Itto – Chàng cầu thủ nhóc con nhưng cá tính mạnh nhất làng manga

Khách quen

  

Ở các bài viết trước mình đã có dịp giới thiệu tới các bạn những tác phẩm manga xuất sắc thuộc nhiều thể loại khác nhau như: hành động, trinh thám, xã hội băng đảng. Tuy nhiên, thế giới manga đầy ma lực, sống động ấy còn tồn tại một thể loại manga lý thú không thể ngó lơ đó là dòng manga thể thao với những đại diện tiêu biểu: Captain Subasa, Slam Dunk,….Những tên tuổi mà mình vừa đề cập đã và vẫn đang là những tượng đài của dòng truyện này tại quê nhà Nhật Bản và trên thế giới. Ấy vậy mà ở VN thì chưa chắc nha, bộ truyện nổi tiếng nhất về thể thao mà đến bây giờ những ai thuộc thế hệ 8x 9x và kể cả thế hệ sau này biết đến nhiều nhất, nổi tiếng nhất thì lại không phải là những cái tên kể trên mà là một cái tên khác: “Đường dẫn đến khung thành” hay sau này được tái bản với cái tên gốc “Itto”. Vậy lý do gì mà một bộ manga vốn không gặt hái được quá nhiều thành công, cũng như sự nổi tiếng trên trường quốc tế nhưng được giới hâm mộ Việt đánh giá rất cao, luôn lọt top những “hàng hiếm” mà bất cứ một tay sưu tầm truyện tranh sành sỏi nào cũng muốn có. Cùng mình tìm hiểu về chàng tí hon quậy phá này nhé.

1) Nhân vật chính “độc nhất vô nhị” trong làng túc cầu  

Nếu như đọc Subasa, các bạn sẽ tìm thấy một nguyên mẫu kinh điển mà người Nhật luôn hướng đến, đó là mẫu người trách nhiệm, dũng cảm, quyết tâm cao độ, không quản ngại vượt mọi khó khăn, chướng ngại để vươn tới ước mơ, đỉnh cao mà mình muốn hướng tới. Nhân vật chính Captain Subasa được miêu tả khá sát với hành trình thành danh của những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ngoài đời thực của Nhật Bản như: Nakata hay Kagawa. Đến với Itto, các bạn sẽ được trải nghiệm một cuộc đời trưởng thành, phát triển sự nghiệp quần đùi áo số của một cầu thủ cũng tạm gọi là chuyên nghiệp nhưng mà nó lạ lùng, phá cách vô cùng luôn, đó là cuộc đời của nhóc Itto. Chàng trai nhí nhố Itto của chúng ta không được sống trong nhung lụa hay một gia đình bình thường như bao cậu bé cùng tuổi khác. Có lẽ chính xuất thân kì lạ này đã phần nào tạo tiền đề cho tính cách ngổ ngáo, ngang tàng của cậu ta. Mẹ mất sớm, Itto sống cùng người cha vô công rồi nghề, rất ham thích phát minh cơ mà những thứ ổng nghĩ ra thì một là vô dụng hai chỉ là nhằm mục đích lừa tiền người ta mà thôi chứ chả có ích lợi gì cho xã hội cả. Thế rồi câu chuyện của chúng ta bắt đầu bằng chuyến khởi hành về cố hương mặt trời mọc “Nhật Bản” của 2 bố con Itto từ Hồng Kông. Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa chàng ta với người bạn không đội trời chung Kazuma (Yara trong bản dịch đầu) đã mở ra một chân trời mới, một ước mơ khát vọng với trái bóng tròn tưởng chừng không bao giờ có trong khái niệm cuộc đời của Itto.

