K-On! – Khi Anime làm tốt hơn cả Manga

Chủ xị

  

(Trước khi vào bài viết, tôi muốn cảm ơn Hải Stark đã bản địa hóa tiêu đề của K-On! một cách “thuần Việt” nhất. Weeboo chính hiệu có khác, đam mê đến mức bản địa hóa cả tên series)

Trong thực tại hiện nay, việc anime chuyển thể ngon lành từ manga không phải chuyện hiếm có, nhưng việc anime thể hiện tốt hơn cả tác phẩm manga gốc lại không thường xuất hiện quá nhiều. Thú thực ngay cả bây giờ, tôi cũng chỉ có thể nghĩ đến trường hợp của Ghost in The Shell là là anime thành công hơn cả manga gốc, vậy nên tôi hi vọng độc giả của bài viết này có thể cho tôi biết nhiều hơn về những anime xuất sắc hơn manga gốc.

Còn về “K-On!” ư? YES, tôi sẵn sàng gọi nó là một trong những anime xuất sắc hơn cả manga gốc của nó bới nhiều lý do. Từ việc hiểu giới hạn của định dạng manga Yonkoma, thổi hồn vào các nhân vật bằng hoạt hình, cho đến việc Naoko Yamada thể hiện phong cách đạo diễn vào trong series, khiến cho “K-On!” anime thực sự không chỉ đơn thuần là “Moe girls doing cute thing”, mà liên tục thống nhất chúng về cả mặt chủ đề.

(SPOILER, TẤT NHIÊN RỒI… NHƯNG LẠY TRỜI, GIỜ NÀY BẠN CÒN CHƯA XEM “K-ON!” HẢ?)

“Câu lạc bộ Nhạc Nhẹ”

Phá vỡ hạn chế của Manga

“K-On!” là một manga yonkoma (4-koma), một định dạng truyện tranh bốn ô được sáng tác bởi Kakifly, nói về những cô gái tuổi còn cấp ba tham dự vào câu lạc bộ Nhạc Nhẹ và từ đó hình thành tình bạn qua âm nhạc. Vì mang cho mình cấu trúc Kishōtenketsu, ta có thể hiểu nó như sau: Ki (起, khởi): Khung đầu tiên làm cơ sở cho câu chuyện; Shō (承, thừa): Khung thứ hai nối liền câu chuyện được viết ở khung đầu tiên; Ten (転, chuyển): Khung thứ ba là đoạn gay cấn, trong đó phát triển một tình huống không lường trước; Ketsu (結, kết): Khung cuối cùng đảm nhận phần kết, trong đó có thể thấy ảnh hưởng từ khung thứ ba.

Định dạng 4-koma

“K-On!” sử dụng cấu trúc này để diễn đạt nhưng câu chuyện đùa của manga và thể hiện sự tương tác của Yui, Ritsu, Mio, Mugi và Azusa, nhưng đồng thời, cấu trúc này cũng gần nhu loại trừ hoàn toàn sự hồi hộp trong câu chuyện lớn. Ta có thể lấy ví dụ việc manga thể hiện lần đầu Ho-Kago Tea Time diễn live trước toàn trường chỉ trong vòng bốn ô truyện, việc Mio vốn tính tình ngại ngùng thay thế Yui làm ca sĩ chính, chỉ được kể nhanh chóng trong bốn ô truyện, khiến cho người đọc chưa kịp cảm nhận thì đã hết rồi. Vì cuối cùng, đây cũng chỉ là một gag manga về “Moe girls doing cute thing”.

Nhờ định hướng đạo diễn hết sức tài năng của Naoko Yamada cùng với đội ngũ KyoAni, “K-On!” anime còn hơn cả “Moe girls doing cute thing”. “K-On!” anime không phải là một câu chuyện khoa trương về quá trình trưởng thành của những cô gái tuổi mới lớn. Thay vào đó, chủ đề của anime “K-On!” anime là về việc hưởng thụ niềm vui với những người bạn bên cạnh mình, sống hết mình với việc mình thích, đặt tâm trí của mình vào những người mình quan tâm, và quan trọng nhất, là chính mình. Những chủ đề này của “K-On!” đến rất tự nhiên cực kì thống nhất xuyên suốt cả anime, mục tiêu diễn ở Bukokan chỉ là mục tiêu bên ngoài, mục tiêu từ chính bản thân mỗi nhân vật lại chính là dành thời gian hưởng thụ những khoảnh khắc với nhau trong những năm tháng cấp 3.

