Tôi sẽ nói gì về bộ truyện này đây? Nó đang nổi tiếng ở khắp nơi với rất nhiều bài viết bình luận mà chính tôi cũng đọc.
Kimetsu no yaiba – thanh gươm diệt quỷ của mangaka Koyoharu Gotoge, bộ truyện mới ra từ năm 2016 nhưng đang hot nhất thời điểm hiện tại? Anime chuyển thể hay nhất năm 2019, manga gây sốt toàn thế giới với hơn 40 triệu bản in? Gay cấn, hấp dẫn, hài hước, cảm động?
Nhưng tôi cảm nhận được, sau sự nổi tiếng trên là điều gì đó đơn giản, mộc mạc và chân thật…!
Sự đơn giản, chân thật trong nét vẽ, trong cá tính mỗi nhân vật được xây dựng, trong cách bắt đầu và dần kết thúc câu chuyện, liệu có phảng phất như tính cách của chính người đã viết lên nó, mangaka “Koyoharu Gotoge” (nghệ danh là cô cá sấu – một tác giả nữ).
1. Cốt truyện không quá phức tạp, phong cách vẽ gợi đến nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản
Lúc tôi viết bài này, tôi cũng đang đọc lại những chương đầu của bộ truyện, tôi sẽ không nói thêm về mấy con số doanh thu, sức hút… nữa, đôi khi những điều nổi tiếng chẳng chứng minh được giá trị gì, giống như việc mẹ hồi tôi nhỏ còn đẹp hơn bất kỳ hoa hậu nào từng lên sóng (hoặc tôi lớn lên với niềm tin như thế).
Cảm nhận đầu tiên về Kimetsu no yaiba, là phong cách vẽ của tác giả khá đẹp, không phải đẹp kiểu màu sắc, cầu kỳ trau chuốt mà có chút giản dị, mộc mạc như kiểu vẽ truyền thống rất xưa chứ không phải của một mangaka còn trẻ. Điểm này có lẽ cũng là điều đặc biệt, vì chưa bàn nội dung thế nào, nét vẽ cũng gây ấn tượng đầu tiên với người đọc truyện tranh.
Về nội dung, truyện bắt đầu với nhân vật chính Kamado Tanjiro, cậu nhóc là anh cả trong một gia đình nghèo nhưng giàu tình yêu thương, cha mất sớm vì bệnh, chỉ còn mẹ và các em nhỏ. “Cuộc sống không dễ dàng gì, nhưng được sống đã là một ân huệ”, Tanjiro đã luôn nghĩ như vậy, cậu xuống núi bán than củi, để khi năm mới đến cả nhà sẽ được ăn no hơn, như vậy là đủ, chỉ là…
“Giống như khi nhìn lên bầu trời, cuộc sống sẽ luôn chuyển động và thay đổi”.
“Nơi nào hạnh phúc bị đổ vỡ, nơi đó sẽ có mùi hương của máu…”.
Tanjiro được người dân giữ lại ở làng khi hoàng hôn đã xuống, vì truyền thuyết kể rằng khi mặt trời lặn, quỷ sẽ xuất hiện. Điều đó sao có thể có thật, Tanjiro chìm vào giấc ngủ và khi trở về nhà lúc bình minh, mẹ và các em đã bị sát hại, chỉ có em gái Nezuko là còn hơi ấm nhưng đang dần hóa thành quỷ dữ. Cõng trên lưng Nezuko đã mất đi ý thức xuống núi để chữa trị, phổi như bị xé ra vì hít phải tuyết lạnh, Tanjiro khóc khi nghĩ đến việc mọi người đã phải chịu nhiều đau đớn còn mình thì ngủ say, điều này thật tàn nhẫn và tại sao nó xảy đến…
Vậy ra, quỷ và các kiếm sĩ trong truyền thuyết đều là thật. Quỷ đã sát hại gia đình Tanjiro, chúng gia tăng số lượng bằng cách cho người bị hại uống máu, Nezuko chắn chắn đã bị biến thành quỷ theo cách như vậy. Tomioka Giyuu – một trong chín kiếm sĩ săn quỷ mạnh nhất đã tới trễ, thảm kịch đã xảy ra, anh tự trách mình khi đối diện với nỗi buồn, nước mắt và lời van xin của Tanjiro đang cố bảo vệ em gái mình: “Nezuko sẽ khác, em ấy sẽ không sát hại bất cứ ai”, nhưng một trong chín thanh gươm mạnh nhất đó, khắc ba chữ: “quỷ – xấu xa – tiêu diệt”, hướng thẳng về phía hai anh em còn sống sót.
Tanjiro ngay từ trận chiến đầu tiên lại là chiến đấu với một trụ cột của đội sát quỷ. Giyuu đã đánh ngất Tanjiro, nhưng phá vỡ luật lệ tuyệt đối của “Sát quỷ đoàn” và không giết em gái cậu, khi chứng kiến Nezuko trong vô thức che chở cho anh trai mình. Tanjiro nhân hậu bừng tỉnh với lời nhắn nhủ của mẹ trong giấc mơ, nắm chặt tay Nezuko còn sống, với chỉ dẫn của Giyuu đi tìm “người dạy kiếm sĩ” và bắt đầu hành trình trở thành một kiếm sĩ săn quỷ với hy vọng tìm ra cách để em gái trở lại thành người thường…
Câu chuyện cứ vậy phát triển, hấp dẫn kịch tính hơn nhưng không phức tạp, lắt léo mà chỉ có một tuyến phát triển chính là lên đường chiến đấu và diệt quỷ thôi, xuyên suốt cũng có những câu chuyện phụ nhẹ nhàng và hài hước.
2. Hệ thống nhân vật, chiêu thức chiến đấu cực ấn tượng, hấp dẫn
Câu chuyện lấy bối cảnh thời xưa (không đề cập đến lịch sử hay mốc thời gian), kể về cuộc chiến giữa các kiếm sĩ loài người và loài quỷ ăn thịt nên chiếm phần nhiều nội dung đương nhiên là phân cảnh chiến đấu giữa 2 tuyến, và phong cách chiến đấu là dùng kiếm.
Con quỷ đầu tiên – chúa quỷ Muzan, vốn là một con người nhờ vào hoa bỉ ngạn xanh trong truyền thuyết mà kéo dài được cuộc sống, nhưng rồi bị hóa thành quỷ, chỉ có thể uống máu để tồn tại và không thể sống dưới ánh nắng. Hắn có được cuộc sống gần như bất tử nhưng lại không thỏa mãn, Muzan liên tục sát hại con người rồi biến đổi họ để tìm ra con quỷ có thể tồn tại dưới mặt trời. Cứ thế loài quỷ tồn tại qua hàng trăm, nghìn năm rồi lần lượt xuất hiện 12 con quỷ mạnh mẽ nhất – Thập nhị nguyệt quỷ với tuyệt kỹ “huyết nguyệt quỷ” riêng biệt, giết hại con người, truy tìm tung tích hoa bỉ ngạn. Chúa quỷ Muzan thì không rõ tung tích…
Đối nghịch lại, tiêu diệt loài quỷ để bảo vệ bình yên cho nhân loại là Sát quỷ đoàn – tổ chức của các kiếm sĩ diệt quỷ, với hàng trăm nghìn kiếm sĩ qua nhiều thế hệ. Khác với loài quỷ chỉ bị tiêu diệt bởi ánh sáng mặt trời, thân thể bị thương sẽ liền lại, kiếm sĩ diệt quỷ với cơ thể vẫn chỉ là người bình thường, máu tuôn rơi khi chiến đấu, tay chân đã đứt không thể lành trở lại, họ chiến đấu để bảo vệ con người, cùng thanh “Nhật Luân kiếm” và một kỹ thuật đặc trưng truyền thừa qua các thế hệ, được gọi là “tập trung hơi thở”: sử dụng phương pháp hít thở để gia tăng sức mạnh trong thời gian nhất định.
hay
^^ cám ơn bác bài nào cũng quan tâm
Cực thích KnY. Hay. Nhưng chưa đủ. Cốt truyện có thể đào sâu. Hình như theo hơi hướng bây giờ thì mọi shounen jump đều đẩy nhanh lên, kiểu thúc ép người đọc. Thậm chí hồi tưởng thay vì làm những chương riêng biệt thì làm đan cài vào trong lúc đánh nhau. Nhiều nhân vật không có đất. Nhưng chuyện thì cực hay. Mỗi nhân vật có nét rất riêng, dễ nhớ mà đặc thù. Xây dựng nhân vật vẫn kiểu typical of ngoan hiền, lễ phép nhưng không buff quá bá. Tất cả sự hi sinh của các nhân vật đều có ý nghĩa và cho thấy đánh nhau với quỷ không dễ dàng – thay vì buff các nhân vật cao ngất ngưởng lên. Main gặp trùm ngay vài chap đầu thay vì úp mở. Muzan thì hơi nhạt – cảm nhận cá nhân. Vì thấy combat, fighting không có gì màu mè ngoài cầm lụa múa múa – không hay bằng đánh với trận Kokushibo hay Akaza, thậm chí là Douma.
Truyện kết có phần hụt hụt, khả năng của Tan cũng chưa hết. Có thông tin tác giả chủ động kết sớm vì lý do riêng, nhưng nhiều bộ phát triển quá dài thì thường phần hay nhất lại nằm ở giữa giữa còn đâu sẽ nhạt dần, trận đánh hay nhất t thấy là trận với thượng huyền nhất rồi, vẽ rất đơn giản kiểu bắn chưởng mà không biết sao vẫn thấy hay
Backstory và cái chết còn bị lợi dụng hơi quá. Giờ vẫn thấy Ufotable gánh. Mong tác giả rút kinh nghiệm, dù vậy khen nhiều quá sợ lại ko sửa lỗi.
Nói chung bài viết hay
Tôi muốn làm một bài về KnY, nhưng chắc ông viết rồi thì tôi cũng mong muốn nói ra theo góc nhìn của tôi:
– Tanjiro là nhân vật theo khuôn mẫu shounen: tốt, hiền lành, song vì là char của shounen nên việc phát triển tính cách không phải là điểm mạnh, bằng chứng là Tan vẫn tốt tính, và có lẽ do góc nhìn tôi thích nhân vật có chiều sâu hơn sau những năm tháng đọc truyện.
– Muzan cũng thế, villain khá một chiều nhưng lý do của hắn hơi củ chuối nên… nah. Nếu muốn có một mẫu ma cà rồng tốt hơn thì tôi sẽ chọn Dio dù hắn cũng build thuần villain, nhưng nhờ background của Dio dễ đồng cảm hơn và việc thu phục thuộc hạ của Dio hơn Muzan ở việc hắn không chỉ gây sợ hãi mà còn biết chúng tâm phục.
Bổ sung tiếp:
– Các trụ có cá tính, nhưng việc khai thác triệt để hay không thì khá ý ẹ. Khi các trụ hi sinh, có flashback, nhưng cảm xúc như thể đẩy lên một mức độ đồng cảm chứ chưa đến mức đồng cảm sâu. Đồng ý là các trụ cũng có những hoàn cảnh quá khứ khác nhau, song để nêu ra nhân vật đáng nhớ nhất thì tôi chọn Shinazugawa Sanemi – một người anh cục súc như người anh của tôi.
– Nezuko cũng giống Tan ở phần tốt đẹp, tuy là động lực cho Tan nhưng chỉ dừng lại ở “động lực” và sự tham gia duy nhất có điểm nhấn là lúc cứu nguy ở Nhất Hạ và cặp Thượng Lục. Nhưng đối với lượng người đọc giải trí thì sự xuất hiện này có lẽ là vừa đủ, và Cá Sấu-sensei cũng biết chuyển biến cho em gái quốc dân lui về sân khấu.
Và về chiến đấu, nếu má Cá Sấu có nói là có ý tưởng của Araki Hirohiko về JoJo thì tôi lại thấy cấu trúc nó giống Bột Giặt của Tite Kubo hơn, rõ ràng hơn là về mặt hệ thống phân cấp (đội diệt quỷ vs các thần chết), kĩ năng thuần túy (chà, thực ra cái này ai cũng có nên ý này “weak”), nếu đúng ra phần giống thì chỉ có những quả “ăn miếng trả mạng” đậm chất Araki thôi (bất cứ char nào cũng có thể chết).
Kết luận: KnY được sáng tác trong năm 2016, là một basic shounen giải trí khá tốt cho newbie, dù không quá nổi bật nhưng điều khiến tôi ấn tượng là tác giả là nữ (ừ, gia trưởng ở Nhật nên ít ra điều tuyệt vời là sự xuất hiện của một mangaka nữ, dù không mới bởi trước đã có Arakawa Hiromu theo như tôi biết), và điều duy nhất kéo tôi đến bản truyện là phần hình ảnh + âm thanh của Ufotable nên mới biết đến KnY. Chứ không mấy fandom cứ gáy thế thì tôi cũng chịu.
Tôi thấy truyện hay, hấp dẫn đúng là theo tính giải trí, dễ đọc, không hẳn là có chiều quá sâu. Nhưng tương tác trong mỗi chương truyện, cách vẽ cảm xúc các nhân vật rất dễ thương và mới lạ nữa. Điều làm tôi bất ngờ nhất là việc xây dựng tính cách nhân vật đơn giản chân thật từ đầu tới cuối, đã tốt là tốt. Ai đọc những chương gần cuối chắc đều nghĩ tới việc câu chuyện chuyển hướng. Làm tôi có cảm giác tác giả có thể đưa câu chuyện đi xa hơn, kịch tính hơn nhưng nhân vật mình viết ra tốt bụng chân thành như Tan lại phải buồn, kết thúc truyện vừa thấy hụt hụt nhưng cũng nhẹ nhõm. Truyện đang được dịch và in rất tốt nên với tôi bộ này còn đáng mua chứ k chỉ đơn giản là đọc trên mạng. Hình ảnh trên phim không còn là của tác giả nữa, dù màu sắc hơn nhưng mất đi cảm xúc của từng ô tranh rồi.