Đánh giá Watch Dogs

Khách quen

  

*Game next-gen: Game thế hệ mới, những game có đồ họa vượt trội đến mức xóa nhòa ranh giới giữa thế giới game và đời thực.

Vào năm 2012 tại sự kiện E3 được tổ chức ở thành phố L.A của Mỹ, Ubisoft làm cả thế giới phấn khích và ngỡ ngàng khi tung ra một đoạn gameplay trailer giới thiệu tựa game mới với khẩu hiệu đầy mạnh mẽ: “Tựa game thực sự là Next-gen”. Cũng tựa game đó, một năm sau và cũng tại E3, thêm một đoạn demo gameplay nữa khiến cả thế giới phải “ngu người” vì độ hoành tráng và rực rỡ của nó. Đến nỗi mà ngay trong đêm ấy, cộng đồng mạng sục sôi đến mức phát biểu rằng đây là kẻ tiên phong sẽ mang đến bước ngoặt của thế giới game hiện đại hay tiêu cực hơn, là định nghĩa lại thế nào mới là game open-world hay game next-gen. Và tiêu biểu nhất là làm cho Rockstar một phen đổ mồ hôi hột khi cộng đồng liên tục bày tỏ niềm thương tiếc với đứa con cưng của họ bằng khẩu hiệu: “R.I.P GTA”.

Và vâng, cái tên mà đang được nhắc đến chính là Watch Dogs. Đứa con hoang tàn của ông lớn Ubisoft.

Watch Dogs là tựa game hành động thế giới mở do Ubisoft phát triển trong vòng 5 năm và chính thức được ra mắt đến đông đảo quần chúng vào tháng 05 năm 2014. Ngay trong tuần đầu tiên, Watch Dogs đã lập nên một kỷ lục thương mại khi bán hết veo 4 triệu bản và thu về cho Ubisoft số tiền khổng lồ là hơn 300 triệu Mỹ kim. Một con số rất đáng nể và nó cũng nói lên phần nào sự háo hức của game thủ dành cho tựa game này là rất cao.

Bắt đầu cuộc hành trình của mình, người chơi sẽ hóa thân thành Aiden Pearce, một hacker (tin tặc) siêu hạng đang trong cơn giận dữ quyết tâm đòi lại sự công bằng cho đứa cháu gái bé bỏng vô tội đã bị những kẻ độc ác sát hại vì mục đích trả thù. Với vũ khí là khả năng xâm nhập vào toàn bộ các thiết bị điện tử trực thuộc mạng lưới ctOS của thành phố Chicago cùng với tài sử dụng súng ống bom mìn thành thạo như các thành viên thuộc lực lượng Special Force (đơn vị đặc biệt của quân đội Hoa Kỳ), Aiden gần như đơn độc đối đầu với cả một thành phố chỉ để buộc những kẻ thủ ác phải trả giá vì đã dám gây tổn hại đến người thân của mình, đặc biệt là cô cháu gái Lena mà anh hết mực yêu thương.

Cốt truyện của Watch Dogs được nhà phát triển xây dựng dựa trên các yếu tố ăn khách trong những bộ phim hành động mà quần chúng vẫn thường yêu thích, đó là hình ảnh một người hùng đơn độc đứng lên chống lại cả giới tội phạm hùng mạnh để đòi lại sự công bằng. Cũng như việc lấy hình ảnh hacker – vốn nhiều bí ẩn và tiếng tăm để làm nhân vật trung tâm trong câu chuyện của mình. Có thể nói, Ubisoft đã làm rất tốt trong việc khơi dậy trí tò mò cũng như sự hứng thú của người hâm mộ thế nhưng, đáng buồn thay là họ lại không biết cách giữ nhịp hấp dẫn của mạch truyện cũng như đã thất bại hoàn toàn trong việc tạo nên một nhân vật chính có đủ những nét lôi cuốn để khiến người chơi yêu mến. Tất cả những gì mà người chơi còn nhớ về Aiden sau khi đã hoàn thành game chỉ là một hacker siêu hạng, hết lòng yêu quý hai đứa cháu của mình và điên cuồng báo thù một cách ích kỷ.

Đồ họa của Watch Dogs là thứ đã khiến cho không biết bao giấy mực và những lời ca ngợi phải tung hô nó khi mà Ubisoft thực sự có đủ lý do để mạnh mẽ tuyên bố rằng họ sẽ định nghĩa lại cho cả thế giới biết thế nào mới là game next-gen đích thực. Và quả thực, ông lớn đến từ nước Pháp này cũng đã gần như là thành công khi cho phép người chơi của mình được trải nghiệm một tựa game có đồ họa được liệt vào hàng đẹp bậc nhất thế giới gaming đương đại. Bằng chứng là mọi game thủ đều dễ dàng bị choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy của thành phố Chicago ngay khi kết nối vào hệ thống của Watch Dogs.Tất cả những hình ảnh xuất hiện trên màn hình của người chơi đều đẹp tựa như một bộ phim được trình chiếu trên màn bạc chứ không còn đơn thuần là một video games nữa.

Mọi thứ đều thật sống động và hào nhoáng, những chiếc xe hơi hiện đại, gương mặt của những người đi trên phố, các tòa nhà, hiệu ứng ánh sáng, cử động của Aiden hay các cảnh cháy nổ,… Mọi thứ trong trò chơi đều sẽ khiến cho người chơi có cảm giác giống như mình đang tham gia một bữa tiệc thịnh soạn đầy màu sắc. Và quả thực, sẽ là rất khó để bạn có thể tìm ra được điều gì đó đáng chê trách hay phàn nàn về mảng đồ họa của trò chơi khi mà đội ngũ thiết kế hình ảnh của Watch Dogs đã làm rất tốt công việc của mình.

Tuy nhiên, nếu bạn chưa quên thì Watch Dogs vốn dĩ nổi tiếng và trở nên tai tiếng cũng bởi mảng đồ họa của chính nó. Ubisoft đã chơi một canh bạc rất liều lĩnh khi tung ra một lời hứa với cộng đồng Gamer rằng Watch Dogs sẽ là tựa game thế giới mở đẹp nhất từng được biết đến, thế nhưng đáng buồn thay là họ lại không thể giữ được lời hứa của mình khi những gì được trình diễn tại hội chợ game E3 và những gì game thủ được trải nghiệm là không giống nhau. Kể cả ở những cỗ máy PC có sức mạnh khủng khiếp nhất cũng không thể đem lại cho người chủ của nó những hình ảnh lộng lẫy như những gì Ubisoft đã từng giới thiệu. Còn trên những cỗ máy PS4 hay Xbox 360 thì việc hạ cấp đồ họa càng diễn ra rõ rệt hơn nữa, cứ như thể là hoa hậu hoàn vũ với cô bé trường cấp ba vậy, khiến dân tình phải bất mãn đến mức phẫn nộ. Chính điều này đã khiến cho cộng đồng game thủ cảm thấy như mình bị nhà phát hành lừa dối, dẫn đến việc Watch Dogs từ vị trí người hùng liền trở thành kẻ tội đồ, còn Ubisoft thì bị mang tiếng là chỉ biết làm trailer.

