Thứ Bảy rồi đúng không nhỉ, non-gaming day. Vì là chuyên mục lore của tôi tuần sau mới lên sóng nên hiện giờ chẳng có gì để viết. Game để review thì tạm chưa có, vì vậy tôi sẽ thực hiện cái âm mưu là khiến cho mọi người giác ngộ về sức mạnh của Thần Lực! Nói đùa thế thôi, căn bản là tôi muốn chém gió với mọi người chút về Star Wars, mặc dù tôi biết ở đây số người thích Star Wars chắc đếm trên đầu ngón tay quá, nhưng mà cứ đăng thôi cho nó xôm, đa dạng chủ đề thì càng tốt mà.
Jedi, có thể cho rằng họ quá thanh cao, quá chú trọng đến sự thuần khiết mà bỏ qua sự quan trọng của cảm xúc. Đúng, một phần là vậy, quá nhiều ánh sáng hay quá nhiều bóng tối cũng không tốt, đó là lý do tôi luôn thích cách làm của Grey Jedi hơn. Không có mặt sáng, cũng chẳng hề có mặt tối, chỉ có Thần Lực mà thôi, sự cân bằng là quan trọng nhất. Jedi đã sai ở chỗ muốn làm cái không thể – tiêu diệt hoàn toàn bóng tối, và kết quả thì sao? Anakin Skywalker sa ngã và trở thành Darth Vader một phần là do họ, Darth Sidious đã trỗi dậy và Jedi bị tuyệt diệt, đó chẳng phải là bi kịch lớn nhất của họ sao?
Nhưng nói gì thì nói, tại sao người ta luôn có cảm tình với các Jedi? Grey Jedi có thể rất được yêu thích, Sith có thể rất ngầu, nhưng Jedi mới là bên được yêu quý một cách đúng nghĩa nhất. Vì họ đại diện cho cái đẹp, cho cái tốt của thiên hà. Và một trong những Jedi được kính trọng nhất, hiển nhiên là Master Yoda.
Tám trăm năm dài ông huấn luyện các thế hệ Jedi, rồi lại nhìn từng người học trò của mình hòa vào Thần Lực. Tám trăm năm trau dồi, học hỏi, chiêm nghiệm về Thần Lực, có thể nói ít có Jedi nào hiểu về Thần Lực sâu như ông. Khi Luke tới gặp ông, ông đã thấy một cậu nhóc thiếu kiên nhẫn, quá nhiều cảm xúc, luôn nhìn đi quá xa mà không chú ý những cái trước mắt. Ông thấy Luke giống như cha cậu là Anakin ngày xưa, Yoda đã để mất Anakin, nhưng ông sẽ không để mất Luke. Ông chấp nhận những khuyết điểm của Luke… và của chính bản thân ông và con đường Jedi của mình, để dạy Luke về Thần Lực. Câu nói nổi tiếng nhất của Yoda: “Đừng có thử. Làm hoặc không làm chứ đừng có thử.” Vì sao? Vì khi con người ta đã nói là “tôi sẽ thử” thì có nghĩa là họ nghĩ mình sẽ thất bại, sẽ không thành công. Chưa làm đã lo bại, thì liệu có thể thành công chăng? Vì vậy, Yoda muốn Luke phải tự tin, phải tin vào bản thân cũng như tin vào Thần Lực. Và hãy làm, nếu không thì thôi, đừng bao giờ thử, vì thử nghĩa là sợ thất bại.
Master Yoda đã ngẫm về Thần Lực, ngẫm về con đường của Jedi hàng trăm năm, và sau sự sụp đổ của Jedi, ông càng ngẫm nhiều hơn. Con đường của Jedi mà ông hay các bậc tiền bối đã đi hàng ngàn năm có hoàn toàn đúng hay không? Có là chân lý không? Jedi, Sith, Grey Jedi, thật ra chẳng có nghĩa lý gì, chỉ có Thần Lực mà thôi. Yoda, tuy rằng đã sợ Luke sẽ sa ngã như Anakin, nhưng ông vẫn dạy Luke, ông không từ chối, hay cũng không nói “Ta sẽ thử dạy con”, ông dạy, ông dạy Luke những gì ông biết, không phải về Jedi, mà về Thần Lực. Không phải về bảy cách chiến đấu của lightsaber, mà là cách tự vệ. Không dạy tấn công, mà dạy phòng thủ. Ông dạy rằng kiên nhẫn, là chìa khóa của mọi thứ. Ông không dạy Luke phải từ bỏ tất cả những sự giận dữ hay cảm xúc của mình, mà phải biết điều khiển nó, đó mới là một Jedi thực thụ.
Bởi sau cùng, Jedi vẫn là những sinh vật có cảm xúc, họ chẳng phải thần thánh gì, từ bỏ tất cả cảm xúc là không thể. Cảm xúc, suy cho cùng quan trọng lắm chứ? Chẳng phải Luke thắng Vader nhờ cảm xúc mãnh liệt với em gái Leia đó sao? Chẳng phải Vader đã quay đầu nhờ tình cha con với Luke hay sao?
Và chẳng phải… Luke đã đối mặt với Kylo Ren… không, với Ben Solo cũng vì cảm xúc của ông với hy vọng của thiên hà đó sao? Yoda đã luôn dạy Luke phải biết nhìn những thứ ở gần, trước khi phóng tầm mắt ra xa, có nghĩa là hãy hiểu bản thân mình, trước khi cố hiểu người khác. Yoda, a great master, a true Jedi.
“Do, or do not. There is no try.”
Star Wars là vậy đó, không phải chỉ là một bộ phim sci-fi bình thường, nó chứa đựng bao chân lý, bao bài học. Ai đó bảo Star Wars chỉ là “một bộ phim vũ trụ bắn nhau ỳ xèo có mấy người cầm kiếm ánh sáng choảng nhau”, nghĩa là chẳng biết gì về Star Wars cả. Star Wars, nó là một vũ trụ, nó là một thế giới riêng, nó là một tôn giáo! Star Wars, đồng nghĩa với hy vọng, với niềm tin, với cái thiện. Cần gì bạn phải kiếm tìm một thứ sức mạnh siêu nhiên nào, khi mà Star Wars chính là “Thần Lực” chứ?
And may The Force be with you all.
P.S: Hỡi những kẻ lạc lối kia, giác ngộ sức mạnh của Thần Lực đi nào!