2) Những trò quậy tung trời cả trong lẫn ngoài sân cỏ mang thương hiệu Itto

Sức hút của Itto không phải đến từ những tuyệt chiêu “sút chưởng” như của Subasa hay bản lĩnh của người đội trưởng mà đến từ những tình huống nghịch ngợm, dở khóc dở cười lý thú ngoài sức tưởng tượng của chàng lùn mã tử. Đầu tiên, cái tính nóng nảy luôn là nguồn cơn của mọi chuyện. Itto được tác giả khắc họa là một nhân vật nóng tính và động cái là đòi dùng Kung Fu (thứ mà sau này hóa ra không chỉ dùng để tự vệ mà nó còn hữu dụng cả trong bóng đá nữa) để trả đũa đối phương. Chính thế mà cậu nhóc này luôn có khả năng gây thù chuốc oán với một lượng kha khá địch thủ tới từ các đội bóng đối thủ của trường Seiga. Một trong những màn đánh đấm đã mắt và thú vị nhất mà mình ấn tượng trọng truyện là màn song long kết hợp giữa Kazuma và Itto đối đầu với Soken một tên học sinh với thân hình hộ pháp chuyên đi bắt nạt người khác. Chiêu mượn vai kẹp cổ hất đối phương té nhào quả là xuất sắc trong làng võ. Một tình tiết nữa mà mình cũng không thể nào nhịn cười là màn Itto bị tên Rhino cùng đồng bọn đánh hội đồng và nhốt vào trong tủ đựng quần áo. Đoạn này có một câu mà đến giờ mình vẫn nhớ mãi “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại là xơi ngon mày” ám chỉ một cây chổi thì không thể đánh bại được itto nhưng mà với ba cây cùng tẩn thì đến sư phụ Itto cũng phải chào thua. Ngoài sân cỏ đã náo loạn thì trong sân cỏ cũng không bình yên được với itto khi cậu ta liên tục dùng những chiêu võ thuật như: kinh công bích hổ du tường…để thực hiện những pha qua người ở đẳng cấp mà chắc cỡ siêu sao CR7 cũng ngả mũ thán phục sát đất. Bên cạnh đó vì mục đích tham gia bóng đá lúc đầu chỉ là để giành ghế đội trưởng của Kazuma ngồi chơi cho mát hay để thể hiện cá tính của mình thôi chứ không có được đào tạo bài bản gì nên cậu chàng luôn có những pha ghi bàn gây cười nghiêng ngả như việt vị rồi vẫn ghi bàn, hay trọng tài chưa nổi còi phát bóng lên thì Itto đã nhanh nhảu bay lên tung cước vào bóng để ghi bàn,…

3) Những cú sút chưởng hay nhưng không đến nỗi quá vô lý 

Để câu chuyện có sức hút lớn hơn với độc giả, cũng như tạo điểm nhấn cho mỗi trận đấu thì tác giả đã khéo léo lồng ghép vào từng trận đấu những yếu tố phi thực tế được cụ thể hóa bởi những cú sút chưởng của một số cầu thủ ngôi sao trong truyện. Theo như mình thấy thì các cú sút của subasa có phần hơi ảo ma quá, đúng là chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng phong phú của các mangaka, nhưng mỗi cú sút tuyệt chiêu trong itto thì ngược lại được tác giả đầu tư chăm chút kĩ lưỡng hơn với những phần giải thích về vật lý có vẻ rất thuyết phục người đọc. Ngoài ra, một số cú sút còn có phản ứng ngược làm hại cầu thủ nếu như bị làm dụng quá đà, điển hình như cú sút đạp bóng của anh chàng da đen Siri. Những tuyệt kĩ đặc biệt này đã đem tới những gam màu nhấn nhá hay cho cốt truyện, khiến cho mỗi cuộc đối đầu giữa các đội trở nên gay cấn hơn, đồng thời nó cũng là chất xúc tác, tiền đề cho một số màn tạo tiếng cười của Itto khi anh chàng cứ thấy đội bạn có gì hay ho là bắt chước y chang liền.

4) Sự phát triển trong tính cách nhân vật rõ ràng

Từ một cậu nhóc chơi bóng chỉ để cho vui, thỏa mãn trí tò mò của bản thân cho đến việc suy nghĩ nghiêm túc về việc phát triển sự nghiệp quần đùi áo số chuyên nghiệp. Trải qua từng chapter, nhân vật càng trưởng thành hơn, lối đá được định hình sắc nét. Từ việc sử dụng những kĩ thuật kung fu tinh nghịch cho đến những pha đi bóng chính thống, con đường phát triển bóng đá của Itto không hề được xếp đặt trước mà nó tới một cách tự nhiên. Trải qua hai phần truyện, tính cách của Itto cũng có sự đổi thay. Thay vì nóng nảy, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với tất cả những ai mình không thích (thi thoảng trọng tài cũng bị đánh oan). Đến phần sau của bộ truyện Itto đã không còn những hành động xốc nổi này nữa, độ hài hước vẫn còn nguyên nhưng cái đầu đã bớt nóng đi rất nhiều.

Thật đáng tiếc khi một siêu phẩm hài hước, dí dỏm và hay như vậy lại không có được cơ hội kéo dài như các bôj manga cùng thể loại khác. Một sự thật khá phũ phàng rằng mặc dù là bộ truyện luôn đứng top đầu, cũng như độ hot khỏi phải bàn ở Việt Nam, nhưng tại quê nhà, bộ truyện lại không có nhiều đất diễn. Các độc giả Nhật Bản có vẻ không mặn mà lắm với anh chàng Itto ngổ ngáo, không giống ai mà lại thích kiểu bóng đá nghiêm túc như Subasa hơn, nhưng mình hy vọng rằng tác giả Motoki Monma sẽ không vì thế mà bỏ cuộc để một ngày nào đó chúng ta lại được trải nghiệm những phút giây quấy phá, hài hước của Itto.

 

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện