy quỷ, tui càng quý tựa game này hơn.
Cũng thật lòng mà nói là sau thời gian đó tui đã phải ngồi định hình tâm lý lại là mình có thật sự có vấn đề tâm lý không khi mà tui đã “tận hưởng” lúc xé xác bọn quỷ hơi bị quá. Đến nỗi đó là thứ duy nhất tui có trong đầu suốt 1 tuần.