Game chơi Tết thứ 2 của tôi: This War of Mine.
Thành phố Pogoren là một trong những điểm nóng giao tranh của cuộc nội chiến. Quân nổi dậy tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào thành phố này nhằm chiếm lấy một cứ điểm quan trọng. Tuy nhiên, quân chính phủ đánh trả quyết liệt bằng cả súng ống và pháo kích. Cuộc chiến ở Pogoren diễn ra dữ dội, các trận đấu súng nổ ra liên miên, lính bắn tỉa hoành hành khắp nơi, pháo kích của hai bên làm hơn một phần tư thành phố chìm trong đống đổ nát.
Nhưng sau khi khói bụi của cuộc chiến lắng xuống, ở đâu đó trong thành phố này, trong những ngôi nhà đổ nát, có những người dân thường đang cố bám víu lấy cuộc sống khốn khổ. Họ mất nhà cửa, thiếu thốn thức ăn, thuốc men, bị cắt liên lạc với bên ngoài và luôn thường trực nỗi lo mất mạng vì bom đạn.
Bởi trong chiến tranh đâu chỉ có những người lính?
Không như số đông những game lấy đề tài chiến tranh khác, cho bạn nhập vai một người lính trên chiến trường bắn hạ quân địch nhằm mục đích miêu tả sự hào hùng, oanh liệt của chiến tranh, trong This War of Mine, bạn không phải là một người lính, mà là một thường dân bị mắt kẹt trong một thành phố khói lửa ngày đêm bởi chiến tranh, cố gắng sống sót chờ đến ngày giải phóng. This War of Mine khai thác những mảng tối của chiến tranh. Nó là một game lột tả những hậu quả mà chiến tranh mang lại. Nó kể về cuộc sống khốn khổ của những người dân thường vô tội bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Tóm lại, nó là một trong số ít game mang đề tài phản chiến.
Trong quá trình chơi This War of Mine, tôi thật sự thấm thía. Thật hiếm có một game nào lột tả chủ đề này một cách khéo léo và tinh tế đến vậy, nó vận dụng cực tốt yếu tố trò chơi để kể câu chuyện về những con người khốn khổ trong chiến tranh. Thật vậy, yếu tố kể chuyện non-gameplay là rất ít. Sẽ không có những cutscene dài ngoằng chiếu cho bạn xem những con người đó trong chiến tranh cực khổ thế nào. Mà việc đó được thực hiện bằng chính gameplay của trò chơi.
This War of Mine và việc liên kết chặt chẽ yếu tố cảm xúc và yếu tố trò chơi
Bạn bắt đầu với một nhóm 2-4 người (tùy câu chuyện) trong một căn nhà đổ nát hư hỏng. Đó là thời kì nội chiến xảy ra, những con người co ro bám víu lấy nhau chờ đến ngày cuộc chiến kết thúc. Chỉ mới đầu game nhưng bạn đã thiếu thốn đủ thứ: thuốc men, lương thực, nước, nhu yếu phẩm… Nhưng việc đầu tiên bạn cần làm là dọn dẹp tu sửa lại căn nhà của bạn đã. Bạn sẽ điều khiển các nhân vật làm công việc xây dựng lò bếp, xưởng chế tạo vật dụng, phòng trồng rau, nơi chế thuốc và thuốc lá, máy chưng cất rượu… để tạo ra thức ăn nước uống và các thứ cần thiết khác. Nhưng làm việc mệt nhọc sẽ khiến họ gặp phải trạng thái mệt, đi đứng mệt nhọc. Nếu đến trạng thái rất mệt thì sẽ còn tệ hơn nữa. Họ sẽ làm công việc lâu hơn bình thường hoặc từ chối làm việc mà tới giường nằm ngủ. Họ than rằng mình đã làm việc quá sức và nên nghỉ ngơi.
Bao trùm trong This War of Mine là một bầu không khí ảm đạm, bởi không hề có sự sung túc thỏa mãn, mà trái lại là sự thiếu thốn và buồn khổ luôn thường trực. Nhưng mọi thứ chưa dừng lại ở đó.
Một trong những thứ bạn quan tâm nhất đó chính là thức ăn. Bạn luôn trong tình trạng thiếu thốn thức ăn. Nhân vật biểu thị trạng thái đói là thường xuyên. Lúc này tôi không mảy may có ý định ăn trộm. Vì nghĩ đói thì cũng chẳng có gì nghiêm trọng, cứ cố gắng chờ đến lúc có đồ ăn. Nhưng 3 ngày trôi qua không có gì bỏ bụng thì sẽ chuyển sang rất đói, và bạn biết gì không? Tôi đã thực sự hốt hoảng khi thấy Parvic thường trực suy nghĩ này trong đầu.
“Đói quá. Mình có thể giết người vì một hộp thịt.”
Khi bạn đọc được dòng này, bạn sẽ không thể ngồi yên được nữa. Nhưng lấy đâu ra thức ăn đây. Nhà đã hết đồ ăn, thương nhân thì vẫn chưa thấy quay lại. Vậy chỉ còn một cách, đó là ăn trộm. Nhưng ăn trộm xong thì sao?
“Tại sao Marko lại lấy trộm đồ ăn của họ. Họ sẽ không sống được mất.”
“Để sống sót trong tình cảnh này. Chỉ còn cách lấy cắp đồ thôi sao?”
Những nhân vật khác sẽ bị trạng thái buồn, thậm chí tuyệt vọng. Mức cao nhất là chán đời. Họ sẽ luôn tự vấn bản thân vì mặc cảm tội lỗi. Mặc dù bạn đã cứu Parvic khỏi chết đói, nhưng đổi lại bạn vừa làm một điều xấu xa. Không, còn hơn cả xấu xa nữa. Bởi hôm sau quay lại, gia đình sống trong căn nhà đó đã chết vì đói và đau buồn tuyệt vọng.
Chưa hết. Không phải bạn có thể dễ dàng ăn trộm. Có những nơi mà những người trong đó sẽ tấn công bạn nếu phát hiện bạn đang ăn cắp. Họ sẽ đánh bạn đến chết nếu bạn không kịp chạy thoát. Thường là không chạy thoát vì họ dùng súng. Bạn chỉ còn cách chống trả, giết chết họ hoặc bị họ giết chết. Nếu may mắn giết được họ và trở về nhà thì sao?
“Parvic đã giết người để mang đồ ăn về cho chúng ta. Chúng ta là cướp…”
“Parvic đã giết người. Nhưng trong chiến tranh, liệu còn lựa chọn nào khác?”
Tùy vào nhân vật, có những người vững tâm hay mềm yếu. Nhưng một khi đã giết người thì họ nhiều khả năng sẽ tuyệt vọng. Lúc đó chỉ còn cách uống rượu để quên đi chuyện đó. Không có rượu? Không có tiếng đàn ghi-ta làm khuây khỏa? Người đó sẽ trở nên chán đời, cuối cùng bỏ nhà ra đi hoặc thắt cổ tự vẫn vì mặc cảm tội lỗi.
Còn trong trường hợp nhân vật đó bị giết chết. Những người còn lại cũng đều buồn và tuyệt vọng.
“Chúng giết Parvic như giết một con chó.”
“Parvic đã chết khi tìm đồ tiếp tế cho chúng ta. Chúng ta sẽ mãi nhớ anh ấy.”
Trong lúc tới các nơi để kiếm đồ ăn, bạn cũng có thể bắt gặp một vụ hành hung hay những người gặp nạn. Ví dụ, nếu bạn bỏ mặc một cô gái bị đánh đập bởi một tên lính khi cô từ chối ăn nằm với hắn. Phản ứng của những người khác đem lại những ý kiến khác nhau về hành động đó.
“Tại sao Pavle không giúp cô ấy. Pavle đã bỏ mặc cô ấy bị đánh đập dã man.”
“Pavle làm gì được chúng chứ? Chúng là những tên giết người được đào tạo bài bản!”
Cho dù là vô tâm hay bất đắc dĩ. Thì một khi đã thấy những phản ứng của họ, bạn chắc hẳn bị mặc cảm tội lỗi đè nặng lên người. Đó chính là lí do tại sao tựa game này làm tôi thật sự thấm thía. Tất cả những điều trên chính là cái tinh vi của This War of Mine: đó là kết hợp chặt chẽ cơ chế gameplay với yếu tố cảm xúc, đạo đức. Lúc đầu bạn sẽ chú ý khai thác mechanic của game, nhưng khi lâm vào tình cảnh khốn cùng thì bạn sẽ chẳng còn muốn suy nghĩ một cách cứng nhắc về các công thức của game nữa bởi bạn bị tác động mạnh bởi yếu tố cảm xúc.
Bạn sẽ chẳng mảy may tính toán chính xác bị bệnh bao nhiêu ngày thì vẫn an toàn, không chết, đến ngày bao nhiêu mới chết vì bạn chẳng thể chịu đựng được tình cảnh người bị bệnh ho hen suốt, rồi nằm mệt lử trên giường còn những người khác thì “Bruno bệnh nặng quá. Tội nghiệp anh ấy. Giá như chúng ta có thuốc”. Bạn sẽ muốn tìm thuốc cho Bruno uống ngay. Bạn cũng chẳng mảy may tìm hiểu sâu vào cơ chế, nếu bị tuyệt vọng thì bao nhiêu ngày sẽ chuyển qua chán đời, chán đời bao nhiêu ngày thì sẽ tự vẫn. Bởi đơn giản bạn là một người có trái tim, bạn không thể gạt phăng cảm xúc, sự thương cảm với những nhân vật trong game mà ngồi nhìn nhân vật tuyệt vọng đau sầu bao nhiêu ngày liền, bạn sẽ muốn thực hiện giải pháp càng sớm càng tốt để động viên họ. Sức ép ở This War of Mine chuyển từ sức ép gameplay thành sức ép đến từ mặt cảm xúc. Nó khiến This War of Mine trở thành một game rất thật, rất người.
hay