VIDEO GAME THẬP KỈ TRƯỚC…

Chủ xị

  

2020 đã đến, hơn 90 ngày nữa là ta sẽ được rờ mó vào Cyberpunk 2077, DOOM ETERNAL, và hàng loạt các bom tấn khác. Nhưng cũng còn một khoảng thời gian dài nữa mới tới những ngày tháng chơi những game bom tấn đó, sao ta không nhìn lại một chút về video game ở thập kỉ trước nhỉ?

AAA video game “an toàn”

RE2 Remake, một trong những video game remake thành công nhất tới thời điểm hiện tại.

Đó là cụm từ tôi muốn dành cho rất nhiều AAA video game hiện tại. Chúng quá an toàn, không còn nhiều video game dám liều mình sáng tạo thêm những IP hoàn toàn. Tất cả những gì ta thấy là Remasters, Remakes, Reboots, Rereleases. Nó có tệ không? Thực ra là không. Nhưng chúng ta đang có xu hướng mắc kẹt lại quá khứ đôi chút. Các nhà phát hành game AAA họ đang muốn lôi kéo fan game cũ làm đà tung hô game Remasters/Remakes/Reboots/Rereleases của họ hơn là tạo nên những IP mới. Resident Evil 2 remake, The Legend of Zelda: Link’s Awakening remake, Tomb Raider reboot trilogy, Assassin’s Creed Ezio’s Trilogy remaster, Batman Arkham Asylum – City remaster, Spiderman dựa trên… Spiderman và nhiều hơn thế nữa…

Tất cả những game trên đếu dựa trên những gì đã có sẵn, có sẵn cộng đồng fan đã tồn tại (đặc biệt là Batman và Spiderman game). Điều này… tôi nghĩ là không tệ, Remasters/Remakes/Reboots/Rereleases chỉ đơn giản là quá nhiều ở thập kỉ 2010s, có lẽ vì chính những gamer quá thương nhớ quá khứ mà AAA mới lôi lại các franchise cũ ra để mong hài lòng với các gamer kiểu này. Hi vong từ 2020 trở đi, tôi mong rằng có thể thấy AAA game mạo hiểm trở lại, thay vì quanh quẩn với 4 chữ R trên.

Assassin’s Creed series có thể có những story hay, nhưng thiết kế open world thì cực kì có vấn đề

2010s cũng là những năm của game open world. Người người open world, nhà nhà open world. Không năm nào trong thập kỉ này là không có open world. Nhiều người nói là trend, nhưng thú thực, không trend nào 10 năm mãi không kết thúc cả. Open world giờ đây là một dạng game không thể thiếu đối với các hãng game AAA. Quen thuộc nhất với chúng ta chắc có dòng Assassin’s Creed và Far Cry. Hai dòng game vốn nổi tiếng vì có những game story đôi khi rất hay, nhưng open world thì meh, nếu không muốn nói là dở tệ. Dở đã đành, đây lại còn nhiều game có gắng ăn theo cái open world có vấn đề của mấy game này. The Witcher 3, Batman Arkham Knight, Fallout 4, GTA 5 có chung vấn đề open world (ít nhất thì side quest của The Witcher 3 rất ổn, chứ không bị như mấy game kia).

Nhưng thiếu hụt content thú vị chưa hoàn toàn là điều tệ nhất, mà ở đây là thiết kế game dẫn tay người chơi như một đứa trẻ lên 5. Ai chơi The Witcher 3 cũng biết, mini map đánh dấu nơi cần đến ra sao, Geralt được dẫn đường như thế nào, và có dòng nhắc nhở bạn nhiệm vụ nữa. The Witcher 3 cũng cho bạn một số lựa chọn tắt HUD, nhưng đống nghĩa với việc bạn gần như mù đường luôn và không thể hỏi ai về đường cần đi cả. Điều đó cũng xuất hiện trong một số game open world khác và một số cũng có những lựa chọn tắt đi tương tự, và cũng gặp vấn đề tương tự luôn. Dù đến khoảng năm 2017, Breath of the Wild đã nhẹ nhàng khắc phục những vấn đề này trong open world của game, nhưng thú thực thì đã bao game khác thực sự học hỏi từ Breath of the Wild? Không có con game nào, damnit. Open world sẽ còn tiếp tục dài dài trong thập kỉ 2020s này, nhưng đã đến lúc các AAA game cần xem lại cách thiết kế open world của họ (I’m watching you, Cyberpunk 2077).

