Tôi muốn chia sẻ thêm một bài nữa về mô hình, lần này là về một số chuyện đúc rút khi tự lắp ráp và hoàn thiện mô hình gundam.
1. Sự cần thiết của dụng cụ lắp ráp:
Bạn có thể mua trọn bộ dụng cụ cho người mới chơi, hoặc tối thiểu mua những thứ thật cần thiết, vì rất rất không nên lắp ráp mô hình bằng tay không. Trọn bộ dụng cụ lắp ráp cho người mới chơi hay được bán bao gồm:
– Kìm cắt nhựa (cần có): gần như bắt buộc phải có, mới chơi nên mua kìm nanye giá khoảng 150-170k, hoặc rẻ hơn có thể chọn kìm plato có giá khoảng 50-70k;
– Dao trổ (cần có): dao 9sea khoảng mấy chục ngàn;
– Giấy chà nhám (nên có): nên mua bộ chà nhám ustar gồm 3-4 món: 70-80k;
– Bảng kỹ thuật A4 (nên có);
– Nhíp gắp (không thực sự cần);
– Tool tách part (không thực sự cần).
Tối thiểu cần có kìm cắt và dao tỉa là có thể bắt đầu lắp mô hình gundam, mấy thứ không nhắc đến nhưng vẫn cần là đôi bàn tay, khối óc và một góc bàn làm việc nữa…
2. Một số kinh nghiệm tôi rút ra khi lắp ráp:
Đầu tiên là không dùng tay không, với các dụng cụ trên, bước làm lần lượt là: (1) cắt part khỏi runner bằng kìm (2) dùng dao tỉa phần nhựa thừa (3) dùng chà nhám chà phẳng các vết cắt (4) lắp ráp các part lại theo sách hướng dẫn.
Ở bước 1, dùng kìm cắt rời part khỏi runner, chú ý cắt chừa một đoạn 5-10mm chứ không cắt quá sát vì dễ làm sứt, hỏng part. Cũng không cần phải cắt xa quá. Sau đó cắt tiếp phần nhựa thừa, vẫn để lại 3-5mm chứ không nên cắt hết nhựa thừa chỉ bằng kìm.
Tiếp theo dùng dao tỉa, gọt phần nhựa thừa 3-5mm còn lại. Chú ý là giữ cho dao luôn có độ sắc cao, thay lưỡi thường xuyên sau 1-2 ngày không dùng để có vết cắt phẳng, đẹp, ít vết trắng (còn gọi là ghẻ nhựa). Cũng nên có bông băng thuốc đỏ vì dễ đứt tay khi dùng dao, tôi có 10 hoa tay nhưng trung bình ráp một bộ mô hình cũng bị thương 1 ngón. Cẩn thận tập trung được là tốt nhất, lớn đầu chơi đồ chơi để bị đứt tay cũng khá buồn cười (lol).
Bước 3 là dùng chà nhám, chà phẳng để không còn dấu vết của vết cắt. Nhưng bước này có một nhược điểm lớn là làm xước bề mặt part, nhất là với các part sáng màu hoặc màu trắng sẽ lộ vết xước do ma sát. Sau khi tìm hiểu tôi mới biết không có ý định sơn thì không nên dùng nhiều chà nhám, mà nên tập trung cắt và tỉa part bằng dao cho thật tốt, dùng móng tay miết nhẹ nên vết cắt là ok. Chỉ dùng với các vị trí bắt buộc, cắt tỉa mãi mà còn dư ghẻ hoài chứ không lạm dụng.
Nhíp gắp và tool tách part để gắp các part quá nhỏ hoặc gắp decal và tách part nếu nhỡ lắp ráp sai, nhưng hai việc này có thể dùng bằng dao tỉa nên hai dụng cụ này không thực sự cần.
Tìm hiểu trên mạng tôi nghe nhiều đến các loại kìm siêu bén như “god hand”, “disable” với lời giới thiệu là kìm cắt rất ngọt và bén, không để lại vết ghẻ nhựa, không cần dùng dao hay chà nhám, cắt phát ăn luôn. Tôi chưa có điều kiện kiểm chứng vì… tiếc tiền, các loại kìm này rất đắt (900k – hơn 1 triệu). Dùng kết hợp kìm, cầm con dao tỉa trên tay sẽ nâng cao kỹ thuật xử lý tốt hơn và ngầu hơn, việc làm tập trung, tỉ mỉ, nhiều bước cũng đem đến cảm xúc rất tốt. Hơn nữa một chiếc kìm mà có giá hơn 1 triệu!!! Còn đắt hơn phần lớn mô hình HG, MG, nó giống như chơi… kìm chứ chẳng phải chơi mô hình. Tôi luôn nghĩ mua các loại kìm trung bình như plato, nanye, ustar hoặc đắt hơn chút như tamiya là đủ (khoảng 50-300k tùy hãng).
Tôi cũng nhận ra không xóa hết được 100% dấu vết của việc cắt part khỏi runner, nó luôn để lại các vệt trắng, hoặc vệt khác màu, dù có cắt tỉa hay cứ chà chà quài, nên cần tránh tâm lý cầu toàn, tỉ mẩn quá, chữa lợn què thành lợn ngỏm, cắt tỉa mãi đến sứt, hỏng cả miếng part.
Khi lắp ráp có thể có những khớp nối quá chặt thì nên cắt vát đầu nối dương hoặc dùng chà nhám mài bớt cho bớt dày, để dễ lắp hơn và cũng đề phòng việc phải tháo ra. Với khớp nối nào lỏng quá thì dùng keo hoặc sơn móng tay trong (mượn bạn gái) phết thêm vào phần khớp dương cho dày và chặt. Mô hình nào cũng sẽ bị sẽ các lỗi này, nhưng không nhiều.
Còn một điều khá đơn giản mà mọi người chắc sẽ nhận ra ngay: mỗi part được đánh số hiệu riêng trên runner, cắt ra rồi thì khó mà nhớ tên part đó nữa, sách đi kèm có hướng dẫn ráp dựa vào hình dạng và tên part nên nhìn hình là hiểu. Nên lắp tới đâu thì cắt part tới đó rồi ráp lại liền theo hướng dẫn chứ không cắt hết tất cả các part rồi mới lắp. Cũng rất nhiều người vô tình không biết hoặc cố ý cắt hết tất cả rồi dò dẫm tự lắp ráp lại, cách chơi thiên tài này chắc chắn sẽ rất thú vị hoặc hại não nếu mô hình phức tạp quá.
3. Dụng cụ hoàn thiện cần thiết:
– Sơn kẻ line tamiya hoặc bút kim để kẻ lằn chìm;
– Tăm bông;
– Cồn nướng mực: chính là cồn y tế 90 độ, khô mực thì không cần;
– Bút chì;
– Sơn topcoat (nên có).
4. Một số kinh nghiệm khi hoàn thiện:
Đầu tiên là cơ bản nhất: kẻ lằn chìm giúp Gundam mạnh hơn!!!. Tôi đùa thôi, là đẹp hơn, mô hình trước khi kẻ và sau khi kẻ lằn khác nhau rất nhiều, như mỳ tôm được cho thêm trứng.
Việc kẻ lằn chìm có thể dùng các loại bút kim kỹ thuật đầu nhỏ kẻ trên các rãnh nhựa, như bút sakura, gundam maker hoặc bút chì kim cũng được. Nhưng tốt nhất là mua 1 lọ mực panel line tamiya để kẻ chảy, tức là mực sẽ chảy theo các rãnh nhựa nên sẽ đều và đường nét thanh mảnh hơn. Có các màu line chính là đen (black) và xám (gray). Màu đen sẽ dễ dùng nhất nhưng trên các part màu trắng, sáng nó tạo sự tương phản mạnh hơi quá nên mới sinh ra thêm các màu xám, nâu… Sau khi kẻ mực trên part sẽ để lại các vết lem, dùng tăm bông thấm cồn 90 độ và lau đi là được. Có dung dịch riêng dùng cho vệ sinh mô hình là thinner, nhưng mới chơi thì mua cồn sẽ dễ hơn, cẩn thận củi lửa cháy nổ là ok.
Một bộ mô hình còn kèm theo decal, sticker để tăng tính chân thật và chi tiết (giống như tem xe máy, xe đua…), có thế dán hoặc không tùy sở thích, dùng dao tách decal và dùng đầu tăm bông miết và dán chứ không dùng tay hay móng tay để miết. Mọi người sẽ dùng đến tăm bông khá nhiều khi hoàn thiện mô hình.
Một tip rất hay để tạo hiệu ứng kim loại cho các khớp nối, hoặc khung xương của robot gundam đó là dùng bút chì + chà nhám + tăm bông. Dùng bút chì 2B trở lên tô, mài trên chà nhám, và dùng tăm bông miết lấy phần bột chì đó để tô lên mô hình tại các bộ phận mô phỏng khung xương kim loại, khớp nối. Nó rất đơn giản, tạo hiệu ứng tốt, cũng có thể áp dụng tô lên bề ngoài mô hình, tạo hiệu ứng bụi bẩn, chiến đấu…
Khi tôi tìm hiểu về sơn mô hình thì thấy phức tạp và cần đầu tư nhiều quá. Sẽ mất tiền mua sơn (loại hạt mịn cho mô hình), máy nén khí để bơm hơi và súng sơn kỹ thuật, nói chung là tốn kém. Nhiều người chơi mua sơn ATM dạng bình để sơn, nhưng ATM là sơn hạt to nên không thực sự dành cho mô hình gundam vốn có kích thước nhỏ.
Nhưng có một cách sơn vừa dễ vừa đẹp: dùng sơn topcoat dạng bình xịt. Tức là lớp sơn phủ trong suốt bên ngoài để bảo vệ mô hình khỏi việc ố màu, và lớp sơn này cũng làm mất đi chất nhựa cho mô hình giúp nó đẹp hơn nhiều. Nói đơn giản thì, mô hình + kẻ lằn + sơn topcoat = mỳ tôm + trứng + hành.
Tôi đã dùng sơn Topcoat của hãng Mr.hoppby. Có 2 loại chính: sơn phủ bóng (gloss) và sơn phủ mờ (flat). Loại tôi thích là sơn phủ mờ (topcoat flat) cho hiệu ứng rất tốt, là bình xịt nên dễ xài, tạo ra chất lỳ cho mô hình, mất đi chất bóng của nhựa mà vẫn giữ nguyên màu sắc nguyên bản của hãng Bandai. Lưu ý là sơn cách xa 20-30cm, không cần sơn quá dày vì sẽ tốn, cũng không cần sơn riêng từng bộ phận, cứ lắp xong hết rồi sơn, vệ sinh qua mô hình trước để tránh bụi bặm, sơn trong môi trường khô, nóng tránh thời tiết nồm, ẩm. Nhược điểm của sơn topcoat hãng tamiya là đắt so với dung tích, 1 lọ 88ml có giá 150k, dùng hợp lý, tránh sơn kỹ, dày thì mới đủ cho 1 mô hình MG, và khi dùng sơn phủ mờ thì rất dễ bám bụi, bẩn, khó lau chùi.
Cuối cùng là…
Lắp ráp, hoàn thiện xong thì làm gì?
Thì tùy ý mỗi người, vọc vạch, thay đổi các tư thế mô hình đôi chút, tận hưởng ngắm nhìn thành quả, trưng ở góc ưng ý hoặc chụp choẹt tùy thích…
Giải thích với gia đình, bố mẹ, người yêu (nếu có), bạn bè, người đi đường A, B, C… về sở thích này nếu mọi người thấy lạ khi lớn đầu mà cứ cặm cụi với một thứ đồ chơi, hoặc điều này cũng không quan trọng.
Để tránh xa tầm tay trẻ em, điều này thì rất quan trọng, mấy ông chơi mô hình thường sợ trẻ con và đặt biệt hiệu cho tụi nhóc là giặc nhỏ. Mô hình được ráp bằng các mảnh rời chứ không phải đúc liền khối, việc bẻ đôi nó cũng dễ dàng. Lớn rồi thì chỉ muốn ráp lại và ngắm nghía thành quả, tụi nhóc thì chỉ muốn tháo tung ra để tìm hiểu tại sao, bởi vậy giặc nhỏ mới là những thiên tài.
Tôi đã viết xong về những gì tôi đã làm, cảm xúc của tôi cũng viết nhiều ở những bài đầu tiên, phần này cũng là kết thúc, việc chơi mô hình gundam thú vị và công phu hơn nhiều so với những gì tôi có thể kể hay biết về nó. Tôi muốn chia sẻ thêm một video về mô hình gundam, video này đã tạo cảm hứng cho tôi, kỹ thuật, dụng cụ của anh này quá chuyên nghiệp (mà sao nhạc nền cũng đỉnh kao?!).
Cuối cùng…
Hãy yêu những đường thẳng và ghét những đường cong!
… Đùa thôi, là cám ơn vì đã đọc.
nguyên 1 series rất kì công và tâm huyết. cảm ơn chủ thớt nhiều