Đến hẹn lại lên, vào cuối năm nay, lễ trao giải thường niên của ngành game – The Game Awards lại tiếp tục hâm nóng bầu không khí bằng cách công bố các đề cử cho năm nay. Nhìn sơ qua một lượt các hạng mục, tôi đã thấy căng thẳng lắm vì toàn những cái tên cứng cựa và nặng ký. Một lần nữa, mời các bạn đến với những bình luận và dự đoán của tôi về những hạng mục lớn và quan trọng tại The Game Awards 2018.
*Lưu ý: Trong danh sách các đề cử cũng có rất nhiều game mà tôi chưa được trải nghiệm, hoặc do thời gian không cho phép, hoặc do hạn chế về hệ máy nên những bình luận và dự đoán của tôi có thể chưa được hoàn toàn chính xác cho lắm.
Bài viết về The Game Awards 2017 của tôi năm ngoái:
1. Hạng mục thứ nhất: Best Game Direction
Các đề cử tranh giải:
- A Way Out (Hazelight Studios/EA)
- Detroit: Become Human (Quantic Dream/Sony Interactive Entertainment)
- God of War (Santa Monica Studio/Sony Interactive Entertainment)
- Marvel’s Spider-Man (Insomniac Games/Sony Interactive Entertainment)
- Red Dead Redemption 2 (Rockstar Games)
Trong danh sách đề cử có 5 cái tên, thì đã có… 3 cái tên thuộc về ông lớn Sony, so với năm ngoái chỉ vỏn vẹn 1 cái tên. Năm nay có thể coi là năm thành công của Sony khi những tựa game lớn của họ đều đạt được thành công cực kỳ to lớn. Và trong danh sách đề cử này, cũng là 3 cái tên lớn nhất của Sony năm nay và đều được đánh giá rất cao. Đầu tiên là God of War – sự trở lại đầy mạnh mẽ của series game hack-n-slash kinh điển, biểu tượng của Playstation. God of War năm nay đã thay đổi khác trước nhiều và đem lại một làn gió mới mẻ cho cả series, từ phong cách chiến đấu, cốt truyện, nó xoáy sâu hơn về mối quan hệ giữa Kratos và Atreus và làm cho người chơi có một cái nhìn rất khác về vị á thần này. Với Spider-Man, cuối cùng chúng ta cũng có một game về anh chàng Nhện Nhọ thật sự tốt và thật sự thành công về nhiều mặt, Spider-Man lần này chọn một cách kể chuyện khác với thông thường, nó đưa chúng ta tiếp cận sâu hơn về Peter Parker sau 8 năm làm siêu anh hùng, mối quan hệ với MJ, với dì May, cuộc chiến chống lại tội phạm không ngừng nghỉ ở New York, và nhất là câu chuyện giữa Doctor Octavios và Mr Negative, tất cả đã làm nên một Spider-Man hấp dẫn và rất nhân văn.
Còn Detroit: Become Human, tựa game đến từ Quantic Dream này, cũng như những người đàn anh của nó là Heavy Rain và Beyond Two Souls, cực kỳ chú tâm vào cốt truyện, xây dựng nhân vật, các lựa chọn rẽ nhánh. Nó đem đến cho chúng ta một câu chuyện có motif tương đối quen thuộc và một câu hỏi xưa như Trái Đất: CON NGƯỜI LÀ GÌ? THỨ GÌ LÀM NÊN MỘT CON NGƯỜI? Thông qua câu chuyện về những Android từng bước học cách làm người, Detroit: Become Human còn ẩn chứa trong đó những liên tưởng về nạn phân biệt chủng tộc, đấu tranh đòi quyền tự do. Detroit: Become Human có nét gì đó rất giống với tượng đài bất hủ về Cyberpunk: Blade Runner. Mặc dù vậy, nếu xét về gameplay thì Detroit: Become Human – cũng như Heavy Rain hay Beyond Two Souls lại ít có gì ấn tượng.
Hai tựa game còn lại trong danh sách: A Way Out và Red Dead Redemption 2. Tôi không đánh giá cao lắm A Way Out vì giá trị của nó chỉ ở mức trung bình khá không có gì nổi bật thực sự, và so với 4 cái tên còn lại thì quá kém cạnh. Còn Red Dead Redemption 2, phần tiếp theo của Red Dead Redemption nhưng lại xảy ra trước các sự kiện ở phần 1. Red Dead Redemption 2 một lần nữa đưa chúng ta về miền Tây nước Mỹ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi cách mạng công nghiệp hóa vươn tới nơi đây, khiến cho xã hội một phen náo loạn, và những kẻ ngoài vòng pháp luật bắt đầu hoành hành, trong đó có Arthur Morgan, một thành viên của băng đảng Van der Linde. Tôi chưa được biết nhiều về Red Dead Redemption 2, nhưng xem ra nó vẫn tiếp tục xuất sắc như người tiền nhiệm, thậm chí là thành công hơn – những ngày này, Red Dead Redemption 2 vẫn tiếp tục càn quét khắp nơi.
Best Game Direction là giải thưởng dành cho những game có chỉ đạo thiết kế trò chơi tốt nhất. Trong số 5 cái tên trên, có lẽ God of War là cái tên nổi bật hơn cả vì nó đã gần như thay đổi hoàn toàn so với các phiên bản cũ trước đó, từ gameplay, góc quay camera và cách chuyển camera tài tình, rồi thậm chí là thay đổi hẳn bối cảnh. Có thể có ý kiến cho rằng God of War 2018 hơi được overrated, nhưng theo tôi, nó vẫn hoàn toàn xứng đáng đạt giải cho hạng mục Best Game Direction.
2. Hạng mục thứ hai: Best Narrative
Các đề cử tranh giải:
- Detroit: Become Human (Quantic Dream/Sony Interactive Entertainment)
- God of War (Santa Monica Studio/Sony Interactive Entertainment)
- Life is Strange 2: Episode 1 (Dontnod Entertainment/Square Enix)
- Marvel’s Spider-Man (Insomniac Games/Sony Interactive Entertainment)
- Red Dead Redemption 2 (Rockstar Games)
Best Narrative – hạng mục dành cho game có phong cách kể chuyện tốt nhất và ấn tượng nhất. Chúng ta có 5 cái tên ở đây, và… 4 trong số đó trùng với các đề cử của Best Game Direction. Cũng đúng thôi, thực ra thoạt nhìn người ta sẽ lầm tưởng hai hạng mục này chẳng khác gì nhau, nhưng chính xác mà nói, Best Narrative thiên hẳn về cốt truyện, chứ không xét đều các tiêu chí của một tựa game như Best Game Direction.
Vì vậy, một lẽ dĩ nhiên là Detroit: Become Human trở thành cái tên nặng ký nhất cho hạng mục này. Những game của Quantic Dream xưa nay vẫn vậy, có thể chê trách ít nhiều về lối chơi nhàm chán, nhưng thật khó để bảo cốt truyện của họ không hay. Như đã nói, Detroit: Become Human khai thác một đề tài, một câu chuyện không mới, nhưng họ biết cách tạo sự hấp dẫn được từ những cái không mới ấy, để tạo nên một câu chuyện có chiều sâu và để lại ấn tượng lớn cho người chơi.
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là những game còn lại kém đầu tư về cốt truyện, không, chúng thực ra toàn diện về nhiều mặt. God of War xưa nay vốn hay bị xem nhẹ về cốt truyện thì đến God of War 2018 đã thực sự khiến người chơi phải chú tâm vào cuộc phiêu lưu của Kratos, rồi tình cha con với Atreus. Spider-Man, lại là một câu chuyện về mặt trái của việc làm một siêu anh hùng, có lẽ không mới, nhưng với những người chơi game, thì thực sự Spider-Man 2018 là một thành công, một phần thưởng xứng đáng sau rất nhiều game về Nhện Nhọ chất lượng trung bình. Red Dead Redemption 2, tôi cũng chưa biết câu chuyện của Red Dead Redemption 2 nó “sâu” đến đâu, nhưng nó không thể vào được đề cử này nếu không xuất sắc, mà câu chuyện của Red Dead Redemption phần 1 ấn tượng thế nào, thì đa phần mọi người đều đã biết, cho nên tôi tin Red Dead Redemption 2 sẽ không gây thất vọng
Life is Strange 2, có lẽ là bất ngờ lớn nhất với cá nhân tôi. Tôi không có ý nói là cốt truyện nó không hay, đúng ra thì tôi còn chưa chơi, nhưng nhìn vào thành công của người tiền nhiệm, hẳn tất cả sẽ có một kỳ vọng nhất định và tin rằng Dontnod sẽ không khiến chúng ta thất vọng. Điều khiến tôi bất ngờ ở đây, chính là Life is Strange 2 thậm chí còn… chưa ra hết, mới chỉ phát hành episode 1 mà đã được đề cử rồi, hẳn nhiên câu chuyện của nó phải có gì đó rất đặc biệt, nhưng chính vì mới chỉ có 1/5 câu chuyện, nên nó sẽ không được đầy đủ, mà như thế thì đánh giá sẽ không thật sự chính xác được
Bởi vì thế, dự đoán của cá nhân tôi là Detroit: Become Human sẽ đạt giải Best Narrative.
3. Hạng mục thứ ba: Best Art Direction
Các đề cử tranh giải:
- Assassin’s Creed Odyssey (Ubisoft Quebec/Ubisoft)
- God of War (Santa Monica Studio/Sony Interactive Entertainment)
- Octopath Traveler (Square Enix/Acquire/Nintendo)
- Red Dead Redemption 2 (Rockstar Games)
- Return of the Obra Dinn (3909 LLC)
Best Art Direction – hạng mục dành cho tựa game có phong cách đồ họa ấn tượng nhất. Chúng ta có God of War với một thế giới thần thoại Bắc Âu, Assassin’s Creed Odyssey với một Hy Lạp cổ đại, Red Dead Redemption 2 với miền Tây nước Mỹ cuối thế kỷ XIX. Ba tựa game này đều là ba game AAA với đồ họa cực kỳ được chăm chút và có ấn tượng về mặt thị giác rất cao. Chúng ta ấn tượng với sự huyền ảo của God of War, sự lộng lẫy và hào nhoáng của Hy Lạp cổ với các công trình huyền thoại, hoặc một vẻ đẹp cực kỳ chân thực của miền viễn Tây. Quả thực so về độ chi tiết, công sức mà các nhà phát triển đã bỏ vào phần đồ họa, rồi hiệu ứng hình ảnh, ba tựa game trên nổi bật hơn hẳn lên.
Nhưng đây là hạng mục Best Art Direction, chứ không phải Best Graphics, đẹp, chưa chắc đã ấn tượng nhất, đôi khi, những tựa game có phong cách đồ họa mới mẻ và đột phá, mới là ấn tượng nhất. Còn nhớ năm ngoái, tại The Game Awards 2017, Cuphead chính là tựa game chiến thắng ở hạng mục này và nó cũng đã phải cạnh tranh với những game AAA có đồ họa rất ấn tượng như Horizon Zero Dawn hay Destiny 2. Nhưng sau cùng, chính phong cách đồ họa theo kiểu những phim hoạt hình cũ đã làm Cuphead trở nên nổi tiếng và rất được chú ý, hơn nữa, nó có độ độc đáo và độ mới lạ. Game AAA đồ họa đẹp thì nhìn thích thật, nhưng nhìn nhiều cũng nhàm chứ.
Vì lý do ấy, tôi không tin lắm rằng kẻ chiến thắng sẽ là hoặc God of War, hoặc Assassin’s Creed Odyssey, hoặc Red Dead Redemption 2, mà tôi tin rằng một trong hai cái tên còn lại sẽ được xướng lên. Đó là Octopath Traveler và Return of the Obra Dinn.
Return of the Obra Dinn, sử dụng phong cách đồ họa đơn sắc, chỉ có hai màu trắng-đen xuyên suốt cả tựa game. Nó tạo ra một không khí bí ẩn, hơi kinh dị một chút, hoàn toàn phù hợp với một game mang yếu tố trinh thám như vậy.
Octopath Traveler, một game RPG mang một lối thiết kế đồ họa khá thú vị: nó pha lẫn giữa nền đồ họa 16-bit của SNES đối với thiết kế nhân vật và có phông nền với nền đồ họa hiện đại cùng độ phân giải HD. Chính điều này đã làm Octopath Traveler vừa mang nét cũ kỹ lại vừa mang nét mới mẻ.
Cá nhân tôi thì cảm thấy ấn tượng hơn với Octopath Traveler (rất đáng tiếc khi nó lại là game độc quyền cho Nintendo Switch) cho nên tôi dự đoán rằng Octopath Traveler sẽ là kẻ chiến thắng.
4. Hạng mục thứ tư: Best Score/Music
Các đề cử tranh giải:
- Celeste (Matt Makes Games)
- God of War (Santa Monica Studio/Sony Interactive Entertainment)
- Marvel’s Spider-Man (Insomniac Games/Sony Interactive Entertainment)
- Ni no Kuni II: Revenant Kingdom (Level 5/Bandai Namco Entertainment)
- Octopath Traveler (Square Enix/Acquire/Nintendo)
- Red Dead Redemption 2 (Rockstar Games)