Từ đồ họa còn vuông vức Deus Ex 2000…

…cho đến đồ họa bóng bẩy của Grand Theft Auto V PC 2015

Sự dè dặt của AAA game cũng một phần do đồ họa, Nếu những năm 2000, đồ họa 3D còn đầu vuông, hình thù thô ráp, vào năm 2009, đồ họa đã tái tạo được các nhân vật cử động đẹp đẽ dễ nhìn (đối với thời đó). Thời đó họ phải nghĩ đủ kiểu gameplay để thu hút gamer hơn. Dù AAA game không quên khoe mẽ về đồ họa qua từng năm, nhưng từ khi AAA game dường như coi đồ họa realistic là điều cần hướng tới, họ đạt được điều đó và từ đó, họ không còn quá nhiều đột phá nữa. Những năm từ 2010 – 2019 thì sao? Đồ họa tiến triển chậm chạp, dù model 3D có đẹp đẽ hơn vào năm 2019, nhưng thú thực là không nhiều sự khác biệt đột phá. Tôi mới chơi xong Star Wars: Jedi Fallen Order, đúng là game khá ấn tượng, nhưng sự khác biệt ở đồ họa nằm ở những detail quá nhỏ, khiến cho tôi đôi khi thấy game chả khác vẹo gì GTA 5 PC ra năm 2015.

Giờ đây sự so đo độ bóng bấy không còn là vấn đề to tát, mà khác biệt là Art Direction. Game: Control

Nhưng không phải vì vậy mà ta không có game mới đẹp hơn game cũ, mà tất cả giờ đây nó xoay quanh cụm từ Art Direction. Control của Remedy mới đây chẳng hạn, cái game tận dụng rất nhiều sức mạnh Ray Tracing, dù tôi thấy chả khác gì AC Sydicate ở dạng model, nhưng Art Direction của game mới là cái giúp làm game nổi bật trong hình ảnh, bằng cách sử cách tông màu rất tinh tế, kiến trúc mang âm hưởng của Brutalism. Hay như Dishonored mang phong cách vẽ sơn dầu vào thế giới game 3D, khiến game thực sự nổi bật về đồ họa.

AAA game 10 năm trở lại đây dường như đang cố gắng vất lộn với bản thân trong quá khứ, mắc kẹt với thiết kế open world và đồ họa realistic. Họ đang sợ hãi fan sẽ quay lưng với họ nếu như họ không làm tiếp Resident Evil, Devil May Cry, The Legend of Zelda, Super Mario, Assassin’s Creed, Far Cry, Final Fatansy… Có lẽ cũng vì thị hiếu game thủ giờ cũng đang nhớ nhung quá khứ khá nhiều, AAA game cũng đành phải chiều lòng họ. Theo ý kiến rất cá nhân thì tôi nghĩ có rất nhiều game AAA hay trong thập kỉ vừa rồi, nhưng để truyền cảm hứng thực sự thì lại rất ít, dù chúng có thể có những điểm yếu khá rõ ràng. Tôi có thể bắt đầu với:

Trông con boss đầu to vậy thôi chứ chém vài nhát chết ấy mà…

– Dark Souls (2011): “Khó như Dark Souls, người người Dark Souls, nhà nhà Dark Souls”. Thay vì chạy theo xu hướng khiến game dễ tiếp cận với người chơi hơn, Dark Souls sử dụng độ khó của mình để thỏa mãn người chơi, thỏa mãn cái sự chinh phục boss bằng năng lực bản thân. Nó cũng khiến người chơi thỏa mãn cái sự khám phá bí ẩn qua thiết kế map kiểu dạng Metroidvania và quan trọng nhất là truyền cảm hứng cho rất nhiều game học theo thiết kế combat của nó. Nếu cả thập kỉ qua, cứ đụng đến chữ khó, người ta lại nhắc đến Dark Souls, dù là game platform cho đến game có combat ở góc nhìn thứ 3.

– The Last of Us (2013): okay, nghe tôi này, nếu ai đã từng tiếp xúc tôi qua mạng xã hội ít nhiều, thì tôi khá là… không ưa The Last of Us. Ai chơi game nhiều thì cũng thấy mối quan hệ cha và con cũng được khai thác ít nhiều ở một số game, ví như cả dòng BioShock, Red Dead Redemption hay Telltale’s The Walking Dead chẳng hạn. Nhưng không game nào khiến mối quan hệ giữa cha và con trở nên thực sự nổi bật trước năm 2013, với The Last of Us. Đúng về game design thì The Last of Us không hoàn toàn là một cái tên nổi bật. Nhưng câu chuyện về mối quan hệ giữa Joel và Ellie thì khác. Là một trong những game nói mối quan hệ cha con, The Last of Us có thể không phải là cái tên đầu tiên làm về chủ đề này, nhưng ở đây nó làm chủ đề này trở nên nổi bật và đáng chú ý hơn rất nhiều so với những game trước nó, truyền cảm hứng cho rất nhiều game chung đề tài sau này.

Henry of Rivia…

– The Witcher 3: Wild Hunt (2015): Mặc cho những điểm yếu của game tôi nói ở trên, The Witcher 3 lại là một trong những game AAA lấy đề tài gia đình tôi thích nhất thập kỉ vừa rồi. Đúng, tôi vừa nói rằng The Witcher là một game tôi yêu thích nhất và nói rằng The Last of Us thì không dù chúng chung một đề tài. Vì The Witcher 3 cho tôi cảm giác lựa chọn và tin tưởng, The Last of Us thì không. The Witcher 3 là câu chuyện về Geralt of Rivia, nhưng là Geralt of Rivia của tôi, The Last of Us là câu chuyện của Joel và của riêng Joel. Bạn rõ rồi chứ? Okay, quay lại với The Witcher 3. Đây là tựa game AAA mà nhiều hãng khác nên xem xét lại cách xử lý content trong open world game. Main quest, side quest, witcher contract là những điều tuyệt nhất trong tựa game này. Chúng có thể trông vui vẻ ở bề mặt, nhưng đằng sau đó là một world building cực kì khủng, chúng kể chuyện những câu chuyện mà bạn không ngờ tới. Open world đôi lúc là không phù hợp với The Witcher 3 vì main story không cần đến nó, nhưng side quest và witcher contract thì có, chúng kể những câu chuyện nhỏ để giúp người chơi hiểu hơn về thế giới của The Witcher và có thế khiến bạn chia sẻ cảm xúc qua những câu chuyện nhỏ đó.


– The Legend of Zelda: Breath of The Wild (2017): Nếu open world là trend, thì chỉ có một và duy nhất game thực sự làm đúng về open world ở thập kỉ này, và đó là The Legend of Zelda: Breath of The Wild. Cách tiếp cận game phi tuyến tính, mọi thứ đều theo cách của bạn, tự do khám phá mọi vùng đất, và quan trọng nhất là leo trèo lục lọi mọi nơi. Nhiều người vẫn tự hỏi tại sao khám phá open world của BOTW lại cảm thấy tuyệt với đến như vậy, vì Nintendo biết bạn muốn chinh phục, biết bạn muốn đứng trên núi này ngắm lâu đài nọ, vì vậy họ cho bạn vừa đủ thông tin để bạn tự thân khám phá, cho bạn khả năng leo trèo mọi bề mặt chứ không để bạn quằn quại tìm một gờ tường quái quỷ nào đó để bám vào, từ đó tạo nên cảm giác không tốn nhiều thời gian để tìm đường khám phá mọi nơi. Vì vậy nếu giờ tôi mà nhìn vào một game open world nào đó, chắc chắn nó sẽ bị đem ra so sánh với BOTW.

Nhưng đôi khi cảm giác vậy vẫn chưa đủ “mới”, và đó là lúc indie game tỏa sáng.

Thập kỉ indie game tỏa sáng rực rỡ

Indie game thực ra không mới mẻ gì, nhưng khoảng vào cuối thập kỉ 2000, nhờ sự phát triển bùng nổ của các hệ thống bán game digital, game độc lập mới bắt đầu nhen nhóm trở lại dần dần. Indie game lại khá trái ngược với AAA game, họ không có nhiều tiền để làm game, nhưng họ lại mạo hiểm và liều lĩnh nhiều hơn, kiếm tìm những góc nhìn mới về video game, gameplay, art sáng tạo… Ở những năm đầu thập kỉ 2010s ta có thể nhắc tới Braid, FEZ, Super Meat Boy, Minecraft… Cuối thập kỉ này ta có Celeste, Untitled Goose Game, Disco Elysium, Sayonara Wild Heart… Mỗi game đều có một góc nhìn mới mẻ hơn, thú vị hơn, và kể các câu chuyện qua gameplay một cách độc đáo hơn. Và có lẽ vì thế tôi luôn tìm thấy bản thân mình thích thú với các trải nghiêm game indie hơn. Và bản thân tôi cũng tìm ra được một số game indie có nhiều ảnh hưởng nhất thập kỉ vừa rồi.

