Tam Thể (The Three-body problem), hay có tên khác là Địa Cầu Vãng Sự (Remembrance of Earth’s past), là bộ trilogy tiểu thuyết Khoa học viễn tưởng của nhà văn Trung Quốc Lưu Từ Hân. Hơn thế nữa, nó lại còn là Hard Sci-fi, cực kỳ Hard. Toàn bộ trilogy này chứa một lượng thông tin khoa học khổng lồ, và cực kỳ chính xác, đến độ nếu ném bỏ các nhân vật đi, sửa đổi một chút là 3 quyển này có thể đem ra làm sách giáo trình khoa học đại cương cũng được. Lượng thông tin kỹ thuật, các học thuyết, giả định từ thiên văn học, vật lý học rồi đến cả xã hội học đều vô cùng đồ sộ. Và một phần lý do bộ truyện này dày đến như vậy là vì Lưu Từ Hân dùng rất nhiều dung lượng truyện để trình bày, giải thích các lý thuyết khoa học, từ thực tế đến giả định trong tương lai gần và thậm chí cả những phần 100% chém gió (hoặc là giả thiết nhưng chưa thể chứng minh) cũng được đem ra giải thích với những cơ sở cực kỳ chi tiết và quy củ. Nếu ai mà có hứng thú với khoa học, thì bộ truyện này quả là một thiên đường, còn nếu không biết nhiều, hoặc không hứng thú và mù tịt với khoa học, thì cũng không sao, vì Địa Cầu Vãng Sự còn có một thứ đáng nể hơn – world (or should I say, universe?) building.
Bàn về vũ trụ của bộ truyện này thực tình rất khó để nói cô đọng, vì nó quá khổng lồ, quá khó tưởng tượng cho đến khi trực tiếp “nhìn thấy” qua mô tả của tác giả. Để mà nói ngắn gọn nhất và bề mặt nhất, thì toàn bộ nền tảng của Địa Cầu Vãng Sự được xây dựng dựa trên Nghịch lý Fermi – nói nôm na là nghịch lý này được xây dựng dựa trên câu hỏi rằng nếu các nền văn minh ngoài hành tinh có tồn tại, thì tại sao chúng ta vẫn chưa tìm thấy bằng chứng gì chắc chắn về họ? Cuốn đầu tiên – Tam Thể (The Three-Body Problem), là một lời dẫn nhập về việc có hay không nền văn minh ngoài vũ trụ, và nếu có, thì họ sẽ có thái độ ra sao với nhân loại. Cuốn thứ hai – Khu Rừng Đen Tối (The Dark Forest), là một hành trình đi sâu vào cốt lõi của Nghịch lý Fermi, là chuyến đi để tìm hiểu về bản chất của vũ trụ, là hé mở về một lý thuyết xã hội học mang tầm vĩ mô – xã hội học vũ trụ. Cuốn cuối cùng – Tử Thần Sống Mãi (Death’s End), là những cố gắng trong vô vọng của nhân loại để tiếp tục tồn tại trong vũ trụ khủng khiếp, là những chiêm nghiệm về những gì đã, đang và sẽ xảy ra với nhân loại, với Trái Đất, và với vũ trụ. Cốt truyện được tăng tiến dần dần, tương ướng với mức độ vĩ mô trong nó cũng tăng lên theo. Do đó, chúng ta sẽ không đến nỗi quá choáng ngợp trước vũ trụ được xây dựng cực kỳ chi tiết và khủng bố của bộ truyện, mà sẽ được tiếp xúc dần dần theo thời gian. Và càng đọc, sẽ càng thấy kinh ngạc trước tầm vóc của câu chuyện mà Lưu Từ Hân muốn xây dựng.
Cách khai mở, dẫn dắt cốt truyện cũng là một điểm khiến cho Địa Cầu Vãng Sự đáng đọc. Cuốn đầu tiên – Tam Thể, có cảm giác như một quyển Hard Sci fi pha với trinh thám vậy. Chúng ta sẽ được Lưu Từ Hân dẫn dắt đi từ hết bí ẩn này đến bí ẩn khác, với mọi manh mối lại đẻ ra một câu hỏi hoặc một cái plot twist mới, hứa hẹn đang có những điều kịch tính hơn đang chờ đợi phía trước. Các yếu tố Sci Fi được tận dụng một cách rất điêu luyện, vô hiệu hóa mọi thể loại logic mà mọi người có thể sử dụng hòng đoán định diễn biến sắp tới. Và rồi dần dần, khi những tấm màn bí mật được vén lên, mọi thứ tạo thành một bức tranh hoàn hảo và rùng rợn đến đáng sợ.
Cuốn thứ hai – Khu Rừng Đen Tối, thì thậm chí còn xuất sắc hơn khi mọi thứ mà Tam Thể có, nó đều có và còn nâng cấp lên một tầng cao mới. Chúng ta tưởng là chúng ta đã biết đủ sau khi đọc cuốn 1, nhưng có đọc cuốn 2, chúng ta mới nhận ra là mình chẳng biết gì cả, hay nói đúng hơn, chúng ta biết quá ít. Đúng như cái tên của mình, cốt truyện của cuốn 2 đen tối và nhuốm màu tuyệt vọng nặng nề hơn cuốn 1 rất nhiều. Xuyên suốt cuốn 2 là những màn đấu trí, lừa lọc liên tiếp giữa những bộ óc kiệt xuất nhất Trái Đất với cả một nền văn minh ngoài Trái Đất. Khi mà nhất cử nhất động của nhân loại đều nằm trong tay kẻ địch, thì thứ duy nhất, vũ khí còn lại duy nhất của nhân loại chính là phần sâu thẳm và thầm kín nhất của một người – trí óc và nội tâm của người đó. Áp dụng đúng lý thuyết như vậy, Lưu Từ Hân đã triển khai cốt truyện cuốn 2 theo đúng kiểu bí ẩn và khó lường như thế. Để đến khi sự thật lộ ra, tất cả sẽ lại phải rợn người và kinh hoàng trước những kế hoạch, những mưu kế mà các nhân vật lựa chọn để thực hiện và có lẽ sẽ phải hãi hùng trước mức độ tuyệt vọng mà nhân loại phải gánh chịu.
Với cuốn 3 – Tử Thần Sống Mãi, những gì hấp dẫn ở 2 cuốn trước vẫn còn, và cốt truyện của cuốn này còn đậm tính triết lý hơn nữa. Thế nhưng cũng vì… quá nhiều triết lý mà Lưu Từ Hân muốn đem vào, nên thành thử ra cốt truyện của nó có phần hụt hơi hơn, hoặc chính xác ra thì không thể đủ dung lượng mà triển khai cho đủ hết. Trong Tử Thần Sống Mãi, có nhiều chi tiết, nhiều nhân vật và nhiều thứ có thể triển khai ra nhiều hơn, và chắc chắn nếu được làm kỹ lưỡng hơn giống cuốn 1 và 2, thì nó sẽ hay hơn rất rất nhiều. Thế nhưng rốt cục, dù cuốn 3 là dày nhất, nhưng so với những thứ mà nó chứa đựng, vẫn là không đủ. Có đáng tiếc, nhưng cuốn 3 cũng không đến nỗi tệ. Nó vẫn hay, vẫn tuyệt, nhưng nó có thể đã hay hơn cả quyển 2.
Mọi thứ từ mạch truyện, triết lý và xây dựng thế giới, Lưu Từ Hân làm rất tốt, cực kỳ hay, nhưng chính vì quá nghiêng về plot-driven mà cái khoản character-driven yếu quá thể đáng. Các nhân vật chính của từng cuốn không thực sự đáng nhớ, hay nói thẳng ra là không hay. Tác dụng của họ là để đưa cốt truyện đi tiếp, chấm hết. Cuốn 1 là cuốn có dàn nhân vật chính chán nhất, vì nói thật là không tài nào phân biệt nổi họ có cái quái quỷ gì khác nhau, trừ… cái tên. Cuốn 2 thì khá hơn khi nhân vật chính đã được chú trọng xây dựng nội tâm hơn, và càng về cuối cuốn thì càng đỡ hơn. Tuy nhiên, bằng một cách thần kỳ nào đó, các nhân vật chính trong cuốn 3 lại có phần dở hơn cả cuốn 1. Họ không bị một màu, không bị quá cứng nhắc nữa, nhưng vấn đề của họ là ngu một cách kỳ diệu. Ngu ở đây không phải là dốt nát, đần độn, vì toàn dân anh chị máu mặt trong ngành khoa học với khả năng phun vào mặt chúng ta những lý thuyết khoa học dài như tấu sớ. Không, ngu ở đây là ngu trong những quyết định quan trọng ở cốt truyện, mà nó vô lý và đần độn một cách khó tin. Một lần thì còn tạm, nhưng mà đến 2-3 lần, thì có phải hơi vi diệu quá không? Nhưng bạn biết điều gì kinh hoàng hơn dàn nhân vật chính trung bình khá không? Là dàn nhân vật phụ không hiểu sao lại thường xuyên não nhảy số đến mức chúng ta phải băn khoăn là đầu óc thế này sao không lên làm nhân vật chính cho rồi?
Giọng văn của bộ truyện này cũng là một điểm đáng lưu ý. Nếu như cốt truyện và xây dựng vũ trụ hấp dẫn, thú vị bao nhiêu, thì cái giọng văn nó lại đáng chán bấy nhiêu. Nó khô như cát sa mạc ấy, vì Lưu Từ Hân chú trọng vào việc đưa thông tin và giải thích nó một cách cặn kẽ nhất có thể. Cho nên nếu quen với các thể loại truyện thường thấy trên thị trường của các tác giả Trung Quốc như ngôn tình hay trinh thám, thì mọi người cứ tập xác định là đừng mong chờ gì Lưu Từ Hân sẽ viết được giọng văn bay bổng và cuốn hút như thế. Mặc dù càng về các cuốn sau, điều này càng được cải thiện, nhưng tựu trung lại thì giọng văn bộ này vẫn không phải là hay cho lắm.
Thế nhưng, suy cho cùng, xét về tầm vóc của thế giới và mức độ chi tiết thì ít có bộ truyện nào có thể bì kịp. Tôi có thể khẳng định chắc nịch là xếp cả cái vũ trụ Legends của Star Wars được mấy chục tác giả cùng xây dựng trong 30 năm vào cũng không bằng một cái móng chân của Địa Cầu Vãng Sự, tính cả về độ vĩ mô, độ chi tiết và tính triết lý. Và dù có dàn nhân vật và giọng văn khô không khốc như ăn cơm không chan canh, thì bù lại, Địa Cầu Vãng Sự lại có mạch truyện cực kỳ hấp dẫn, một lượng lớn kiến thức khoa học ở đủ mọi thể loại ngành được truyền tải rất thú vị, vô số giả thuyết sáng tạo được khắc họa sinh động, và hàng bao thông điệp cũng như bài học đáng suy ngẫm. Dù rằng nhiều lúc phần nhân vật bị lấn át và trở nên quá mờ nhạt, và một cái kết hơi yếu so với tầm vóc của bộ truyện (dù cũng đậm tính triết lý), thì Địa Cầu Vãng Sự vẫn là một trong những bộ truyện Sci fi xứng đáng đứng vào hàng kiệt tác.
Địa Cầu Vãng Sự có thể coi là một thiên sử thi về nhân loại nói riêng, và của mỗi nền văn minh trong vũ trụ bao la nói chung. Một thiên sử thi về hành trình của một giống loài, từ khi thức tỉnh, chập chững bước ra ngoài, rồi bay lên, bay càng lúc càng nhanh, bay càng lúc càng xa, đến cuối cùng thì hòa làm một với vận mệnh của toàn vũ trụ.
Địa Cầu Vãng Sự – hoặc Tam Thể (bộ 3 cuốn): 9/10.