Sawako solo guitar

Naoko Yamada thực sự tài năng để cho “K-On!” có những khoảnh khắc khiến khán giả hồi hộp, những khoảnh khắc khiến khán giả cổ vũ cho những cô gái đó, và có những khoảnh khắc khiến cho khán giả phải rơi nước mắt. Những khoảnh khắc đó thường có phần tĩnh lặng để khán giả có thể cảm nhận được cái bầu không khí xung quanh, cảm xúc của nhân vật. Không chỉ thể, Yamada tìm mọi cách để thể hiện chủ đề của câu chuyện, từ việc Yui tìm kiếm một nơi để cô cải thiện bản thân cũng như vừa thoải mái là chính mình, cho đến việc Mio nhận ra câu lạc bộ Nhạc Nhẹ là nơi để cô có thể vui vẻ cùng những người bạn của mình và là chính bản thân, chứ không phải gồng mình cho một mục đích lớn lao hơn. Anime thậm chí cho thêm cả câu chuyện của cô giáo Sawako về việc cô yêu Death Devil thế nào, đến mức sẵn sàng vứt bỏ hình ảnh cô giáo ngoan hiền cô phải đóng hàng ngày và lên sân khấu với Death Devil một lần nữa tại đám cưới của một người bạn (tập 10 mùa hai). Mọi khoảnh khắc Sawako là chính mình nhất đều là ở câu lạc bộ nhạc nhẹ.

“K-On!” anime thậm chí dùng cả hình ảnh con rùa đề tượng trưng cho việc sống chậm và thưởng thức từng khoảnh khắc. Từ hình ảnh flashback Yui gặp con rùa cạn đang hưởng thụ cái cuộc sống chậm rãi của nó, cho đến hình ảnh tượng con rùa ở lan can cầu thang mỗi khi cả nhóm lên phòng nhạc. Và không thể thiếu Ton-chan, một bé ba ba không có trong manga gốc, được cả nhóm mua để làm bạn với Azusa. Những sự tương tác của những cô gái trong suốt 3 năm học mới là cái khiến cảm xúc của khán giả lay động, và ta cũng phải cảm ơn KyoAni đã chăm chút từng chi tiết trong animation để khiến tâm hồn ta lay động theo Ho-Kago Tea Time.

Animation thổi hồn vào nhân vật

“Từ ngữ, hình ảnh và âm thanh… Khi khán giả trải nghiệm tất các lượng thông tin cũng với những yếu tố đó kết hợp lại, cảm xúc của họ cũng bị tác động theo.” – Naoko Yamada

Naoko Yamada là một đạo diễn anime theo kiểu chăm chút vào từng chi tiết một trong hình ảnh để khơi dậy cảm xúc cho khán giả. Cái này có lẽ đã do năm tháng rèn giũa trong KyoAni với tư cách là animator phụ và key animator cho nhiều bộ anime, đồng thời mang vào đó là tình yêu của cô với nhiếp ảnh, khiến cho bố cục hình ảnh, ánh sáng của cô thực sự rất bắt mắt và có chiều sâu. Và đặc biệt hơn nữa, cô tin rằng ngôn ngữ cơ thể, đặc biệt là đôi chân có thể nói lên cảm xúc cũng như tính cách của nhân vật y như đôi mắt.

Yamada legs’s fetish

Bạn có thể để ý thấy, những cảnh cảm xúc nhất của “K-On!” cũng như nhiều tác phẩm khác của Yamada sẽ mô tả hình ảnh đôi chân để thể hiện cảm xúc nhân vật. Các cử động của nhân vật thường rất chi tiết và nhiều khi có thể nói rằng hơi bị không cần thiết cho một Moe anime, nhưng đó là cách Yamada muốn người xem cảm nhận những nhân vật vật đó thực sự hiện diện trong series.

Hành trình của Yamada với “K-On!” cũng rất thú vị, vì đây là series đầu tiên cô được đạo diễn cả series. Ta có thể thấy ở mùa đầu của “K-On!”, đặc biệt là mấy tập đầu tiên, hình ảnh nhân vật vẫn ảnh hưởng nhiều từ những anime cô đã làm trước đó, màu sắc có phần hơi buồn tẻ và phẳng, không có sự tương phản mạnh trong màu sắc, khiến cho hình ảnh series lúc đó ít có chiều sâu. Nhưng điều đó không ngăn cô thể hiện phong cách đạo diễn của bản thân, từ việc nhân vật có animation ngôn ngữ cơ thể để thể hiện cảm xúc, những khoảnh khắc kịch tính sẽ có camera rung nhẹ hay ánh sáng cửa sổ thường được phơi sáng mạnh thay vì bầu trời thông thường giống một số anime khác.


Sang đến mùa hai “K-On!!”, Yamada thực sự tự tin vào khả năng đạo diễn của bản thân sau mùa đầu mà khiến người xem nhớ từng thước phim một của series ở mùa thứ hai này. Ngay từ thước phim đầu tiên của mùa hai, người xem đã được chứng kiến màn Yui guitar solo “Watashi wa Koi wa Hotchkiss” đầy kịch tính. Camera có chiều sâu hơn hẳn so với mùa đầu của series, ánh sáng được phơi sáng mạnh và hầu hết màu sắc đã được giảm hẳn độ bão hòa, cùng với tiếng đàn guitar về một bài hát cũ, mở đầu của mùa hai bỗng nhiên trở nên hoài niệm đến lạ thường, đặc biệt khi đây là năm cuối cấp của Yui.

Hình ảnh tóc Yui bay phấp phới sẽ có một vài frame camera out of focus, khiến người xem cảm giác đây là một camera thật quay lại.

Sang đến “Eiga K-On!”, dù đây có thể không phải là một phim hoàn hảo về mặt kịch bản, nhưng sự cải thiện giữa TV series với Movie là rất rõ ràng. Phim cải thiện rõ rệt về sự tương phản trong màu sắc, khiên cho bộ phim trông sống động hơn rất nhiều. Camera của bộ phim hầu hết là tĩnh và đặt ngang ở góc nhìn nhân vật, nhưng khi phim sử dụng camera động, ta có thể để ý thấy ngay animation cũng được cải thiện để theo được với camera work của phim. Và ta thậm chí có thể để ý thấy animation cũng được cải thiện rõ ràng trong từng chi tiết so với series, đặc biệt là mùa đầu, khiến cho sự tương tác giữa những cô gái trở nên có phần thân mật hơn với người xem, những khoảnh khắc như lúc cả bốn người ôm nhau trên sân thượng lần cuối trước khi kết thúc tháng năm cấp ba của mình luôn mang cho người xem một cảm giác hoài niệm.

Âm nhạc

Âm nhạc là loại hình nghệ thuật có thể truyền tải cảm xúc đến với người thưởng thức nó nhanh nhất. Vậy nên một câu chuyện có những nhân vật kết nối với nhau qua âm nhạc, manga của “K-On!” không thể nào đem tới cho người đọc những thanh âm đến từ Ho-Kago Tea Time. “K-On!” anime đã lấp những khoảng trống đó cho manga, và không những thế, những bài hát “K-On!” anime còn rất đa dạng về thể loại, từ J-Pop, J-Rock cho đến Jazz và Speed Metal, và tất cả chúng đều phục vụ nhất định trong narrative. Ta có thể bắt đầu với…

Fuwa Fuwa Time

Bài hát đầu tiêng của Ho-Kago Tea Time, được viết bởi Mio, nên lời bài hát cũng phản ánh rất rõ tính cách của cô. “Fuwa Fuwa Time” là về tình cảm của một cô gái chưa nói ra tình cảm của mình với crush của mình. Vì Mio là một cô gái có tính cách hay ngại ngùng, nhưng tâm hồn thì bay bổng và theo chủ nghĩa lãng mạn, vậy ngay từ cái tên của bài hát đã khá là “Nhẹ và xốp”. Mặc dù đây là một bài hát thể hiện ý nghĩa của nó khá là trực tiếp tới người nghe, nhưng theo cách diễn giải của tôi, thì bài hát này có thể mang ý nghĩa Ho-Kago Tea Time muốn thể hiện tình yêu âm nhạc của mình đến với khán giả, đặc biệt là lần đầu tiên biểu diễn tại lễ hội trường.