– Minecraft (2011): Yeah tôi biết nó có bản beta vào năm 2009, và tôi biết từ năm 2014 thì Microsoft đã mua lại cái game này. Nhưng thôi nào, ai cũng biết khởi nguồn của Minecraft là một indie game. Nếu có một game open world nào có thể sánh ngang hay thậm chí vượt lên trên Breath of The Wild, đó chỉ có thể lại Minecraft. Đồ họa Pixel, mọi thứ hầu hết là hình dạng khối lập phương, không tồn tại màn hướng dẫn nào cụ thể. Minecraft là một trong những game khiến người chơi tò mò và tìm hiểu dần dần, từng bước một khám phá mà không nhiều chữ lằng nhằng trong game. Chế độ Survival giúp cho người chơi tự tạo động lực khám phá, xây nhà và sinh tồn. Tôi không chắc lắm, nhưng có khả năng là chế độ này là lý do có nhiều game thuộc thể loại survival như hiện tại, điển hình có thể kể đến The Forest. Trong khi đó chế độ Creative cho người chơi sử dụng tòa bộ khối lập phương thỏa sức sáng tạo đủ mọi công trình. Nhưng thú thực, Minecraft không hợp để chơi một mình, nó là một game để chia sẻ với bạn bè, giúp đỡ hoặc chọc phá nhau, tất cả trong tiếng cười vui vẻ.

– Gone Home: Nhiều người cho rằng Gone Home sinh ra cái cụm từ “Walking Simulator” trong khi quên mất rằng “Walking Sim” Dear Esther đã xuất hiện từ năm 2012. Nhưng dù vậy, tôi nghĩ rằng sức ảnh hưởng của Gone Home lớn hơn, do tận dụng yếu tố kể chuyện trong môi trường một cách triệt để, và một câu chuyện dễ tiếp cận hơn. Mọi tương tác trong game là để phục vụ cho việc người chơi đắm chìm vào môi trường game vào hiểu rõ câu chuyện hơn. Câu chuyện nói về sự cô lập của một người con và tình yêu tuổi teen, là nguồn cảm hứng cho Life is Strange và nhiều game thuộc thể loại narrative focus và lấy chủ đề coming of age khác.


– The Witness (2016): Nếu như rất, rất, rất nhiều game đem đến cho bạn những con chữ, từ dạng hướng dẫn cho đến dạng world building cho story của game. The Witness đi ngược lại những điều đó. The Witness là game nói “f*ck the letter, f*ck the language”. Tựa game này là góc nhìn cá nhân của người chơi, là trải nghiệm của người chơi và mỗi lẫn hoàn toàn có thể cảm thấy khác. Không, The Witness không đưa cho bạn một câu chuyện cụ thể nào cả, việc duy nhất bạn cần làm là nhìn câu đố theo các góc độ và giải nó. Toàn bộ game không có một tí chữ nào (trừ khi bạn bật subtitle cho một vài video xuất hiện trong game), việc của bạn là chỉ chơi và cố hiểu nó đang truyền tải cái gì. Nếu bạn chưa hiểu nó đang truyền tải cái gì, bạn sẽ mất hàng đống giờ chơi để hiểu, còn nếu bạn đã hiểu rồi, 30 phút là hoàn thành game là hoàn toàn có thể. Video game giờ đây vẫn dựa vào chữ nghĩa và cutscene để nói lên quan điểm qua video game, The Witness giơ ngón giữa vào hai điều đó.

– What Remains of Edith Finch (2017): Khá là mỉa mai vì ở trên tôi vừa tung hô game không chữ nghĩa The Witness thì ở đây tôi lại đem một cái game lắm chữ xuất hiện ở đây. Nhưng thú thực, nếu Gone Home là bắt đầu của Walking Sim, thể loại game khiến bạn cảm nhận cảm xúc qua môi trường, thì What Remains of Edith Finch là đỉnh cao cho thể loại Walking Sim này. Chưa bao giờ người chơi sẽ cảm thấy cái chết của những con người vừa nên thơ, vừa đáng sợ như cách người chơi sẽ cảm nhận cái chết trong What Remains of Edith Finch.

Tất nhiên là mỗi năm có vô vàn indie game khác nữa, nhưng sự ảnh hưởng, theo tôi, có lẽ là không mạnh mẽ bằng. Hollow Knight mang lại sự mới mẻ đầy tuyệt vời cho dòng game Metroidvania. Limbo và Inside là hai minh chứng khác về cách làm game “câm”. Return of the Obra Dinn cho mọi người biết thế nào mới là cách làm game trinh thám thực thụ. Và gần đây là Disco Elysium thực sự làm tôi ngạc nhiên với writing cực kì tốt kết hợp với RPG system mà không cần đến combat. Kinh phí thấp có lẽ khiến nhiều dev indie cũng phải cố gắng tìm cách mới để truyển tải điều họ muốn nói qua video game thú vị hơn. Và giờ đây, rất nhiều game indie hiện tại tập trung vào narrative thay vì combat độc đáo. Có thể do tôi chơi nhiều game tập trung vào narrative hơn, nhưng thú thực, giờ đây tôi enjoy một game không có combat nhiều hơn là một game có bắn súng chíu chíu, chém nhau xoành xoạch.

Tôi cảm nhận về video game trong thập kỉ vừa rồi

Một trong những điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi nhìn vào thập kỉ vừa rồi là: IMMERSIVE SIM ĐÃ TRỞ LẠI, BOYS! Okay, hơi phản ứng thái quá. Nhưng thực sự, dù mới biết thể loại game Immersive Sim vào khoảng năm 2017, nhưng nó là một trong những thứ khiến tôi hứng thú nhất khi nói về video game. Tôi bàn luận, tung hô và viết một đống bài viết về trên web 3.5 này.

Tôi cũng bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về game, đặc biệt là thiết kế và phê bình, qua hai kênh YouTube tôi thích nhất là Game Maker’s ToolkitJoseph Anderson (tất nhiên là còn nhiều kênh khác cơ mà nói hai kênh tiêu biểu thôi à). Nhưng tôi cũng học được nhiều hơn từ những Writer ở đây. Anh Alex Vũ có những bài viết nói về video game cực kì chất lượng mà bạn có thể tìm thấy trên web 3.5 này hay trên Spiderum. Hùng Lý với hàng loạt bài The Witcher, hay Absolutely với rất nhiều bài viết có giọng văn cực kì thú vị… Và tất nhiên không thể không nhắc đến con người… không mang chút liêm sỉ nào tạo nên cái web 3.5 mà nhiều khi người đó cứ đinh ninh rằng đấy là web 4.0.

2020 rồi, tôi hy vọng gì? Chắc là nhiều game kì quái hơn từ cả AAA game lẫn indie game, nhiều bài viết hay ho hơn ở web 3.5, và mong admin kiếm lại chút liêm sỉ nào đó để writer còn có lý do mà ở lại. Thập kỉ vừa rồi, AAA game chơi an toàn, indie game liều lĩnh làm ra những con game kì quái, open world vẫn còn tiếp diễn, Dark Souls làm điên đảo cả ngành công nghiệp video game thập kỉ này… Một lời tóm gọn của tôi cho cả bài viết. Nhưng nếu tôi thực sự nhận xét về video game thập kỉ 2010s, nó có phát triển, nó khá là tốt, dù có thể không có nhiều tựa game lên được hàng classic như thập kỉ 2000s. Nhưng ai mà biết trước được điều gì đang ở phía trước tương lai 2020s?

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


8 cụng ly

  • - 13.01.2020

    good topic bro


    • Nemo Nobody - 13.01.2020

      Không biết bro là ai nhưng thanks :))


    • Hung Nguyen - 26.02.2020

      Không biết bác có hợp tác gì với bên Phê Game không nhưng thấy nội dung của video này giống bài viết tới 99%
      https://www.youtube.com/watch?v=MbI3vYMTO1w&t=36s


    • Nemo Nobody - 26.02.2020

      @Hung Nguyen Bài này mình đã cho bên Phê Game mượn dàn bài, miễn sao là credit mình là được, có vẻ bạn chưa đọc description của video đó


  • Không Hy Vọng - 13.01.2020

    Máy yếu toàn chơi indie, AAA cũng hay nhưng thị phần game online vẫn là cái gì đó bự với tôi (sorry, tôi không có thời gian chơi mấy game đồ sộ được).


    • Nhật Minh - 14.01.2020

      PC của tui cũng quá potato để được chơi Witcher và Sekiro, mà đó chắc cũng là 2 tựa AAA duy nhất mà tui muốn chơi thôi. Còn lại thì chắc tầm 20 game indie trên Steam rồi.


  • Nhật Minh - 15.01.2020

    bác cũng coi Joseph và Mark Brown mà không nhắc đến Hollow Knight nhỉ, đó là game mà cả 2 ông này đều dành lời khen đặc biệt nhất cho nó.


    • Nemo Nobody - 17.01.2020

      Một phần là mình chưa hoàn thành Hollow Knight và một phần bản thân mình không hoàn toàn 100% thấy ấn tượng.