Sự giống nhau giữa Hoàng đế Constantine I và hai nhân vật trong Berserk

Khách quen

  
Hoàng đế Constantine I là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng và có công tích lừng lẫy trong lịch sử thế giới. Ông là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên thực hiện chính sách tự do tôn giáo và ảnh hưởng cực lớn tới Giáo hội Công giáo. Và mình không biết hoàng đế Constantine có tạo chút ảnh hưởng nào tới lão già Miura nhà ta hay không, bởi có hai nhân vật trong Berserk mình cảm thấy có vài điểm giống với vị Đại Đế này, đó là Đức Giáo Hoàng và Griffith. Do đâu mà mình cho rằng những nhân vật tưởng chừng chẳng liên quan lại có một sự giống nhau? Để giải đáp cho câu hỏi này, trước tiên hãy cùng mình ngược dòng lịch sử một chút.
Trước thời hoàng đế Constantine I trị vì, Kitô giáo và các Kitô hữu bị săn đuổi ráo riết và bị đàn áp dã man. Thế nhưng mỗi cuộc bắt bớ chỉ làm Giáo hội lớn mạnh thêm, dần lan rộng trong xã hội La Mã hằng chống lại họ. Nhiều Kitô hữu trở thành những yếu nhân trong thành phố, và trong khi Giáo hội đang trên đà phát triển trở thành một tổ chức kiên cố và thống nhất, thì nội bộ La Mã lại dành thời gian đấu đá nhau và có nguy cơ tan rã. Nhưng chừng đó là chưa đủ với Kitô giáo. Họ thiếu tiếng nói của những nhà cầm quyền. Họ thiếu một sự thừa nhận.
Đó là lúc hoàng đế Constantine I xuất hiện, ở giữa cuộc nội chiến sau cái chết của hoàng đế tiền nhiệm Diocletian. Ông được đánh giá là một người mưu lược và tài năng xuất chúng, người có khả năng chạm đến ngai vàng hơn những kẻ còn lại. Một chú ngựa chiến thực thụ. Nhưng chú ngựa ấy cần một người cầm cương để dẫn chú đi đúng đường. Vị hoàng đế tương lai đã có một người cầm cương, và lạ thay, người cầm cương chính là người mà Đế chế của ông hằng săn đuổi, chính là Thiên Chúa.
Major Events in the Life of Constantine I | Britannica

Bức tượng đồng của Constantine I nằm bên ngoài đại giáo đường York ở nước Anh

Rạng sáng một ngày trong năm 312, trước thời khắc bắt đầu trận chiến quyết định ai sẽ là kẻ chiến thắng, hoàng đế tương lai Constantine đã thực hiện một hành động chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: ông ra lệnh trang trí biểu tượng thập tự giá cho cờ hiệu phía trước và khắc lên khiên của quân lính. Trận đánh này được coi là bước ngoặt chuyển biến Constantine từ là 1 người theo tôn giáo cổ truyền La Mã thành 1 tín đồ Kitô giáo. Vì sao có sự thay đổi hết sức kỳ lạ như vậy? Truyền rằng Constantine đã có một giấc mơ cực kỳ sống động. Trong mơ, ông nhìn thấy biểu tượng thập tự giá của Kitô giáo sáng lấp lánh phía trước, và nghe thấy một lời nói như ra lệnh: “Với biểu tượng này, con sẽ chiến thắng!” Ông đã nghe theo và thực hiện lời phán bảo trước khi tiến vào trận chiến quyết định. Và bây giờ chúng ta, cùng toàn thể người dân La Mã lúc bấy giờ, hãy gọi ngài bằng danh xưng chính thức của ngài: Hoàng đế Constantine Đệ Nhất.
Hẳn bạn đã nhận thấy sự giống nhau giữa hoàng đế Constantine I với Đức Giáo Hoàng. Họ được những vị Chúa của mình mặc khải cho điều sắp xảy đến. Với hoàng đế, đó là biểu tượng thập tự giá đại diện cho Thiên Chúa; với Đức Giáo Hoàng, ngài được mặc khải với những chiếc lông vũ ánh sáng và hình bóng Griffith, về cơ bản khá giống “Chúa” trong thế giới Berserk. Giống như hoàng đế Constantine I, Đức Giáo Hoàng cũng làm điều mà ngài chưa từng làm trước đó: khao khát cất lên một lời cầu nguyện thực sự. Đức Giáo Hoàng đã tâm sự về cuộc đời nhàn hạ đến chán chường của ngài trong bóng tối của căn lều. Ngài đã cầu nguyện rất nhiều, nhưng không một lời cầu nguyện đầu môi nào của ngài thực sự đến từ sâu thẳm con tim. Đức Giáo Hoàng chưa bao giờ thực sự toàn tâm toàn ý cầu nguyện cho ai, thậm chí là cho chính bản thân ngài. Ngay cả việc đi bước vào Giáo hội cũng không phải vì Đức Giáo Hoàng muốn phụng sự Chúa, mà chỉ là vì ông không có bất cứ hứng thú gì với cuộc đời này, với nhân loại này. Hơn cả thế, ngay cả cái ngôi vị “Đức Giáo Hoàng” cũng được trao đến tay ngài chẳng phải vì ngài giỏi giang gì – mà là vì tất cả những kẻ khác tự chuốc lấy thất bại, để rồi một kẻ “không làm gì” sau rốt lại nhận được trọng trách lớn lao ấy.. Ta đã nghe những lời tự sự ấy ở hồi truyện 264, chương Falconia, thuộc tiểu phần Chim Ưng Của Đế Chế Ngàn Năm:
“Ta đi theo con đường đức tin thực chất là bởi vì ta chẳng tìm thấy điều gì đáng quan tâm trên cuộc đời này… tất nhiên, chắc chắn chưa bao giờ là vì ta khao khát được nghe thấy tiếng gọi của Chúa. Tất cả những gã đồng nghiệp xung quanh đều chỉ biết quan tâm đến lợi ích của riêng mình, họ âm mưu đâm sau lưng nhau để rồi tự đào mồ chôn mình, trượt ngã khỏi đỉnh cao danh vọng. Sau rốt, chiếc vương miện của Giáo Hoàng đã vô tình rớt xuống tay ta, một kẻ không làm bất kỳ điều gì. Đó chưa bao giờ là điều ta khao khát. Ngay cả khi trở thành Giáo Hoàng, ta cũng chỉ lặng lẽ làm những điều ta được bảo rằng nên làm. Chưa bao giờ ta cất lên một lời nguyện cầu từ sâu thẳm con tim. Tất nhiên rồi, ta chưa hề thốt ra một lời cầu nguyện chân thành hay khẩn khoản nào cho người khác hay cho chính bản thân mình. Bởi vì thậm chí ta chưa từng ấp ủ chút cảm xúc khát khao cất lời nào như thế, ta quả là một vị giáo hoàng ngớ ngẩn.”

