Quick time events – Cầu nối giữa Game và nghệ thuật thứ 7

Khách quen

  

Khi chúng ta lớn lên và trưởng thành, cùng với sự phát triển của xã hội cũng như đổi thay trong tính cách con người, áp lực cuộc sống xoay vần, lẽ dĩ nhiên con người ta sẽ từ bỏ một số thói quen cũ và dung nạp những sở thích, niềm đam mê mới. Đối với tôi, từ khi còn là một thằng nhóc thò lò mũi xanh lăng xăng theo ông anh trai để đòi cho được một món đồ chơi cho đến giờ khi đã trưởng thành có sự nghiệp, gia đình như bao người đàn ông trong xã hội, có một thói quen mà tôi vẫn giữ gìn, trân trọng và sẽ không bao giờ từ bỏ, đó là trải nghiệm các tựa game (mà ở đây là video games trên các hệ máy consoles nha). Game đối với tôi như một người bạn giúp tôi vui vẻ mỗi khi buồn hay gặp áp lực cuộc sống, lại đôi khi như một người thầy giúp tôi học hỏi được các kiến thức tự nhiên, xã hội một cách lí thú không gượng ép.

Chơi game đối với tôi thực sự là một hoạt động giải trí lành mạnh, bổ ích và thú vị cực kì. Cảm giác vượt qua được một con Boss khủng, giải được những câu đố hóc búa trên chặng đường phiêu liêu, hòa mình cùng nhân vật chính, trải nghiệm các cung bậc cảm xúc thật là đã. Mỗi khi đánh giá một tựa game có hay không, bạn thường nghĩ đến yếu tố gì đầu tiên, đó có thể là cốt truyện, có thể là gameplay, cũng có khi là tạo hình nhân vật. Với tôi, yếu tố thu hút giúp tôi lựa chọn một tựa game để chinh phục chính là Gameplay vì Game vốn dĩ sinh ra là để chúng ta tương tác mà chỉ đâu phải sinh ra để thưởng ngoạn suông đâu đúng không các bạn. Trong bài viết này, tôi sẽ đi sâu phân tích hệ thống Quick Time Events (QTE), thứ mà theo tôi là một bước tiến ngoạn mục giúp Game và Phim xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.

QTES – Cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa Game và Phim

Nếu lần mò ngược dòng quá khứ về thời kì đầu (Những năm 80) khi nền công nghiệp mới ra đời, hẳn chúng ta sẽ tìm thấy không nhiều những tựa Game có những đoạn Cut-scene (Những đoạn phim cắt cảnh vừa giúp Game thủ giải trí sau những giây phút hồi hộp, đau tim đấu trùm; cũng như giúp người chơi hiểu rõ hơn nội dung cốt truyện của Game). Hồi đó, Game nổi tiếng nhất có những đoạn Cut-scene xịn sò nhìn trông lung linh nhất chính là bộ ba trioly “Ninja Gaiden” nổi tiếng với anh chàng Ryu thoắt ẩn thoắt hiện cùng những kĩ thuật Ninpo ấn tượng. Tuy chỉ là những cảnh hoạt họa 2D thô cứng do hạn chế về công nghệ nhưng chúng luôn để lại trong tôi những cảm xúc bồi hồi khó tả.

Tới đầu những năm 2000, khi mà hệ máy Playstation 1 với sức mạnh phần cứng tối tân hơn ra đời, thì các nhà làm Game đã có thể hiện thực hóa ý tưởng cho ra lò những thước phim CGI thực sự chất lượng với độ chi tiết cao, mà đỉnh cao là những trường đoạn Cut-scene dài của Final Fantasy 8 & 9 (cho đến tận thời điểm hiện tại nếu bạn có lên Youtube Search thì tôi tin chắc bạn vẫn sẽ cảm thấy hài lòng khi xem những thước phim này). Những bản nhạc đượm buồn hòa cùng khung cảnh đẹp như ở chốn thần tiên và hình ảnh tình tứ lãng mạn của những cặp trai anh tài – gái thuyền quyên, tất cả đã tạo nên những phút giây xúc động, hào hùng cho Game thủ.

Thế rồi bước ngoặt của công nghệ cuối cùng cũng đến, đó là thời khắc chiếc máy PS2 ra đời đánh dấu một bước đột phá lớn trong nền công nghiệp Game. Người chơi giờ đây không chỉ xem một cách thụ động các đoạn Cut-scence nữa mà có thể tương tác trực tiếp vào chúng thông qua hệ thống QTES. Điều này sẽ giúp chúng ta cảm nhận được Game sâu hơn, cũng như tăng tính hành động và độ chất, độ thật của Game hơn bao giờ hết. QTES bản chất là một tổ hợp các nút hiện ra rất nhanh trên màn hình và yêu cầu người chơi thực hiện một cách chính xác để nhân vật chính thực hiện một hành động đặc biệt nào đó. Game đầu tiên đi tiên phong trong việc cho ra đời hệ thống này chính là Huyền thoại trứ danh trong ngôi đền linh thiêng của thế giới Game – God of War với bản game đầu ra mắt vào năm 2015.

Việc trải nghiệp những pha nhào lộn tránh đòn thoát chết trong gang tấc, hay những đòn combo dài bất tận nếu như trước đây rất khó để cảm nhận được một cách rõ nét thì giờ đây với QTES chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được độ chân thực, bạo liệt một cách sắc nét. Ví dụ điển hình là khi Kratos giằng co với quân địch trong một pha chiến đấu kịch tính thì Game sẽ yêu cầu bạn bấm liên tục một nút để giúp anh chàng đẩy đối thủ ra và kết liễu hay những cảnh đu bám chuyền từ cây cột này sang cây cột khác để nhảy tránh, di chuyển sang địa điểm mới hoặc mà cuối kinh điển chạy thoát bình yên sau khi phá hủy một khu vực hoặc tiêu diệt một boss nào đó.

Theo tôi thấy, các nhà làm Game đã thông qua hệ thông QTES để mô phỏng các cảnh khốc liệt chiến trường rất tốt. Về mặt này, tôi thấy có khi Game còn nhỉnh hơn Cinema một bậc ấy chứ vì nếu xem phim, ta sẽ chỉ thụ động cảm nhận được độ gay cấn thông qua thị giác và thính giác mà thôi, tuy nhiên trong Game, chúng ta còn được cảm nhận thông qua xúc giác là tay cầm nữa, nên độ hồi hộp sẽ được tăng cường thú vị lên gấp bội.

Kratos cùng những pha QTES bạo liệt đậm chất hành động

PS2 đã khởi đầu hay là thế vậy khi PS3 và các hệ máy sau này xuất hiện nữa thì không biết cấp độ chân thật của QTES sẽ được thế nào đây? Câu trả lời là trên cả tuyệt vời. Tôi đã từng há hốc mồm ngạc nhiên khi điều khiển Nathan Drake săn tìm kho báu trong series Game “Uncharted”. Trong game này, QTES không còn chỉ dừng lại ở việc căn đúng thời điểm, bấm nút chính xác nữa mà các nhà làm Game còn tận dụng cả việc điều khiển tay cầm khéo léo nữa. Ví dụ như khi Nathan phải đi qua một thân cây để sang đầu bên kia thì chúng ta sẽ phải cầm chắc tay cầm và đảo qua đảo lại chỉnh hướng lấy thăng bằng cho anh chàng thợ săn kho báu này đi qua, hoặc khi ném lựu chúng ta cũng sẽ sử dụng tay cầm để xác định vị trí cần quăng.

Đến đây, tôi đã nghĩ rằng chắc QTES đã phát triển tới giới hạn cuối cùng của nó rồi, cơ mà hóa ra “bé cái lầm”, sức sáng tạo của con người quả là vô biên các bạn ah. QTES tiếp tục được đẩy tới giới hạn mới. Ngày nay, chúng ta còn có những tựa game được chơi hoàn toàn dựa vào QTES luôn, tiêu biểu như là Heavy Rain, nơi mà bạn hoàn toàn được chìm đắm vào một không gian Cinema thứ thiệt khi mà đồ họa thì tuyệt đẹp, còn cách chơi có thể nói là tả thực nhất có thể với các hành động vô cùng thú vị như đánh răng thì lắc tay cầm qua lại, lên xuống,…

Heavy Rain – Đỉnh cao của nghệ thuật QTES

Tổng kết lại, có nhiều ý kiến trái chiều về việc các nhà làm Game đang tận dụng tốt QTES hay là đang lạm dụng tính năng này trong Gameplay, nhưng đối với tôi QTES thực sự rất ấn tượng và tôi sẽ vẫn luôn thích được trải nghiệm nó mỗi khi chơi game. QTES thực sự đã kéo gần ranh giới giữa Game và Phim thông qua việc lột tả độ chân thực của từng cảnh hành động trong Game. Một món ăn ngon không thể chỉ dựa vào độ tươi của nguyên liệu và hình thức trình bày mà nó còn cần phải được nêm nếm gia vị vừa đủ nữa. Game cũng vậy, QTES chính là thứ gia vị tuyệt hảo để làm cho mỗi tựa Game trở nên chân thực, gần gũi hơn với các Game thủ.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện