Nếu các bạn có xem bài bóc phốt EA của tôi chắc hẳn các bạn cũng đoán rằng, “ông trùm ngành vắt sữa” thì chỉ có Ubisuck thôi chứ nhở. Chậc chậc.
Để đạt được đến danh hiệu cao quý chị ba của tam đại thần phốt thì trình vắt sữa của Ubi thôi là chưa đủ, đó còn phải là một quá trình luyện công dài dài có đầy đủ các phẩm chất như là hút máu người chơi, đối xử tệ bạc với nhân viên, đóng cửa nhiều studio tiềm năng, những hậu bản tệ hại, vâng vâng và mây mây. Sau khi cân nhắc kĩ lưỡng thì mình nhận thấy rằng Activision chính là cái tên sáng giá nhất, phù hợp nhất cho danh hiệu này, các bạn thắc mắc lí do tại sao? hãy cùng tôi tìm hiểu ngay cho nóng nào.
Khai sinh và đỉnh cao của Activision
Những năm 80, 90
Trước khi ăn cơm nhà bàn chuyện chính trị thì tôi sẽ giúp các bạn hiểu thế nào là ba bên phát triển game: bên thứ nhất là những hãng vừa có khả năng phát triển video game vừa có khả năng làm ra các hệ máy console ví dụ như Super Smash Bros trên Nintendo, bên thứ hai là người dùng, bên thứ ba thì có thể hiểu nôm na là nhà phát hành game. Cái thời mà Activision chưa ra đời, đa số các hãng làm game trên console điều thuộc bên thứ nhất, đồng nghĩa với việc tạo ra vô số bất công cho những nhà phát triển game và các lập trình viên. Danh tiếng, sản phẩm và lợi nhuận của họ bị ràng buộc với công ty. Chính sách không công bố những đóng góp cá nhân của những nhà phát triển game bên Atari đã khiến cho bốn lập trình viên David Crane, Larry Kaplan, Alan Miller, Bob Whitehead và cựu giám đốc điều hành ngành âm nhạc Jim Levy quyết định dứt áo ra đi.
Đơn giản là vì họ muốn được đối xử như cách mà hãng thu âm đối xử với ca sĩ của họ, chính là sự tôn trọng và tên trên sản phẩm của mình. Đó là cách mà Activision ra đời, cũng là cách mà công ty trở thành hãng phát hành game đầu tiên trên hệ máy console. Giữ đúng với lời hứa của mình, Activison thực sự quan tâm đến sản phẩm và cả những người làm ra nó, họ còn cho phép người chơi gửi hình high score sau đó thưởng cho họ những huy hiệu độc nhất vô nhị, nghe khá giống với achievement hiện nay đấy chứ. Ngày xưa rất ít công ty game nào làm việc này thế nên đây có thể xem là điểm nhấn khá thu hút của hãng.
Tựa game Pitfall phát hành vào năm 1982 chính là thành công vang dội cho đà đi lên của Activision. Với lối chơi đơn giản, không cốt truyện và tính giải trí cực kì cao đậm chất gây nghiện đã biến nó thành tựa game bán chạy nhất trên hệ máy Atari 2600. Tạo nên bàn đạp cho sự phát triển vũ bão của toàn bộ thể loại game platform liên tục thống trị trong suốt những năm 80.
Tuy thành công là vậy, nhưng bạn có biết rằng Activision đã từng lấn sân sang mảng kinh doanh chưa? Tất nhiên là lỗ, lỗ sặc gạch, thế là chị ba của chúng ta hú hồn con chồn quay trở lại làm game và cho ra đời series MechWarrior, độ nổi tiếng của tựa game này là không thể chối cãi khi thu về hơn 70 triệu đô- một con số khá ấn tượng tại thời điểm đó. Điều này đã vô tình nâng vị thế của Activision lên tầm cao mới trong thị trường thế giới.
Sau năm 2000
Xuyên suốt đầu năm 2000 chính là sự tung hoành của series Spiderman, có thể thấy rõ rằng quyết định mua bản quyền cho nhện nhọ chính là một trong những hướng đi đúng đắn nhất của hãng. Bên cạnh đó, hàng loạt những cái tên đình đám như giả lập trượt ván Tony Hawk, học chơi đàn Guitar Hero, điệp viên không không thấy James bond và con bò sữa Call Of Duty chính là các nhân tố góp mặt cho sự thành công vang dội của Activision.
Những cú hit chí mạng của hãng dội thẳng vào thị trường game trên toàn thế giới khiến hàng ngàn thậm chí hàng triệu người hâm mộ điên đảo bởi độ chất lượng hàng đầu, sự cải tiến qua từng tựa game và tính nghệ thuật cực kì cao ẩn sâu trong sản phẩm mà công ty làm ra. Không chỉ thế, do là bên thứ ba nên Activision đã phát hành rất nhiều tựa game bom tấn khác như Spyro và Crash Bandicoot từng một thời làm mưa làm gió cho bao nhiêu tuổi thơ của lứa game thủ đời đầu, tạo nên một chỗ dựa vững chãi để công ty có thể gặt hái được nhiều thành công hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, chỗ dựa này là hàng dỏm nên dựa phát đổ luôn!
Sự suy thoái của Activision
Đóng cửa cái rầm
Quầy, nghe việc đóng cửa này quen quen nhở. Chị ba cũng chúng ta cũng có kha khá tật xấu y hệt anh hai EA đấy, mở đầu cho những tật xấu đó chính là hiện tượng chơi bẩn mua hàng loạt studio game như Neversoft – cha đẻ dòng game Tony Hawk và Gun; Budcat studio – studio mà ngày xưa từng là đàn em của EA làm ra dòng game Madden, về sau được Activision ưu ái mua lại để cho ra Guitar Hero, rồi đóng cửa cái rầm; và trường hợp đau lòng Sierra Entertainment- là nguyên nhân chính cho sự thành công của dòng game King Quest đồng thời cũng là nhà phát hành của huyền thoại Half life, vâng vâng và mây mây, số lượng studio mà Activision đóng hòm nó cũng nhiều như anh cả EA nên thôi bỏ qua phần gọi tên điểm mặt này đi kẻo thôi các bạn lại ngủ hết.
Đã có rất nhiều công ty con tiềm năng, những studio có đầy sức sáng tạo và có thể làm ra một tựa game hay nếu được đặt đúng chỗ, Activision làm điều ngược lại. Có lẽ rằng do doanh thu quá cao nên hãng quyết định gom hết studio tiềm năng đi làm…Call of Duty. Điều này không những kéo sức sáng tạo của các công ty con lại mà còn giảm độ đa dạng của nền công nghiệp game xuống một màu, khiến cho cả công ty chỉ được biết đến với cái tên Call of Đu đưa. Haizz, đúng là giàu vì bạn, sang vì vợ, thua nợ tại Activision!
Vắt sữa không lối thoát, vắt sữa đến bết bát
Các bạn nghĩ rằng Ubisuck là ông vua của vắt sữa với 12 con game Assassin’s Creed cùng với hàng chục cái spin-off cơ á. Xin lỗi chứ 17 tựa game Call of duty cùng với 28 bản remastered và bản di động tuyên bố cho Warrior Creed hít khói. Đó là còn chưa kể đến 19 bản Tony Hawk với 25 bản Guitar Hero nữa cơ. Tôi phải nói rõ rằng tôi là một trong những người yêu thích các hậu bản hay ngoại truyện, ai lại chả thích series yêu thích của mình được đầu tư và tiếp tục ra thêm các phiên bản sau cơ chứ?
Thậm chí mấy ông developer còn thích hơn nữa, một series mà họ làm ra mà được mọi người ủng hộ đồng nghĩa với việc không cần phải tốn thêm nhiều óc sáng tạo, chỉ việc dựa theo những gì đã đạt được rồi tiếp tục hoàn chỉnh nó, thêm thắt mấy cái yếu tố trendy hoặc nặng nặng chút là nâng cấp thêm đồ họa và tạo cái cốt truyện khổ khổ nữa là bùm chúng ta có thêm 60 đô bỏ túi, game là dễ. Quyết định học theo người anh EA Sport, Activision chăm chỉ tới mức ra 7 phiên bản Guitar Heroes vào năm 2008, 8 phiên bản vào năm 2009. Vắt cho xệ cả zú con bò sữa của mình là nguyên nhân trực tiếp giết chết dòng game đầy triển vọng này.
Phiên bản Tony Hawk gây nhiều tranh cãi nhất: Tony Hawk Pro Skater 5 là một ví dụ điển hình và dễ hiểu cho bất cứ ai đang muốn tìm hiểu dây chuyền vắt sữa của Activision vận hành như thế nào. Tựa game này là một mớ hỗn độn đích thực, ngay cả Mass Effect: Andromeda đột nhiên còn đáng chơi hơn cả con game này, nó bị ép làm trong một thời gian quá ngắn, quá fast and furious đến mức khiến bạn có cảm tưởng như bỏ 60 đô ra chỉ để vào đếm xem có bao nhiêu lỗi vậy.
Activision thấy ngay được vấn đề này và tung ra một bản patch ngay trong ngày phát hành nặng đến 7.7 GB mặc dù game chỉ có 4.6 GB, thậm chí bản cập nhật khổng lồ này còn chưa fix được hết lỗi nên 2 tháng sau lại bung ra tiếp thêm bản update 7.8 GB nữa, Nguyên nhân sâu xa của việc làm game mỳ ăn liền mà còn lười nấu nước sôi, tất cả là vì hợp đồng bản quyền ký với Tony Hawk chỉ có thời hạn 5 năm và Activision muốn hút nốt những giọt sữa cuối cùng. Ờ Mây Zing!! Gút Chóp Activision.
Bốn năm sáu cái cửa
Thêm hai nạn nhân bị vắt sữa
Nhà mình còn gì đâu, còn mỗi series spyro và crash bandicoot hay còn gọi là rồng lộn và chồn… hay cáo?? Hay là chồn nhỉ?
À thôi dẹp, dẹp hết. Cáo hay là chồn không phải là vấn đề chính ở đây, cái mà tôi muốn nói là 2 series này đã chết rồi, dead game rồi, và chị ba của chúng ta học lỏm Naruto sử dụng triệu hồi chi thuật gọi ba hồn chín vía hai dòng game này tỉnh dậy ngồi kiếm tiền cho bả. Và từ đó hàng chục cái đồ chơi cho con nít được sản xuất dựa trên những hậu bản cực cực kì tệ, tất nhiên những món đồ chơi này chính là cái gai trong mắt fan, nhưng họ biết làm gì bây giờ, thói quen hút máu của Activision đã giết chết rất nhiều tựa game danh tiếng và số phận của cả 2 series này cũng không phải là ngoại lệ. Thậm chí người sáng lập ra crash bandicoot đã nhắn nhủ với Activision rằng dòng game này cần được làm lại, chị ba chỉ đơn giản trả lời “Không, không và… không”.
Việc vắt sữa chán chê rồi bỏ bê một dòng game nào đó đã thành chuyện thường ngày ở huyện, tuy nhiên series True Crime lại là một câu chuyện khác. Tuy hãng đã xây hòm cho dòng game này bằng cách rush thô bạo phiên bản thứ hai của game là True Crime: New York City để tiếp nối truyền thống hút máu của con ông cháu cha để lại, ngay cả cái phần game tiếp theo True Crime: Hong Kong cũng bị dừng vô thời hạn, cốt là để chứng minh cho người ta thấy rằng công ty xem đồng tiền quan trọng hơn giá trị của một tác phẩm nghệ thuật.
Nhưng ông bà ta thường nói “trong cái rủi có cái hên”, việc Activision vứt con giữa đầu đường xó chợ ấy khiến cho nhiều nhà phát triển khác tiềm năng hơn có thể khai thác viên ngọc quí này. Và đó không ai khác chính là Square Enix, họ mua lại bản quyền series và thổi vào nó một làn gió mới tạo nên sức hút kì diệu cho Sleeping Dogs hay còn được anh em game thủ Việt gọi cho cái tên thân thương GTA Châu Á. Với thang điểm metacritic trên 8 chấm thì Sleeping Dogs không chỉ được đánh giá cao bởi giới phê bình mà còn chiếm được cảm tình của phần đông người hâm mộ, ghi lại dấu ấn khó phai về chất lượng tuyệt vời của trò chơi cũng như là sự am hiểu về văn hóa châu á của nhà sản xuất.
Đến với Sleeping Dogs, người ta có cảm tưởng rằng đang được xem một thước phim tội phạm ở hong kong 1995 với những pha rượt đuổi mãn nhãn, phân cảnh hành động đến nghẹt thở cùng với chiều sâu trong nội tâm của nhân vật được thể hiện rõ ràng nhất. Tất cả điều này chứng minh cho việc gì? Đó chính là việc thiếu tầm nhìn dài hạn của Activision khi lọt mất những viên ngọc quí trong tay họ chỉ để ngủ quên trên những thành công trước kia mà hãng đã đạt được, đúng là người đời thường nói có mà không giữ tới lúc mất thì đừng tìm.
Nghệ thuật lấy tiền người chơi
Các ông còn nhớ tới cái thời trước Among Us không? cái thời mà Battleground là thể loại thống trị hầu như mọi tựa game ấy. Dưới sự nổi tiếng của PUBG chính là vô vàng những tựa game ăn theo đến chán chê nhưng không hiểu các nhà sản xuất game nghĩ như thế nào khi vẫn cố gắng nhồi nhét chế độ đó vào bất cứ tựa game nào mà họ làm ra, đồng ý là có một số cái tên cực kì thành công như Fortnite hay Apex Legend nhưng đó chỉ là phần nhỏ trong số hàng ngàn những cái tên bị lãng quên ngoài kia. Activision lại một lần nữa thể hiện tầm nhìn dưới 2 mét và cho ra đời Call of Duty: Black Ops 4, đây chính là minh chứng rõ nhất cho việc họ chỉ đơn giản là “đi theo trend” và nỗ lực bào mòn túi tiền của người chơi. Bạn có thắc mắc khi bỏ ra 60 đô mua Black Ops 4 sẽ nhận lại được gì không? Để tôi trả lời cho bạn, chính là cảm giác cay, cay đúng luôn.
Đầu tiên phải kể đến việc game hoàn toàn không có cốt truyện, Activision say no với chế độ chơi đơn. Lí do tại sao á, tại vì Treyarch là studio phụ trách phần cốt truyện cho bản Call of Duty này và Activision đặt cho họ một cái deadline đỉnh cao đến mức EA phải gọi bằng cụ, rồi sau đó dõng dạc tuyên bố một câu xanh rờn rằng studio không có đủ thời gian để làm một cốt truyện cho đàng hoàng cho nên thôi đóng luôn. Đúng là nghìn năm văn vở, ăn theo cái chế độ battleground nhất thời thì nói thẳng ra chứ cái kiểu vòng vo tam quốc chi lại làm khổ nhau, lại làm ta đớn đau.
Và hệt như cái cách mà Colombo tìm ra châu Mĩ, Activision tìm ra được cách moi tiền người chơi hiện đại hơn, phá cách hơn. Đó chính là bán red dot, đúng rồi đấy bạn không nghe lầm đâu, 1 đô là cái giá phải trả để cái chấm đỏ tí ti đó hiện trên bất kì cây súng nào của bạn và tính nó như một bản DLC. Và tất nhiên fan hâm mộ của họ cực kì nổi giận, hàng chục video được dựng lên trên youtube, các bài báo liên tục đăng tin, tất cả chỉ để thốt lên rằng “Có điên không mà đi bán red dot cơ chứ?”.
Activision sớm nhận ra sự việc tai hại mà họ vừa làm, thế nên công ty quyết định đi một bước đi mà tại hạ éo thể lường trước được, chuyển tất cả các Map DLC của Black Ops 4 thành season pass, qua đó làm hẹp đi tính đa dạng của người chơi, bạn không thể tự do mua những map mà mình thích nữa, muốn trải nghiệm DLC của Black Ops 4 thì mua nguyên bộ chứ hãng nói không với bán lẻ. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người chơi hệ nghèo đói như thằng viết cái bài này đây, ngày ăn hai buổi mì tôm thì lấy tiền đâu ra mà cống nạp cho chị ba đây chứ?
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, bản Black Ops 4 phát hành vào tháng 8 năm 2018 thì tháng 2 năm 2020 phát hành bản Call of Duty Warzone có chế độ Battleground ngon nghẻ hơn, nhiều tính năng hơn và nó FREE. Cay hơn cả tô mì cay bảy cấp độ, Activision như muốn biến bất cứ ai bỏ tiền ra mua bản Black Ops 4 trông như một con lừa khốn khổ, cái cảm giác bỏ hơn một triệu đồng ra để rồi chưa đầy 2 năm sau hãng lại ra phiên bản nâng cấp hơn của chính phiên bản ấy, chính chế độ ấy mà còn miễn phí nữa chứ.
Tính đến thời điểm hiện tại tuy có đến hơn 8 triệu lượt theo dõi trên Twitch nhưng chưa đến 500 người xem live stream đã chứng minh được tựa game này đang chết dần chết mòn như thế nào, thật sự thì khi bản Warzone ra mắt tôi không còn bất cứ cái lí do củ chuối gì để quay lại Black Ops 4 nữa, ôi dào thôi thì chỉ biết cất gọn em nó vào một góc.
Một thời gian sau khi Destiny 2 được phát hành, một số tính năng của game bỗng dưng không cánh mà bay để lại cho người chơi sự bối rối đến ngỡ ngàng, thế là họ quyết tâm trèo sông lội núi đi tìm cho bằng được lượng content ấy đã biến đâu mất, hóa ra là nó chẳng bay đâu mà hóa thân thành DLC. Một cơn giận dữ bùng nổ khắp các diễn đàn, ngàn ngàn lớp lớp các chiến binh hằng đêm miệt mài gõ phím liên tục gào thét cái tên Activision để đòi lại công bằng cho số tiền họ đã bỏ ra để sở hữu tựa game này. Và họ đã thành công, Bugie- một công ty con dưới trướng Activision phụ trách Destiny 2 đã nhận trách nhiệm và gọi đây là một sai lầm nhỏ, sau đấy thì tất cả lượng content đã trở lại đúng với hiện trạng ban đầu, khôi phục lại danh tiếng cho tựa game này.
Các bản port game tệ hại
Vào năm 2015 Activision chi ra 5,9 tỉ đô cho một studio duy nhất, chính là King- hãng làm ra tựa game Candy Crush Saga không? Thương vụ bạc tỷ này thậm chí còn hơn cả số tiền Disney bỏ ra để mua lại Marvel và gấp chín lần số tiền mà EA dùng để chiêu mộ Popcap về. Nước đi mạo hiểm này chứng minh rằng Activison có dư tiền mua nhà lầu xe hơi nhưng không có tiền để port mấy bản game qua PC cho nó đàng hoàng. Thậm chí đó là ngay cả dòng game được ưa thích nhất nhì của họ và của bọn tôi: Prototype, phải nói rằng tôi lớn lên với thằng nghiện Alex Mercer khi cùng gã phá làng phá xóm, chạy hùng hục lên những tòa nhà chọc trời hay bay nhảy như spai đu men và cái bản port lên pc là thứ gì đó khiến tôi muốn hát lên “Ôi hoàng tử, hãy tha thứ cho người em gái Activision bị trúng lời nguyền”.
Nó tệ thật các bạn ạ, nó optimized như thể cơm thiếu ăn nhà thiếu gạo, nó làm tôi muốn phát tởm vì cái cách mà họ đối xử với những miếng ghép cấu tạo nên thành công của hãng. Chưa dừng lại ở đó, thảm họa bản port PC của Marvel: Ultimate Alliance khiến cho tựa game này hầu như không thể chơi được, thể hiện rất rõ tính cẩu thả trong công đoạn port game của Activision. Xém tí nữa tựa game này đã trở về cát bụi nếu không nhờ Marvel đổ mồ hôi hột mà phải nhảy vào fix nóng fix nguội fix ngay lập tức.
Trốn tránh trách nhiệm
Oh boy chúng ta nên bắt đầu từ đâu đây nhỉ.
Activision đang “chơi bẩn”, hay nói đúng hơn là hèn nhát. Bạn hãy bật máy tính lên vào Steam tìm kiếm ngay Call of Duty, bạn sẽ nhận ra rằng chỉ có bản WW2 ra mắt vào năm 2017, điều này đồng nghĩa với việc từ bản Black Ops 4 về sau sẽ chuyển lên nền tảng Battle.net, tại sao họ lại làm vậy. Tất nhiên là để né tránh hết mấy cái review tiêu cực rồi! Dám chơi mà không dám chịu, Activision lo sợ rằng các hậu bản dở tệ mà họ làm ra chỉ để hút máu người chơi sẽ bị bỏ bom mặc dù họ luôn biết game của họ dở, điều này là chứng cứ rõ nhất cho sự xuống cấp của công ty khi không dám đối diện với sự thật mà chọn cách lẩn trốn như một tên trộm hèn nhát.
À sẵn tiện nhắc đến trộm, Activision liên tục mượn bản quyền của các công ty khác mà quên trả, như cái cách mà lũ bạn của tôi mượn cây viết vậy, gần đây nhất là việc sử dụng trái phép bức hình chụp bởi Bravo để chèn vào bản Modern Warfare 2019 hoặc là copy paste cách thiết kế của “G.I.Bro” cho một trong những nhân vật trong game, tính lười nhác của hãng không dừng lại ở việc đi theo lối mòn của Call of Duty mà thiếu cả tính sáng tạo trong những phiên bản vắt sữa của họ.
Gần đây nhất người ta còn phát hiện ra được bí mật động trời khác của Activision, đó là hãng đã phát triển một hệ thống ghép trận đấu dựa trên số tiền mà người chơi đã bỏ ra. À nói nôm na thì dân cày chay như tôi đây sẽ được đánh nhau với mấy anh đại gia Trung Hoa lắm tiền nhiều của sinh ra đã ở vạch đích. Bằng cách này, dân cày chay sẽ dễ dàng thua cuộc dẫn đến nản chí, kích thích nạp tiền đua top sever, thế là tạo ra một môi trường chơi game không lành mạnh khi tạo cho người chơi lối suy nghĩ phải rút hầu bao thì mới giành được chiến thắng, vô hình chung kéo theo chất lượng của game online ngày càng đi xuống.
Một trong những vụ kiện ảnh hưởng đến làng game thế giới chính là sự đối đầu giữa Activision và hai nhà phát triển game Jason West và Vince Zampella, hai người là giám đốc và đồng sáng lập của studio Infinity Ward, là Infinity Ward chứ không phải là Infinity War của Avenger đâu nhé. Vào mười năm trước, ngay sau khi Call of Duty: Modern Warfare 2 được phát hành thì Activision đã sa thải cả hai người bọn họ với lí do vi phạm điều lệ của công ty. Cả hai lập tức đâm đơn kiện công ty vì đã không trả lương cho họ xứng đáng với thành công mà Modern Warfare 2 mang lại. Activision sau đó đã làm một việc khá bẩn, đó là hack vào mail cá nhân của nhân viên để điều tra về việc bọn họ liên lạc với EA để thành lập một studio riêng.
Tôi biết hành động của hai người kia là sai khi đứng núi này mà trông núi nọ, nhưng chúng ta cũng không thể nhắm mắt làm ngơ trước cái sai của Activision khi hãng đi vi phạm nguyên trọng quyền tự do cá nhân. Activision đóng vai nạn nhân trước công chúng và gọi West và Zampella là “Những kẻ có mưu đồ bất chính với ý định chiếm đoạt tài sản của công ty vì lợi ích cá nhân của họ” và buộc tội bọn họ cố gắng lấy cắp Infinity Ward, tôi cũng không biết làm sao hai người kia có thể ăn cắp cả một cái studio như cách Activision ăn cắp artwork của người ta được nữa. Dù sao thì vụ kiện đã được sắp xếp ổn thỏa và người ta vẫn mãi nhớ đến Activision như một trong những công ty game tệ nhất trong lịch sử, chỉ xếp dép đứng quì sau lưng của EA thôi.
Bảy tám chín cái tết
Ờ thì đây là hồi kết
Đó là những thông tin cũng như là cảm nhận của tôi về chị ba Activision, đây cũng sẽ là bài kết thúc series tam đại thần phốt. À mà nãy giờ các bạn có thấy thiếu thiếu gì không nhỉ? Sự sáp nhập giữa Activision và Blizzard thì sao, đó lại là một câu chuyện cổ tích khác sẽ được kể trong tương lai. Còn bây giờ hãy cùng đón xem tôi vắt sữa series này bằng những nhân tố nổi tiếng hơn trong làng bóc phốt nhé.
Đọc bài mà cười nghiêng cười ngả sếp ơi, nhận định bạn thú vị đấy. Còn 2 bài của chuổi serrie mình không thấy. Cho mình xin link với
Hay lắm á ông :)))) Mà ông là Game Cực Hay trên youtube à?
Tôi chỉ là thằng viết script quèn thôi :(((