Nếu lần đầu ta có Mio hát để chứng tỏ những điều trên đồng thời cũng như thể hiện cô vượt qua việc sợ hát trước đám đông, thì tại lễ hội trường năm thứ hai, và cũng là mùa một của “K-On!”  kết thúc, ta có Yui hát để bày tỏ tình yêu của mình với Ho-Kago Tea Time, đồng thời kết thúc quãng thời gian Yui không biết mình sẽ làm gì ở đầu series để tiếp tục với con đường chơi nhạc của cô.

“Fuwa Fuwa Time” được coi là bài hát chủ đề của câu lạc bộ Nhạc Nhẹ là hợp lý về nhiều mặt. Là bài hát đầu tiên của Ho-Kage Tea Time, mang chất J-Pop mà lại không hề bị ảnh hưởng bởi những khóa đi trước, nhưng đồng thời cũng để lại ảnh hưởng cho khóa sau. Trong tập 26 mùa hai (chính xác là tập phụ thứ hai của mùa hai), “Fuwa Fuwa Time” đã được chơi lần cuối bởi Azusa làm guitar chính, Jun chơi bass và Ui chơi piano, trong khi đó những thành viên gốc của Ho-Kago Tea Time chạy quanh trường thưởng thức những khoảnh khắc cuối trước khi ra trường, biết rằng câu lạc bộ Nhạc Nhẹ sẽ được tiếp tục.

Pure Pure Heart

Nếu như “Fuwa Fuwa Time” là một bài hát về tình cảm của một cô gái chưa nói ra tình cảm của mình với crush của mình, thì “Pure Pure Heart” thì là bài hát về cô gái bỏ lỡ mất cơ hội nói ra tình cảm với crush của mình, nhưng rồi cũng nhanh chóng chấp nhận điều đó và bước tiếp trong hạnh phục riêng của mình. Nhưng đây chỉ là ý nghĩa bài hát, nhưng khi đặt vào ngữ cảnh của tập 7 mùa hai của anime, “Pure Pure Heart” như thể Mio muốn bày tỏ cảm xúc của mình đến những thành viên khác trong câu lạc bộ, nhưng lại không thể nói ra và luôn bỏ lỡ cơ hội, nhưng rồi cũng chấp nhận và hòa hạnh phúc của mình chung với cả nhóm.

Khi nghe qua đoạn mở đầu của “Pure Pure Heart”, vài người sẽ liên tưởng ngay tới đoạn mở đầu của “Holding Out for a Hero”.  Có thể là sự trùng hợp vô tình, mà cũng có thể là reference. Vì mở đầu của “Pure Pure Heart” bắt đầu với âm giai Si trưởng, tạo nên tông điệu nhẹ nhàng vui tươi, trong khi “Holding Out for a Hero” lại bắt đầu với âm giai La giáng thứ, tạo độ hồi hộp cho bài hát, điều này khiến cho hai bài hát có tông điệu rất khác nhau. “Holding Out for a Hero” là về một cô gái mong chờ một người đàn ông đến cứu lấy mình để có thể hạnh phúc. Trong khi đó “Pure Pure Heart” mang tới một ý nghĩa hạnh phúc khác, một bài hát nói về hạnh phúc của bản thân không cần có tình yêu của người khác, một trái tim thuần khiết thất bại nói ra cảm xúc của bản thân nhưng vẫn hạnh phúc vì những nỗ lực của mình.