Về phần âm thanh của mình, rất khó để nói rằng Watch Dogs đã làm tốt nhiệm vụ, miễn cưỡng lắm thì chỉ có thể nói rằng nó mới chỉ đạt ngưỡng tròn vai mà thôi. Tiếng động cơ xe giống đều nhau một cách kỳ quặc, không hề có sự khác biệt giữa những dòng xe hạng bình dân đến những con siêu xe trong Watch Dogs, và đáng thất vọng nhất là phần âm nhạc trong game lại quá mức nghèo nàn. Mặc dù có gần mười thể loại khác nhau nhưng người chơi nhiều nhất sẽ chỉ tìm được năm bài hát là hợp gu để bỏ vào list nhạc của mình, còn ngoài ra thì chẳng đáng để mắt đến. Và tệ hại nhất là, vào tháng 11 năm 2016 tại một diễn đàn thảo luận của mình, người chơi đã yêu cầu Ubisoft cho phép họ được quyền thêm các bài hát yêu thích vào list nhạc trong game, và mặc dù đã sớm phúc đáp cũng như trả lời rằng (nguyên văn): “Chúng tôi đã gửi yêu cầu thêm chức năng này vào cũng như chia sẻ nó như một phản hồi đến đội phát triển. Cảm ơn.” Thế nhưng đã hai năm trôi qua rồi mà cái tính năng tưởng chừng như rất đơn giản này vẫn còn đang được “phát triển”. Điều này quả thực rất khó chịu, bởi vì những bài nhạc trong game không cho bạn cảm giác “phiêu như phê cần” khi chơi trò rượt đuổi với cảnh sát. Cứ như thể xem phim hành động Mỹ mà không có tiếng hay vietsub vậy, như ngày tết mà không có bánh chưng hay lì xì. Nó chẳng ra hệ thống gì cả và phá hoại đến trải nghiệm của người chơi một cách nghiêm trọng.

Cơ chế gameplay của Watch Dogs được đội ngũ thiết kế đầu tư rất nhiều công sức và ý tưởng hòng đem lại cho người chơi chiều sâu về mặt lối chơi. Và vì là một game hành động thuộc thể loại thế giới mở vậy nên người chơi có toàn quyền quết định mình sẽ hành động theo cách nào. Nếu bạn thuộc kiểu cổ điển, thích sự chết chóc thanh bình không ồn ào thì game sẽ cung cấp rất nhiều công cụ hiệu quả cho phép bạn thực hiện ý đồ của mình một cách mượt mà và hoàn toàn im lặng. Hoặc ngược lại, nếu bạn muốn đóng vai chính trong một bộ phim do Micheal Bay đạo diễn (Nổi tiếng với các cảnh cháy nổ hoành tráng đến mức vô lý của loạt phim Transformer) thì những màn chơi trong game cũng có đủ thứ để làm bạn thỏa mãn, hoặc bá đạo nhất, có một số nhiệm vụ cho phép bạn dùng khả năng hacking thần thánh của mình đạt được mục tiêu mà không cần phải hao phí đến một viên đạn hay giọt mồ hôi nào cả. Bên cạnh đó, Ubisoft cũng tạo nên một thành phố Chicago có rất nhiều thứ để khám phá với hàng tá các nhiệm vụ phụ như chạy Parkour, diệt băng nhóm tội phạm, chặn đứng tội ác, khám phá vụ án giết người hàng loạt, chơi poker hoặc cờ vua khi nhàn rỗi,… Quá nhiều thứ để có thể liệt kê ra hết.

Đặc biệt, game có học hỏi người đàn anh Meal Gear Solid V khi đưa vào hệ thống nhân quả (Karma) để người chơi tự ý thức được mặt đạo đức trong mỗi hành động của mình, với hệ thống này nếu bạn làm điều tốt, bạn sẽ là người hùng được cư dân của thành phố vinh danh hoặc ngược lại, sẽ bị cả xã hội lên án và chống đối. Tùy bạn chọn.

Ngoài ra, điểm thú vị trong hệ thống nhiệm vụ phụ của Watch Dogs khiến người viết cảm thấy hứng thú nhất là game có một loại nhiệm vụ xâm nhập, loại nhiệm vụ này nằm rải rác khắp Chicago và nội dung chính của nó là yêu cầu người chơi hack vào hệ thống an ninh cá nhân của cư dân thành phố và xem hết các bí mật của họ. Thông qua nhiệm vụ này, có thể người chơi sẽ một phần nào đó hiểu thêm được sự nguy hiểm của các hacker và tại sao họ luôn bị dè chừng.

Tuy nhiên, cũng có một số nhiệm vụ phụ thực sự rất đáng lên án khi mà nội dung của nó mang thiên hướng gây hấn với người chơi hơn là thử thách họ, đặc biệt là loạt nhiệm vụ fixer contract hay execution contract, ngoài ra thì hệ thống A.I của game cũng có vài vấn đề cần phải được nhắc đến, đặc biệt là hệ thống A.I của sở cảnh sát Chicago. Người viết quả thực rất cay cú với lực lượng hành pháp này khi mà những viên cảnh sát đáng quý lúc nào cũng lăm le húc xe ầm ầm vào mặt người viết như mấy con trâu điên thay vì cố gắng bắt giữ như ngoài đời thực. Ngoài ra, chỉ cần có tiếng súng nổ ở Chicago thì Aiden Pearce sẽ ngay lập tức bị quy là kẻ đầu sỏ và cứ thấy mặt là lập tức bị bắn bỏ. Khốn nạn!

Bực mình thêm nữa là Watch Dogs cũng rất học hỏi loạt game Assassin Creed (cũng do Ubisoft phát triển) và đưa vào một số nhiệm vụ yêu cầu phải lái xe theo đuôi đối tượng để hack dữ liệu. Cũng oke cả thôi nếu như người thiết kế màn chơi không cố tình gây thêm sự khó khăn khi mà chỉ cần hack được 50% dữ liệu là sẽ có một đám hổ báo từ bốn phương tám hướng lao đến rồi thi nhau đâm xe ầm ầm vào người chơi. Và thêm nữa là sau khi hack dữ liệu xong thay vì chuồn êm đi như điều mà người ta sẽ làm thì game lại quay ra yêu cầu phải hạ sát luôn đối tượng. Thế tại sao ngay từ đầu không cho phép người chơi giết chết đối tượng rồi sau đó hẵng hack dữ liệu trong điện thoại cho gọn gàng? Tại sao lại phải khiến mọi thứ phức tạp lên một cách mù quáng đến thế?

Nhìn chung, những người làm nên Watch Dogs đã rất cố gắng khiến cho Chicago trở thành một thành phố không chỉ đẹp rực rỡ mà còn giàu sức sống bằng hàng loạt các hoạt động bên lề để người chơi tha hồ khám phá và đảm bảo rằng họ sẽ không bao giờ cảm thấy thiếu việc để làm. Thế nhưng, loạt nhiệm vụ này cũng chỉ mang tính chất vui vẻ “tương đối” khi mà các nội dung trong chuỗi nhiệm vụ hầu như đều bị trùng lặp và có độ kéo dài quá mức cần thiết dẫn đến việc người chơi sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi thay vì thực sự tận hưởng nó.


Có thể nói rằng Watch Dogs là đứa con cưng được Ubisoft đầu tư rất nhiều tâm huyết và công sức, vậy nên thành thật mà nói thì đây vẫn là một sản phẩm có chất lượng. Watch Dogs có định hướng phát triển rất tốt khi mục đích của nó là đem lại cho game thủ cảm giác trở thành diễn viên chính trong một bộ phim hành động bom tấn, và ở khía cạnh nào đó thì game cũng đã thành công đạt được những gì được đề ra, dù rằng không trọn vẹn.

Ubisoft có lẽ đã quá tham vọng trong việc tạo nên một thế giới có đủ yếu tố mà mọi người muốn chơi để rồi sau đó lại không thực sự cân bằng được tất cả những gì có ở trong đó dẫn đến việc sản phẩm thiếu hẳn đi chiều sâu cần thiết. Ngoài ra thì việc hạ cấp đồ họa (downgrade) có phần “quá đáng” vốn được nhìn nhận như một lời nói dối khủng khiếp từ chính phía nhà phát hành cũng khiến cho Watch Dogs phải gánh chịu những cái nhìn xét nét và hà khắc từ giới game thủ và vô hình chung khiến nó không được đánh giá đúng mực so với những gì bản thân đang sở hữu.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • - 21.10.2018

    má , làm nhớ cái hồi chơi , thằng cướp bắn con kia mà mình bị truy nã , làm phải âm thầm thoát game , lên google search trainer rồi quay lại bắn đám cảnh sát tới khi hết cay cú thì thôi :v