Lên bài cuối tuần hơi sớm, căn bản là vì ngày mai tui bận nên chắc không có viết Wall of Text được (cơ mà bài này viết từ hồi chiều… thôi kệ đi, dù sao cũng còn tầm tiếng rưỡi nữa là sang thứ 7 rồi, xõa đê )
Cuối tuần học sử chút nào anh em Đùa thôi, cũng chẳng phải học hành gì đâu, căn bản là muốn giới thiệu cho mọi người về một trận đánh ác liệt bậc nhất trong lịch sử Việt Nam mà KHÔNG HỀ có trong SGK và cũng không hề được SGK nhắc đến dù chỉ một chữ luôn! Trận đánh này có thể có người đã biết rồi, nhưng có lẽ cũng nhiều người không biết nên tui cứ giới thiệu ra, ai hứng thú thì đọc chơi Bài này đúng thật là quá lạc đề so với game luôn, thậm chí lạc luôn nếu so với những bài #cuoituan khác
Đây là một trận ác chiến có một không hai trong lịch sử Việt Nam – một trận thủy chiến ác liệt không kém gì Xích Bích. Thủy chiến Thị Nại, một trận ác chiến khốc liệt bậc nhất mà Nguyễn Ánh từng đánh. Nếu như Xích Bích là trận bản lề để tam phân thiên hạ thì Thị Nại cũng là trận bản lề để xoay chiều cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn.
Thủy chiến Thị Nại, diễn ra đầu năm 1801 giữa hai phe: một bên là Nguyễn Ánh và những người bạn, phe kia là những người Tây Sơn kế thừa tinh thần Nguyễn Huệ. Đây có lẽ là trận ác chiến khốc liệt bậc nhất trong suốt cuộc chiến dai dẳng giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn.
Đầu tiên, hãy cùng nói đến nguyên nhân xảy ra trận chiến. Chính xác thì có hai lý do chính mà Nguyễn Ánh quyết tâm đánh bằng được Thị Nại.
Lý do thứ nhất: Đây là nơi tập trung toàn bộ sức mạnh thủy quân Tây Sơn. Tây Sơn thời đó nổi tiếng với đội thủy quân hùng mạnh bậc nhất Đông Nam Á, đứa nào lớ ngớ thì cứ noi gương quân Xiêm bị Nguyễn Huệ đập tanh bành thì rõ. Thủy quân Tây Sơn đông đảo, tinh nhuệ, lại được trang bị những chiến thuyền to và hỏa lực mạnh mẽ, nổi bật nhất là các chiến hạm Định Quốc to đến mức chở được tới 60 khẩu đại bác. Ta cũng nên hiểu là thủy quân của Nguyễn Ánh cũng khủng bố không kém khi có được kỹ thuật từ phương Tây, nhưng nếu đối chọi với thủy quân Tây Sơn thì khả năng sấp mặt vẫn cao lắm, nên muốn tiến quân ra Phú Xuân thì Nguyễn Ánh buộc phải triệt hạ lực lượng này của Tây Sơn.
Lý do thứ hai: Chính vì Thị Nại quan trọng như thế nên nếu bị đánh thì khả năng Tây Sơn sẽ phải kéo về để giữ. Lúc đó tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu đang vây kín thành Quy Nhơn mà Võ Tánh – một trong Tam Hùng Gia Định đang trấn giữ. Nguyễn Ánh tính rằng nếu Thị Nại bị đánh, Trần Quang Diệu sẽ phải nới lỏng vòng vây Quy Nhơn, qua đó Võ Tánh có thể thoát thân (cơ mà ai ngờ ông Quang Diệu ông lầy hết mức, cố sống cố chết lấy cho bằng được thành Quy Nhơn, vì đây là đất tổ của Tây Sơn, ông Võ Tánh ông cũng lầy không kém, bên ngoài Quang Diệu hò hét đánh thành thì bên trong Võ Tánh cũng cố sống cố chết giữ thành không ra, mà thành Quy Nhơn lại vững, dễ thủ khó công nên hai ông cù cưa mãi mà vẫn chưa ra đâu vào đâu, quân Tây Sơn vây Quy Nhơn thì cứ đông theo cấp số nhân nên việc mở đường máu chạy khỏi thành là bất khả thi, vì vậy Nguyễn Ánh mới liên tục cho quân đánh tập hậu Tây Sơn nhằm tạo cơ hội cho Võ Tánh, và trận to nhất chính là Thị Nại).
Sơ lược về Thị Nại
Đây là một đầm nước mặn khổng lồ nằm cạnh vịnh Quy Nhơn, chỉ có một lối vào duy nhất dẫn ra biển, tại lối vào là hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai đứng sừng sững trên cao chĩa pháo xuống, cho nên thằng nào dám đi vào là cứ xác định thành tro. Nguyễn Ánh cũng đã nếm đủ mùi thuốc súng ở đây rồi nên ông không dám khinh suất tấn công thẳng vào Thị Nại để hiến máu nhân đạo nữa. Đó là chưa kể trong đầm có trên dưới 2000 chiến thuyền Tây Sơn và khoảng hơn 20000 quân thuộc chỉ huy của Võ Văn Dũng – đứng đầu Tây Sơn Thất Hổ Tướng, cho nên Nguyễn Ánh lại càng phải cẩn thận không là công sức hai mấy năm nằm gai nếm mật đi tong. Nguyễn Ánh bàn tính kế hoạch tấn công Thị Nại rất cẩn thận với các tướng Võ Di Nguy, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Tống Phước Lương và Nguyễn Văn Trương. Nếu cứ như mấy lần trước kéo quân xông thẳng vào Thị Nại là bị pháo Tây Sơn nã cho banh xác thì hỏng bét, vậy phải đánh tập kích, đánh bí mật, mục tiêu là hủy diệt toàn bộ 2000 chiến thuyền Tây Sơn, thì cách duy nhất là đốt sạch bách chúng nó đi.
Lại phải tính làm sao cho quân Tây Sơn trên bộ không kịp ứng cứu, vì vậy, một kế hoạch hết sức chi tiết được đặt ra. Nguyễn Ánh, cùng Nguyễn Văn Trương và Võ Di Nguy đích thân dẫn đoàn thủy quân tấn công Thị Nại. Nguyễn Văn Thành sẽ dẫn bộ quân tấn công các căn cứ trên bộ của Tây Sơn, ngoài ra cử 1200 lính với súng trường bí mật tấn công vào cứ điểm đặt pháo của Tây Sơn trên bãi Nhạn. Đến ngày 27/2/1801, đúng ngày rằm tháng Giêng, hạm đội quân Gia Định khởi hành đến Thị Nại với khoảng 100 chiến thuyền, đến tối ngày 28/2 thì hạm đội đã đến nơi, Nguyễn Ánh lệnh cho Nguyễn Văn Thành cùng 1200 lính tập kích các đồn của Tây Sơn trên bãi cát, vô hiệu hóa chúng để cho hạm đội Gia Định tiến vào. Trước đó thì Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương cũng đã cải trang thuyền thành thuyền Tây Sơn rồi lẻn vào trong thủy trại. Bên ngoài, Nguyễn Ánh cùng Võ Di Nguy và Lê Văn Duyệt chỉ huy hạm đội sẵn sàng tấn công.
Đến đêm hôm đó, khi đoàn thuyền cải trang đã lẻn vào được bên trong cùng của thủy trại thì Nguyễn Văn Trương từ trong thuyền nhảy ra, cho quân nhắm thẳng vào tháp canh Tây Sơn mà bắn. Một tiếng ĐÙNG vang lên báo hiệu trận đại chiến bắt đầu. 1200 lính của Nguyễn Văn Thành tuốt lưỡi lê tiến vào hạ các hải đồn của Tây Sơn và tiến lên vô hiệu hóa pháo đài Gành Ráng. Đội thuyền của Lê Văn Duyệt thì nã đại bác tới tấp vào bãi cát nơi quân Tây Sơn đang đóng, các tháp canh và ụ pháo bị phá hủy, quân Tây Sơn bị bất ngờ nên không kịp chống đỡ.
Hạm đội Gia Định ngay lập tức tiến vào Thị Nại, Võ Văn Dũng lúc đó đã ngay lập tức cử 30 chiến thuyền ra trợ giúp quân đồn trú trên cạn để chặn bước tiến của quân Gia Định, nhìn thấy đội thuyền Tây Sơn, Nguyễn Ánh lập tức lệnh cho Võ Di Nguy cùng hạm đội tiến vào trợ giúp cho hạm đội của Lê Văn Duyệt. Cánh quân trên bộ sau khi phá các hải đồn cũng tập trung hỏa lực bắn tới tấp vào đội thuyền Tây Sơn. Sau khi chặn đứng và tiêu diệt các chiến thuyền đợt đầu của Tây Sơn, Võ Di Nguy nắm đội tiên phong bắt đầu tiến vào cửa vịnh xung kích ba chiến hạm Định Quốc. Thấy thuyền địch, các khẩu đại pháo từ trên các chiến hạm Định Quốc đồng loạt khạc lửa. Đồng thời trận địa pháo của quân Tây Sơn trên núi cũng nã đại bác ầm ầm xuống quân Gia Định.
Võ Di Nguy vừa nhảy lên mặt thuyền chỉ huy thì ăn ngay một phát đạn bay luôn đầu, lính Nguyễn thấy thế cũng sợ hãi chùn chân, nhưng ngay lập tức Lê Văn Duyệt nhảy lên thế chỗ, đến đây may có Lê Văn Duyệt là thanh niên cứng thấy pháo Tây Sơn nã ầm ầm mà không sợ, quát to bảo đội thuyền tấn công, chứ không là lính Nguyễn cũng sợ mà lui dần rồi. Thấy chủ tướng hăng máu, toàn bộ lính Nguyễn cũng nóng máu theo, hò hét tấn công, hạm đội Gia Định cũng tiếp tục tiến lên, đạn bay tứ phía, lửa cháy bừng bừng.
Nhưng dù sao, bên Tây Sơn vẫn đông hơn, và đại bác bắn rát kinh khủng, lính Nguyễn chết như rạ, Nguyễn Ánh thấy thế gọi Lê Văn Duyệt bảo rút quân, ác mộng chiến bại như hồi còn Nguyễn Huệ lại quay về, cần biết là tuy Nguyễn Huệ đã mất nhưng tinh thần của Nguyễn Huệ vẫn còn trong thủy quân Tây Sơn. Đây là niềm tự hào của họ, nên họ sẵn sàng đánh đến chết để bảo vệ niềm tự hào này. Thành ra quân Tây Sơn ông nào ông nấy đánh cứ như chết đến nơi, đánh đến bất cần ngày mai. Lính Nguyễn thấy Tây Sơn hăng quá lại cũng đâm ra hơi sợ, dù máu nóng vẫn còn (có điều hơi nguội đi chút). Nhưng mà kệ cha chúng nó bắn rát, Lê Văn Duyệt cương quyết tấn công. Đến nửa đêm, gió và thủy triều mạnh làm tăng tốc cho hạm đội Gia Định, cuối cùng cũng lọt vào sâu được trong Thị Nại. Lê Văn Duyệt thấy gió lợi cho mình, hò hét bảo lính Nguyễn dùng pháo và đuốc hỏa chiến thuyền đốt cháy thuyền Tây Sơn.
Lửa nhờ sức gió lan ra nhanh chóng và sức tàn phá kinh khiếp, ba con quái vật Định Quốc chở 60 khẩu đại bác mỗi con cũng nhanh chóng bắt lửa rồi cháy từng mảng lớn. Lửa cứ thế lan ra khắp các chiến thuyền Tây Sơn, bên lính Nguyễn thấy thế càng hăng máu, xông lên hàng loạt, kệ cha hỏa lực Tây Sơn, đến cả lính bảo vệ Nguyễn Ánh cũng hăng máu xông lên là biết quân Gia Định lúc đó máu chiến thế nào. Bên Tây Sơn cũng chẳng vừa, họ quyết tâm đánh đến người cuối cùng để bảo vệ Thị Nại, thế là cuộc ác chiến ngày càng khốc liệt và đẫm máu, cộng với lửa cháy hừng hực càng khiến trận chiến thêm phần ác liệt. Nhưng rõ ràng bên Tây Sơn gặp bất lợi về hướng gió, nên chiến thuyền Tây Sơn bị đốt cháy và đắm liên tục. Hai bên đánh đến khi lửa lan đến những thùng thuốc súng của Tây Sơn và phát nổ đùng đùng, các chiến thuyền cuối cùng bị đánh đắm thì quân Tây Sơn mới gục ngã. Trận chiến kéo dài đến 4 giờ sáng hôm sau, cuối cùng kẻ chiến thắng là quân Gia Định của Nguyễn Ánh.
4000 lính Nguyễn tử trận để đổi lấy chiến thắng này, cái giá khá to, nhất là khi có cả Đô đốc Võ Di Nguy tử trận. Nhưng bên Tây Sơn còn thiệt hại khủng khiếp hơn, vì họ đánh đến chết để giữ niềm tự hào thủy quân Tây Sơn, toàn bộ gần 2000 chiến thuyền bị đốt cháy, đánh đắm, gần như toàn bộ hơn 20000 quân Tây Sơn ở Thị Nại chôn thây ở đáy đầm. Võ Văn Dũng chỉ kịp thu thập số ít tàn quân và chạy đến chỗ Trần Quang Diệu đang vây Quy Nhơn. Mục đích triệt hạ thủy quân Tây Sơn đã hoàn thành, giờ đây hạm đội Gia Định là bá chủ trên biển khi chẳng còn kẻ nào ngăn nổi bước tiến của Nguyễn Ánh nữa, quả nhiên sau đó Nguyễn Ánh tiến quân lên Phú Xuân và chiếm lại nơi đây, cuộc chiến dai dẳng giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh cũng dần đi đến hồi kết.
Một trận ác liệt và quan trọng thế này mà SGK không nhắc đến một câu, lý do vì sao nhỉ? Hay là vì trận này Nguyễn Ánh thắng và Tây Sơn đại bại nên SGK tránh chăng? Có thể lắm, nhưng ý kiến của mọi người thì sao? Vì sao trận đại chiến này lại không hề xuất hiện trong SGK cũng như rất nhiều chương trình, tài liệu sử học đại chúng?
P.S: Damn, cái trận này mà được đầu tư lên phim kiểu Xích Bích thì best cmnl! Tiếc là nước mình còn lâu mới làm được như thế.