Đó có phải… chính là Người?! Phải chăng…?! Phải chăng…?! Phải chăng nó đã xuất hiện trước mắt con? Bàn tay thánh thần của số phận…?

Ấy vậy mà, nhờ bóng dáng những chiếc lông vũ ánh sáng, Đức Giáo Hoàng đã lần đầu nuôi dưỡng trong mình mong muốn mở lời thỉnh nguyện tới Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng lần đầu muốn gặp hình bóng Đức Chúa trong sự mặc khải ở căn lều tăm tối kia. Đức Giáo Hoàng đã tìm thấy ánh sáng của cuộc đời mình, tìm thấy một điều mà ngài thực sự cảm thấy hứng thú. Nhưng ngài cũng chỉ là một con tốt trên bàn cờ số phận của God Hand. Và đây chính là điểm chung giữa hai con người đầy mưu lược – hoàng đế Constantine I và Griffith: sử dụng tôn giáo như một công cụ củng cố quyền lực.
Griffith đã tạo một khải tượng về những chiếc lông vũ ánh sáng và hình bóng của y trước Đức Giáo Hoàng. Đồng thời, Griffith sai Sonia và Mule cùng đi đến ngôi lều của ngài, rào trước bằng những lời nhắn đầy ẩn ý, và tạo thêm một ảo ảnh những chiếc lông phát sáng khi Sonia và Mule cùng bước vào căn lều. Việc chứng kiến những khải tượng kỳ bí này đã giúp cặp đôi Sonia – Mule có thể thuyết phục Đức Giáo Hoàng tới Vritannis, nơi những người có sức ảnh hưởng trong quân đội Midland và Griffith đang chờ sẵn. Y đã biết chắc tay quý tộc cấp cap Federico de Vandimion sẽ cố gắng sử dụng tôn giáo như lý lẽ cuối cùng để ngăn y thống lĩnh toàn bộ quân đội Midland. Vì thế, Griffith bí mật thu phục Đức Giáo Hoàng, dẫn ông tới chiến trường Vritannis. Và rồi, chỉ cần một câu nói của Đức Giáo Hoàng, Griffith đã có thể đường đường chính chính bước lên vị trí chỉ huy tối cao mà không một ai có thể cản trở, trước sự thất vọng của những tên quý tộc chống đối, trước sự tôn sùng và hân hoan của tất cả những ai đang có mặt ở đó.
Giờ ta hãy cùng quay trở lại với câu chuyện có thật của lịch sử. Sau khi bước lên ngôi vương, hoàng đế Constantine I đã ban bố sắc lệnh Milano, chấm dứt những cuộc áp bức các Kitô hữu trên khắp Đế chế, chấp thuận Kitô giáo là tôn giáo chính thức của La Mã. Từ một tôn giáo chuyên bị săn lùng như những kẻ dị giáo, Kitô Giáo đã trở thành tôn giáo chính thức của cả Đế chế La Mã. Tình thế được đảo ngược một cách ngoạn mục. Nhưng chớ có nghĩ rằng hoàng đế Constantine I là một tín hữu nhiệt thành hay một người cải đạo hoàn toàn mang sắc thái tâm linh. Phức tạp hơn thế, ngài là một chính trị gia nhiều toan tính. Ngài không phải là một con chiên ngoan đạo của Chúa, ngài khôn ngoan tận dụng những hình ảnh của Người để đánh bại những kẻ ngấm ngầm chống đối trong nội bộ đất nước. Việc hợp pháp hóa Kitô giáo đơn thuần là một thứ cố kết và giữ vững Đế chế của ngài. Ngài cũng rất khôn khéo khi nói rằng ngôi vương và chiến thắng của ngài được Thiên Chúa vĩ đại bảo trợ. Điều này được viết trong cuốn The Rise of Christendom của Peter Brown, một nhà sử học có tiếng chuyên nghiên cứu tôn giáo trong thời Đế chế La Mã. Hoàng đế cũng giải quyết tình trạng chia bè kết phái trong Giáo hội, điều vốn sinh ra từ câu hỏi: “Chúa Giêsu là Thiên Chúa hay là người?” bằng cách nhốt hết các vị giám mục mà ngài đã mời từ trước vào một căn phòng và chỉ cho phép họ ra ngoài khi đã có được câu trả lời. Những người trong đó đã họp lại một lần cuối cùng về vấn đề này, thống nhất với nhau một lời giải “cào bằng” rằng bản chất Chúa Giêsu vừa là người, vừa là Chúa – như quan niệm phổ biến ngày nay chúng ta biết đến. Khi vấn đề được giải quyết, hoàng đế cho tổ chức yến tiệc và mời các đức giám mục đến dự. Buổi yến tiệc tuyệt vời tới nỗi một vị giám mục xúc động đến mức nói rằng Vương quốc của Thiên Chúa đã hiển hiện ở cõi trần. Bạn cần biết rằng, các tín hữu thời bấy giờ đang chờ đợi Chúa Giêsu quay lại cùng Vương quốc của Thiên Chúa tràn ngập công bằng và tình yêu. Để một đức giám mục thốt lên như vậy, hoàng đế của chúng ta, ngài Constantine I đã thành công lôi kéo được một lực lượng hùng hậu như một chất keo gắn kết Đế chế. Sau rốt, tôn giáo vẫn luôn là thứ công cụ chính trị đầy mạnh mẽ của giới cầm quyền.
Ta không biết hoàng đế Constantine I có thực sự nghe được lời phán bảo trong giấc mơ của ngài hay không, nhưng những thay đổi về tôn giáo do ngài thực hiện là thật. Ngài là một Kitô hữu, điều ấy là thật. Ngài đã công nhận Kitô giáo, điều ấy là thật. Ngài sử dụng tôn giáo ngài theo làm công cụ chính trị, điều ấy cũng là thật. Dù sao, những giai thoại về ngài đã trở thành nguồn cảm hứng để các sử gia và nghệ nhân tạo nên những tác phẩm về vị Đại Đế đặc biệt này. Bức tranh “Vision of the Cross”“Khải Tượng Thập Tự Giá” được hoạ sĩ người Ý Raphael vẽ từ năm 1520 đến 1524, với hình ảnh hoàng đế Constantine I đứng trước toàn quân, và một cây thập giá đỏ chói hiện ra giữa đám mây đen trên trời, xung quanh thập giá là ba thiên thần kèm theo lời tuyên bố (bằng tiếng Hy Lạp) “Với biểu tượng này, con sẽ chiến thắng!” là một trong số đó. Và biết đâu đấy, trong cái thế giới giả tưởng đầy tăm tối mang tên Berserk, vị cha già Kentarou Miura của nó cũng đã từng sững sờ trước bức họa tuyệt vời kia. Để rồi câu chuyện về những khải tượng huyền ảo, về sự hình thành của một đế chế từ lưỡi gươm mang tên tôn giáo của hoàng đế Constantine I đã biến thành cảm hứng bất tận cho vị hoạ sĩ người Nhật. Nghệ thuật thú vị ở chỗ khi ta hòa mình vào không khí của câu chuyện, ta sẽ tiếp nhận được vô vàn khả năng, ta sẽ nhận diện được câu chuyện huyền ảo ấy trong nhiều câu chuyện hiện thực khác. Và dẫu biên niên sử về Đế Chế Ngàn Năm của Chim Ưng Ánh Sáng có thực sự được câu chuyện về Constantine I truyền cảm hứng hay không, thì mối liên hệ giữa chúng vẫn thực thú vị. Chúng khiến cho ta nhận ra rằng những gì tồn tại trong thế giới giả tưởng kia, thực ra lại cũng rất đỗi gần gũi với vương quốc hiện thực mà ta đang sống.

Bức họa “Vision of the Cross” – “Khải Tượng Thập Tự Giá”, bởi danh họa Raphael

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Không Hy Vọng - 06.05.2021

    Tôi có một mong muốn tột bậc là làm sao Miura-sensei vẽ nên con đường sáng hơn cho anh Guts thôi chứ đường của cha nội Griffin sáng quá không thấy cửa kết truyện =)))


  • No Hope - 09.05.2021

    Hi vọng sẽ có live-action cho bộ này