LOVE

Tập 10 mùa hai của “K-On!!” anime quả là một trong những tập phim hay nhất của cả series, khi vừa nó nói lên chủ đề của narrative lớn, vừa technically debut cho Death Devil trong show. Mặc cho dù đây là một bài hát thuộc thể loại Speed Metal, nhưng “Love” nói về khát khao được yêu của nhân vật trong bài hát, ở đây ta có thể chú ý đến Sawako. Nếu như mới đọc qua lời bài hát, người nghe sẽ thường nghĩ ngay đến những khoảnh khắc thất bại trong tình yêu của Sawako, nghĩ rằng Sawako khát khao tình yêu đến từ người khác. Nhưng khi đặt vào trong tình huống của tập 10 mùa hai, “Love” là một bài hát Sawako nói đến tình yêu với sở thích âm nhạc của mình, đặc biệt là tình yêu dành cho dòng nhạc Heavy Metal, và ngay cả trong bài hát có những câu hát là: “My own honest desires are almost too simple. Give me a future full of love!” khiến cho bài hát không chỉ đơn thuần là tình yêu giữa người với người, mà còn có thể là tình yêu với những vật chất quan trọng, với sở thích cá nhân, và quan trọng tình yêu dành cho bản thân mình.

U&I

Bài viết của Yui cảm ơn tới người em gái Ui đã chăm sóc mình suốt thời gian qua, đấy là nếu ngữ cảnh chỉ gói gọn trong manga. “K-On” anime đã mang tới subplot về việc phòng câu lạc bộ phải sửa chữa trong khi lễ hội trường đang đến gần. Điều này khiến cho Yui để ý tới việc mất mát một điều gì đó mới thấy nó quan trọng đến nhường nào. Điều này vô tình khiến cho U&I không chỉ đơn thuần là bài hát bày tỏ tình cảm của Yui tới Ui khi cô bị ốm, mà còn là bài hát Yui bày tỏ tình cảm của mình tới câu lạc bộ Nhạc Nhẹ, tới Ho-Kago Tea Time.

Tenshi ni Fureta yo!

Cuộc hành trình nào cũng phải kết thúc, và “K-On!” kết thúc bằng bài hát “Tenshi ni Fureta yo!”, tức “Cái chạm của thiên thần”. Chả có ý nghĩa nào quá to lớn ẩn sau lời bài hát, bởi vì chính bốn thành viên gốc đã giải nghĩa chúng. Azusa là người đã hoàn thiện Ho-Kago Tea Time, là người quản lý bốn con người ham chơi trở nên hang say tập luyện, là con người dành mọi tình cảm của mình với câu lạc bộ. Trong “Eiga K-On!”, khi lần đầu Yui cất tiếng hát câu でもね、会えたよ! すてきな天使に (Nhưng mà nhé, chúng tôi đã gặp một thiên thần thật tuyệt vời) sau nhiều lần sửa đổi câu hát này, bài hát bỗng nhiên trở nên xúc động hơn rất nhiều, dù ngay cả khi đó không có một tiếng nhạc cụ nào. “U&I” có thể là bài hát có ý nghĩa nhất về mặt lời hát của Ho-Kago Tea Time, nhưng “Tenshi ni Fureta yo!” sẽ không bao giờ thất bại trong việc tear-jerking người xem, người nghe.

Hồi kết

“K-On!” đặc biệt với bạn hay không, tôi không rõ, nhưng với tôi, “K-On!” là số ít anime tôi có thể xem lại một cách không ngần ngại. “K-On!” không tập trung vào những drama âm nhạc kịch tính như Hibike! Euphonium, không quan trọng mang chủ đề triết lý như Neon Genesis Evangelion (yeh, tôi biết là sự so sánh này hơi cực đoan), nhưng “K-On” là số ít anime nói về tình bạn mà không liên quan đống “shounen’s journey” hay sự kịch tính over-the-top của… hầu hết anime.

“K-On” anime là những lát cắt cuộc sống duyên dáng không nhờ cái kịch bản xuất sắc, mà là sự wholesome trong tương tác của các cô gái. Họ hỗ trợ nhau đi lên, họ cũng nhau trải nghiệm sự khó khăn trong việc tạo nên một ban nhạc và họ cùng vui vẻ với nhau trong ban nhạc đó, nơi mọi người được là chính mình. Ngay cả khi đích đến là Bukokan không có đạt được thực sự, thì quan trọng chính là bản thân những cô gái đó trưởng thành hơn so với lúc đầu. Không dễ dàng gì để có thể tìm một anime thay thế được “K-On!” và sự wholesome của nó.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện