Kuroko no Basket: Tất tần tật về Zone – Sức mạnh mà bao cầu thủ mong muốn

Khách quen

  

Zone, nghe thôi đã sởn hết cả da gà, là một trạng thái khiến cho một cầu thủ, hay rộng ra là một cá nhân bung hết tất cả sức mạnh cho một trận đấu. Trong Kuroko no Basket, Zone xuất hiện khá thường xuyên, đặc biệt là trong các trận đấu có sự xuất hiện của Generation of Miracles.

Zone, không chỉ xuất hiện trong anime, mà còn có thật ở ngoài đời, không chỉ trong bóng rổ mà còn trên nhiều ngạch khác của cuộc sống như bóng đá, bóng chuyền, esport, vân vân…

Ví dụ điển hình là khi các ông chơi game, pick Yasuo cực xanh nhưng cả đội thì feed tụt mạng. Và thế là mấy ông phải gồng lưng, tập trung 100% tinh thần để gánh vác những quả tạ trên vai, lãnh cú Pentakill để thắng trận đó. Đấy, mấy ông vừa vào Zone rồi đấy, ahihi.

Oke đùa thế thôi, hôm nay hơi rảnh nên ngồi chém gió tí về Zone, sức mạnh và những thứ xoay quanh trạng thái cực đỉnh này nhé.

1. Zone là gì? Sức mạnh của nó ra sao?

Như mình đã nói ở trên, Zone là một TRẠNG THÁI (chứ không phải là kỹ năng) giúp một cầu thủ mở khóa 100% sức mạnh cá nhân. Những người vào Zone sẽ tiến vào trạng thái tập trung cực độ, chỉ chăm chăm vào những diễn biến trên sân, những thông tin không cần thiết, gây ảnh hưởng sẽ bị bỏ qua.

Trong Kuroko no Basket, những người vào Zone sẽ được mô tả bằng các tia sét theo màu tóc của họ, tượng trưng cho sức tập trung cao độ của họ. Khi vào Zone, những hình ảnh xuất hiện trong mắt cầu thủ chỉ là một bức ảnh đen trắng hoặc cực ít màu, màu sắc duy nhất chính là quả bóng và bảng rổ. Âm thanh được lọc chỉ để nghe những tiếng cần thiết. Mọi chuyển động ngoài chủ thể sẽ chậm lại.

Ờm, để dễ hiểu hơn thì trong Apex Legends, có một vị tướng có Ultimate “hóa chó” rất giống với Zone như trong KnB, đó chính là Bloodhound. Xin mời xem clip dưới.

Đó, môi trường xung quanh chỉ toàn đen trắng, những kẻ địch thì được highlight lên bằng màu đỏ, như vậy sẽ dễ bắn hơn, phải không?

Theo Midorima, kể cả những cầu thủ thuộc hàng top cũng sẽ chỉ sử dụng được 80% sức mạnh nội tại bên trong họ nếu không tiến vào trạng thái Zone. Và khi có thể tiến vào hoặc vô tình rơi vào Zone (như trường hợp của Murasakibara), tất cả sức mạnh, những gì tinh túy nhất của một cá nhân xuất sắc sẽ được thể hiện ra. Cầu thủ này sẽ nhanh hơn, khỏe hơn, linh hoạt hơn và nhảy cao hơn gấp bội, có thể một mình xử lí hết mọi thứ từ ghi điểm cho đến phòng thủ.

Aomine Daiki là người đầu tiên có tiến vào Zone trong anime. Vốn là một người có tốc độ nhanh như một con báo. Khi tiến vào Zone, tốc độ của cậu ta còn nhân lên gấp đôi.

Cậu ta có thể chạy từ sân nhà sang sân đối phương chỉ trong chớp mắt không ai kịp phản ứng. Một mình rê bóng qua toàn đội Seirin và ghi điểm trong sự bất lực của đội bạn.

Ngoài ra, với sức mạnh từ Zone, những cú ném Formless Shot của cậu sẽ chính xác hơn rất nhiều, khiến cho việc ngăn Aomine trở thành một điều không tưởng.

Để đối đầu với một người ở trong Zone, tất nhiên vào Zone mới có thể địch lại. Kagami Taiga là người tiếp theo có thể vào Zone trong KnB.

Vốn là người với tài năng bật nhảy siêu cao, vì vậy khi vào Zone, Kagami bay luôn chứ chả phải nhảy nữa. Sức mạnh tăng lên giúp cậu có thể đấu tay đôi lại với Aomine.


Trong trận đấu với Yosen, dù phải đối đấu với một bức tường Murasakibara vững chãi. Nhưng nhờ sức mạnh Zone mang lại, Kagami có thể block đẹp gã khổng lồ kia khi Murasakibara thực hiện vũ khí lợi hại nhất của mình, Búa Thor. Ngoài ra, Kagami còn có thể úp rổ ngay trên đầu, mặc cho Murasakibara có to lớn đến mức nào đi nữa.

Do sự tập trung được đẩy lên cực độ kèm khả năng của bản thân được nhân đôi. Kagami ở trong Zone có thể thực hiện Meteor Jam, một cú úp rổ mà không hẳn là úp rổ, khi yêu cầu người thực hiện phải nhảy cao hơn cả vành rổ và thực hiện cú ném bóng chuẩn xác vào rổ.

Ngoài Aomine và Kagami, có 3 cầu thủ khác thuộc Thế Hệ Kỳ Tích đều đã đạt được trạng thái bất bại này.

Người tiếp theo là Murasakibara Atsushi. Có thể nói cậu này tiến vào Zone khá là “vô tình” khi bản thân CÓ VẺ NHƯ không đạt đủ điều kiện để vào Zone. Tuy nhiên khi đạt được, sức mạnh của Murasakibara được tăng lên gấp bội. Tiếc là cậu đạt được Zone ngay mấy giây cuối trận nên không thể hiện được gì nhiều.


Tiếp đến chính là Akashi Seijurou. Tên này thì khỏi nói, kẻ mạnh nhất trong các kẻ mạnh. Akashi còn sở hữu Con Mắt Đế Vương – con mắt giúp chủ nhân nhìn trước tương lai. Chỉ với nó cậu đã có thể chặn được vài pha tấn công của Kagami đang ở trong Zone rồi. Đến khi cậu tiến vào Zone, có thánh mới có thể cản được cậu ta (tuy nhiên thánh ở đây lại là Kuroko).

Người muộn nhất tính đến giờ có thể vào Zone chính là Kise Ryouta. Giống với Akashi, Kise sở hữu Perfect Copy. Kết hợp với Zone, cậu ta quẩy nát đội hình Jabberwock. Mặc dù cả hai trạng thái này khiến Kise không được nổi chỉ sau chưa đầy một phút.

Đó là tất cả những cầu thủ có thể vào được Zone trong anime tính đến giờ. Tất nhiên, tính ngoài lề sẽ có rất nhiều cầu thủ khác với khả năng to lớn hơn có thể tiến vào Zone, nhưng mà vì anime end xừ nó rồi nên chúng ta chẳng bao giờ biết được. Haizz.

2. Điều kiện để vào Zone.

Sở hữu sức mạnh to lớn, tất nhiên, Zone không phải là thứ bán hạ giá ngoài chợ mà ai cũng có thể mua mà sử dụng. Midorima đã chỉ ra rằng, một cầu thủ phải hội tụ đủ những yếu tố nhất định mới có thể chạm đến ngưỡng cửa Zone. Những yếu tố trên bao gồm 3 yếu tố chính: niềm đam mê với bộ môn đang chơi, kỹ năng thượng thừa và yếu tố khách quan (hay nói nôm na là ngòi nổ).

Với yếu tố thứ nhất, niềm đam mê. Chắc chắn sẽ chẳng ai thiếu trừ Murasakibara (cũng chưa hẳn, bạn này cũng Tsundere lắm). Aomine chơi bóng từ bé tẹo, cậu luôn có ý chí mãnh liệt là muốn được đối đầu với các đối thủ mạnh hơn để rèn rũa bản thân, khiến bản thân mạnh hơn từng ngày. Có lẽ trong cả 6 người Thế Hệ Kì Tích, kể cả Kuroko, cậu là người yêu bóng rổ nhất.

Cũng vì thế mà khi sức mạnh trổ bông, cậu rơi vào trầm cảm do bản thân quá mạnh, các đối thủ của cậu dù là mạnh nhất thời đó để chán nản, bỏ cuộc khi phải đối đầu với một Aomine đầy tốc độ. Cậu dần chán và chỉ chơi bóng rổ theo thủ tục. Không phải vì cậu đã hết yêu bóng rổ, mà bởi vì bóng rổ đang đẩy cậu đi quá xa khỏi người thường mà thôi.

Tương tự với những người còn lại, Kise dù chơi bóng muộn nhưng bóng rổ chính là chân ái của cậu (thật ra chính là Aomine). Akashi coi bóng rổ như một môn thể thao cứu rỗi đời mình, và cũng là thứ để cậu nhớ tới người mẹ quá cố của mình.

Trường hợp hơi sai sai đó chính là Murasakibara. Cậu luôn nhàm chán với mọi thứ kể cả bóng rổ. Cậu chơi bóng bởi vì cậu sinh ra là dành cho môn bóng cam này. Tưởng như cậu đã mất một điều kiện tiên quyết để có thể nhập Zone. Ai dè, trong trận đấu với Seirin, tên to xác này lại có thể vào Zone ngay trong những giây cuối của trận đấu khiến toàn đội Seirin ướt cả quần.

Có lẽ, khi cậu phải chơi bóng rổ, con tim cậu đã luôn hướng đến cái môn thể thao này rồi.

Yếu tố thứ hai, khỏi phải nói, đó là tuyển thủ phải có kỹ năng vượt bậc. Có thể tưởng tượng đơn giản như thế này. Muốn đến được cánh cửa Zone, bạn sẽ phải vượt qua được một cánh cửa khác.

Vượt qua cánh cửa này, bạn sẽ có những kỹ năng vailongat của các thành viên Thế Hệ Kì Tích. Và đi tiếp, bạn sẽ thấy cánh cửa Zone.

Ngoài Thế Hệ Kì Tích, ở Nhật Bản hiện chỉ có Kagami là có thể mở được cánh cửa kỹ năng đó với khả năng nhảy cao như bay của mình. Điều đó lại không xảy ra mới Himuro Tatsuya.

Ban đầu, Himuro được Alex (sư phụ của Kagami và Himuro) và Momoi (bạn thời thơ ấu kiêm quản lý đội Touou) đánh giá có kỹ năng ngang với Thế Hệ Kì Tích. Nhưng trong trận đấu với Seirin, anh chàng này không một lần nào có thể tiến được cánh cửa Zone để có thể chọi lại với một Kagami đang bắn tia điện từ mắt.

Nhưng Aomine sau đó đã chỉ ra rằng, Himuro tuy có tài năng hơn người, song, tài năng đó chỉ dừng lại ở mức cậu giỏi hơn những người bình thường mà thôi. Himuro chưa bao giờ mở được cảnh cửa dẫn đến các Kì Tích, vì thế, việc có thể vào được Zone là chuyện có mơ cũng không dám ước.

 

Nói thế cũng hơi tội cho anh chàng bảnh trai này. Dù gì cậu cũng rất giỏi, có thể vượt qua kèm ba của Seirin ngọt sớt. Có lẽ khả năng của Himuro sánh ngang với Ngũ Tướng Không Ngai.

Yếu tố cuối cùng, yếu tố khách quan. Hmm, nói thế nào nhỉ. Để có thể vào Zone, các tuyển thủ phải All In mọi thứ trong ván chơi đó. Các cầu thủ phải có tinh thần quyết thắng, sống chết cũng phải thắng, phải dốc toàn lực như thế ngày mai là ngày tận thế. Nếu cái ý chí đó đủ mạnh, các tuyển thủ có thể nhập Zone theo bản năng.

Ngoài ra, sau lần đầu nhập Zone, các tuyển thủ không được phép ỷ lại vào nó. Phải luôn chiến đấu hết sức, luôn thi đấu tốt nhất có thể. Không được phép để ý đến chuyện nhập Zone. Nếu không sẽ trở thành một thằng hề trên sân bóng.

Kagami trong trận đấu với Yosen đã không thể nhập Zone thời gian đầu do cậu quá ỷ lại vào nó. Lúc nào trong đầu cũng có mong muốn nhập Zone khiến bản thân sao nhãng những diễn biến trên sân đấu. Mãi đến khi Kise kích đểu mới hiểu ra và “hóa hổ” bón hành đội bạn.

Để kích hoạt Zone, các tuyển thủ cần có thêm “ngòi nổ”. Mỗi tuyển thủ sẽ có một ngòi nổ khác nhau dựa trên ý chí và mục đích họ thi đấu trên sân.

Với Aomine, ngòi nổ để vào Zone của cậu đó chính là “mong muốn sức mạnh và chiến thắng đối thủ”. Kagami được Aomine chỉ ra ngòi nổ của cậu là “ý chí chiến đấu vì đồng đội”.

Kise, giống với Kagami, được kích hoạt khi đấu với Jabbawock, “mong muốn chứng minh sức mạnh của giới bóng rổ nước nhà”. Còn về Akashi, ở phiên bản Đế Vương, “khi đồng đội làm mình thất vọng”, nghe thôi đã thấy anh bạn này gia trưởng thế nào rồi ha.

3. Cái giá phải trả

Nhập Zone vào thì ai cũng là siêu sao cả, nhưng cái giá phải trả thì không hề nhỏ chút nào.

Do việc bản thân sẽ chiến đấu với 100% sức lực, vì vậy, thể lực của một cá nhân sẽ bị bòn rút đến vỡ mặt.

Thông thường, một cầu thủ sẽ không thể vào Zone trong suốt 40 phút của trận đấu. Nên, việc sử dụng Zone sẽ là con bài cuối cùng trong những hiệp đấu cuối. Và khi thoát Zone sẽ rất khó để vào lại do sức đã kiệt quệ.

Nhưng Kagami đã rất khôn khéo trong trận đấu với Rakuzan. Để kéo dài thời gian trong Zone của mình, cậu chỉ tung sức trong một số tình huống nhất định. Như thế, cậu có thể giữ trạng thái Zone trong suốt nửa sau của trận đấu.

Trong trận đấu với Jabbawock, Kise đã liều lĩnh sử dụng kết hợp giữa Perfect Copy với Zone. Do Perfect Copy vốn đã kéo thể lực kinh khủng, kèm với Zone, thời gian của Kise để tỏa sáng chỉ còn chưa đầy một phút, chưa kể các hậu quả sau này mà cơ thể gánh chịu.

Nhìn chung, cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu chơi với dao, xác định tay sẽ luôn có các vết sẹo do dao cắt. Nếu muốn chơi giỏi, xác cái định đằng sau sàn đấu là cơ thể mệt mỏi đến không đứng nổi luôn.

4. Rakuzan’s Zone

Trong trận đấu với Seirin, khi Akashi quay trở lại con người gốc của cậu, nhờ vào các đường chuyền siêu đỉnh của mình, các thành viên đội Rakuzan chơi với nhịp điệu tốt dần lên. Từ đó họ có thể tiến vào một trạng thái “Gần như Zone”.

Trạng thái này vẫn giúp cho các tuyển thủ chơi tốt hơn, các kỹ năng cá nhân được đẩy cao, khiến họ cực kỳ khó để đối phó.

Nhưng xin nhắc lại, đấy không phải là Zone CHÍNH HIỆU. Hãy nhìn vào các tia sét phát ra từ các cầu thủ Rakuzan. Chúng đều mang màu đỏ giống với Akashi, nhưng nhạt hơn. Chứng tỏ, Zone mà họ có là do Akashi đã chia sẻ cho. Tuy không phải Zone chuẩn, nhưng ở trạng thái này, các cầu thủ vẫn có thể thi đấu với những khả năng cao hơn mức bình thường của họ. Và trên hết, các tuyển thủ của Rakuzan đều là Ngũ Tướng Không Ngai (trừ Mayuzumi), họ có thể đạt đến sức mạnh khoảng 80% so với ngưỡng Zone chính gốc.

5. Direct Drive Zone

Có một tầng Zone, vượt xa với tầng Zone bình thường. Đây là bản chất vốn có của Zone, cũng chính là lời nhắc nhở cho những tuyển thủ khi chơi bóng rổ.

Thông thường, khi một tuyển thủ vào Zone, người đó sẽ có tốc độ kinh hoàng mà cầu thủ bình thường không thể bắt kịp để có thể phối hợp hay đối đầu. Vì thế, cả sân đấu sẽ là một màn độc tấu của những cá nhân đang trong Zone.

Nhưng ở Direct Drive Zone lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Toàn đội sẽ được dung hòa mọi động tác, tốc độ và phối hợp xoay quanh một tuyển thủ chính. Khi ấy, cả đội bóng giống như hòa vào làm một thể thống nhất. Mọi thông tin truyền đạt chỉ qua một cái liếc mắt. Các pha chuyền bóng, làm tường diễn ra với tốc độ sấm sét của Zone. Tuyển thủ vào Zone chính có thể ra hiệu cho các đồng đội của mình trong tích tắc, và đưa ra phán đoán để ghi điểm, hoặc có thể chuyền cho người khác để tạo khoảng trống.

Với việc phối hợp đồng đội tốc độ cao như vậy, các tuyển thủ Rakuzan dù có chạm đến ngưỡng cửa Zone cũng không thể phản ứng kịp thời. Nói toàn đội Seirin đều vào Zone cũng đúng, vì họ đang phối hợp với nhau với tốc độ của Zone cơ mà.

Và chìa khóa dẫn đến tầng Zone siêu xịn này đó chính là…Kuroko. Bóng rổ của Kuroko chính là sự liên kết, sự tin tưởng chặt chẽ giữa các thành viên trong đội. Việc Direct Drive Zone là sự kết hợp với nhau ở tốc độ cao yêu cầu các thành viên trong đội phải chơi bóng với nhau đủ lâu, tạo sự tin tưởng lẫn nhau để hình thành mối liên kết khó rời mới có thể phối hợp với nhau chỉ qua một cái liếc mắt như vậy.

Kuroko luôn đề cao tinh thần đồng đội, cũng vì lí do đó cậu không thể chịu nổi khi các thành viên đội Teiko dần dà phát triển lối chơi cá nhân, dù chiến thắng nhưng cũng chả vui vẻ gì cả. Kuroko tìm thấy ở Seirin hội tụ đủ những yếu tố mà cậu tìm kiếm. Các thành viên trong đội dù không quá xuất sắc nhưng đều hiểu nhau, phối hợp với nhau rất tốt. Và từ đó, cậu cũng hình thành luôn trong tâm trí Kagami lối chơi vì đồng đội, dẫn đến ngòi nổ “chiến đấu vì đồng đội” của Kagami và trở thành chìa khóa mở cánh cổng dẫn đến Direct Drive Zone.

6. Zone ở bóng rổ đời thực

Như mình đã nói ở đầu bài viết, Zone là trạng thái có thật ở ngoài đời. Tuy nhiên không mang vẻ hào nhoáng với con mắt phát ra điện như trong anime, Zone ở ngoài đời chỉ đơn giản là khi một cầu thủ liên tục ghi điểm, tạo ra “flow” trong lối chơi của họ và trở thành cầu thủ không thể ngăn chặn trong cả trận đấu.

Trong NBA, không thiếu các cái tên có thể coi là đã vào Zone. Có thể kể đến những cầu thủ huyền thoại như Michael Jordan, Stephen Curry, Lebron James,… Ở đây, mình xin nhắc đến cố huyền thoại Kobe Bryant, một cầu thủ mình luôn thần tượng và cũng chính là hình mẫu để tác giả tạo nên Aomine.

Là huyền thoại trong làng bóng rổ thế giới, Kobe Bryant với danh hiệu “Black Mamba” trở thành một nỗi khiếp sợ cho các đội bóng khi phải đối đầu với ông. Lần vào Zone của ông có thể kể đến trận đấu huyền thoại giữa LA Lakers với Toronto Rapters.

Trong trận đấu này, một mình Kobe ghi 81 điểm, đưa Lakers lội ngược dòng chung cuộc với tỷ số 122–104. Black Mamba đã trở thành huyền thoại khi ông ghi tên mình vào lịch sử bóng rổ thế giới khi là người ghi điểm nhiều thứ hai trong một trận đấu, chỉ sau huyền thoại Wilt Chamberlain với 100 điểm. Tuy nhiên, khác với Chamberlain khi ông được đồng đội tạo khoảng trống để ghi điểm, Kobe đa phần độc tấu, dẫn bóng xuyên thủng hàng phòng thủ của Rapters, kết thúc bằng những cú ném mang thương hiệu của ông.

Kobe từng trả lời phỏng vấn về việc “vào Zone” như sau:

“Khi tiến vào Zone, bạn sẽ cảm thấy mình tràn đầy tự tin và sức mạnh. Một cảm giác khó để diễn tả. Bạn chỉ cần biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào. Mọi thứ như chậm lại. Âm thanh bạn nghe chỉ là những tiếng ồn. Bạn sẽ chỉ tập trung vào chơi bóng mà không để tâm đến những thứ khác. Đừng có cố để hiểu những gì đang diễn ra, hay nơi mà các bạn đang đứng, nếu không, bạn sẽ bị đá ra khỏi Zone ngay lập tức.”

Có thể thấy, việc vào Zone chỉ xảy ra khi một cầu thủ tập trung cao độ trong một trận đấu. Mọi thứ tác động bên ngoài như khán giả hay thậm chí các các tuyển thủ khác sẽ là những thông tin nhiễu loạn và bị gạt bỏ. Khi đó, cầu thủ mới có thể thi đấu toàn lực để giành chiến thắng.

Many Respects to Kobe “Black Mamba” Bryant. Rest in Peace Legend.

Kết

Vậy là đã xong bài viết dài tổ bố chỉ để giải thích thế nào là Zone cả trong anime lẫn đời thực. Hy vọng là anh em không ngán ngẩm mà đọc hết những gì mình xàm xí bên trên. Hãy like và comment để quán rượu xôm hơn nhé. Thanks.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện