“Sự tự do chỉ là một ảo tưởng. Chỉ có một loại tự do duy nhất tồn tại, đó là cái chết để phục vụ cho chúa tể Darkseid vĩ đại”
Darkseid là một cái tên quá đỗi quen thuộc với những fan của DC. Hắn là một trong những kẻ thù đáng sợ bậc nhất mà Justice League từng phải đối mặt, từ truyện tranh cho đến hoạt hình. Nhất là sau khi Thanos trở nên cực kì nổi tiếng ở MCU, thì lại càng xuất hiện nhiều sự so sánh giữa hai nhân vật này. Cơ mà thực sự thì điểm giống nhau duy nhất giữa Darkseid và Thanos có lẽ là việc cả hai đều to xác, mạnh mẽ, mưu mô và đáng sợ, còn lại thì khác biệt nhau hoàn toàn.
Giới thiệu
Darkseid lần đầu xuất hiện tập truyện Superman’s Pal, Jimmy Olsen xuất bản vào tháng 12 năm 1970, và được tạo ra bởi huyền thoại truyện tranh, Jack Kirby. Hắn xuất hiện với vai trò cameo ở cuối tập truyện khi lúc này Morgan Edge (một clone của Mokkari – một New God phục vụ cho Darkseid, hiện đang thực hiện sứ mệnh của Darkseid giao cho, chống lại Superman và Jimmy Olsen) đang liên lạc cho Darkseid.
Vài nét về tiểu sử của Darkseid
Vì Darkseid có hai phiên bản khác nhau, tương ứng với hai thời kì classic và new 52, phần tiểu sử này sẽ kể về Darkseid của giai đoạn trước new 52 nhé, và bên cạnh đó, để nói về Darkseid, chúng ta sẽ đảo nhanh một chút về chủng loài New Gods.
19 tỉ năm về trước, ở một chiều không gian bên trên Đa vũ trụ, một thực thể tên là The Source xuất hiện. The Source đã sáng tạo những vị thần đầu tiên- những kẻ được gọi là những Old Gods. Nhưng rồi đến 5 tỉ năm về trước, sau khi đạt đến sự phát triển đỉnh cao, các Old Gods đã bị cuốn vào cuộc chiến tương tàn, và toàn bị Old Gods diệt vong. Từ đống tro tàn của những Old Gods, hai hành tinh được hình thành, với những cư dân trên đó được gọi là những New Gods- những vị thần mới. Một hành tinh là New Genesis đẹp đẽ như tiên cảnh, hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc. Hành tinh kia là Apokolips – hung tàn, chiến tranh, đàn áp và khổ đau. Và chúa tể của chốn Apokolips ấy chính là Darkseid.
Darkseid tên thật là Uxas, con trai thứ hai của chúa tể Apokolips đầu tiên Yuga Khan và nữ hoàng Heggra. Sau khi Yuga Khan bị giam cầm bởi The Source khi có ý định chiếm quyền năng của thực thể này, Heggra đã lên nắm quyền trị vì Apokolips. Nhưng dĩ nhiên một Uxas tàn nhẫn và đầy tham vọng không hài lòng với vị trí chỉ là một hoàng tử. Hắn đã ám sát anh trai ruột của mình để cướp lấy quyền năng Omega Effect, hạ độc chính mẹ đẻ để dành ngôi báu. Hắn đã từ bỏ cái tên Uxas, và sử dụng danh hiệu Darkseid- cái tên từng thuộc về 1 Old God cực kì đáng sợ, đến mức không vị thần nào dám nhắc đến tên ông ta. Và từ đó, cái tên Darkseid lại một lần nữa vang lên như một cơn ác mộng được reo rắc khắp đa vũ trụ
Chưa dừng lại, Darkseid đã phát động cuộc chiến tranh với New Genesis- đúng nghĩa là một cuộc chiến giữa những vị thần. Đó là một trong những cuộc chiến khủng khiếp và đáng sợ nhất lịch sử từng chứng kiến, đã tán phá nghiêm trọng cả hai hành tinh. Mãi cho đến khi Highfather- lãnh đạo của các vị thần ở New Genesis- nhận ra được âm mưu thực sự của Darkseid: bất luận dù New Genesis thắng hay bại thì Darkseid cũng đã thành công. Hắn đã kéo những vị thần chính nghĩa của New Genesis vào con đường của hắn- con đường của bạo lực, thù hận, khổ đau và bại hoại. Highfather đã quyết định đình chiến với Darkseid, hai vị thần tối cao đã đổi con cho nhau làm con tin để duy trì hòa bình giữa hai hành tinh
Theo thỏa thuận đó, con trai của Highfather là Scott Free được nuôi dưỡng trong địa ngục trần gian Apokolips, trong khi Orion- con trai của Darkseid, được lớn lên trong sự giáo dục của chốn bồng lai New Genesis. Về sau thì Orion đã trở thành một chiến thần, một anh hùng của New Genesis, với lời tiên tri là người sẽ lấy mạng Darkseid. Còn Scott Free đã trở thành người đầu tiên trong lịch sử đào tẩu thoát khỏi Apokolips, trở thành siêu anh hùng với biệt danh Mister Miracle.
Trong khi Yuga Khan muốn tìm kiếm sức mạnh và tri thức tối thượng của the source, thì Darkseid lại hoàn toàn khác cha mình. Thứ mà hắn hướng đến là sự thống trị vạn vật, biến mọi sự sống trở thành những nô lệ vô tri chỉ biết phục tùng mệnh lệnh của hắn. Về mặt nào đó, Darkseid đã thành công với điều này ở Apokolips khi hắn nhồi sọ những cư dân ở đây từ khi còn là những đứa trẻ về sự phục tùng tuyệt đối với hắn. Và như thế, ở Apokolips, Darkseid đã không chỉ là 1 vị vua, hắn trở thành vị chúa tối thượng trong con mắt dân chúng, ý muốn của Darkseid chính là mệnh lệnh tối cao.
Nhưng dĩ nhiên Darkseid không thỏa mãn với điều đó. Hắn muốn tất cả vạn vật đều trở thành những nô lệ cho hắn như thế. Darkseid nhận ra chỉ có một thứ có thể giúp hắn thỏa mãn- đó là Anti Life Equation – Phương trình phản sự sống. Anti Life Equation sẽ cho hắn thứ quyền năng để xóa số cái gọi là ý chí tự do, bẻ gẫy mọi tâm trí, biến tất thảy thành nô lệ. Chính vì thèm khát Anti Life Equation đã khiến Darkseid bắt đầu chinh phạt hết hành tinh này đến hành tinh khác, vì hắn tin rằng ở đâu đó trong đa vũ trụ, những mảnh nhỏ của Anti Life Equation đang tồn tại bên trong tâm trí những sinh vật sống. Và cuối cùng thì Darkseid đã tìm thấy nơi đó- không đâu khác chính là Trái Đất. Về Anti Life Equation tôi sẽ giới thiệu cụ thể hơn về thứ sức mạnh này trong một bài viết khác trong series New Gods tới đây
Sức mạnh
Darkseid là một New God – tức là hắn sở hữu của quyền năng của một vị thần đúng nghĩa. Nhưng thần thì cũng có lắm loại sức mạnh- kiểu như nói đến Zeus là nói đến sấm sét, thì nói đến Darkseid là phải nói đến Omega Effect
Tuyệt chiêu thường thấy nhất của Omega Effect mà Darkseid sử dụng là Omega Beam- những tia năng lượng đỏ rực được phóng ra từ mắt của Darkseid. Những tia năng lượng này có thể tự chuyển hướng để truy đuổi mục tiêu. Chỉ với 1 đòn Omega Beam có thể truy đuổi những kẻ mang tốc độ khủng khiếp Flash, hạ gục những kẻ mang sức mạnh ghê gớm như Superman. Thậm chí Omega Beam có thể xóa sổ sự tồn tại mục tiêu nếu Darkseid muốn (nhưng như đã nói, mục đích của Darkseid không phải là giết mọi kẻ thù, mà là biến chúng thành nô lệ)
Nhưng Omega Beam không chỉ là gây sát thương, sức mạnh của nó còn nhiều hơn thế. Darkseid có thể sử dụng Omega Beam để dịch chuyển mục tiêu xuyên không gian hoặc thời gian, tái tạo lại vật chất, mở cổng boom-tube, thao túng tâm trí, biến đổi vật chất,…
Nhưng ngón đòn đáng sợ nhất của Omega Effect là Omega Sanction- giam cầm kẻ địch trong vô số vòng đời, mỗi vòng đời lại là vô vàn khổ đau và mất mát. Cách duy nhất để chấm dứt một vòng đời đày ải là cái chết – nhưng ngay sau khi chết bạn sẽ lại bị đẩy vào một vòng đời còn cay nghiệt và tàn nhẫn hơn trước. Những vòng đời cứ thế nếu tiếp nhau không có điểm dừng, Gần như không có cách nào để thoát khỏi Omega Sanction. Người duy nhất từng làm được là Shilo Norman – người được mệnh danh là hóa thân của Life Equation – phương trình sự sống.
Ngoài ra thì Omega Effect còn cường hóa thể chất của Darkseid lên ngưỡng giúp hắn có thể combat thể chất với những kẻ mang sức mạnh như Superman hay Doomsday, dễ dàng bóp vỡ một chiếc nhẫn Green Lantern, di chuyển đến tận cùng vạn vật trong chớp mắt
Nhưng điều đáng sợ nhất, đó là đó thậm chí còn chưa phải là Darkseid, mà chỉ là những bản thể nhỏ bé của hắn tồn tại bên trong những vũ trụ – các bạn còn nhớ tôi từng bảo Darkseid và các New Gods tồn tại ở một chiều không gian bên ngoài đa vũ trụ chứ? Darkseid, cũng như mọi vị thần khác, bản thể thực sự của hắn tồn tại bên ngoài đa vũ trụ, những kẻ coi vũ trụ chỉ như những quả bong bóng nhỏ bé. Tất cả những lần hắn xuống Trái Đất và đối mặt với những siêu anh hùng từ trước đến nay, tất cả đều chỉ là những hóa thân của hắn
Phiên bản thực sự của Darkseid chỉ xuất hiện một lần trên Trái Đất trong sự kiện Final Crisis, sau khi Darkseid bị con trai mình là Orion giết. Thi thể của Darkseid rơi từ Thần giới xuống, cái bóng của hắn trải dài khắp đa vũ trụ, và tạo một sự lũng đoạn lên cấu trúc không – thời gian. Nhưng Darkseid vẫn kịp đưa linh hồn thực sự của mình vào thể xác một con người trên Trái Đất, và bắt đầu dùng Anti Life Equation gây ra sự kiện Final Crisis lừng danh
Với tư cách là chúa tể tối cao của Apokolips, dĩ nhiên dù mang sức mạnh khủng khiếp thì Darkseid cũng chẳng việc gì phải vác mặt ra chiến trường thường xuyên. Dưới tay hắn là một đội quân những chiến tướng ác thần như Desaad, Kalibak, Steppenwolf, Granny Goodness, Bedlam, Godfrey, Kanto,… Đôi quân của Apokolips là hàng tỉ con quái vật đáng sợ và khát máu. Công nghệ của Apokolips cũng cực kì tối tân và hiện đại, vượt xa bất cứ chủng tộc nào trong đa vũ trụ.
Không chỉ mang sức mạnh khủng khiếp, thứ khiến Darkseid trở nên đáng sợ là trí tuệ và sự mưu mô của hắn. Đối đầu với Darkseid không phải chỉ là đối đầu về mặt sức mạnh, mà còn là trận chiến về tâm lí. Darkseid là một bậc thầy thao túng tâm lí. Dưới những mưu mô của Darkseid, không biết bao nhiêu kẻ đã bị hắn đẩy vào con đường của cái ác. Hắn có thể khơi dậy những góc tăm tối nhất của tâm hồn trong sáng nhất, khuất phục những ý chí sắt đá nhất, khiến những cuộc đời đẹp đẽ nhất thành địa ngục trần gian – và cuối cùng những kẻ đó sẽ phủ phục dưới chân Darkseid
Điều gì đã khiến cho Darkseid – một cái ác thuần túy lại hay như vậy?
Thực sự việc thêm vào yếu tố để người đọc có thể đồng cảm với phản diện là một phát kiến vĩ đại. Một mục đích cao cả nào đó được thực hiện bởi những phương pháp tàn độc, hay một quá khứ bi thương nào đó khiến cái thiện trong họ bị phá hủy,…Những hình mẫu nổi bật lên cho sự thành công của phương pháp này là Magneto, Doctor Doom hay Black Adam. Nó thành công đến mức khiến tạo ra hẳn những quan điểm phổ biến rộng rãi như kiểu ‘Magneto was Right’. Nhưng không phải cứ bê cái công thức trên nhồi vào mọi gã phản diện trên đời là bạn sẽ có một phản diện hay. Những mục tiêu nghe qua thì có vẻ đại nghĩa cao siêu nhưng thực tế thì vô dụng sẽ chỉ khiến kẻ phản diện thành ra một gã hoang tưởng bắt ép kẻ khác phải tuân theo cái quan điểm méo mó thảm hại của mình, hay một cái quá khứ đau thương nhưng phi lí hoặc quá lố sẽ chỉ khiến nhân vật trở nên đáng thương hại và khinh rẻ hơn mà thôi.
Ở chiều ngược lại, những kẻ ác thuần túy chỉ đơn giản vì chúng ác chả có gì là thiếu chiều sâu hay kém hay ho. Darkseid không bao giờ một cái mục đích cao đẹp hay quá khứ bi thương nào để che đậy sự chinh phục và nô dịch của mình, bởi vì Darkseid không phải là để được đồng cảm hay thương hại- Darkseid là để sợ hãi và căm ghét. Hắn là một bạo chúa- giống như bao bạo chúa khác đã đang và sẽ tồn tại suốt chiều dài lịch sử, chả có gì là thiếu chiều sâu hay phi thực tiễn trong nhân vật cả. Có những người cho rằng những cái động cơ kiểu thống trị thế giới là nhạt nhẽo , trong khi thực tế đố luôn luôn là mục đích thúc đẩy vô vàn cuộc chiến trong lịch sử- từ lúc quái nào việc xâm chiếm thế giới để trở thành kẻ thống trị nó lại là một mục tiêu ‘kém cỏi và thiếu chiều sâu hơn’ so với đi tìm cách hại ông anh nuôi để được bố yêu thương nhiều hơn? Joker ác đơn giản vì hắn thích làm thế, chả cần mục tiêu gì cả- đơn giản vì Joker không phải là để đồng cảm. Doomsday là sự hủy diệt thuần túy vô tri không có bất cứ động cơ sâu xa nào thúc đẩy, bởi vì chúng ta cũng không cần phải đồng cảm để thích nó. Nếu vì một lí do quái dị nào đó mà một nhân vật được xây dựng để gây sợ hãi và căm ghét mà lại thành ra được cảm thông với cả ca ngợi thì tức là việc xây dựng nhân vật đó của nhà văn đã thất bại chứ chả phải hay ho gì.
Một số fact thú vị của Darkseid
- Darkseid được lấy ý tưởng từ Adolf Hitler và Jack Palance
Darkseid là kẻ thống trị độc tài của Apokolips, và mục tiêu cuối cùng của hắn là chinh phục vũ trụ và loại bỏ mọi ý chí tự do. Nguồn cảm hứng to lớn cho việc tạo ra nhân vật này đến từ một nhà độc tài hoàn toàn có thật: Adolf Hitler – có lẽ khi nhắc tới cái tên này thì ai cũng biết. Giống như Hitler, Darkseid là một với tâm niệm của chủ nghĩa phát xít, bị ám ảnh bởi chiến tranh và sự thống trị. Xã hội trên Apokolips cực kỳ quân phiệt, giống như Đức Quốc xã thời Thế Chiến, và trẻ em nơi đây phải trải qua quá trình dạy dỗ từ nhỏ để trung thành với Darkseid một cách hoàn toàn.
Kirby là người Do Thái, ông hiểu rõ nỗi đau của dân tộc mình bởi phát xít gây ra, và đã đưa nỗi đau này vào tác phẩm của mình và tạo ra một trong những nhân vật phản diện vĩ đại nhất của truyện tranh.
Và còn một điều nữa, Kirby cũng đã tạo ra hình tượng Darkseid dựa theo một minh tinh điện ảnh thời bấy giờ: Jack Palance một diễn viên với tính cách vô cùng nghiêm túc và oai nghiêm, đã đóng vai Boss Carl Grissom trong bộ phim Batman năm 1989 của Tim Burton.
- Omega Beam của Darkseid từng được xem như đã giết chết Batman
Việc một nhân vật trong truyện tranh chết đi và được hồi sinh lại nhiều lần đã trở thành một vấn đề quá quen thuộc đối với người hâm mộ rồi, những cái chết của nhân vật đều đem lại sự kịch tính trong cốt truyện và hấp dẫn cho người đọc, đồng thời tăng lượng doanh số bán đầu truyện ấy lên, và tất nhiên thì người đọc ai cũng biết rằng sớm muộn gì mà hãng truyện lại chẳng hồi sinh nhân vật ấy.
Trong sự kiện Final Crisis, Batman đã tuyệt vọng tới mức sử dụng một cây súng bắn ra viên đạn phóng xạ đã giết con trai của Darkseid – Orion, nhằm mục đích dứt điểm Darkseid, nhưng hắn ta đã dùng thứ vũ khí quyền năng của mình, Omega Beam và bắn chết Batman. Đa số chúng ta đều biết rằng Batman thực sự đã chết trong thời gian ấy, nhưng thực tế thì sau này đã tiết lộ rằng, Batman không thực sự chết, mà anh đã được du hành thời gian về thời tiền sử bởi chính nguồn năng lượng của Omega Beam.
- Từng có một cuộc đối đầu với Galactus của Marvel Comics
Vào những năm 1990s, hai hãng DC và Marvel đã cho ra hàng loạt đầu truyện crossover, những đầu truyện kết nối hai hãng truyện với nhau, chẳng hạn như trận chiến giữa Superman vs Hulk, Batman vs Captain America, Green Lantern vs Silver Surfer hay một số đầu truyện khác nữa, một trong những trận chiến to lớn nhất thời điểm ấy chính là bộ truyện Darkseid vs Galactus: The Hunger được viết bởi nhà văn John Byrne.
Tình tiết khá là đơn giản, khi cả Darkseid và Galactus đều là những hiện thân đáng sợ cho sự hủy diệt của vũ trụ, lúc này đây, Kẻ Ăn Hành Tinh muốn hấp thụ Apokolips của Darkseid, và Darkseid thì lẽ nào để yên cho chuyện này, cuộc chiến hủy diệt này đã lôi kéo những cá nhân như Orion hay Silver Surfer phải lao vào giải quyết vấn đề, và còn muốn biết rõ nội dung thì các bạn hãy đọc truyện để biết thêm nhé.
- Thanos của Marvel Comics cũng được lấy cảm hứng từ Darkseid
Có lẽ như điều này ai cũng nhận ra một số điểm giống nhau giữa hai gã bạo chúa này nhỉ, cả hai đều là những ác nhân có sự ảnh hưởng to lớn bậc nhất đối với mỗi vũ trụ tương ứng, đều là những tên bạo chúa điên, với quyền năng khủng khiếp cùng với những suy nghĩ điên rồ và chết chóc, kèm theo đó là tạo hình của hai gã này đều khá là giống nhau. Jim Starlin – nhà văn và là cha đẻ của Thanos rất yêu thích bộ truyện tranh Fourth World của jack Kirby bên DC, và lấy ý tưởng rất nhiều từ đầu truyện ấy. Ban đầu, Thanos được dựa trên Metron (một nhân vật xuất hiện trong Fourth World), nhưng biên tập viên của Marvel nói với ông rằng hãy biến Thanos thành một thứ gì đó vĩ đại hơn, khủng khiếp hơn, tàn ác hơn, ít nhất là giống với Darkseid. Và cũng nhờ như thế, Thanos đã chính thức xuất hiện trong tập truyện Iron Man #55 xuất bản vào năm 1973, cách 3 năm kể từ lần đầu tiên Darkseid xuất hiện.