Đánh giá Assassin’s Creed Unity: cuộc cách mạng không thành của Ubisoft

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

Một trong những phiên bản chịu nhiều tai tiếng nhất trong series Assassin’s Creed chính là phiên bản Unity ra mắt năm 2014. Được Ubisoft quảng cáo rằng Unity sẽ là một bước ngoặt, một cuộc cách mạng cho cả series về mọi mặt, Unity sẽ kế thừa những thành công của series và đem lại một nhân vật đáng nhớ như Ezio Auditore. Nghe có vẻ hơi “nổ”, nhưng sau thành công đến từ Assassin’s Creed IV: Black Flag, cộng với việc những đoạn trailer hay gameplay được Ubisoft tung ra tạo ấn tượng mạnh, người ta tin rằng Unity sẽ là một bom tấn thực sự và đạt được thành công nhiều hơn mong đợi.

Nhưng sự thật lại trái ngược 180 độ, Unity bị chỉ trích rất nhiều bởi hàng tá lỗi mà tôi sẽ nói kỹ hơn ở dưới về đồ họa, âm nhạc hay cốt truyện. Bom tấn thành bom xịt, và Unity trở thành một cuộc cách mạng không thành của Ubisoft. Vậy thực sự thì Unity thành công hay thất bại, hay hay dở?

Đầu tiên, chúng ta xét đến đồ họa của game. Những gì mà Unity làm được thật sự đáng kinh ngạc, là một game đời đầu của hệ console PS4/Xbox ONE, đồ họa của Unity quả thật cực kỳ lộng lẫy và ấn tượng. Unity lấy bối cảnh cuộc cách mạng Pháp và cách mà Unity truyền tải được không khí của nó thông qua đồ họa là rất xuất sắc. Paris những năm cuối thể kỷ XVIII hiện lên với đầy đủ màu sắc, tươi sáng, lộng lẫy, tăm tối, bẩn thỉu, chết chóc ứng với những khu vực khác nhau. Từ điện Versaille hào hoa, sang trọng đến những khu ổ chuột bẩn thỉu, tối tăm, từ nhà thờ Notre-Dame hoành tráng, ấn tượng đến ngục Bastille chết chóc, tất cả đều hiện lên cực kỳ chân thực và hoành tráng. NPC có những lúc lên đến cả ngàn người, mỗi người một vẻ, không ai giống ai.

Nhưng nếu chỉ có vậy thì lẽ ra đồ họa của Unity phải được ngợi khen hết lời, chứ sao lại thành một “thảm họa đồ họa” của năm 2014? Ừ thì nói chung đồ họa của Unity rất đẹp, rất ấn tượng, nhưng Unity lại dính vào một trong những thứ gamer ghét nhất: downgrade và bug, glitch đồ họa. Việc downgrade thì không ai bất ngờ lắm vì vài tháng trước đó, Watch Dogs đã “vinh dự” nhận cái danh “game bị downgrade khủng khiếp nhất năm” cho Ubisoft rồi, thế nên Unity có bị downgrade tí chút cũng không sao, và nói thật thì gần như đồ họa của Unity lúc mới công bố và khi chính thức ra mắt không khác nhau là mấy, rất tốt Ubisoft. Nhưng việc bug và glitch tràn lan trong game đã biến Unity thành một thảm họa thực sự, nào là nhân vật bị đứng khựng và di chuyển giữa không trung, khuôn mặt bị biến dạng thành zombie hay cái thứ trời ơi đất hỡi gì đó, khung hình bị tụt không phanh khi ở chỗ đông người,… Ubisoft tung ra hàng loạt bản patch, nhưng hễ sửa được lỗi này thì lỗi khác lại phát sinh, nhất là với PC gamer, và đặc biệt là người dùng AMD. Bức hình dưới đây là minh chứng rõ nhất cho việc phốt đồ họa của Unity thê thảm đến thế nào:

Người ta vẫn hay nói Batman Arkham Knight PC là một thảm họa cho một bản port, nhưng ít ra Arkham Knight không biến nhân vật thành zombie như Unity! Tuy nhiên thì sau hàng loạt bản patch nặng đến cả chục GB, cuối cùng Unity cũng được trả lại đồ họa thực sự mà nó vốn có – ơn trời!

Thứ hai, chúng ta xét đến cốt truyện – thứ mà Ubisoft cũng quảng cáo rất hùng hồn, Unity sẽ có một cốt truyện xuất sắc, truyền tải cuộc cách mạng Pháp chân thực nhất, nhân vật Arno Victor Dorian sẽ đáng nhớ như thế nào, blah blah blah. Và nói chung thì mấy cái vế trên sai hết sạch nên các bạn cũng chẳng cần bận tâm làm gì đâu. Không khí của cuộc cách mạng Pháp được truyền tải khá đúng, khá chân thực, nhưng khổ nỗi diễn biến thì lại bị Ubisoft tổ lái (như thường lệ) về cuộc chiến giữa Templar và Assassin. Không phải quá tệ, nhưng cũng chẳng có gì đặc biệt, vẫn là những cuộc truy tìm Piece of Eden, vẫn là những mục tiêu cần ám sát, điểm đổi mới là lần này Ubisoft đưa cuộc tình của hai nhân vật Arno Victor Dorian và Elise de la Serre thành một kiểu Romeo và Juliette mới khi Arno là Assassin còn Elise là Templar. Nghe qua thì thú vị nhưng có chơi game rồi mới thấy cái cách Ubisoft truyền tải cốt truyện hời hợt thế nào. Cốt truyện chính chán ngắt, tẻ nhạt và còn khá ngắn – theo ý kiến của tôi, Arno và Elise yêu nhau – nhưng yêu theo kiểu vì kịch bản bảo thể chứ chả thấy họ yêu nhau thật, so với một cuộc tình ấn tượng khác của Ezio và Christina thì Arno và Elise chỉ đáng xách dép. Ending của game thì theo tôi tương đối ổn, không đến nỗi quá sức tào lao (khổ thân Arno).

Cốt truyện đã vậy, nhân vật chính liệu có thể kéo cốt truyện lên? Ờm, rất tiếc là không. Arno là một nhân vật được xây dựng theo motif na ná với Ezio, nhưng theo một cách chán hơn và nhanh hơn gấp năm lần. Kể sơ qua nhé, hồi bé theo cha vào Versaille, cha bị ám sát, được bạn của cha đem về nuôi, tua một phát đến 13 năm sau, thành một thanh niên có phần trẻ trâu đi phá làng phá xóm, biến cố xảy ra, cha nuôi bị giết, bản thân bị đổ tội và tống vào ngục, gặp một ông nào đó bảo là “A ha, tao biết cha mày, ổng là sát thủ, bay có muốn làm sát thủ không?”, tua phát nữa đến hai tháng sau, được huấn luyện (trong tù?), đào tẩu rồi gia nhập Hội Assassin. Và tất cả những thứ đó xảy ra trong khoảng 2 tiếng đầu game! Thật đấy à? Đây là Ezio Auditore mới mà Ubisoft đem lại hay sao? Còn nhớ trong Assassin’s Creed II, phải mất 2/3 game để Ezio thực sự trở thành một sát thủ và gia nhập Hội, và phải đến tận phần Brotherhood, Ezio mới thực sự trưởng thành và trở thành Mentor vĩ đại của Hội. Còn Arno thì sao? Bỏ qua việc làm thế quái nào mà huấn luyện trong tù được thì cái cách Arno trở thành sát thủ quá khiên cưỡng và bất hợp lý, lý do là để tìm ra kẻ thù sát hại cha nuôi? Thế còn cha ruột thì kệ à? Dù sau này Arno có tình cờ khám phá ra chân tướng kẻ sát hại cha ruột thì lý do trở thành sát thủ nhằm tìm kẻ giết… cha nuôi nó cũng vớ vẩn hết sức! Sự phát triển tính cách của Arno cũng chẳng có gì ấn tượng khi nó cứ nhàm nhàm, chán chán và chẳng có điểm nhấn, kể cả lúc mà coi như Arno tuyệt vọng nhất đi, thì cũng chỉ theo motif thông thường: chán nản, về nhà nốc rượu, sầu đời blah blah, được người thông não và trở lại… thậm chí những mâu thuẫn xảy ra giữa Arno và các thành viên của Hội Assassin cũng chẳng đem lại sự căng thẳng cần có! Ông nào viết kịch bản cho Unity chắc lười lắm!

Nhân vật chính đã như thế thì chẳng cần nói cũng biết dàn nhân vật phụ mờ nhạt thế nào. Như thường lệ, Unity cũng có sự góp mặt của các nhân vật lịch sử có thật như Napoleon Bonaparte hay Alexander Dumas, nhưng tôi cá là bạn chẳng thể nhớ nổi họ như thế nào và có gì ấn tượng đâu. Mấy nhân vật phụ còn lại thì tôi còn chẳng nhớ nổi tên hay họ làm cái quái gì trong game!

 Cốt truyện ở hiện tại của Unity còn…. thảm họa hơn khi chúng ta chỉ có thể nằm kẹt cứng trên chiếc Animus, nghe cô nào đó giảng giải rồi lại về quá khứ tiếp! Dường như phần hiện đại được làm ra cho có, và nó chán kinh khủng khiếp! Thế nên, về cốt truyện mà nói thì Unity gần như thất bại toàn tập! Phần âm nhạc và lồng tiếng cũng chẳng khá hơn là bao, âm nhạc tàm tạm, âm thanh tạm ổn vì nó truyền tải khá tốt không khí Paris lúc bấy giờ, lồng tiếng thì không hay cũng chả dở, nhưng nói chung tôi chả cảm nhận được cái chất riêng gì của mỗi nhân vật, cứ như là họ đọc lời thoại chứ chẳng phải thực sự hóa thân thành nhân vật gì hết vậy.

Điểm sáng duy nhất của Unity, lại là phần Ubisoft ít nói đến nhất – gameplay. Chất stealth của Unity rất lớn và cực kỳ cần thiết – vì không stealth thì xác định đi bán muối! Với những phiên bản trước, counter kill chính là bí kíp võ công thượng thừa để các sát thủ tả xung hữu đột giữa hàng chục tên địch – đặc biệt là anh chàng thổ dân Connor. Nhưng đến Unity, counter kill bị lược bỏ hoàn toàn, giờ bạn chỉ có thể đỡ đòn hoặc né đòn chứ không có counter kill! Unity cũng đưa vào hệ thống học hỏi kỹ năng để game thách thức hơn. Những kỹ năng đã quá quen thuộc ở các phiên bản trước như double assassination, bắn súng liên hoàn,… các bạn phải học chứ không có sẵn ở Unity! Đối đầu với nhiều kẻ địch là bất lợi lớn, vì Arno máu giấy cực kỳ khi ở đầu game, mà về sau có mua được giáp và vũ khí khủng thì cũng chả lợi thế hơn được là mấy. Nếu muốn hạn chế số lần lên bảng đếm số, bạn rất rất cần stealth, vừa đúng chất sát thủ mà vừa an toàn, dù stealth trong game cực kỳ khó. Tôi còn nhớ có một trường đoạn tôi lỡ xông vào ổ địch khi trong tay mới có con kiếm cùi rách đầu game, mà lính thì toàn lính 5 sao và có cả rifle! Vậy là phải stealth, mà stealth nếu lỡ bị phát hiện là cả tá lính kéo đến liền! Tôi đã mất hơn 3 tiếng chỉ với trường đoạn đó để có thể hoàn thành nhiệm vụ an toàn, cảm giác như chơi Metal Gear Solid vậy. Một cái hay là cuối cùng chúng ta có thể… ngồi xuống một cách tự do chứ không phải đứng suốt nữa! Ngồi xuống sẽ khiến chúng ta stealth dễ hơn và khó bị phát hiện hơn, và việc có trang bị Phantom Blade – cây hidden blade có thể bắn tên thì stealth giờ đây là lựa chọn tối ưu cho hầu hết nhiệm vụ ám sát.

Một điểm hay nữa là chúng ta có thể dùng tiền và điểm kỹ năng để mua những bộ giáp, bộ áo mình thích (có cả đổi màu tùy chọn), nâng cấp kỹ năng, thanh máu, mua vũ khí,… Điều này thôi thúc chúng ta tìm cách kiếm nhiều tiền hơn, nhiều điểm hơn để nâng cấp cho Arno, giúp việc hoàn thành các nhiệm vụ khó được dễ thở hơn. Cơ chế này theo tôi khá là hay, và nó cũng thuận tiện và hoàn thiện hơn so với các phiên bản trước. Thật thích thú khi cho Arno thử hết bộ này đến bộ khác, rồi đổi màu cho quần áo, cho nên mới có lúc Arno mặc nguyên bộ giáp màu vàng chóe đi…. ám sát! Unity cũng đưa những bộ áo của các nhân vật khác như Edward, Connor hay Ezio vào, tất nhiên là bạn phải làm những nhiệm vụ phụ để có được chúng.

Hệ thống nhiệm vụ phụ, side quest của Unity thì phải nói là nhiều khủng khiếp! Đến mức nhìn cái bản đồ là hoa mắt chóng mặt! Hầu hết các nhiệm vụ phụ đều có nét giống các phần trước, ví dụ như tìm rương báu, giúp đỡ NPC, mở bản đồ bằng việc leo lên các view point rồi synchronize,… nhưng Unity còn có một hệ thống nhiệm vụ phụ khá hấp dẫn là Nostradamus Enigma, giải các câu đố trong các bài thơ. Nostradamus Enigma cực kỳ hay và khá khó nhằn, nhưng phần thưởng cũng rất đáng để bạn bỏ thời gian ra. Unity cũng là phiên bản mà Ubisoft đem mục chơi co-op vào, giờ đây 4 người chơi có thể tự do tham gia truy tìm kho báu, ám sát mục tiêu cùng nhau, khá vui và nhất là khi chơi với bạn bè. Nói không ngoa thì hệ thống nhiệm vụ phụ và mục chơi co-op đã tăng giá trị chơi lại cho game lên khá nhiều.


Nhìn chung, Unity không phải một tựa game tệ khi nó được đầu tư rất nhiều về đồ họa (bỏ qua bug, glitch thì đồ họa Unity rất xuất sắc) và gameplay (cực kỳ có chiều sâu và thử thách). Nhưng cách mà Ubisoft quảng cáo cho game của mình thực sự khiến gamer khó chấp nhận khi rõ ràng Unity không xuất sắc đến thế mà Ubisoft nâng nó lên tận mây xanh, xem ra họ chưa học được gì từ Watch Dogs cả. Dù sao, Unity vẫn là một tựa game ổn trong cả series, dù hầu hết đều thấy thất vọng với nó, khiến cho nó không đạt được thành công như mong đợi, dù Ubisoft có tặng thêm cả một DLC Dead Kings, nhưng tôi nghĩ hầu hết đều chả quan tâm cái DLC này làm gì. Vậy có nên chơi Unity hay không? Theo tôi là có, vì dù sao vẫn phải công nhận Unity có gameplay rất hay và đồ họa đẹp, chưa kể phần chơi co-op. Nhưng Unity cũng không có một sức hút đủ lớn để cho người chơi cảm giác chơi đi chơi lại mãi không chán.

Assassin’s Creed Unity (PC/PS4/Xbox ONE): 7/10

Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện